Kỳ bí loài dơi lạ và nơi quần tụ của bầy dơi khổng lồ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 28/04/2012 05:23:00 +07:00

(VTC News) - Dơi chúa rất lớn, nặng tới 1,5kg, sải cánh đến 2m. Chúng bay dập dìu trên trời lúc nhập nhoạng tối như những bóng ma.

(VTC News) - Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, có một ngôi chùa nổi tiếng nhất, ấy là chùa Dơi. Thực tế, ngôi chùa này có tên là Mahatup, sau đọc chệch thành Mã Tộc. Vườn chùa có loài dơi khổng lồ sinh sống, nên gọi là chùa Dơi.
 


Ngôi chùa cổ

Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Ngôi chùa gồm hai cổng, một cổng phụ, một cổng chính.

Tuy nhiên, lạ ở chỗ cổng chính được trang trí khá đơn giản, còn cổng phụ, nhìn từ xa, thấy rực màu vàng óng, còn lại gần, du khách phải thót tim bởi hình hai con rắn khổng lồ gác hai bên cổng, mỗi con có 5 đầu, đang phồng mang trợn mắt như chực đớp người.

Cổng chùa Dơi. 

Ngôi chùa chính cũng là một kiệt tác. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar, đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng.

Khắp trên tường chùa là những bức tranh khổ lớn miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Trong khu vườn rộng khoảng 7ha còn có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...

Dơi bay rợp trời (Ảnh chụp lại ở chùa Dơi). 

Sư phó Lâm Tú Linh dù rất bận mải với việc khôi phục ngôi chánh điện bị cháy, nhưng khi trò chuyện về đàn dơi, sư rất nhiệt tình. Sư phó Linh dẫn tôi dạo mát dưới khu vườn rộng mênh mông với vô vàn các loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt.

Chùa Dơi được xây dựng từ năm 1569, trên một bãi cát hoang hóa do biển bồi. Vị sư trụ trì đầu tiên, sau khi dựng ngôi chùa nhỏ bằng gỗ, liền trồng một vườn cây để chắn gió biển. Khi vườn cây xanh tốt, các loại chim muông liền kéo về, nhiều nhất là cò, cồng cộc, điên điển, quạ, dơi... sống chung với các nhà sư.

Sư phó Lâm Tú Linh bảo: “Không hiểu sao, Sóc Trăng có tới hàng trăm ngôi chùa và rất nhiều chùa có cảnh đẹp thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng chỉ chùa Mã Tộc là có nhiều loài chim tụ họp, đặc biệt là dơi. Tôi nghĩ rằng chùa Mã Tộc là nơi đất lành nên có nhiều chim về đậu, đúng như điều tiền nhân thường nói”.

Ảnh chụp lại ở chùa Dơi. 

Để chứng minh chùa Mã Tộc là mảnh đất lành, Sư phó Linh dẫn tôi đi xem rất nhiều giếng nước trong chùa rồi bảo rằng, đào xuống lòng đất, chỗ nào cũng thấy có nước ngọt, trong vắt, múc lên là dùng ngay được.

Thế nhưng, dân cư sống quanh chùa lại không thể dùng được nước ngầm, vì nước nhiễm phèn cực nặng. Tôi thấy hàng chục cái giếng trong chùa, cái nào cũng có rất nhiều ống nhựa chọc xuống. Nhân dân quanh vùng đều nối ống vào chùa để bơm nước về dùng. Nhà chùa lúc nào cũng rộng lòng với chúng sinh, nên không tiếc gì nước, nhân dân cứ bơm thoải mái.

 

Phận hẩm của dơi

Đứng dưới gốc cây cổ thụ, ngửa mặt lên trời nhìn bọn dơi treo mình lủng lẳng trên cành, Sư phó Linh lại thở dài thườn thượt. Ngày nào Sư phó cũng ra vườn dơi ngắm nhìn chúng, rồi lại thở dài luyến tiếc, vì mỗi ngày sư cảm nhận rõ sự hao hụt số lượng.

Cách đây độ chục năm, dơi đậu trong chùa nhiều vô kể. Chúng đậu khắp các cành cây trong vườn, tràn cả ra ngoài cổng, thậm chí trên nóc chánh điện còn thấy khối đen lủng lẳng.

Dơi bám đen ngọn cây. 

Một cụ bà vãng chùa cho biết: "Không biết dơi có từ bao giờ nhưng từ nhỏ tôi đã thấy dơi... Mỗi khi đàn dơi bay về, chúng tạo ra những đám mây kéo dài hồi lâu mới hết... Cây xanh trải dài, cành lá sum suê là thế nhưng mỗi khi đàn dơi tề tựu về thì nhìn lên chẳng thấy lá đâu, chỉ thấy một màu đen kịt của dơi".

Nhưng có một điều lạ, nhiều cây cổ thụ tán rộng lòa xòa của nhà dân, ngả hết cả sang đất chùa, chúng lại không bao giờ đậu. Những buổi trưa nóng nực, chúng vỗ cánh phành phạch, náo động cả chùa.

Điều lạ nữa, chúng chỉ “bậy” ra khu vườn, cách rất xa chùa, chứ không bao giờ “bậy” luôn ra chùa cả. Tình trạng ô nhiễm do phân dơi cũng không xảy ra, vì sáng nào nhân dân quanh vùng cũng kéo đến dọn phân dơi về làm phân bón. Phân dơi cực tốt với các loài cây ăn quả, nên lúc nào cũng đắt hàng.

Số lượng dơi khổng lồ mỗi ngày một ít. 

Tuy nhiên, giờ đây, muốn được hàng ngày dọn phân dơi cũng không được, vì đàn dơi cứ teo dần, rồi giờ chỉ còn chon hỏn một nhúm độ vài ngàn con, treo ở vài cây cổ thụ giữa chùa.

Khách tham quan về thăm chùa Dơi, đều ra ngắm đàn dơi với con mắt hau háu. Nhiều ông sành nhậu, trót ngắm đàn dơi rồi, chỉ muốn thưởng thức xem thịt nó ra sao. Vậy là những quán thịt dơi mọc lên khắp Thành phố Sóc Trăng.

Nhà chùa kêu cứu nhiều quá, các cơ quan chức năng vào cuộc, cấm các nhà hàng kinh doanh món thịt dơi. Nhưng nếu họ cứ hoạt động lén lút thì cũng chịu. Mà cấm ở Sóc Trăng, thì các quán nhậu thịt dơi ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh lại mọc lên nhan nhản.

Dân nhậu có thể tha hồ chỉ mặt những con dơi đang nằm trong lồng, rồi ngồi chờ nhà hàng làm thịt. Họ nhồm nhoàm nhai và khen vừa ngon, vừa bổ, nhưng ở ngôi chùa kia, các nhà sư trông đàn dơi mỗi ngày teo đi, họ đau cứ cơ thể mình đang bị ngặm nhấm vậy.

Cứ đà này, chẳng mấy chốc đàn dơi sẽ biến mất và cả ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo nhất cả nước này cũng sẽ bị quên lãng.

 

Loài dơi bí ẩn

Theo Sư phó Tú Linh, hầu như các nhà khoa học chưa có nghiên cứu gì về loài dơi độc đáo, chỉ có duy nhất ở chùa Mã Tộc này.


Chỉ có một nhà khoa học, cách đây vài năm, qua chùa, sau khi ngắm nghía, chỉ để lại một thông tin duy nhất cho các nhà sư: Đây là loài dơi quạ, là loài cực kỳ hiếm. Hiếm và quý thì nhà chùa biết cả rồi, nhưng làm sao để bảo vệ được chúng mới là điều cần thiết nhất.

Có phải là dơi quạ? 

Có lẽ loài dơi ở chùa Mã Tộc là loài lớn nhất nước ta. Con dơi mới đẻ đã có sải cánh dài tới 50cm. Dơi trưởng thành sải cánh dài khoảng 1,5m, nặng 1kg.

Một số con dơi chúa rất lớn, nặng tới 1,5kg và sải cánh của nó đến 2m. Những con dơi chúa bay dập dìu trên trời lúc nhập nhoạng tối trông như những bóng ma.

Loài dơi này mỗi năm chỉ đẻ một lứa và đẻ duy nhất một con vào mùa mưa tháng 6. Chúng không làm tổ, nên đẻ xong thì cứ ôm con suốt ngày đêm. Khoảng 3-4 tháng ôm con như vậy, lúc con biết bay, thì tự đi kiếm ăn.

Cứ đến mùa sinh sản và nuôi con, các nhà sư lại phải thay nhau trông nom và chăm sóc đàn dơi như chăm bà đẻ. Đàn dơi trong chùa tin người đến tồ tệch. Chúng cứ để con mình tập bay rất vô tư, rớt xuống đất cũng không sợ, vì đã có các nhà sư chăm sóc giúp.

 

Giống dơi này không có chân, chỉ có những cái móng ở cánh, dùng để móc vào thân cây, do đó, khi rớt xuống đất, cánh lại dài, không đó đà, nên không thể bay lên được. Đến mùa tập bay, tí lại thấy một chú rơi “độp” xuống đất. Các nhà sư lại phải nhẹ nhàng bế chúng lên vuốt ve, rồi đặt lên cành cây để mẹ nó xuống nhận con.

Giống dơi không bao giờ nhận lầm con. Nhiều lần giông gió nổi lên, đàn con rơi xõng xoài khắp mặt đất. Các sư phải mang chúng vào chùa. Sấm chớp qua rồi, các nhà sư lại mang ra treo từng con một lên cành cây. Đám dơi mẹ sà xuống ngó nghiêng lần lượt để nhận con.

Điều lạ là cả trăm cặp mẫu tử nhận lại nhau mà không hề có chuyện nhận nhầm hoặc tranh chấp nào cả. Tuy nhiên, nhiều lần, sau những đêm dơi con ở nhà tập bay, bị rơi xuống đất, mẹ chúng không về được bởi đã sa vào lưới của đám thợ săn, thì các nhà sư phải làm mẹ chúng, cho chúng uống sữa bò, rồi bón cho chúng ăn hoa quả, dạy chúng tập bay.

 

Và cũng có một chuyện rất lạ, đó là giống dơi ở đây chỉ chấp nhận sự chăm sóc của các nhà sư. Khách du lịch viếng thăm chùa, trông cảnh nhà sư cho dơi ăn, tung dơi lên trời ở ngoài sân chùa cho chúng tập bay, cũng muốn giúp các nhà sư và làm quen với bọn dơi, nhưng không được.

Giống dơi này có thể nép mình vào vai và dụi đầu vào má các nhà sư, nhưng hễ người lạ đến gần là chúng trở nên rất hung dữ, cào cắn rách cả thịt. Sư phó Tú Linh sau mấy chục năm sống chung với đàn dơi bảo rằng, dường như bản năng của loài dơi, từ lúc sinh ra đã thân thiết với các nhà sư trong chùa rồi.

Giống dơi trong chùa Mã Tộc này là giống dơi ăn quả. Chúng chỉ ăn hoa quả và uống nước từ các trái dừa. Răng chúng sắc đến nỗi, chỉ cắn một lát đã thủng quả dừa.

 

Tuy nhiên, điều rất lạ là chúng không bao giờ ăn, dù chỉ một trái cây trong vườn chùa, mặc dù trong vườn chùa trồng hàng chục loại cây ăn quả và quanh năm hoa trái sai trĩu trịt. Với các nhà khoa học, để lý giải được điều này quả không hề dễ dàng.

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 6h30 tối, đàn dơi bay lên ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi từ giã chùa đi kiếm ăn. Chúng đi ăn rất xa, khắp các miệt vườn dọc sông Tiền, sông Hậu.

Và rồi, như công thức, đúng 4h sáng đã có mặt đầy đủ ở chùa. Con nào vắng mặt, coi như đã sa bẫy. Loài dơi ở đây rất thông minh, nhưng chúng thường sa bẫy vì đạo nghĩa. Đám săn dơi thường nhốt một vài con dơi trên cây làm mồi nhử. Đàn dơi bay qua, thấy bạn đang kêu cứu, liền sà xuống cứu. Thế nhưng, bạn không cứu được, mà mình bị mắc lưới và trở thành mồi nhậu.
 


Diễm Nguyệt



Bình luận
vtcnews.vn