Làm đẹp, nhậu nhẹt "chịu thua" bão giá

Kinh tếThứ Hai, 11/04/2011 12:47:00 +07:00

(VTC News) – Thay vì than vãn, kêu khổ với “bão giá” hiện nay, nhiều gia đình đã cùng nhau cắt giảm chi tiêu cá nhân để thắt chặt hầu bao.

(VTC News) – Cơn bão giá càn quét khiến nhiều gia đình “điêu đứng”. Nhưng, thay vì than vãn, nhiều gia đình đã cùng nhau cắt giảm chi tiêu cá nhân để thắt chặt hầu bao.

Tạm gác nhậu nhẹt

Chúng tôi có mặt tại một quán bia trên đường Nghi Tàm (Tây Hồ, hà Nội) vào buổi chiều tan tầm đầu tháng Tư, dù đang là “giờ cao điểm” đối với các quán nhậu song theo quan sát của chúng tôi, quán chỉ lác đác dăm ba khách ít ỏi trong khi, lượng bàn tại quán lên tới 20-30 chiếc.

Lý giải cho hiện tượng này, anh Tùng – Chủ quán kiêm đầu bếp chính cho biết: “Năm nay, thời tiết hôm nắng, hôm lạnh phập phù. Trời ấm thì có đông hơn ngày lạnh, nhưng lượng khách so với năm ngoái giảm hẳn, có ngày chỉ có 10 khách, trong cùng thời điểm này năm ngoái có khoảng vài trăm khách tới uống bia”. Khi chúng tôi hỏi về lý do, anh Tùng cũng chỉ cười và nói: “ Các ông giờ cũng phải giảm bia bọt để dành tiền cho vợ đi chợ, con cái học hành, chi tiêu trong nhà, hơi đâu họ xả láng như thời gian trước đây”.

Cảnh đông đúc thường thấy ở các quán bia thật sự hiếm hoi bởi nhiều đấng mày râu tích cực tiết kiệm

Tại bàn nhỏ ngay cửa ra vào của quán, anh Tuấn Anh với 2 người bạn cùng quê đang nhấm nháp ly bia với một ít đồ nhậu. Là giám đốc của công ty TNHH chuyên về thiết kế quảng cáo, công việc của anh có rất nhiều mối quan hệ với các đối tác trong Nam, ngoài Bắc. Vì vậy, việc kéo tới quán bia sau giờ làm việc là điều không thể tránh khỏi.

Theo lời anh Tuấn Anh, trước đây mỗi tuần 7 ngày thì 3-4 hôm anh có mặt ở quán nhậu từ lúc tan sở đến tận 7-8 giờ tối mới về nhà, hết gặp mặt bạn cũ, rồi đồng nghiệp, đối tác ở Hà Nội, đối tác ở các tỉnh, đồng hương… Nhưng, từ ngày cả nhà đề ra phương châm chi tiêu tiết kiệm, anh cũng bắt đầu thích nghi dần với việc cắt giảm khoản uống bia, nhậu nhẹt tại quán, để về nhà ăn cơm đúng giờ.

Anh Tuấn Anh kể: “Thời buổi bây giờ công ty nhỏ làm ăn đúng là chật vật, hợp đồng thì ít, mà có cũng chưa chắc dám nhận vì sợ đổ thì có khi phá sản chưa biết chừng. Nên bây giờ mỗi tháng mình chỉ đi nhậu 1-2 hôm, cần thiết lắm mới kéo ra quán. Vì riêng mỗi lần đi uống bia cũng không thể ít hơn 200.000 đồng, cố bấm bụng xem như cho con có thêm hộp sữa”.

Với cách lựa chọn khá hữu hiệu này, không những anh tiết kiệm được gần 2 triệu đồng/tháng mà còn thường xuyên ăn cơm nhà đúng giờ, vợ không còn phải kêu ca phàn nàn và thậm chí còn vui vẻ.

Tương tự, theo lời anh Đức – nhân viên ngân hàng – thu nhập của 2 vợ chồng hàng tháng khoảng 12 triệu đồng, nếu với các tiêu khá thoải mái trước đây, 2 vợ chồng vẫn có thể dành dụm được khoảng trên 2 triệu đồng/tháng. Song, với giá cả như hiện nay nhiều tháng tiền chi tiêu gia đình bị “cháy”. Sauk hi 2 vợ chồng mổ xẻ các vấn đề và kiểm tra mọi khoản chi tiêu, 2 anh chị quyết định cắt hết các khoản lãng phí để tập trung vào tiền chợ và sữa cho con. Theo đó, anh Đức sẽ cắt giảm tối đa khoản bia rượu với bạn bè sau giờ làm, chỉ đi vào những hôm phải tiếp khách.

Anh Đức chia sẻ: “Nhiều khi thấy khó chịu khi chiều về không được tạt qua hàng bia làm vài cốc với an hem bằng hữu, song đành bấm bụng. Những lúc không đừng được, cả hội tụ tập song chỉ dám lai rai bia với lạc rang, nem chua. Nếu như trước uống 4-5 chai bia thì giờ mình gọi 1-2 chai cho có tí men”.

Theo lời của chị Hằng – chủ quán nhậu trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nếu như trước đây khách vào quán gọi mực nướng, phô mai nướng, bò khô, nai khô… thì nay nem chua lại lên ngôi. Chị Hằng cho rằng: “Người nhậu họ thấy giá nem chua chỉ vào khoảng 3.000 đồng/ cái nhưng giá một con mực nướng không dưới 100.000 đồng/con. Nếu gọi 30 cái nem vừa ăn vừa uống là cũng đủ no say rồi”.

Phái mạnh không chỉ có hạn chế việc uống bia, la cà nhậu nhẹt bia bọt để cùng vợ con vượt bão giá mà còn tạm gác những thú vui đã ăn sâu vào tiềm thức. Trước đây, anh Duy  (Nhân viên đồ họa ) thường thích sưu tầm chim cảnh, lan rừng. Hễ đi tới đâu hoặc đi trên đường mà thấy loài chim gì mới đằng nào anh cũng “sà” vào bằng được để hỏi giá và quyết định mua.

Có mặt tại căn nhà 4 tầng của anh ở Xuân Đỉnh,  nhưng khu vườn của anh giờ chật ních những giỏ lan treo lủng lẳng và trên dưới 10 chuồng chim từ khướu, sáo, vàng anh, chích chòe. Vì phải đi làm suốt ngày, nên anh đành giao phó cho bố mẹ trông nom tất cả.

Và khi cơn bão giá càn quét tất cả mọi người, anh Duy cũng không nằm ngoài vòng vây đó. Anh Duy cho biết: “Trước đây cứ thích là anh mua, có khi chẳng mặc cả. Từ hôm ra Tết đến bây giờ anh gần như không dám “ bén mảng” đến gần chỗ bán vì sợ lại nổi hứng mua. Riêng tiền ăn cho lũ chim và chăm hoa lan cũng tốn kém, có tháng mấy triệu đồng, nên mua nữa chắc không kham nổi”. Được biết, thu nhập của anh Duy mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, riêng tiền xăng mỗi tuần cũng gần 250.000 đồng ngoài ra còn tiền điện thoại, đi chơi với bạn bè, mua sách vở học thêm nghề thiết kế… nếu dè sẻn thì chỉ mới vừa đủ, còn có việc đột nhiên phát sinh thì phải nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm.

Tạm quên làm đẹp

Không chỉ có các đấng mày râu mà nhiều chị em cũng đi tiên phong để hạn chế những khoản chi tiêu bị xem là lãng phí. Mấy tháng nay, quán gội đầu gần nhà tự nhiên vắng bóng khách quen là chị Thúy ( Khu đô thị mới Linh Đàm). Mặc dù, chồng là doanh nhân thu nhập của anh chị theo như nhiều người nghĩ thì chẳng phải cân, đo, đong, đếm, như những người khác, nhưng ở trong cuộc mới biết sự thật.

Hàng Sale off trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều chị em
( Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo lời chị Thúy, thời buổi khó khăn, công ty thì nhiều mà doanh nghiệp chồng chị mới khởi nghiệp nên cạnh tranh sao nổi. Nếu như trước đây, tháng nào anh cũng đều đặn đưa cho chị 6-7 triệu đồng để chi tiêu, thì giờ số tiền ấy chỉ còn 5 triệu đồng, lương tháng của chị khoảng 3 triệu nữa. Cả gia đình, ngoài ăn uống còn tiền học thêm của con, đủ thứ chi lặt vặt từ có tên đến không tên. Vì vậy, chị đã từ bỏ thói quen đi gội đầu ở các cửa hàng gần nhà mà “tự biên tự diễn” với một số loại dầu gội và bồ kết mới được mẹ chồng gửi từ quê lên.

Chị Thúy nói thêm: “Mình gội đầu cảm giác không sạch bằng nhân viên ở quán gội đầu, nhưng mà mỗi lần đi gội đầu tốn  từ 30.000 – 100.000 đồng. Nghĩ lại thấy thương con, nên tự làm được việc nào hay việc đó miễn đừng phải chi tiền là được”.

Cô Ngọc Anh - Chủ cửa hàng cắt tóc, gội đầu trong khu tập thể Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Nhiều người tiếc tiền, nên lượng khách có giảm. Trung bình mỗi ngày bây giờ chỉ có 10 khách, bằng nửa so với năm ngoái. Nhiều khách hàng trước đây làm đủ công đoạn từ gội đầu đến hấp tóc, sửa móng tay chân thì nay chủ yếu chỉ gội đầu là chính.

Với quan niệm hàng sale off thường là hàng lỗi mốt thậm chí hàng không được tốt, chị Mai Thanh ( Phố Hào Nam – Đống Đa) chẳng mấy khi quan tâm, dù nhà ở cạnh mấy shop quần áo lớn và hoàn toàn có những trang phục công sở rất phù hợp. Tuy nhiên, giờ đây hôm nào đi làm về chị cũng phải để mắt xem có cửa hàng nào sale off không? Thậm chí, cứ cuối tuần chị lại cùng người bạn đồng nghiệp ở cơ quan dành cả buổi tối thứ 7 đi lùng sục hết các shop ở Chùa Bộc, Cầu Giấy để săn hàng giá rẻ  hoặc hàng một giá.

Chị Thanh chia sẻ: “May có đợt bão giá này mà mình thay đổi quan niệm cũ, nhiều cửa hàng lớn họ “chém” giá chẳng có quy định, nếu cứ bỏ tiền ra chắc nhận lương xong không còn đủ tiền mà chi tiêu ăn uống trong gia đình. Mấy cửa hàng một giá chỉ từ 180.000-250.000 đồng, rẻ gần một nửa so với các cửa hàng khác,  nếu chọn kỹ vẫn có những đồ đẹp để diện”.

Thói quen làm đẹp thay đổi, nhịn mua sắm là phương châm chung của hầu hết phái đẹp. Bên cạnh đó, nhờ bão giá mà nhiều phụ nữ cũng bớt la cà quán xá hơn, ít tụ tập để buôn dưa lê sau giờ làm việc, thay vào đó dành tiền cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng.

Từ 6 tháng nay, vợ chồng anh Khang không còn phải tranh cãi nhau về chuyện giờ giấc có mặt tại nhà. Bởi, trước đây chị Tuyết- vợ anh Khang mỗi tuần thường dành 2-3 buổi sau giờ làm tranh thủ đi mua sắm và không quên cùng bạn bè “ la cà”  ăn uống những món ưa thích.

Anh Khang vui vẻ nói: “Cái cảnh trời đã tối, mà 3 bố con còn ngồi bên mâm cơm đợi mẹ không còn nữa. Vợ mình bây giờ không những về đúng giờ, mà cả mấy tháng nay chẳng thấy thi thoảng lại xách về mấy túi đồ lỉnh kỉnh túi xách, rồi lại quần áo, đồ trang điểm xách tay…Thấy bão giá mà chi tiêu cũng không đáng lo lắm, vì dôi ra một khoản kha khá”.

Chị Tuyết nói thêm, “cai” được thói quen la cà quán hàng tự nhiên mỗi tháng chị lại dư được mấy trăm nghìn. Mặc dù không nhiều, nhưng cũng đủ để mua đồ ăn cải thiện cho chồng và con vào ngày cuối tuần.

Thành Công



 

Bình luận
vtcnews.vn