Giải mã sự thật về ông vua thống lĩnh nóc nhà Đông Bắc

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 01/08/2014 06:24:00 +07:00

(VTC News) - Câu chuyện về ông vua La Chí cùng kho báu khổng lồ chôn giấu bí mật ở một trong số hàng ngàn ngôi mộ lớn trên dãy Tây Côn Lĩnh rất thời sự.

(VTC News) - Câu chuyện về ông vua La Chí cùng kho báu khổng lồ chôn giấu bí mật ở một trong số hàng ngàn ngôi mộ lớn trên dãy Tây Côn Lĩnh rất thời sự.


Kỳ 1: Ông vua trên dãy Tây Côn Lĩnh

Vào năm 2007, trong chuyến cuốc bộ cả ngày giời vào bản Lủng Cẩu (xã Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang) cao hơn 2.000 mét trên dãy Tây Côn Lĩnh, tôi đã được bà con dân tộc La Chí ở đây say sưa kể về vị vua của mình với những câu chuyện đượm màu huyền thoại, song cũng không ít những chứng cứ thuyết phục.

Người La Chí, vốn chỉ có hơn 8 ngàn người trên toàn lãnh thổ Việt Nam gọi vị vua trong lòng mình là vua Gia Long. Tôi chột dạ, chẳng lẽ, ông vua thời Nguyễn đã du hành lên đây, và được người La Chí thờ phụng như con trời?

Nhưng qua tìm hiểu, thực tế, ông vua Gia Long của người La Chí tên thật là Hoàng Vần Thùng, chứ không phải vua Nguyễn Ánh.

Ngày đó, tôi đã gặp các cán bộ nghiên cứu văn hóa từ huyện đến tỉnh ở Hà Giang, song không ai biết chuyện về ông vua kỳ lạ của tộc người ít ỏi chỉ có ở hai huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì của Hà Giang này. Sử sách cũng không thấy nhắc đến vị vua của người La Chí.

Bản Lủng Cẩu, nơi có đền thờ vua La Chí, tức Hoàng Vần Thùng 

Tuy nhiên, câu chuyện về ông vua La Chí cùng kho báu khổng lồ chôn giấu bí mật ở một trong số hàng ngàn ngôi mộ lớn trên dãy Tây Côn Lĩnh lại rất thời sự và ngày càng kích thích sự tò mò của người dân nơi đây.

Mới đây, anh Hoàng Trí Nhân, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Su Phì đã điện cho tôi với giọng hồ hởi: "Mình đã phát hiện ra gốc tích của ông vua Gia Long, tức Hoàng Vần Thùng rồi. Nhà báo muốn tìm hiểu thì lên ngay Hà Giang nhé".

Vậy là tôi tìm đường lên miền tây đất địa đầu, nơi có dãy Tây Côn Lĩnh, được mệnh danh là nóc nhà Đông Bắc Việt Nam. Thật không ngờ, chỉ từ thông tin về ông vua lạ hoắc chẳng có trong sử sách của người La Chí mà tôi nghe được trong buổi cúng rừng lại kích thích ông giám đốc trung tâm văn hóa huyện như vậy. Anh Nhân bảo, từ khi biết có thông tin về vua Hoàng Vần Thùng mà nhà báo cung cấp, anh đã dày tâm thực địa và nghiên cứu nhiều năm nay.

Vậy là tôi và anh Nhân lên đường, tìm về các bản làng heo hút trên sống dãy Tây Côn Lĩnh, đến những ngôi mộ, nhà thờ để giải mã thân thế và cuộc đời kỳ lạ, cũng như cái chết bí ẩn của một ông vua chưa từng được biết tới ở Việt Nam.

Điểm trường bản Lủng Cẩu 

Đường vào xã Bản Phùng giờ đã đổ bê tông, đi lại rất thuận tiện. Nguyên chủ tịch xã Vương Đức Sinh kéo chúng tôi ra sườn đồi trước UBND xã chỉ tay về đỉnh núi ẩn hiện trong mây mờ và bảo đó là đỉnh Lủng Cẩu.

Đỉnh Lủng Cẩu thuộc xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) và đỉnh Gia Long thuộc xã Bản Díu (Xín Mần) nằm cánh nhau một thung lũng, cùng nằm trên dãy Tây Côn Lĩnh và cao hơn 2.000m, đều gắn với những câu chuyện kỳ bí về vua Hoàng Vần Thùng.

Cô giáo Hiệp, thầy giáo Lâm ở điểm trường Lủng Cẩu cũng bảo rằng, được nghe rất nhiều chuyện về vua Hoàng Vần Thùng của người La Chí, nhưng đã cất công tìm hiểu, mà không thấy sử sách nào nhắc đến.

Các giáo viên cắm bản ở đây đã nghe người dân kể nhiều về đền thờ của vua La Chí trên đỉnh Lủng Cẩu và dinh thự đổ nát của ông vua trên đỉnh Gia Long, nhưng chưa dám đến xem vì người dân đồn rằng, nếu tự ý tìm vào khu vực đó, sẽ lạc đường, mất mạng như chơi.

Miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng 

Miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng nằm trong khu rừng nguyên sinh với biết bao câu chuyện về sự chết chóc của những người xâm phạm. Kể cả người La Chí trong bản, được cho là con cháu của vị vua này cũng không dám vào rừng, tự tiện mở cửa đền, nếu như chưa đến ngày lễ cúng vua, mà ngày lễ đó diễn ra cực ít, 15 năm mới có một lần.

Không có con đường nào lên đỉnh Lủng Cẩu. 15 năm dân bản mới vào rừng, tìm đến nhà thờ và miếu thờ vua La Chí để được dập đầu trước vị vua của mình một lần, nên lối đi sau nhiều năm không có dấu chân người đã bị cỏ cây, dây leo bịt lối chằng chịt. Chúng tôi phải bám dây leo mà đi, bập tay vào vách đá mà trèo.

Đến khu rừng thưa thì gặp nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng. Nhà thờ nằm giữa khu đất trống, khá quang đãng. Nói là nhà thờ vua, nhưng thực tế nó rất đơn sơ. Trông giống một ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng không có vách, tường gì cả. Sàn rộng 2m, dài 3m, cao 1,5m và từ sàn lên mái cao chừng 2m.

Hoàng Vần Thùng là vị vua thống lĩnh dải đất trên dãy Tây Côn Lĩnh 

Phía sau ngôi nhà thờ vẫn còn những cây nêu, dấu tích được dùng trong lễ hiến trâu cho vua. Ngôi nhà thờ này được người La Chí gọi là Khu Cù Tê.

Mọi người đến gần xem thì bị ông Vàng Dìu Phù đi ngang qua ngăn lại. Ông bảo, đã có người tự tiện trèo lên nhà thờ bị chết đột ngột, có người bị điên khùng. Chỉ có ngày cúng vua thì 8 ông thầy mo, đại diện cho 4 họ của người La Chí mới được lên nhà thờ để hành lễ.

Trong buổi lễ trọng đại đó, lại tiến hành bói xương gà 3 lần để chọn ra một thầy cúng làm chủ. Thầy cúng đó sẽ thực hiện các nghi lễ cúng vua, hiến tặng trâu. Đại diện các dòng họ và dân làng chỉ được vái lạy từ xa. Những người không có khả năng điều khiển ma quỷ, thần linh như các thầy mo mà xâm phạm vào nhà thờ sẽ bị trừng phạt.

Nghe ông Phù nói thế, ai cũng sợ, không dám lại gần ngôi nhà thờ đó nữa. Tôi liều lĩnh đứng bên mép nhà, chụp vài tấm hình và phát hiện trên nóc nhà thờ gác 8 cái đầu trâu, xếp thành 2 hàng ngay ngắn.

Đầu trâu trong nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng 

Ông Vàng Dìu Phù kể rằng, từ ngày ông bé xíu, được bố mẹ dẫn đi xem hành lễ cúng vua, ông đã thấy trên nóc nhà thờ này có 8 cái đầu trâu. Bố mẹ ông cũng bảo, từ khi còn bé đã thấy 8 cái đầu trâu trên đó. Như vậy, 8 cái đầu trâu đã xuất hiện cả trăm năm trên nóc ngôi nhà thờ này rồi.

Theo các cụ già người La Chí, sau khi vua Hoàng Vần Thùng chết đi, mỗi đời con cháu về sau đều hành lễ cúng bái. Cứ mỗi đời sau lại làm một lễ cúng rất lớn, như ngày hội dành cho tất cả người La Chí. Trâu, lợn được thịt rất nhiều.

Một con to béo nhất được cúng dâng vua, sau đó đám thanh niên khỏe mạnh dùng những thanh vầu chặt vát đâm chết trâu (mang dấu ấn lễ đâm trâu ở Tây Nguyên) rồi xả đầu trâu treo trước nhà thờ. Sau khi thịt da phân hủy hết, chỉ còn trơ ra xương sọ cùng bộ sừng, thì các thầy cúng làm lễ rửa xương bằng rượu rồi gác lên mái nhà thờ.

Như vậy, với 8 đầu trâu gác trên mái nhà thờ, thì đã có 8 đời con cháu của vua Hoàng Vần Thùng tổ chức hành lễ cúng bái. Như vậy, nếu nói về tiểu sử vua Hoàng Vần Thùng thì có thể ông về trời cách đây chưa lâu lắm, chỉ là con số hàng trăm năm. Một vị vua tạ thế chưa lâu lắm mà không có trong sử sách cũng là điều khó hiểu.

Còn tiếp...

Dương Phạm
Bình luận
vtcnews.vn