Hủ tục quái gở: Mẹ lấy chồng, con cũng thành vợ cha dượng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 18/08/2014 03:38:00 +07:00

khi người mẹ muốn tái hôn thì phải kèm theo một điều kiện là người con gái trong gia đình cũng đồng thời trở thành vợ của chồng mới cưới.

Ở Bangladesh, hiện còn tồn tại hủ tục vô cùng kỳ lạ, khi người mẹ muốn tái hôn thì phải kèm theo một điều kiện là người con gái trong gia đình cũng đồng thời trở thành vợ của chồng mới cưới. Rất nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười" từ cuộc tình tay ba này đã xảy ra.


Những cô gái thuộc bộ tộc Mandi trẻ là nạn nhân của "kiểu" hôn nhân sắp đặt đã và đang đấu tranh để thoát khỏi hủ tục này…

Hủ tục kỳ lạ

Như nhiều đứa trẻ ở nông thôn Bangladesh, Orola Dalbot, lớn lên cùng với mẹ và cha dượng Noten. Cha Orola Dalbot qua đời khi cô còn nhỏ, mẹ cô tái hôn sau đó. Noten là một người đàn ông đẹp trai, năng động với mái tóc đen, xoăn và nụ cười rộng. "Tôi nghĩ mẹ mình thật may mắn", Orola nói khi gặp phóng viên tại ngôi nhà nằm trong khu vực trung tâm của Modhupur.

"Tôi đã từng hy vọng sẽ tìm được một người chồng như ông ấy". Bước vào tuổi dậy thì, Orola mới biết được một sự thật mà cô chưa bao giờ nghĩ tới: cô đã là vợ của Noten. Cuộc hôn lễ của Orola diễn ra khi cô ba tuổi cùng buổi lễ với mẹ. "Mẹ tôi không thể quản lý đất đai và gia đình một mình khi cha tôi qua đời", Orola chia sẻ.

"20 tuổi, mẹ tôi vẫn còn quá trẻ và bà có quyền tìm kiếm một người đàn ông khác thay thế cha tôi. Noten là người được chọn, khi đó, ông 17 tuổi và điều kiện kèm theo là tôi cũng sẽ là vợ của Noten.

Ở Mandi, cần có vợ trẻ để có nhiều hơn những đứa trẻ ra đời và làm tăng thêm sự giàu có và sức mạnh tổng thể của gia đình. Tôi còn quá trẻ để nhớ về đám cưới. Tôi không biết nó đã xảy ra như thế nào", Orola vừa nói vừa múc nước đổ vào chậu. "Trong nhiều năm, tôi muốn nói chuyện với ai đó vì tôi rất cô đơn nhưng tôi không thể".

Orola Dalbot (ngoài cùng bên phải) cùng với gia đình.  

Theo truyền thống của bộ tộc Mandi - một bộ tộc theo chế độ mẫu hệ sống tập trung ở vùng núi cao của Bangladesh và Ấn Độ, mẹ và con gái sẽ kết hôn cùng một người khi mẹ tái hôn.

"Tôi đã muốn chạy trốn khi phát hiện ra sự việc", Orola nói. Các thành viên trong gia đình Orola hiện có mẹ Mittamoni, 51 tuổi, cha dượng - chồng Noten, 42 tuổi, bà ngoại và mấy đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên đều là con của Noten với hai người vợ của mình.

Cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Thôn họ đang sống không có điện hay nước máy. Thị trấn gần nhất chỉ có mấy dãy nhà bán gạo, dầu ăn và nến. Orola và Mittamoni cùng sở hữu một vài mẫu đất, họ kiếm sống bằng cách trồng dứa và chuối.

Mất tình mẹ con

"Điều cuối cùng tôi muốn là được kết hôn với Noten. Tôi muốn có một người chồng của riêng tôi", Orola nói. Cô cho rằng, đây là sự bất công, bởi phụ nữ dân tộc Mandi truyền thống được lựa chọn đối tác cho mình. Tài sản do phụ nữ quản lý và đàn ông sống trong đình người vợ khi kết hôn. Orola thấy buồn, đôi khi còn muốn tìm đến cái chết vì ghen tỵ với những bạn gái đồng trang lứa khi họ có cuộc sống vui vẻ với tình yêu của mình.

"Tôi cảm thấy bị mắc kẹt, như một con vật. Những mâu thuẫn trong gia đình bắt đầu lớn lên, khi Noten ngủ với tôi, mặc dù mẹ tôi biết đó là điều không thể tránh khỏi. Bà ấy đã đẩy tôi vào giường Noten khi tôi 15 tuổi để hoàn tất các thủ tục hôn nhân. Noten nhanh chóng thích tôi hơn so với bà ấy".

Orola kể rằng, mẹ cô đã cho thảo dược tự nhiên vào thức ăn khiến cô gặp một số rắc rối liên quan đến dạ dày. "Khi tôi bị ốm, bà đã có cơ hội qua đêm với Noten". Mối quan hệ "tay ba" đã phá hủy mối quan hệ mẹ và con gái của họ. "Bà ấy không còn là mẹ của tôi", Orola nói.

Parvin Rema, 36 tuổi cũng đã chia sẻ chồng với mẹ góa của mình. Parvin và mẹ Joyanti, cùng nhau kết hôn với một người đàn ông 18 tuổi tên là Palnat, khi Parvin 13 tuổi.

"Tôi nghĩ cuộc sống của tôi đã bị hủy hoại khi đám cưới diễn ra", Parvin nói. "Mẹ tôi khi ấy 36 tuổi và tôi không hiểu tại sao bà ấy lại muốn có một người chồng trẻ như vậy". Parvin đã biết khai thác tuổi trẻ của mình để giành lợi thế.

"Mẹ tôi đã ngủ với chồng trong ba năm đầu tiên. Nhưng khi tôi lớn, tôi chắc chắn ông không còn quan tâm đến bà ấy. Tôi luôn nấu món cà ri anh yêu thích và không bao giờ từ chối quan hệ tình dục". Và Parvin đã thành công, Palnat coi vợ cả như mẹ vợ.

Vài năm sau đó, Parvin đã sinh một cô con gái, Nita, hiện 14 tuổi. "Khi nhìn con gái, tôi không thể tin, mẹ buộc tôi vào một cuộc hôn nhân như thế. Tôi cảm thấy tức giận và buồn. Làm sao bà có thể làm điều đó với con gái mình?".

Philip Gain, một nhà nghiên cứu về môi trường nổi tiếng của Bangladesh, đã có thâm niên hơn 20 năm nghiên cứu về khu vực này cho biết, phụ nữ Mandi là người sở hữu tài sản gia đình.

Theo ông, trong bộ tộc Mandi, những góa phụ muốn tái hôn phải chọn người đàn ông cùng gia tộc của chồng đã chết để bảo vệ liên minh gia tộc. Tuy nhiên, những người đàn ông mà phụ nữ chọn để tái hôn thường trẻ hơn nhiều so với họ.

Chính vì vậy, góa phụ này sẽ cung cấp một trong những con gái của mình như cô dâu thứ hai để tiếp nhận hôn nhân, bao gồm cả việc quan hệ tình dục và sinh sản khi cô gái đến tuổi trưởng thành. "Đây không phải là vấn đề phổ biến trong thời đại ngày nay nhưng vẫn còn tồn tại trong số ít gia đình Mandi", ông Philip Gain nói.


Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn