“Thần hổ” ăn thịt mấy chục người ở Thanh Hóa

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 26/03/2014 07:03:00 +07:00

(VTC News) - Từ cánh rừng nơi bày lễ cúng bái, tiếng “à ừm” vang lên từ cánh rừng hoang thẳm, tĩnh mịch, khiến tất thảy đều hãi sởn da gà.

(VTC News) - Từ cánh rừng nơi bày lễ cúng bái, tiếng “à ừm” vang lên từ cánh rừng hoang thẳm, tĩnh mịch, khiến tất thảy đều hãi sởn da gà.


Kỳ 1: "Thần hổ xám ở Thanh Hóa":Huyền thoại về oai linh “thần hổ”

Từ nhiều năm nay, những bản làng người Mường ở miền tây Thanh Hóa, kéo dài từ vùng Thạch Thành lên đến Quan Hóa, Mường Lát, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, thần rừng, thần núi, thì họ còn cúng… Ông Hổ.

Tiêu biểu là dòng họ của ông chủ tịch xã Thành Yên bị hổ ăn thịt nhiều người, có mối thâm thù với họ hàng nhà hổ, nhưng vẫn phải thờ hổ trong miếu, những mong loài hổ sẽ tha mạng cho con cháu.

PV Báo điện tử VTC News đã về vùng miền tây Thanh Hóa tiếp xúc với những người già, dựng lại câu chuyện kinh thiên động địa liên quan đến con vật mà người dân gọi là “thần hổ xám”. “Thần hổ xám” đã ăn thịt mấy chục mạng người chỉ ở vùng Thạch Thành.

thần hổ
Rừng ở xã Thành Yên tràn ngập khắp nơi 

Là phóng viên đi khá nhiều nơi, đến nhiều miền rừng sâu núi thẳm, song tôi cũng phải ngạc nhiên hết sức khi khắp vùng Thạch Thành, vùng đất không xa lắm, lại nhiều rừng rú đến vậy.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh như dải lụa quanh co qua những miền rừng, rẽ vào xứ Mường, với những xã Thành Yên, Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Lâm… chẳng xa lắm. Đường xá cũng đến tận thôn, tận bản, ở những chỗ sâu nhất, xa nhất. Những nếp nhà sàn ở tận chân núi lẫn trong rừng già. Rừng tràn đến tận trụ sở UBND xã Thành Yên.

Cạnh trụ sở xã có cây gạo, là nơi nhiều người bị hổ ăn thịt. Đứng ngay gốc cây gạo mà người dân khẳng định đã ngàn tuổi khổng lồ, ước chừng 7-8 người ôm mới xuể, chỉ đi bộ vài phút đã đặt chân vào rừng. Những dãy núi bao quanh xã đều um tùm rậm rạp, toàn cây cổ thụ, gỗ quý.

thần hổ
Ông Trinh thả bẫy bắt nòng nọc 

Tôi đã từng vào tận ngã ba biên giới, đến tận đỉnh U Bò của khu bảo tồn Phù Bắc Yên, rồi lạc giữa đại ngàn pơ-mu ở Văn Bàn, Sapa, những nơi thậm xa xôi, hiểm trở, song ít thấy ở đâu mà rừng còn rậm rạp như ở vùng đất này. Những nơi xa xôi, hiểm trở ấy mà người ta còn tha được gỗ ra, đằng này, rừng ngay trước mắt, đường xá thuận tiện thế mà người Mường nơi đây không vào rừng kiếm chác?

Đem chuyện này thắc mắc với chủ tịch UBND xã Thành Yên, ông Trương Văn Gương bảo: “Người Mường ở đây ngoài việc tôn trọng thần rừng, thần núi, thì sợ thần hổ lắm, không dám vào rừng lấy que củi, chứ đừng nói chuyện vào đó chặt phá rừng.

Rừng là chốn hổ thần ở, nên không ai dám kinh động. Chỉ có mấy kẻ thợ săn, bất chấp tính mạng mới dám mò vào rừng. Nhưng những người vào rừng ăn cắp của rừng, đều chẳng ra sao, không nghèo đói thì cũng gặp tai họa. Ấy là do thần hổ trừng phạt. Dòng họ nhà tôi có mối thâm thù với hổ, nhưng cũng sợ lắm, phải thờ hổ, kẻo hổ ăn thịt lúc nào chẳng biết”.

thần hổ
Ông Trinh thắp hương miếu Vó Ấm 

Với các lãnh đạo chính quyền địa phương, khi được nhà báo hỏi về rừng, về động vật, thường nêu cao tinh thần bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Thế nhưng, ông Gương lại bày tỏ quan điểm coi hổ là kẻ thù truyền kiếp. Cũng dễ cảm thông với cảm xúc của ông, bởi đã có nhiều người trong dòng họ ngoại nhà ông bị hổ ăn thịt.


Câu chuyện hổ trả thù dòng họ này như thế nào, chúng tôi sẽ nói ở kỳ sau. Điều chúng tôi nhận thấy sau những ngày lang thang ở vùng miền Tây xứ Thanh này, đó là những câu chuyện kinh dị về hổ thần đã ám ảnh cuộc sống của người dân bao năm nay, đến mức họ chẳng dám đặt chân vào rừng, hoặc có đi vào thì cũng rón rén lắm.

Ông Đinh Văn Trinh, 81 tuổi, ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, thầy cúng và cũng là người trong dòng họ có mối thâm thù với hổ dẫn tôi lần mò dọc con sông Vó Ấm để đi tìm ngôi miếu mà dòng họ ông cùng dân làng lập ra thờ thần rừng, thần núi và đặc biệt là thần hổ.

Con đường vào núi quanh co qua những thửa ruộng trập trùng, những nương sắn, nương mía ngút ngàn. Cứ đi một đoạn suối ông lại dừng chân nhấc bẫy bắt nòng nọc.

thần hổ
Ông Gương, Chủ tịch xã Thành Yên 

Nòng nọc ở đây được gọi là con bâu bâu, to bằng ngón tay. Nó là con của loài cóc núi, to bằng chiếc bát, nặng cỡ 2-3 lạng. Loài cóc núi này đẻ trứng dưới suối, sinh ra nòng nọc. Người Mường nơi đây ăn nòng nọc không phải vì đói, mà vì nó là… đặc sản. Bâu bâu bóc ruột nấu măng chua thì ngọt phải biết.


Ông Trinh đan những cái sọt, thả những cành lá khoắn (một loại lá rừng có vị hơi chua), hoặc lá sắn nướng vào sọt, buộc dây rừng rồi quăng xuống suối dụ nòng nọc đến ăn rồi trú ngụ trong sọt.

Ngày nào cũng thế, trên đường vào ngôi miếu thắp hương, quét dọn, ông cũng đi dọc con suối Vó Ấm nhấc những cái bẫy này để bắt nòng nọc về bán hoặc ăn. Vừa nhấc bẫy, lội dọc suối Vó Ấm, ông vừa kể những câu chuyện kinh hãi về hổ.

Truyền thuyết người Mường kể rằng, người Mường đến định cư ở vùng Thạch Thành này đã mấy trăm năm. Khi đó, vùng đất này chỉ có rừng già, khỉ vượn và là lãnh địa của cọp.

thần hổ
Nhà văn Đái Đức Tuấn 
thần hổ
Truyện Thần Hổ kể về thần hổ xám báo thù họ Đèo ở Thạch Thành 

Ông Trinh đặt câu hỏi rằng, phải chăng người Mường nơi đây đã xâm phạm đến lãnh địa tôn nghiêm của cọp, nên cọp mới báo thù mà giết hại nhiều người đến vậy? Chỉ biết rằng, từ xưa đến nay, một số họ tộc người Mường ở vùng đất này vẫn thờ một con cọp, mà trong suy nghĩ của họ, nó là con cọp đã thành tinh.


Nhiều gia đình xưa kia còn kinh sợ đến nỗi đặt hương án để thờ con hổ đó với niềm tin rằng, hễ thờ nó, nó sẽ không làm hại, thậm chí còn phù hộ cho làm ăn, cày cấy được phát đạt, dễ dàng.

Các cụ kể lại, xưa kia, mỗi năm 4 lần, đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, các bản làng người Mường đều phải sắm trâu, bò, hoặc ít nhất cũng phải là dê, lợn, đem vào rừng cúng tế. Họ dựng ban thờ bằng tre, cắt tiết mổ gà, bày cả xôi thịt, rượu ngon cúng bái lâu lắm.

Ông Trinh là người đang sống ở thế giới hiện đại, từng làm cán bộ, giao du rộng khắp, song cũng tin vào “cọp thần”.

Ông bảo, con cọp thành tinh ở cánh rừng Thạch Thành là loài “thiên lý nhĩ”, tức là nó có thể nghe được ngàn dặm, nên cúng tế ở đâu nó cũng biết để tìm đến thưởng thức đồ dâng.

Cũng vì sợ “thiên lý nhĩ” của con cọp thành tinh này, mà chẳng ai dám mạo phạm, nói xấu hổ thần, bởi họ tin rằng, hễ nói xấu, thì hổ thần ắt xuất hiện ăn thịt!

Thầy cúng làm xong phận sự, thì lễ vật là trâu, bò, dê, lợn sẽ được cột vào gốc cây, rồi mọi người kéo về làng. Chiều xuống, cả làng cửa đóng then cài, đèn đuốc tắt hết.

Từ cánh rừng nơi bày lễ cúng bái, tiếng “à ừm” vang lên từ cánh rừng hoang thẳm, tĩnh mịch, khiến tất thảy đều hãi sởn da gà. Tiếng trâu, bò rống thảm thiết rồi tắt lịm sau một cú đớp rung chuyển núi rừng.

Sớm hôm sau, dân bản kéo vào rừng, chỉ thấy còn cặp sừng trâu, bò, hoặc vài mẩu xương lợn. Hổ thành tinh đã về thưởng thức lễ vật. Năm nào dân bản cúng bái đầy đủ, thì không có ai mất mạng, còn không cúng thần hổ, thì mạng người phải thế. Thậm chí, người dân còn đồn rằng, năm nào không cúng hổ thần, mùa màng sẽ thất bát, lúa trồng chẳng thành hạt, cây cối chẳng chịu trổ hoa.

 Câu chuyện về “thần hổ” ăn thịt người ở Thạch Thành là chất liệu để nhà văn Đái Đức Tuấn (bút danh Tchya) viết ra cuốn truyện liêu trai Thần Hổ và Ai hát giữa rừng khuya. Chuyện Ai hát giữa rừng khuya viết về những con ma trành, là người bị hổ ăn thịt mà biến thành. Chuyện Thần Hổ nói về sự trả thù khủng khiếp của con hổ xám khổng lồ với gia tộc họ Đèo, bởi tổ tiên gia tộc lớn nhất vùng Thạch Thành này đã lỡ tay xúc phạm thần hổ. Cách trả thù của hổ ứng với cách của tổ tiên họ Đèo đã làm với hổ. Nghĩa là người nào của nhà họ Đèo đã bị hổ bắt thì cũng bị móc mất đôi mắt và bị cắn mất hai hòn ngọc hành để phải tuyệt đường sinh dục, truyền giống.

Còn tiếp…


Kỳ sau: Người phục kích giết “thần hổ”


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn