Nước mắt những người mắc bệnh quái ác ở Mường Chiềng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 15/09/2011 11:35:00 +07:00

VTC News) - Mai này, Thúy lớn lên, ông trời sẽ không cho em thành thiếu nữ. Nghĩ mà rớt nước mắt.

(VTC News) - Nhìn cảnh bé Thúy cười toe toét gặm quả táo Tàu như con chuột trên lưng ngoại mà xót xa. Mai này, Thúy lớn lên, ông trời sẽ không cho em thành thiếu nữ. Nghĩ mà rớt nước mắt.

Đường vào Mường Chiềng vẫn hun hút, diệu vợi. Nhưng giờ vào Mường Chiềng đã dễ đi hơn nhiều, đường nhựa rải đến vùng đất tận cùng phía Tây của tỉnh Hòa Bình. Chục năm trước, tôi cưỡi chiếc win 100 vào đến Mường Chiềng, với dốc núi đá hộc lởm chởm, thật quá khổ so với bây giờ.

Đoàn cán bộ Báo điện tử VTC News chuyển quà của độc giả hảo tâm đến Mường Chiềng. 

Ngoài con đường nhựa xuyên qua, với trụ sở, trường học khang trang được xây dựng, thì Mường Chiềng vẫn vậy. Những nếp nhà sàn đen bóng vẫn ẩn hiện sau những cánh rừng hoang sơ như hàng trăm năm trước. Người Mường Chiềng vẫn kéo nhau ra nhìn ngó khi thấy ô tô và những người dưới xuôi tìm lên.

Trạm y tế xã Mường Chiềng đông hơn mọi ngày. Người dân kéo đến xem và ngơ ngác không hiểu vì sao lại tụ tập toàn những người bị căn bệnh “lột da” quái ác. Họ ngồi yên vị thành hàng dài trên những chiếc ghế băng bày sẵn trên hiên. Dưới sân là cả chục người tò mò đứng nhòm ngó. Các cán bộ thông báo trưa hôm sau đến nhận quà, nhưng họ đến trạm y tế từ rất sớm.

Các bệnh nhân đến trạm y tế từ rất sớm. 

Ông Xa Văn Chiều hốc hác, già quá. 10 năm không phải là thời gian quá dài, nhưng tôi không nhận ra ông nữa. 10 năm trước, ông ngồi khóc rống nơi bậu cửa, khi chúng tôi hỏi sao ông không đưa con về Hà Nội chữa trị? Thời trẻ, ông xông pha dọc ngang chiến trường ác liệt Quảng Bình, Quảng Trị, sang tận Nam Lào. Rời bộ đội, ông về bản Nà Mạn lấy vợ, rồi cắm mặt vào núi kiếm sống. Liền tù tì vợ chồng ông đẻ 8 người con. Những tháng ngày nhọc nhằn nuôi con khiến ông chẳng có điều kiện ra khỏi xã, chứ nói gì về thủ đô, lại mang con đi chữa bệnh.


Xa Văn Thành, mỗi ngày bệnh nặng hơn.  

Trong 8 người con của ông có hai người bị căn bệnh khô da sắc tố quái ác, là Xa Văn Thao (SN 1977) và Xa Văn Nhất, cậu út, sinh năm 1987. Trai lớn lấy vợ rồi ông cho ở riêng, gái lớn thì đã gả chồng. Giờ vợ chồng ông ở tuổi gần đất xa trời, nhưng không được thư thả, mà mang nỗi lo canh cánh lá xanh rụng trước lá vàng. Ông bà vẫn phải lao động quần quật để nuôi hai đứa con bị giời đày. Hai con của ông sống được ngày nào thì hay ngày ấy, chứ ông chẳng có điều kiện đưa con ngược xuôi chữa bệnh.


Phó TBT Lê Trường Sơn trao quà cho các bệnh nhân. 

Nhận được khoản tiền từ độc giả Báo điện tử VTC News trị giá hơn 10 triệu đồng, ông Chiều xúc động chẳng nói lên lời. Cả đời ông bòn mót từng mẩu măng rừng kiếm sống, chẳng bao giờ dám mơ có được khoản tiền lớn như thế. Ông biết rằng, căn bệnh này chẳng thể chữa khỏi được, nhưng với số tiền này, ông cũng sẽ quyết tâm đưa con xuống bệnh viện một chuyến xem sao.


Hầu hết những bệnh nhân của căn bệnh quái ác có mặt ở trạm xá Mường Chiềng tôi đã gặp từ 10 năm trước. Giờ chẳng nhận ra họ nữa. Những khuôn mặt lở loét, dúm dó, chảy máu. Họ cất tiếng nói khó nhọc, cứ ú ớ trong cổ họng, chẳng thành lời bình thường.

 

Cứ nghĩ rằng căn bệnh này buông tha bé gái, không ngờ, buổi trao quà hôm đó xuất hiện thêm bé Hà Thị Thu Thúy. Bé Thúy kháu khỉnh, xinh xắn, khiến cô đồng nghiệp đi cùng chúng tôi cứ đòi bế ẵm, hôn hít, cưng nựng. Nhưng trên gương mặt bé, những nốt đỏ oan nghiệt đã vỡ, da bé đã tróc ra và loang lổ các vết đen trắng. Căn bệnh khô da sắc tố đã biểu hiện từ khi đứa trẻ mới chỉ 2 tháng tuổi.


Hôm nay, bà ngoại bế Thúy đi nhận quà và nhận tiền do độc giả và Báo điện tử VTC News tặng. Tôi hỏi mẹ bé đâu, bà ngoại cứ ngắc ngứ không nói được. Bà nói tiếng kinh bập bẹ. Chủ tịch xã Xa Văn Hùng lôi tôi ra kể rằng, bé Thúy không có bố. Có kẻ nào đó giả yêu giả đương, làm cho Thính mang bầu, rồi biến mất sau dãy Nà Nguồn. Không chồng mà lại có con, Thính xấu hổ chẳng dám bước ra khỏi nhà, cứ lủi thủi trên nương kiếm sống. Đời Thính đã buồn như tiếng dế kêu giữa rừng hoang, giờ đứa con, kết cục của cuộc tình ngang trái lại như vậy, thì còn gì đau hơn nữa. Nhìn cảnh bé Thúy cười toe toét gặm quả táo Tàu như con chuột trên lưng ngoại mà xót xa. Mai này, Thúy lớn lên, ông trời sẽ không cho em thành thiếu nữ. Nghĩ mà rớt nước mắt.

Bé Hà Thị Thu Thúy là bé gái duy nhất ở Mường Chiềng bị khô da sắc tố. 

Từ 10 năm trước, tôi đã đi tìm nguyên do căn bệnh này, cho đến giờ đây, cũng chẳng rõ nguyên do là gì. Chất độc da cam không phải, nước non ô nhiễm không phải. Nó là căn bệnh di truyền, đột biến gen như các nhà khoa học khẳng định? Cũng chẳng phải lắm, vì cha ông họ, mấy chục, mấy trăm năm trước có ai bị đâu? Chuyện này thì anh Xa Văn Hùng nắm rõ lắm.


Anh Hùng kể, tổ tiên của người Tày ở Mường Chiềng vốn ở nước Lào, mang họ Khăm, có ngôn ngữ, chữ viết riêng. Anh Hùng là một trong số ít người vẫn còn viết được chữ Tày. Anh đang dạy con anh và đang mơ ước về một ngày mở lớp dạy chữ tổ tiên cho dân bản. Anh kể rằng, chừng 150 năm trước, Khăm Lau còn bé tí xíu, mới lọt lòng mẹ. Trong quá trình thiên di, mẹ chết, dân bản phải bẻ cây lau giã lấy nước cho cho bé uống thay sữa mới sống được. Thế nên, bé mới có tên là Khăm Lau. Lớn lên, Khăm Lau là tộc trưởng, kéo dân bản từ Sơn La sang Đà Bắc (Hòa Bình) lập bản, đổi sang họ Xa, rồi sống tại đây đến giờ. Bất cứ sự kiện gì xảy ra, già làng, trưởng bản họ Xa đều ghi lại trong những cuốn sách bằng chữ Tày. Số sách ấy ở Mường Chiềng đủ chất thành kho. Thế nhưng, chẳng có dòng chữ nào nhắc đến, cũng chẳng thấy các cụ già truyền miệng về một căn bệnh quái gở, kinh hoàng nào như căn bệnh khô da sắc tố xảy ra rất nhiều ở Mường Chiềng.

Thích thú với món quà giúp bệnh nhân bảo vệ mắt khi đi nắng. 

Hôm chúng tôi lên Mường Chiềng trao quà, lại thiếu Xa Văn Tâm, cậu bé được dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất. Tâm không những bị bệnh nặng, lại bị tâm thần, suốt ngày lang thang bờ bụi kiếm ăn như con thú hoang.


10 năm trước, tôi lên Mường Chiềng, cậu bé Tâm 4 tuổi chạy lon ton ngoài vườn, đu vắt vẻo trên cành ổi trước nhà.  Khi đó, trên mặt tâm mới có vài vết loang lổ trắng đen, chứ chưa khủng khiếp như bây giờ. Căn bệnh quái ác khiến em bị tâm thần, em lại không được chăm bẵm tử tế, suốt ngày bỏ đi lang thang, ăn bờ ngủ bụi, nên bệnh càng trầm trọng. Mặt mũi, cổ và toàn bộ phần lưng đã lở loét, bốc mùi tanh nồng, ruồi muỗi bu kín, khiến không ai dám đến gần em nữa.

Xa Văn Tâm và bà ngoại nhận quà cứu trợ tại bệnh viện tỉnh. 

Nhưng có một nỗi đau sâu kín, mà không phải ai cũng biết, là gần đây, anh Xa Văn Quan không còn đủ sức thương yêu cậu con của mình nữa. Đóng cũi nhốt con không được, anh bỏ mặc cho con đi lang thang. Những ngày ăn bờ ngủ bụi, khiến bệnh của Tâm trầm trọng hơn bao giờ hết. Cơ thể viêm nhiễm, mưng mủ khắp thân, khiến em không đủ sức đứng thẳng đi lại, mà lúc lom khom cố lê chân, lúc bò lổm ngổm như con cua núi. Nhìn cảnh ấy, xót quá, một cơ quan hảo tâm đã đưa em xuống Bệnh viện Hòa Bình, đưa cho bệnh viện 3 triệu đồng, để điều trị, chăm sóc cho em.


Được các bác sĩ chăm sóc, Xa Văn Tâm đã đỡ đau đớn hơn, không chảy máu, ra mủ nữa. 

Lúc chúng tôi quay về bệnh viện, đã 7 giờ tối. Tâm ngồi trên xe lăn, 14 tuổi mà như đứa trẻ 6-7 tuổi, nhỏ thó, cứ cúi gằm mặt. Thi thoảng mới liếc vội mắt nhìn người lạ. Ở chốn thị thành đẹp đẽ kia, với mọi người, em mang gương mặt của quỷ, dễ gây kinh hãi cho mọi người. Dù tâm tính em không được bình thường, song có lẽ em cũng cảm nhận được ánh mắt ái ngại của người khác nhìn em. Vậy nên, chẳng mấy khi em ngẩng mặt lên.


Mấy ngày nay, được bác sĩ, y tá chăm sóc tận tình, lau rửa vết thương thường xuyên, Tâm đã đỡ nhiều, máu mủ không còn chảy ra nữa, em đã vươn người ngồi thẳng lên được. Nhận hơn 7 triệu đồng từ độc giả hảo tâm, bà ngoại Tâm rưng rưng xúc động. Bác sĩ phải nhắc từng chữ một, Tâm mới ỏn ẻn như đứa trẻ nói: “Con cám ơn các bác, các chú ạ!”.

Danh sách bệnh nhân khô da sắc tố nhận quà cứu trợ. 

Chúng tôi rời Mường Chiềng trong cơn mưa rừng xối xả. Những giọt nước mắt buồn vui nhạt nhòa. Số tiền hơn 40 triệu đồng cùng những phần quà đến với các bệnh nhân kia, trong tâm thức họ thật ý nghĩa, thật lớn lao. Nhưng, chúng tôi biết rằng, họ cần nhiều hơn nữa những tấm lòng của bạn đọc, bởi trước mắt họ, khốn khó còn dài lắm.

 Ban Biên tập VTC News chân thành cám ơn lòng hảo tâm và sự giúp đỡ, động viên, khích lệ của bạn đọc gần xa và hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của độc giả trong và ngoài nước.

Mọi giúp đỡ của độc giả xin gửi về:

Báo điện tử VTC News

Tầng 2, Chung cư số 46, ngõ 230 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tài khoản số: 002-1-00-024899-1 Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Xin đề rõ: Đóng góp giúp các bệnh nhân mắc căn bệnh lạ ở Hòa Bình.

Hoặc bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại đường dây nóng: 01255 911 911 (gọi trong nước) và +84 1255 911 911 (gọi từ nước ngoài) để được giải đáp chi tiết.

Ban biên tập VTC News

Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn