Năm 2010, một năm đáng quên của kinh tế Nhật

Kinh tếThứ Ba, 28/12/2010 02:00:00 +07:00

(VTC News) – Mất vị trí số 2 về tay Trung Quốc, các hãng xe hàng đầu dính thảm họa thu hồi… năm 2010 được đánh giá là một năm đáng quên của nền kinh tế Nhật.

(VTC News) – Mất vị trí siêu cường kinh tế số 2 về tay Trung Quốc, hàng loạt hãng xe hàng đầu dính thảm họa thu hồi… năm 2010 được đánh giá là một năm thật sự đáng quên của nền kinh tế Nhật Bản.

 

Năm 2010 chuẩn bị qua đi và với chuyên gia kinh tế, thật không dễ để tìm thấy điểm sáng về kinh tế của Nhật trong suốt 12 tháng qua. Những vấn đề về kinh tế đã khiến Thủ tướng thứ 4 phải ra đi chỉ trong vòng 3 năm qua. Hãng xe hàng đầu và cũng là một trong những tập đoàn thành công nhất của đất nước Mặt trời mọc - Toyota chìm sâu trong khủng hoảng thu hồi với hơn 10 triệu xe bị lỗi phải triệu hồi.

 

Hãng xe này cũng dính những án phạt trị giá hàng triệu USD do vấn đề chất lượng. Hiện, Nhật Bản vẫn sở hữu nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu nhưng tầm ảnh hưởng lên toàn cầu của các tập đoàn này đang ít nhiều giảm sút.

 

 Hàng loạt hãng xe hàng đầu Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan dính thảm họa thu hồi. Ảnh ABC.net

Chính vì thế, với nhiều Nhật Bản, bữa tiệc cuối năm đáng được mong đợi để quên đi những vấn đề trong năm 2010. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2011 cũng không có nhiều điểm tươi sáng để mong chờ.

 

Với một dân số già đi nhanh chóng, một khoản nợ quốc gia đang có xu hướng phồng lên, bế tắc chính trị cùng văn hóa sợ rủi ro khiến người Nhật ngại đón nhận sự thay đổi, Nhật Bản không có nhiều triển vọng để tạo nên đột phá. Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng lên cao tại vùng biển tranh cãi với Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến các khó khăn kinh tế của Nhật càng tăng thêm.


Theo một số người lạc quan, Nhật Bản vẫn có nhiều tiềm năng trong việc khai thác sức mạnh công nghệ, những nét hấp dẫn về năm hóa từ thời trang và nghệ thuật phim hoạt hình.

 

Tuy nhiên, với nhiều sinh viên đại học, triển vọng trong tương lai của họ được cho là khá ảm đạm. Nhiều người tỏ ra rất lo lắng về việc tìm kiếm công ăn việc làm ổn định. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của các hộ gia đình Nhật đã giảm 9% từ năm 1993.


Makoto Miyazaki, một sinh viên 22 tuổi tại trường Đại học danh tiếng Keio ở Tokyo, chia sẻ: "Nhật Bản hiện đang nằm giữa các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ. Và Hàn Quốc cũng đang trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn. Tôi cảm thấy như chúng tôi ngày càng có ít lựa chọn hơn."


Đây thực sự là một bức tranh tương phản đáng ngạc nhiên với những năm 1980, thời điểm hoàng kim khi mà một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế Nhật đã sẵn sàng để thống trị thế giới.

Hiện nay, hàng triệu người đã từ bỏ mục tiêu làm việc cả đời ở một công ty lớn và trở thành các "freeters," những người chuyên làm các công việc tạm thời. Bên cạnh đó, khi các công ty lớn cắt giảm chi phí sản xuất, số công nhân tạm thời đã tăng lên chiếm tới một phần ba lực lượng lao động.


Hơn nữa, dân số Nhật được dự báo sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn 90 triệu từ nay tới năm 2055 và 40% dân số có tuổi thọ trên 65 tuổi. Đây thật sự là một gánh nặng với chính phủ Nhật.


Tuy nhiên, nhiều người lạc quan vẫn tin vào khả năng sáng tạo của Nhật Bản bởi đây là đất nước đi đầu trong công nghệ xe hybrid và robot công nghiệp.

Và dù với văn hóa sợ rủi ro, người Nhật tỏ ra khá chậm chạp trong việc thực hiện thay đổi hoặc giải quyết các cuộc khủng hoảng mà cách xử lý khủng hoảng thu hồi của công ty Toyota là một ví dụ nhưng những thay đổi trong chính sách của Toyota trong những tháng cuối năm 2010 cũng ít nhiều cho thấy sự hợp lý. Vì thế, không ít người hi vọng dù chậm nhưng Nhật Bản sẽ chuyển mình.

 

Khánh Hòa (tổng hợp)

 

Bình luận
vtcnews.vn