Siết ô tô nhập để tăng chất lượng phục vụ

Kinh tếThứ Bảy, 28/05/2011 08:25:00 +07:00

(VTC News) – Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, việc ban hành Thông tư số 20/TT-BCT ngày 12/5 vừa qua là nhằm lành mạnh hóa thị trường.

(VTC News) – Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, việc ban hành Thông tư số 20/TT-BCT ngày 12/5 vừa qua là nhằm lành mạnh hóa thị trường, tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng và đời sống nhân dân.

Trả lời báo chí về việc ban hành Thông tư 20/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại dưới 9 chỗ ngồi trở xuống có thể khiến hàng loạt DN nhập khẩu ô tô trong nước phá sản, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương không có biện pháp hạn chế thương mại, khống chế số lượng, định lượng và các quy định trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà chỉ đưa ra quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường, tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng và đời sống nhân dân và thực thi các biện pháp đảm bảo người tiêu dùng và an toàn giao thông.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên  
“Việc truy suất nguồn gốc hàng hóa không chỉ yêu cầu do Việt Nam đặt ra mà các thị trường lớn cũng đặt ra yêu cầu rất khắt khe với hàng xuất khẩu Việt Nam. Ví như mặt hàng gỗ sang EU, phải có giấy chứng nhận hàng xuất khẩu, phải chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác từ đâu, bao giờ… EU cũng truy suất thủy sản của Việt Nam như nuôi hồ ao nào, chất lượng ra sao… Những yêu cầu đưa ra với ô tô nhập khẩu rất tối thiểu trong các yêu cầu về nhập khẩu mà thời gian qua chúng ta chưa thực hiện nghiêm túc. Ví dụ như khi nhập xe ô tô Toyota bị lỗi chân ga, các nhà nhập khẩu không chịu trách nhiệm, không bảo hành sửa chữa những xe đó bởi họ chỉ là nhà nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn giao thông Quốc gia. Quy định này chỉ làm lành mạnh hóa thị trường. Doanh nghiệp nào muốn kinh doanh thì phải đáp ứng quy định của Nhà nước.


Hiện Việt Nam có khoảng 1.700 doanh nghiệp, mỗi năm nhập khẩu khoảng 30.000 xe dưới 9 chỗ, mỗi năm một doanh nghiệp nhập khẩu 20 chiếc, mỗi tháng nhập khẩu khoảng 2 chiếc. Như vậy, hoạt động nhập khẩu quá manh mún trong khi có quá nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu và phân phối ô tô nên sự điều tiết thị trường lúc này là cần thiết.

Chúng ta nên tiến tới giai đoạn có những nhà nhập khẩu, phân phối, bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng không chỉ với sản phẩm mà cả khâu hậu mãi, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng sau khi đưa sản phẩm ra thị trường. Thị trường cần sàng lọc, giảm bớt đầu mối, tăng chất lượng dịch vụ và nguồn gốc xe cộ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và an toàn giao thông quốc gia”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn đối với đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài và thủ tục xin giấy chỉ định của các nhà phân phối, nhà sản xuất cho doanh nghiệp nhập khẩu. Đây là những thủ tục đơn giản trong quy định của Luật thương mại đối với các sản phẩm được uỷ quyền của chính hãng hoặc nhà phân phối chính hãng.

Theo giới kinh doanh ôtô nhập khẩu, quy định mới này của Bộ Công Thương là một trong số hàng rào kỹ thuật tương đối hiệu quả để hạn chế nhập siêu, tác động trực tiếp đến khối doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu không chính thức. Bởi lẽ sẽ không hề đơn giản để doanh nghiệp có được các loại giấy tờ theo quy định tại thông tư này.  Và với quy định này, các nhà nhập khẩu xe chính hãng tại Việt Nam sẽ không phải bận tâm nhiều đến việc cạnh tranh với các nhà nhập khẩu độc lập như hiện tại.

Thông tư 20/TT-BCT quy định, thương nhân nhập khẩu ôtô loại dưới 09 chỗ ngồi khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành phải nộp bổ sung 01 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân đối với Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở ngước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.  

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải nộp 01 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân đối với Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Được biết, hoảng 50 doanh nghiệp nhập xe tại Hà Nội đã nhóm họp và cùng ký vào đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xin Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương dừng áp dụng Thông tư trên. Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Tư pháp - Hồ Hùng Cường, các doanh nghiệp này bày tỏ sự hoang mang và lo ngại về khả năng hàng chục nghìn lao động không bị mất việc làm; hàng nghìn tỷ đồng do các doanh nghiệp đã đầu tư vào hệ thống showroom bán hàng, hệ thống xưởng sửa chữa - bảo hành không phải phá bỏ.

 
Các doanh nghiệp này cũng nêu ra 9 điểm được họ cho là bất cập trong việc thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát hay vì quyền lợi của người tiêu dùng của thông tư 20 cũng như những khó khăn mà hàng nghìn doanh nghiệp gặp phải cùng sự lãng phí hàng nghìn tỷ đồng một khi các doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa.
 
Theo các doanh nghiệp này, thông tư 20 là một hình thức bảo hộ cho các thành viên VAMA, giúp các liên doanh này “nuốt trọn” thị trường xe Việt Nam, khiến giá xe trong nước bị đẩy lên cao đồng thời khuyến khích thị trường xe cũ khi mà thông tư chỉ áp dụng với xe nhập mới từ 9 chỗ trở xuống.

Châu Hải Băng – Hoàng Anh



Bình luận
vtcnews.vn