'Vương quốc gà nòi' và những chú gà chiến ngàn đô

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 20/04/2014 07:04:00 +07:00

Huyện Chợ Lách (Bến Tre) không chỉ được biết đến là xứ sở của hoa kiểng, vườn cây ăn trái mà còn được mệnh danh là “Vương quốc gà nòi”.

Nhiều năm qua, huyện Chợ Lách (Bến Tre) không chỉ được biết đến là xứ sở của hoa kiểng, vườn cây ăn trái mà còn được mệnh danh là “Vương quốc gà nòi”.


Đổ xô nuôi gà nòi

Những ngày đầu Xuân này, chúng tôi xuôi về Chợ Lách gặp gỡ nhiều hộ dân nuôi gà nòi ở xứ này. Anh Nguyễn Văn Lai, ở xã Vĩnh Thành cho biết, gà nòi được nuôi quanh năm nhưng dịp Tết vẫn là mùa làm ăn cao điểm nhất là nhu cầu gà để chọi.

Để chứng minh thực tế, anh Lai đưa đi một vòng thăm các cơ sở nuôi gà nòi. Theo anh Lai, trước đây gia đình anh mưu sinh bằng nghề trồng hoa kiểng. Thấy những hộ xung quanh nuôi gà nòi bán giá 1-2 triệu đồng/con, thậm chí những con gà “chiến” bán tới hàng chục triệu đồng/con nên anh đã quy hoạch lại khu vườn, làm chuồng trại để nuôi.

Từ vài con ban đầu, dần dần đàn gà của anh tăng lên hàng chục con, nhờ đó mà kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt.
Người dân xã Long Thới (Chợ Lách) chăm sóc gà nòi  

Cũng là hộ vươn lên từ nghề nuôi gà nòi, anh Nguyễn Văn Út ở xã Sơn Định bộc bạch: “Nuôi gà nòi được xem là một trong những nghề thoát nghèo dễ nhất, nên ai cũng tham gia. Bản thân tui lúc trước làm đủ thứ nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu. Sau khi tìm hiểu và học được những “bí quyết” nuôi gà nòi thì tui dồn hết công sức cho nghề này.

Nhờ biết chọn giống tốt, gà màu sắc đẹp, đá hay… nên khách hàng tìm tới mua gà của tui ngày càng nhiều, dịp tết không đủ gà hay để bán. Nếu tính bình quân mỗi tháng tui cung ứng cho thị trường khoảng 40 con gà nòi, trừ chi phí cũng bỏ túi được hơn 30 triệu tiền lời, dư sức cho việc chi tiêu trong gia đình”.

Theo UBND huyện Chợ Lách, hầu hết các xã trong huyện đều nuôi gà nòi, nhưng tập trung nhiều nhất là ở 3 xã Long Thới, Tân Thiềng và Vĩnh Bình. Các xã này, vào đến thôn nào cũng thấy nhộn nhịp chăn nuôi gà. Tiếng gà gáy, gà gọi đàn, gà nhẩy ổ lúc nào cũng vang rộn khắp các ngõ thôn. Thanh niên trai trẻ thì nhộn nhịp trao đổi kinh nghiệm nuôi gà còn các cụ già thì vuốt những chòm râu bạc để bàn tán về một con gà hay với những thế đánh hiểm hóc.

Ở nơi này gần như nhà nào cũng nuôi gà nòi, hộ nuôi ít thì vài con đến vài chục con, nhiều thì vài chục con đến hàng trăm con. Đáng kể nhất là hộ ông Tự Gương ở xã Long Thới có hẳn trại gà nòi được đầu tư bài bản, với tổng đàn cả ngàn con.

Nhà nhà ở Chợ Lách nuôi gà nòi 

Trại gà nòi Tự Gương được phân thành nhiều khu vực như: khu phối giống, khu ấp trứng, khu nuôi gà con, khu nuôi gà giò, gà hậu bị, khu nuôi gà đá…

Với cách làm khoa học nên đàn gà nòi của Tự Gương luôn sản sinh nhiều con gà rất hay, tạo được tiếng vang trên thương trường từ nhiều năm qua. Đặc biệt, những viên chức cao cấp ở Campuchia cũng từng qua đây tham quan mô hình nuôi gà nòi của Tự Gương và đã không ngần ngại bỏ ra vài ngàn USD để mua một con gà “chiến”.

Độc đáo gà nòi Chợ Lách!


Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Chỉ cần đầu tư vài triệu đồng để nuôi gà nòi thì sau một năm có thể thu nhập được hàng chục triệu đồng. Vì vậy, nhiều người cho rằng đây là nghề giúp xóa đói giảm nghèo bởi hộ nào cũng có thể nuôi được gà nòi”.

Lâu nay đầu ra của gà nòi Chợ Lách thông qua những con đường như bán tại khu vực, nhiều tỉnh thành kề cận thì nhiều nhất vẫn là được đưa sang Campuchia.

 

Tuy nhiên, để gà nòi Chợ Lách có giá, đắt hàng như vậy thì nhất thiết phải có những độc đáo riêng. Theo ông Liêm, thời trước ở Chợ Lách đã có những trường gà chơi “chọi gà nghệ thuật”. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi và hết sức đặc thù nên nghề nuôi gà nòi đã xuất hiện nơi này từ khá lâu. Chợ Lách cũng là một trong những nơi giữ được nguồn gien của các giống gà nòi quý hiếm.

