Nghìn lẻ lý do để du lịch “tại gia” dịp lễ 30/4

Kinh tếThứ Hai, 25/04/2011 01:03:00 +07:00

(VTC news) - Nhiều người chọn cho mình những lý do rất riêng để kỳ nghỉ nhân dịp lễ 30/4 và 1/5 trở thành kỳ nghỉ ý nghĩa và ít tốn kém nhất.

(VTC news) – Năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày nên nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đặt được tour theo đúng ý và không phải ai cũng hào hứng cho kỳ nghỉ này, nhất là trong điều kiện “bão giá” hiện nay.

Giữ tiền, dành chi tiêu cho việc lớn

Nhiều gia đình công chức có thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng thì việc đi du lịch vào những ngày này không phải là vấn đề quá lớn lao phải cân nhắc. Anh Vinh (Đống Đa, Hà Nội) làm một phép tính đơn giản: “Gia đình có 4 người, đặt 4 suất tour chặng nội địa ngắn cũng hết chục triệu rồi. Chưa kể những chi phí phát sinh đi kèm thì đầu tư cho chuyến du lịch 4 ngày cũng hết tháng lương của 2 vợ chồng. Vậy tháng sau sẽ lại phải tính toán đảm bảo cho con cái học hành, sinh hoạt gia đình không chật vật”. Vì vậy, vợ chồng anh quyết định sẽ biến kỳ nghỉ 4 ngày bằng cách về quê Hưng Yên hưởng “hương đồng gió nội”.

Anh Vinh cho biết, 3 bố con đã lên kế hoạch mua cây giống, dụng cụ về cải tạo mảnh vườn nhỏ ở quê để cho các con tập làm “nông dân”.

"Về quê" để hưởng "hương đồng gió nội" và cho trẻ em được tiếp xúc với ruộng lúa, vườn rau là lựa chọn của nhiều ông bố bà mẹ (Ảnh minh họa)  

Tương tự như vậy, chị Trang (Gia Lâm, Hà Nội) sẽ dành tiền đi du lịch để tân trang lại căn phòng nhỏ cho cô con gái chuẩn bị vào học lớp 1. Chị chia sẻ: “Với khoản tiền hơn chục triệu đi du lịch thì vợ chồng tôi có thể tặng cô con gái một căn phòng riêng để cháu học tập, thấy ý nghĩa hơn nhiều”. Chị cũng đã lên kế hoạch để cả chồng và con cùng tham gia việc sửa sang này trong mấy ngày nghỉ.

Tương tự như vậy, chị Trang (Gia Lâm, Hà Nội) sẽ dành tiền đi du lịch để tân trang lại căn phòng nhỏ cho cô con gái chuẩn bị vào học lớp 1. Chị Trang chia sẻ: “Với khoản tiền hơn chục triệu đi du lịch thì vợ chồng tôi có thể tặng cô con gái một căn phòng riêng để cháu học tập, thấy ý nghĩa hơn nhiều”. Chị cũng đã lên kế hoạch để cả chồng và con cùng tham gia việc sửa sang này trong mấy ngày nghỉ.

Nhóm sinh viên của Huyền (Đại học Dân lập Thăng Long, Hà Nội) cũng cho biết, mọi năm cả nhóm thường có kế hoạch đi “du lịch bụi” nhưng năm nay giá cả đắt đỏ nên nhóm của cô sẽ tổ chức về quê một vài người trong nhóm để vãn cảnh. Tiền đi du lịch sẽ tiết kiệm ra được một khoản để chuẩn bị đối phó với các kỳ thi cuối năm.

Giá tour tăng, dịch vụ du lịch bát nháo và “chặt chém”

Nghĩ lại “thảm cảnh” đi du lịch Hạ Long vào dịp 30/4 năm ngoái mà anh Mai Văn Anh (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) vẫn không khỏi “rùng mình”. Anh nhớ lại cảnh nhồi nhét trên xe khách, chật vật chạy đi thuê phòng nghỉ với giá “cắt cổ” và việc phải “nịnh bợ” ông chủ nhà hàng để có được đồ ăn. Anh Mai Anh nói: “Từ chuyến đi năm ngoái, tôi và gia đình đã có một “lời thề” là không bao giờ đi du lịch vào những dịp lễ, tết nữa. Giá tour thì tăng vùn vụt mỗi ngày, tự đi thì lại phải chịu cảnh “giá trên trời”. Năm nay cả nhà tôi ở nhà, tự tìm những thú vui riêng như tụ tập anh em, họ hàng ăn uống, hát karaoke, nghỉ ngơi quanh Thủ đô …”

Nhiều tour như tour Sapa đã khóa sổ từ nhiều tuần trước. Nếu đi du lịch bụi dịp 30/4, 1/5 du khách sẽ bị “chặt chém” từ giá tàu, xe đến nhà nghỉ (Ảnh minh họa). 
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá các tour du lịch đến thời điểm này đều tăng từ 30 – 50%, nhiều tour như Đà Nẵng, Sapa… đã khóa sổ từ hàng tuần trước. Giá phòng và dịch vụ tại các địa phương cũng báo “cháy” và đều tăng không dưới 50%. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách không đặt được tour theo đúng lịch nghỉ. Mặt khác, mỗi dịch vụ đều tăng giá khiến giá của trọn tour tăng cao nên nhiều người đã từ bỏ ý định đi nghỉ dịp 30/4.

Các sản phẩm du lịch tẻ nhạt

Ngoài một số tour lễ hội đang quảng cáo khai màn rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (diễn ra trong 2 đếm 29 và 30/ 4) ở Đà Nẵng; Lễ hội Carnaval và Tuần Du lịch Hạ Long-Quảng Ninh 2011 (từ 28/4 đến 2/5); Tuần Văn hóa Du lịch Sa Pa 2011 khai mạc vào tối 30/4...thì phần lớn các điểm du lịch khác đều không có chương trình nào hấp dẫn. Du khách không có nhiều sự lựa chọn cho các điểm đến khác như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…Tại các điểm này cũng chỉ có các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ đơn giản mà không có chương trình vui chơi văn hóa nghệ thuật nào hấp dẫn.

Anh Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thở dài: “Tránh những điểm đông người nhưng những điểm khác cũng người người, nhà nhà đi nghỉ. Phong cảnh thì không thay đổi, chưa kể là ô nhiễm, bẩn và chẳng có trò chơi nào thú vị”.

Nghìn lẻ các lý do để ở nhà

Và còn cả nghìn lý do khác để nhiều người chọn ngày nghỉ lễ 30/4 trở thành kỳ nghỉ tại gia lý thú. Anh Mai Anh hài hước: “Những ngày này, thủ đô bị “bỏ trống”, ở lại tiếp quản thủ đô trong không khí thoáng đãng, không tắc đường, ít người là cách du lịch tốt nhất”.

Nhiều gia đình có con nhỏ như chị Lan (Khu tập thể thủy lợi, Hà Nội) cũng ngán ngẩm cảnh “chen chúc” nhau ở những chốn đông người. Các em bé phải di chuyển vào những ngày này, trong điều kiện thời tiết đang giao mua, đông người rất dễ bị lây bệnh, dịch. Vì vậy, các bà mẹ trẻ cũng chọn cách nghỉ “tại gia” để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Với các gia đình công nhân xa quê thì đây là dịp họ về thăm quê nội, ngoại và nghỉ ngơi mà không tốn kém cho các dịch vụ ăn, chơi nơi thành thị.

Mỗi người chọn cho mình cách “xả hơi” khác nhau trong kỳ nghĩ lễ kéo dài 4 ngày tới đây. Dù cách nào, gần hay xa thì các gia đình vẫn nên dành thời gian trở về nhà trước nửa ngày để lấy lại sức, chuẩn bị cho ngày làm việc mới khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Hoài Nam

 



 

Bình luận
vtcnews.vn