Chuyện săn chuột vui như hội

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 09/10/2012 06:38:00 +07:00

(VTC News) - Khi những chú chuột hết chỗ ẩn nấp lao ra, từ trẻ đến già, người bay, người lộn đè lên nhau cười nắc nẻ... đủ các tư thế để tóm một chú chuột.

(VTC News) - Khi những chú chuột hết chỗ ẩn nấp lao ra, từ trẻ đến già, cả trai lẫn gái, người bay, người lộn, người đạp, người lăn, thậm chí cả đống người đè lên nhau cười nắc nẻ... đủ các tư thế để tóm một chú chuột.


Kỳ 2:Săn chuột vui như hội

Thái Bình là đất lúa và nổi tiếng là tỉnh ăn thịt mèo. TP. Thái Bình được mệnh danh là “thành phố thịt mèo”. Xã nào ở Thái Bình cũng có vài quán thịt mèo.

Người nơi khác không ăn thịt mèo, vì sợ chuột phá hoại mùa màng, nhưng nhiều vùng ở Thái Bình thì không sợ, vì họ ăn cả mèo lẫn chuột. Chẳng cần phải có mèo, chuột cũng không có đủ cho người dân ở quê lúa ăn.

Thậm chí, chuột ở những cánh đồng thẳng cánh cò bay thuộc huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Hưng Hà cũng trở nên hiếm hoi, vì thợ săn chuột hoạt động khắp nơi, suốt ngày.

Chuột được bày bán ở một số chợ quê 

Các thợ săn chuột kiếm sống phải đến các huyện khác, thậm chí sang tận Hải Phòng để săn chuột mới đủ nguồn cung cấp.

Ở Thái Bình hai loài chuột được ưa thích là chuột cống và chuột đất. Xin được nhắc lại, chuột cống không phải loài chuột sống trong cống rãnh ở thành phố, mà là loài chuột khổng lồ chuyên săn gà, vịt để ăn, sống ở các bờ bụi rìa làng. Chuột đất là loài chuột màu hung, hơi đen, cũng rất lớn.

Không chỉ các bợm nhậu, mà từ đàn ông đến đàn bà, người già, người trẻ đều khoái khẩu món chuột cống, chuột đất. Thịt loài chuột này thực sự là đặc sản của không ít ngôi làng quê lúa.

Tuy nhiên, hai loài chuột lớn này ngày một hiếm hoi ở quê lúa. Thợ săn tóm được mấy chú chuột cống, chuột đất thì chả khác gì trúng số.

Cảnh làm thịt chuột ở vùng giáp biên Campuchia thuộc tỉnh An Giang. Ảnh minh họa 

Loài chuột phổ biến nhất trong các bữa ăn của người dân quê lúa, đặc biệt là vào vụ chiêm là chuột vàng. Mỗi vùng miền phân biệt loài chuột theo một cách khác nhau. Nơi khác gọi chung loài chuột sống ở cánh đồng, ăn thóc lúa là chuột đồng. Hễ chuột sống ở đồng là chén được tất.

Tuy nhiên, ở cánh đồng Thái Bình có nhiều loài chuột khác nhau, cùng đào hang, cùng ăn lúa. Chuột vàng là loài chuột nhỏ, chỉ cỡ cổ tay người lớn, nặng độ 1-3 lạng/con.

Chuột vàng sống ở cánh đồng mùa chiêm như thể ở chĩnh gạo. Chúng cắn lúa làm ổ, đào hang làm mà, và hàng ngày chỉ có mỗi việc hái thóc để chén. Chính vì thế, con nào con nấy béo tròn ùng ục, béo xù lông, múp đầu.

Món chuột hấp bán ở chợ 

Thịt chuột vàng rất mềm, ngọt, thấm tận chân răng, cuống họng. Nó cũng được người dân quê lúa rất ưa chuộng. Người dân quê lúa chỉ ăn chuột vàng vào vụ chiêm. Hết thóc, chuột trốn vào làng, rúc vào cống rãnh thì không ai ăn, bắt được đập chết và bỏ đi.

Săn chuột vàng cực kỳ dễ. Theo các bác nông dân, vòng đời chuột vàng ngắn, nên trí khôn của nó cũng có giới hạn. Chúng thường đào hang ở bờ mương, ngay mép nước hoặc bờ ruộng. Hang khá ngắn, đơn giản, chỉ có một hai ngách.

Thợ săn chỉ việc bít một ngách lại, tát nước vào ngách phía cao. Là loài nhát gan nên chỉ tát vài gầu nước chúng đã ngóc đầu lên. Cứ thấy nước miệng hang lùng nhùng, y rằng tên chuột đang ngộp thở tìm cách chui ra.

Chỉ cần tát nước vào hang là tóm sống chú chuột vàng 

Những tên chuột vàng vừa chui khỏi hang, đang mắt nhắm mắt mở đã bị tóm sống. Tên nào thoát khỏi bàn tay thợ săn, thì cũng không thoát khỏi những cú vồ thiện xạ của chó săn.

Thời điểm cuối vụ chiêm thực sự là những ngày hội săn chuột ở một số làng quê trên đất Thái Bình. Thời điểm này, người người săn chuột, nhà nhà săn chuột, cả làng kéo nhau ra đồng săn chuột.

Lúc này, những mảnh ruộng lúa tẻ gặt hết, chỉ còn những thửa ruộng nếp muộn giữa cánh đồng. Hàng vạn con chuột vàng dồn vào những ruộng lúa nếp để lẩn trốn và chén thóc thơm. Lúc này, dân làng đều tham gia những cuộc vui... vồ chuột.

Thợ săn lành nghề chỉ cần nhìn hang là biết có chuột 

Nhiều cán bộ ở xa, thậm chí quan chức công tác tận Hà Nội, từng có tuổi thơ đẹp nhưng vất vả với đồng ruộng cũng về tham gia để hưởng không khí vui là chính và được chén thịt chuột là... chủ yếu.

Các nam, nữ thanh niên, các bà các chị cắt lúa, dồn hàng trăm con chuột vào một góc ruộng. Xung quanh ruộng, vài chục người đứng vây quanh với tư thế sẵn sàng và không chớp mắt.

Khi những chú chuột hết chỗ ẩn nấp lao ra, từ trẻ đến già, cả trai lẫn gái, người bay, người lộn, người đạp, người lăn, thậm chí cả đống người đè lên nhau cười nắc nẻ... đủ các tư thế để tóm một chú chuột, tranh nhau một con chuột.

Thực tế ở đây, việc thi nhau đuổi tóm một con chuột là thú vui, chứ không phải vì tranh nhau. Người này tóm được đầu, người kia tóm được đuôi, cũng cãi nhau chí chóe để giành chuột, nhưng tan buổi vồ chuột, mọi người lại vui vẻ, thui chuột vàng ruộm, xào riềng mẻ rồi mời nhau thưởng thức.

Thợ săn truy tìm hang chuột 

Những người lớn thì vồ chuột một cách công tâm và coi việc vồ chuột vui là chính, nhưng đám thanh niên thì nghĩ ra lắm trò ranh ma. Khi những ruộng lúa nếp gặt sắp xong, chuột dồn về một góc, họ sẽ đào một cái hang nhân tạo, rồi phủ lên miệng hang một mớ rạ.

Bọn chuột bị dồn vào một góc, muốn mở đường tẩu thoát, nhưng vừa thò đầu ra khỏi ruộng, thấy hàng chục người hau háu định vồ thì lại lẩn vào. Chúng rúc vào mớ rạ, thấy miệng hang thì chui vào ẩn. Đúng thời cơ, thợ săn bịt miệng hang lại và tóm cổ từng tên.

Các cuộc vui vồ chuột đông như hội kết thúc khi ruộng lúa nếp cuối cùng đã thu hoạch xong. Hết lúa, bọn chuột lẩn vào hang ở, và lúc này các thợ săn chuột chuyên nghiệp lại vào cuộc. Thời điểm vừa gặt xong, chuột còn trong hang rất nhiều, nên thợ săn có thể tóm được cả chục kg chuột mỗi ngày.

 
Với nhiều làng quê ở Thái Bình, thịt chuột là đặc sản 

Về Thái Bình, tôi còn được các cụ già ở một ngôi làng bên sông Diêm kể câu chuyện thế này: Vào cuối vụ chiêm, hội nông dân tập thể ở mấy ngôi làng cùng tổ chức đá bóng giữa “đội ông ngoại” và “đội ông nội”, tại sân vận động ở giữa cánh đồng.

“Đội ông nội” gồm những ông có con trai, “đội ông ngoại” gồm những ông đẻ toàn con gái. Không biết đen đủi thế nào, mà “đội ông nội” toàn thua. Tất nhiên, sau trận đấu, đội thua phải làm thịt chuột, rót rượu mời đội thắng và sau bữa nhậu tưng bừng thì mang tăm mời các "ông ngoại" rồi dọn mâm, rửa bát.

Những “ngày hội săn chuột” kỳ thú như vậy ở một số vùng quê trên đất Thái Bình mỗi ngày thêm mai một. Giờ đây, thèm chuột họ ra chợ mua, hoặc đặt hàng từ những nhóm thợ săn chuột chuyên nghiệp. Chuột thì vẫn có để ăn, nhưng cái thú đã mất đi nhiều.

Hùng Đặng

Bình luận
vtcnews.vn