Từ 1/3, nhiều loại hình vận tải tăng giá từ 15 – 20%

Kinh tếThứ Hai, 28/02/2011 01:43:00 +07:00

Hiện ở bến xe Miền Đông có hai doanh nghiệp vận tải hành khách thông báo tăng giá vé sau khi giá xăng dầu tăng lên, mức tăng khoảng 15% so với trước đó.

Mới đây, ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết, hiện tại ở bến xe Miền Đông có hai doanh nghiệp vận tải hành khách thông báo tăng giá vé sau khi giá xăng dầu tăng lên, mức tăng khoảng 15% so với trước đó. Trong những ngày tới, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có xe khách chất lượng cao sẽ tăng giá.

Xe khách tăng 40.000 đồng/chuyến, taxi tăng 1.500 đồng/km


Đã có ít nhất bốn doanh nghiệp xe khách tuyến Quảng Ngãi – TP.HCM thông báo tăng giá vé 40.000 đồng/chuyến. 
Tại Quảng Ngãi, đã có bốn doanh nghiệp là Chín Nghĩa, Bình Tâm, Thiên Trang và Sao Vàng đã thông báo tăng giá vé chặng Quảng Ngãi – TP.HCM. Theo đó, ghế ngồi từ 240.000 đồng tăng lên 280.000 đồng, giường nằm từ 290.000 đồng lên 330.000 đồng.

Ở khu vực taxi, giám đốc Vinasun, ông Tạ Long Hỷ cho biết doanh nghiệp này đã hoàn tất bản kế hoạch tăng giá cước, chỉ còn chờ trung tâm kiểm định cùng các cơ quan liên quan khác xuống phối hợp, kiểm tra, niêm yết, dán tem đồng hồ tính cước là đơn vị này áp giá mới: tăng 1.500 đồng/km đối với những hành khách đi xe có đoạn đường dài từ 1 – 30km. Kể từ Km thứ 31 trở đi, tuỳ theo loại xe (bốn chỗ hay bảy chỗ) mà cước phí taxi sẽ giảm dần.


Xe tải tăng 15 – 20%

Ông Thái Văn Chung, tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết: hiện các doanh nghiệp vận tải thành viên đã đề nghị tăng giá cước sau khi có giá xăng dầu tăng từ ngày 24/2. “Mức tăng đề nghị dao động từ 15 – 20% tùy theo hàng rời hay nguyên container”, ông Chung cho biết.

Ông Lương Công Thành, tổng giám đốc công ty TNHH Công Thành – đơn vị có hơn 100 xe đầu kéo chuyên chở hàng container – khẳng định vào ngày 1.3, doanh nghiệp này sẽ chính thức tăng 15% cước vận chuyển. Tương tự, ông Đặng Đức Tiệp, tổng giám đốc công ty TNHH vận tải Đặng Tiến, TP.HCM, cũng khẳng định sẽ tăng 15% giá cước vận tải từ 1/3/2011.

Xe buýt không trợ giá: Dự tính tăng 15% giá vé nhưng lo mất khách


Ngày 27/2, ông Nguyễn Tấn Tạo, phó chủ nhiệm hợp tác xã 15, TP.HCM, cho biết hơn ba ngày qua, hành khách đi xe buýt đã tăng trên cả sáu tuyến xe của đơn vị này khai thác. “Có lẽ người dân thấy chi phí đi xe buýt lợi hơn xe gắn máy. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng đằng sau đó xã viên của hợp tác xã xe buýt đang đối diện nhiều mối lo khi xăng dầu tăng giá”, ông Tạo nói.

Theo ông Tạo, ngay sau khi xăng dầu tăng giá từ ngày 24/2, hợp tác xã đã có công văn gửi sở Tài chính, sở Giao thông vận tải TP.HCM và chi cục thuế quận Thủ Đức, để tăng giá vé xe buýt tuyến không trợ giá Thủ Đức – Dĩ An với mức tăng 20%, tức từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng. “Dựa theo các quy định hiện nay, sau khi gửi công văn đề nghị tăng giá lên các cơ quan trên, sau ba ngày chúng tôi có quyền tăng giá. Do đó, giá mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/3 tới”, ông Tạo khẳng định.

Tại liên hiệp hợp tác xã Vận tải TP.HCM, ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc của liên hiệp này cho hay, đơn vị ông có mười tuyến xe buýt không trợ giá, với gần 150 xe hoạt động, nếu không tăng giá thì không thể duy trì. Sau khi họp xã viên, đơn vị ông dự kiến tăng 15% giá vé xe buýt các tuyến không trợ giá. Tuy nhiên, theo ông Thành, một lái xe tuyến không trợ giá của liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM, “không tăng thì không được, nhưng tăng giá kiểu này hành khách sẽ chọn xe buýt có trợ giá để đi (loại xe này thành phố đã quyết định không tăng giá vé – PV), chúng tôi chỉ còn nước húp cháo”.

Xe buýt được trợ giá: Trông chờ tiền ngân sách


Ông Phùng Đăng Hải cho biết, từ khi giá xăng dầu tăng, mỗi ngày xã viên phải bỏ thêm hơn 200.000 đồng chi phí cho một xe. “Nếu tình hình này kéo dài như những lần dài cổ chờ tiền trượt giá nhiên liệu trước đây thì xã viên chỉ có nước “treo” xe chờ trợ giá nhiên liệu, chứ lấy đâu ra tiền “tươi” để chi. Với tình hình tài chính hiện nay, thì xã viên nào giỏi nhất cũng chỉ cầm cự thêm khoảng hai tháng”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Lê Hải Phong, giám đốc trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, mặc dù biết rõ những khó khăn của các HTX xe buýt trước việc xăng dầu tăng giá, và đã làm bản thống kê chi tiết về việc trợ giá nhiên liệu cho xe buýt gửi lên trên, “nhưng chỉnh như thế nào và thời gian nào chi tiền sẽ do UBND TP.HCM quyết định”.

Khách hàng phải chịu!

Tại phía Bắc, ông Nguyễn Đình Chung, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vận tải đa phương thức Duyên Hải (TASA), chủ xe và chủ hàng cùng thống nhất xử lý số tiền tăng thêm cho nhiên liệu theo cách: nhân số tiền tăng thêm của mỗi lít nhiên liệu với lượng tiêu hao nhiên liệu cho toàn tuyến. Chẳng hạn, với tiêu hao khoảng 40 lít dầu cho cự ly 100km, thì số tiền tăng thêm vào cước của 100km này sẽ là: 3.550 đồng/lít x 40 lít = 142.000 đồng, số tiền này do chủ hàng trả. Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã có văn bản đề nghị được tăng cước thêm 10 – 15%.

Riêng cước vận tải đường biển, hiện chưa thống nhất được mức tăng giá cước do cự ly hành trình và tiêu hao của mỗi tàu không giống nhau. Một doanh nghiệp chủ tàu cho biết, họ đang đề nghị quy đổi mức tăng giá nhiên liệu theo tỷ lệ và cộng gộp trị giá tăng vào mức cước cũ, tuy nhiên, nhiều chủ hàng đã phản đối vì chi phí tăng thêm của họ là rất lớn do khối lượng vận chuyển lớn. Tạm thời, chủ hàng thống nhất sẽ tính thêm một khoản tăng giá nhiên liệu vào lượng tiêu hao thực tế cho chủ tàu.


Theo Sài Gòn tiếp thị


Bình luận
vtcnews.vn