Mua sắm dịp 30/4 không sợ thiếu hàng

Kinh tếThứ Sáu, 29/04/2011 07:07:00 +07:00

(VTC News) - Các siêu thị và Trung tâm mua sắm đã sẵn sàng cho một dịp mua sắm mạnh như dịp lễ 30/4 - 1/5.

(VTC News) – Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho biết, đã sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ người dân mua sắm dịp 30/4 – 1/5 tới với mức giá ổn định và nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích thích mua sắm dịp nghỉ lễ. 

Nguồn hàng dồi dào chờ 30/4

 

Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart, cho biết từ cuối tháng 3 đến nay, bà nhận được hàng chục công văn đề nghị tăng giá của rất nhiều nhà cung cấp. Để tránh tình trạng tăng giá đột ngột cho người dân, siêu thị phải liên tục đàm phán với các nhà cung cấp để có được mức giá ổn định và hợp lý nhất trong tình hình lạm phát hiện nay. Trong số khoảng 20.000 mặt hàng của Fivimart thì có nhiều mặt hàng đã phải tăng giá từ 5 – 10%, chủ yếu là hàng tiêu dùng thông dụng.

 

Tuy nhiên, bà Hậu cho biết, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào từ cách đây nửa tháng vì vậy sẽ không có việc cháy hàng hoặc “đứt” hàng trên toàn hệ thống Fivimart.

Các siêu thị đều đã sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ 30/4 - 1/5 (Ảnh internet) 

Trao đổi với PV VTC News, đại diện truyền thông của siêu thị Big C cũng cho biết việc Big C phải thông báo với người tiêu dùng về tình trạng khan hiếm hàng hóa là để đảm bảo quyền lợi cho các bên: gồm nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Tuy vậy, phía Big C vẫn đang cố gắng thương lượng với các nhà cung cấp để tìm được mức giá hợp lý hoặc tìm được mặt hàng khác thay thế.

 

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nhân dịp lễ 30/4, Big C đã tăng lượng dự trữ hàng hóa lên 30%. Cẩn thận hơn, siêu thị này cũng đã bố trí các dịch vụ như thu ngân, giao hàng miễn phí, dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, vệ sinh, an ninh,… được tăng cường. Đặc biệt, tại những nơi có dịch vụ xe buýt Big C miễn phí như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng siêu thị đã bố trí phương án dự phòng để sẵn sàng tăng chuyến, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù đối mặt với không ít khó khăn về giá, các siêu thị vẫn cố gắng điều chỉnh lợi nhuận để tung ra các chương trình khuyến mãi dịp lễ 30/4 – 1/5. Chiêu khuyến mãi giảm giá từ 5 – 50% cho hơn hàng nghìn mặt hàng kèm nhiều quà tặng hấp dẫn vẫn là hình thức hiệu quả được nhiều siêu thị lựa chọn.

 

Bà Mai Thị Liên – Giám đốc Công ty siêu thị Hapro, cho biết Hapro đã áp dụng các chương trình bán hàng về tại địa phương từ trước dịp 30/4. Các chương trình này vừa đảm bảo phân phối  hàng đến được người dân ở các vùng ngoại thành, vừa tránh tình trạng quá tải tại các điểm mua sắm vào đúng những ngày nghỉ. Những ngày tới, các mặt hàng có thể gia tăng mạnh như sữa, đồ uống, thực phẩm, quạt điện… đã được Hapro chủ động dự trữ nguồn hàng dồi dào. Việc tăng giá của các nhà cung cấp, theo bà Liên không quá ảnh hưởng tới nhà phân phối vì bao giờ cũng có lộ trình tăng, thường là 30 ngày để kịp dự trữ và điều chỉnh dần dần tới người tiêu dùng.

 

Một nhà cung cấp mặt hàng bếp gia dụng cũng trần tình: “Phải đề nghị tăng giá với những khách hàng ruột như các siêu thị là việc “chẳng đặng đừng” đối với chúng tôi. Các chi phí đầu vào tăng cao nên dù muốn đảm bảo hòa vốn chúng tôi cũng không thể nào không tăng giá”.

 

Nhà cung cấp này cũng cho biết, nhập thêm các mẫu hàng mới để thay thế hàng cũ mà giá không đổi cũng là cách để duy trì quan hệ với bạn hàng”.

 

Giá thị trường tự do đã giảm nhiệt

 

Trước việc “bão giá” hiện nay, nhiều siêu thị đã cẩn trọng hơn với việc tăng giá các mặt hàng khi có những điều tra thăm dò giá các mặt hàng tiêu dùng khác ở ngoài thị trường. Chị N.P – phụ trách siêu thị Unimart – Hà Nội cho hay: Trước đây, các siêu thị ít khi phải làm động tác này vì người tiêu dùng đã ngầm hiểu với nhau rằng giá trong siêu thị cao hơn bên ngoài một chút cũng là chuyện bình thường. Chưa kể, thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng trong siêu thị còn có giá thấp hơn ngoài thị trường tự do.

Các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại chợ đã giảm nhiệt và ổn định hơn từ 2 tuàn trở lại đây (Ảnh minh họa) 

“Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay khi người tiêu dùng thắt chặt hơn trong chi tiêu, các siêu thị cũng vào cuộc đua giành thị phần nên việc phải đi tham khảo giá thị trường bên ngoài trước khi điều chỉnh giá là hành động tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng”, chị N.P cho hay.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi tăng giá mạnh mẽ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 thì 2 tuần trở lại đây, giá các mặt hàng ngoài thị trường tự do cũng đã giảm nhiệt và ổn định hơn. Điều này bắt nguồn từ việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì vậy các mặt hàng đã giảm từ 10 - 20% so với thời kỳ cuối tháng 3.

 

Mới đây, nhằm bình ổn giá thị trường trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội đã quyết định chi tiếp 475 tỷ đồng để dự trữ 10 mặt hàng nhằm bình ổn giá. Theo đó, thành phố sẽ căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng và thực tế thị trường để phân bổ số lượng cho các vùng, đối tượng sao cho phù hợp. Thời gian ứng vốn từ tháng 5/2011 đến hết tháng 4/2012. Vì vậy, giá các mặt hàng tiêu dùng như gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, dầu ăn, đường, giấy viết… trong thời gian tới sẽ vẫn đảm bảo giá ổn định. 

Người dân tiếp tục hưởng mức giá bình ổn 10 mặt hàng

Trên tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội thì 10 mặt hàng dưới đây sẽ có giá bình ổn từ tháng 5/2011 như sau: (Mặt hàng/giá/khối lượng dự trữ)

Gạo tẻ thường, giá 13.000đ/kg với 6.400 tấn; Thịt lợn, giá 70.000đ/kg với 1.350 tấn; Thịt gà, vịt, giá 85.000đ/kg với 500 tấn; Trứng gà, vịt, giá 2.500đ/quả với 2 triệu quả; Thủy hải sản, giá 74.000đ/kg với 800 tấn; Thực phẩm chế biến, giá 75.000đ/kg với 1.280 tấn; Dầu ăn, giá 37.000đ/lít với 800.000 lít; Đường RE, giá 22.000đ/kg với 250 tấn; Rau củ, giá 14.000đ/kg với 2.5000 tấn; Giấy vở học sinh, giá 7.000đ/tập với 1,35 triệu tập. 

Nguyễn Hường

 

Bình luận
vtcnews.vn