Người cựu binh biên giới và ký ức ngày kết thúc chiến tranh

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 05/03/2014 09:56:00 +07:00

(VTC News) – 35 năm đã trôi qua, nhưng năm nào ông Thực và những người đồng đội bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn bồi hồi nhớ lại ngày kết thúc chiến tranh biên giới.

 

35 năm đã trôi qua, những dấu vết cuộc chiến vẫn còn đó, trên những bước chân tập tễnh, những cơn đau triền miên của những người thương binh đã trở về từ biên giới.

Đi tìm những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước trong những ngày này 35 năm trước, tôi đến gặp được ông Nguyễn Duy Thực, ở tổ 8, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.

Nhắc lại thời khắc chiến thắng quân xâm lược phương bắc, ánh mắt ông rưng rưng: “Các bạn còn trẻ, chưa được chứng kiến cũng như không thể hình dung được hết sự tàn khốc của chiến tranh. Đến lúc kết thúc cuộc chiến, tôi mới thấm đẫm và trân trọng những giá trị của hòa bình”.

chiến tranh biên giới 1979

 Cuộc gặp giữa những cựu chiến binh một thời cùng chiến đấu tại Lạng Sơn

 

Thời gian đã làm cuộc sống của ông thay đổi rất nhiều, nhưng ký ức chiến tranh của người cựu chiến binh ấy vẫn không thể xóa nhòa. 35 năm, ông vẫn không thể quên những ngày chiến đấu và bữa cháo nếp cuối cùng tại pháo đài Đồng Đăng.

Ông Thực nhập ngũ tháng 5/1978 khi mới 18 tuổi. Năm 1982 ra quân và trở về quê hương, cưới vợ, sống một cuộc đời bình dị với ruộng vườn. Dấu vết của cuộc chiến chính là những cơn đau bất chợt hành hạ ông lúc trái gió trở trời.

Người cựu binh này là nhân chứng sống của những ngày đỏ lửa ở biên giới. Thời điểm ấy, ông thuộc Đại đội 42, Trung đoàn 4, Sư đoàn 3, đóng quân tại Lạng Sơn. Ông trải qua cả 2 thời khắc chính của cuộc chiến ngắn ngủi.

Thời khắc thứ nhất là ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc ồ ạt tràn qua biên giới, những người lính còn trẻ măng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc. Đơn vị ông chỉ còn ông và một đồng chí nữa sống sót.

Thời khắc thiêng liêng thứ hai trong tâm trí ông, là ngày hôm nay (5/3/1979), Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phát lệnh tổng động viên toàn quốc.. Và cũng đúng hôm đó, những kẻ xâm lược phương bắc tuyên bố rút quân về nước.

Ông Thực gia nhập quân ngũ và huấn luyện tân binh tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Cuối năm 1978, Trung Quốc đã rục rịch gây chiến, đơn vị của ông được lệnh tập trung ở Lạng Sơn.

chiến tranh biên giới 1979

Vợ chồng ông Thực


Binh nhất Nguyễn Duy Thực đóng quân tại pháo đài Đồng Đăng, nơi mà chỉ mấy chục ngày sau đó đã diễn ra cuộc chiến anh hùng của 200 chiến sĩ chống lại cả sư đoàn quân xâm lược phương bắc.

5h sáng ngày 17/2/1979, ông cùng đồng đội đang tập thể dục thì bất ngờ nghe thấy  loạt tiếng nổ lớn. Quân Trung Quốc nã pháo liên hồi. Liên tiếp những quả đạn vượt qua cả pháo đài rót xuống thị trấn.

Tất cả chạy vào kho quân khí, mỗi người cầm 1 khẩu súng và tức khắc chạy lên các chốt phòng thủ.

Xe tăng chạy trước, bò lên bắn vào các cao điểm, phía sau là quân Trung Quốc tiến lên đủ chủng loại, kẻ chạy bộ, kẻ đi ngựa, kẻ ngồi trên xe quân sự tiến qua.

Phút chốc, chúng lên đông quá, tràn ngập thị trấn, ông Thực cùng đồng đội chĩa B41 bắn thẳng vào đội hình địch. AK bắn về phía địch đỏ cả nòng. Lớp trước ngã xuống, lớp sau chúng tiếp tục tiến lên.

Đến tối, chỉ pháo đài Đồng Đăng vẫn còn kiên cường chiến đấu, còn toàn bộ thị trấn đã bị chiếm. Chúng đốt sạch những gì trông thấy. Chúng cướp sạch lương thực thực phẩm trong kho. Chiến sĩ Đại đội 42 mang vũ khí cùng ít gạo rút vào cố thủ bên trong pháo đài.

Bị lính Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập, nhưng ông Thực cùng đồng đội thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chúng ra rả bắc loa gọi hàng, nhưng đáp lại chỉ là những tiếng súng của các chiến sĩ bắn ra từ pháo đài.