Để tạo ra gà giống tốt thì vấn đề quan trọng là phải biết chọn gà mái chất lượng, đi kèm với gà trống tuyệt hảo để lai tạo. Gà mái phải có ngoại hình khỏe mạnh, hung hăng để di truyền tính mạnh mẽ sang đàn con, còn gà trống thì phải có thể chất tốt, gan lỳ, chịu đòn và tránh đòn nhanh lẹ thì mới thi đấu bền bỉ được.

Khi chọn được những con giống tuyệt hảo như vậy để nhân giống thì sẽ cho ra những lứa gà nòi nổi trội, tạo nên thương hiệu của gà nòi xứ Chợ Lách. Gần đây, có một số cơ sở còn tìm tòi những giống gà hảo hạng từ nước ngoài nhập về để “phối giống” với gà Chợ Lách, nhằm tạo ra những giống gà mới to khỏe hơn, hay hơn…

Nhờ tạo được thương hiệu trên thương trường nên nghề nuôi gà nòi ở Chợ Lách không ngừng phát triển. Chỉ riêng xã Long Thới đã có hơn 90% số hộ nuôi gà nòi để bán. Người thấp nhất nuôi 10 con/năm, còn cao nhất lên 200-300 con/năm. Nuôi gà nòi còn kéo theo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập.

 

Xã Long Thới mỗi ngày người dân sản xuất khoảng 1.000 bội nhốt gà, giá bán từ 100.000-120.000 đồng/cái. Người làm thuê mỗi ngày đan được 5 bội gà, tính ra thu được khoảng 100.000 đồng/ngày.

Một số hộ khác thì chuyên làm nghề chăm sóc gà “sơ sinh”. Họ nhận “đổ” gà, tức là nhận gà giống bố mẹ đem về lai tạo gây đàn gà con để chăm sóc, đến khi gà nòi trưởng thành thì giao lại cho những hộ nuôi kinh doanh. Với cánh tài xế xe khách cũng kiếm “bộn” tiền nhờ hàng ngày chạy xe thuê đi giao gà nòi cho các nơi ở TP. HCM, miền Đông, Campuchia…

Đề phòng những tệ nạn phát sinh


Có thể nói nghề nuôi gà nòi đã thật sự mang lại nguồn kinh tế lớn cho nhiều hộ gia đình ở xứ vườn Chợ Lách. Chủ trương của huyện cũng xem nghề nuôi gà nòi như một trong những mô hình góp phần xóa đói giảm nghèo, từ đó khuyến khích người dân phát triển.

Theo lãnh đạo UBND xã Long Thới, qua kiểm chứng nhiều năm cho thấy việc nuôi gà nòi mang lại lợi nhuận cao hơn cả sản xuất hoa kiểng và một số mô hình làm nông nghiệp khác. Nhất là những cơ sở nuôi gà nòi có tiếng tăm, khẳng định được thương hiệu thì gà “đổ” ra không kịp bán. Mặt được là vậy, nhưng quan điểm của chính quyền địa phương là luôn tuyên truyền để người dân ý thức chuyện không được cá độ đá gà ăn tiền.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết thêm: “Huyện cũng lấy làm mừng khi gà nòi của Chợ Lách tạo được tiếng tăm ngày càng vang xa. Thế nhưng huyện luôn theo dõi sát sao nhằm kiểm soát chặt chẽ và đề phòng những tệ nạn phát sinh từ con gà. Vấn đề đáng ghi nhận là lâu nay dù Chợ Lách nuôi nhiều gà nòi, nhưng giới thanh niên nơi đây hầu như không biết đến chuyện đá gà ăn tiền, sát phạt lẫn nhau”.

Cũng theo ông Liêm, thời gian qua có nhiều ý kiến đề xuất huyện nghiên cứu mở trường gà theo mô hình “chọi gà nghệ thuật”, nhằm phục vụ nhu cầu giải trí; đồng thời để kiểm chứng gà giống từ đó nâng chất lượng gà nòi Chợ Lách cao hơn. Đây cũng là ý kiến cần thiết, tuy nhiên huyện còn suy tính, bởi lo ngại một số đối tượng lợi dụng chuyện “mở trường gà” để cờ bạc, đỏ đen… sẽ khó quản lý.

Giải pháp trước mắt của Chợ Lách là đồng ý cho mở các gian hàng bán gà nòi nhân lễ hội trái ngon của huyện được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5).

“Về lâu dài, Chợ Lách sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển giống gà nòi quý của địa phương. Thuận lợi là gà nòi Chợ Lách lâu nay rất ít bị bệnh, không hề bị cúm gia cầm… do sức đề kháng rất tốt. Huyện cũng xác định nghề nuôi gà nòi không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình, mà còn là nét văn hóa riêng biệt của xứ vườn Chợ Lách cần được bảo vệ và nhân rộng”, ông Liêm nói.

Ông Trần Văn Độ, một thương lái chuyên kinh doanh gà nòi ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhận xét: “Ở vùng sông nước miền Tây có nhiều nơi nuôi gà nòi tiếng tăm như gà nòi Cao Lãnh, gà nòi Gò Công, gà nòi Hậu Giang… thế nhưng gà nòi Chợ Lách là số 1 về chất lượng lẫn số lượng.

Giới chơi gà chọi ở các tỉnh và ngay cả ở Campuchia cũng đánh giá cao gà nòi Chợ Lách. Vì vậy mà giá gà nòi Chợ Lách luôn rất cao, nhất là những con gà thắng vài trận thì nhiều người tranh mua hàng chục triệu đồng, thậm chí vài ngàn USD là bình thường”.


Theo Minh Thới GĐ&CS
Bình luận
vtcnews.vn