Dụ hàng không được, lại không dám lại gần, chúng tức tối ném lựu đạn và bộc phá đánh sập cả lối ra vào pháo đài.

Lương thực ít ỏi, nước trong pháo đài bao nhiêu năm lắng đọng chỉ là những vũng đen ngòm, ông và đồng đội phải hớt lên nấu cơm. Anh em thương binh trong pháo đài được ưu tiên ăn uống. Những người còn khỏe mạnh thì chịu đói khát nhưng vẫn kiên cường chiến đấu, cầm cự.

Tối ngày thứ 5 ở pháo đài, mấy chục con người đang ngồi quanh nồi cháo loãng, bỗng dưng nghe tiếng nổ lớn. Lính Trung Quốc đã chiếm được đỉnh núi, khoan thủng tầng 3 của pháo đài, mùi khói thuốc mù mịt, tường vữa rơi vãi tung tóe.

Chúng ném lựu đạn cay xuống lô cốt, mọi người nhặt ném trả lại, rồi chĩa súng bắn ra loạn xạ. Cay cú, chúng tiếp tục ném lựu đạn và xịt hơi độc qua lỗ khoan. Ông Thực bị trúng lựu đạn, bị sức ép văng vào tường bất tỉnh.

Lúc tỉnh dậy, ông thấy quanh mình xác người la liệt. Tường bê tông dày lộ ra một lối đi nhỏ. Hơi độc ngày càng đậm đặc, nên ông gắng gượng lết vào lối đi đó.

Đó là một lối thoát hiểm mà không ai biết, dẫn ra một bụi cây lớn sát bờ suối. Trong đêm, đạn pháo đan nhau như lưới trên bầu trời Đồng Đăng. Ông lội đường rừng trở về đến sư đoàn thì ngất xỉu. Tỉnh dậy ở bệnh xá, ông mới biết mình bị một mảnh lựu đạn găm vào đầu, cùng 2 viên đạn AK găm vào xương sườn.

Ông đã đau đớn đến ngất xỉu thêm một lần nữa khi biết tin đồng đội của mình ở pháo đài Đồng Đăng đã hy sinh hết. Bọn chúng đã xông khói độc, ném mìn đánh sập cả pháo đài, giết hết cả bộ đội, thương binh lẫn nhân dân ẩn náu trong đó.

Thời điểm ngày 5/3, khi nhận được tin tổng động viên toàn quốc, ông đang nằm điều trị tại viện 10 ở Bắc Ninh. Ở đó, những người thương binh cũng chỉ biết tin tức qua radio. Ai cũng muốn nhanh chóng khỏi bệnh để tiếp tục chiến đấu.

Chiều cùng ngày, nghe tin Trung Quốc rút quân, mọi người hò reo ầm ĩ. Những thương binh nặng trong phòng không thể nói được, cứ ứa nước mắt mà khóc. Chiến thắng đồng nghĩa với chiến tranh kết thúc, mọi người có thể trở về quê hương xây dựng cuộc sống.

Đêm hôm ấy, gần như tất cả anh em thương binh đều không ngủ được.

Phải 2 tháng sau ông Thực mới được ra viện, ngay tức khắc, ông xin quay trở lại đơn vị cũ. Cảnh tượng Lạng Sơn khi đó quá điêu tàn. Nhà cửa đổ nát, vết đạn lỗ chỗ như tổ ong. Chiến tranh kết thúc. Nhưng căng thẳng biên giới vẫn chưa dứt. Ông cùng đồng đội trú ẩn và phục kích trong những hang động.

Năm 1982, ông Thực xuất ngũ về quê. Ở đó, một người con gái vẫn chờ đợi ông. Hai người đã yêu nhau và hẹn thề trước khi ông lên đường nhập ngũ.

Thấy người yêu của mình chi chít những vết sẹo trên thân thể, bà Âu Thị Nhiên không cầm nổi nước mắt, nguyện sẽ bên ông trong suốt cả phần đời còn lại.

Hai người cưới nhau năm đó, ông Thực ở nhà làm ruộng, phụ giúp vợ con chợ búa, sống một cuộc đời bình dị.

35 năm đã trôi qua, ông Thực cũng như những người lính biên giới tháng 2, tháng 3 năm đó còn sống sót, giờ hàng năm vẫn tập trung ôn lại những kỷ niệm ngày chiến thắng 5/3.

Có người còn nguyên vẹn, nhiều người trở về với những vết thương khó lành, những vết thương vẫn còn gây đau đớn.

Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi, dù bảo với nhau rằng, quá khứ cần khép lại để cuộc sống mới đâm chồi, nhưng cũng cần phải trân trọng những năm tháng mồ hôi, nước mắt và máu của quá khứ. Với họ, những ngày tháng đó là một phần hết sức ý nghĩa của cuộc đời.

Bình luận
vtcnews.vn