Việt Nam và “núi tiền” trị giá 1.200 tỷ USD!

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 22/07/2011 06:08:00 +07:00

(VTC News) - Giá trị quỹ đất của chúng ta từ 1.000 đến 1.200 tỷ USD nếu được vốn hóa, đủ để chúng ta có thể hiện đại hóa đất nước và phát triển thần kỳ.

(VTC News) - Qua các tính toán chi tiết của ông Hải, từ đất rừng đến đất biển, từ nông thôn đến đô thị, hiện tại, giá trị quỹ đất của chúng ta, nếu được vốn hóa, sẽ mang lại lượng tiền từ 1.000 đến 1.200 tỷ USD, một con số khổng lồ, đủ để chúng ta có thể hiện đại hóa đất nước và phát triển thần kỳ.


Phải nói rằng, tôi đã đọc “Công trình nghiên cứu khoa học kinh tế chiến lược về đất đai Việt Nam” của ông Bùi Xuân Hải một cách ngấu nghiến và phát hiện nhiều điều bất ngờ.

Điều bất ngờ lớn nhất là sự tiên tri trong cuốn sách này. Tôi trộm nghĩ, giới buôn bất động sản đọc được tài liệu này từ 9 năm trước và thực hiện theo, thì chả khác nào vớ được đống vàng.

Ông Bùi Xuân Hải ở resort Tiểu Đồ Sơn. 

Mặc dù ngồi trong tù, song ông vẫn hoàn thành một cuốn sách với những số liệu ngồn ngộn. Theo đó, từ năm 2002 (khi đó giá đất đã tăng quá cao, được các chuyên gia khẳng định là bong bóng), ông dự đoán, với sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay, đất đai Việt Nam sẽ còn tăng giá trị lên gấp nhiều lần. Đến năm 2010, giá đất ở Việt Nam sẽ còn tăng gấp 10 lần, thậm chí vài chục lần. Đến năm 2020, giá đất sẽ tiếp tục tăng gấp 3-4 lần, thậm chí 5-7 lần năm 2010.

Ông Hải bảo, ông chẳng phải nhà tiên tri đoán mò, mà ông nghiên cứu quá khứ của những nước phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, hoặc các lãnh thổ như Hồng Kông, Đài Loan… thì sẽ rõ cả. Hầu hết những nước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thì đất đai đều tăng giá trị một cách chóng mặt.

 
Đồ gốm vẽ thủ công bằng vàng do ông Hải sáng tạo ra. 

Ngay trang bìa của đề án, ông Hải viết một “Tâm thư” ngắn gọn, với nhiệt huyết vô bờ gửi lên lãnh đạo cấp cao: “Sau 4.000 năm dựng nước và giữ nước, cả dân tộc ta đang đứng trước một bước ngoặt trọng đại chưa từng có: Phải chuyển từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu thành một quốc gia giàu có, hùng mạnh. Thật là một khát vọng ngàn năm chưa bao giờ thành hiện thực! Gánh nặng lịch sử vĩ đại đó đang đặt trĩu trên vai Đảng… Là lãnh đạo tối cao của quốc gia, trách nhiệm cao nhất của Đảng là phải tìm trong đó cái nút quan trọng nhất, để làm chuyển động ngay tức khắc cỗ xe khổng lồ của đất nước…”.

Và trong “tác phẩm” này, bằng tất cả tâm huyết, vượt lên nỗi nhục tù đày, theo ông Hải, ông đã tìm được cái “nút thắt quan trọng nhất” khiến đất nước không vươn lên mạnh mẽ được. Nút thắt đó chính là “Vấn đề đất đai”. Điều kỳ lạ là ông Hải đã tìm thấy vấn đề quan trọng nhất này trong Chủ nghĩa Marx. Marx nói rằng “đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất”. Các nhà hiền triết ở nước ta đều thuộc câu nói đó của Marx, nhưng chưa chắc đã hiểu đến tận cùng.

Xưởng vẽ gốm của ông Hải. 

Để giải quyết được “núi thắt” này, ông Hải đã phải viết tới 200 trang sách với những lý luận cực kỳ sắc bén, hiện đại. Điểm mấu chốt trong cuốn sách này, là ông khẳng định rằng, chúng ta đang ngồi trên một “núi tiền” trị giá 1.200 tỷ USD. Chúng ta chưa biết khai thác, tận dụng “núi tiền” đó trong khi chúng ta luôn thiếu vốn trầm trọng.

Theo ông Hải, bài toán này bắt nguồn từ buổi hội thảo 2 ngày của 200 đại biểu là các nhà doanh nghiệp và lãnh đạo của 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc gồm Samsung, Hyundai, Daewo, L.G.Goldsta diễn ra vào năm 1989 tại Khách sạn Dân Chủ ở Hà Nội. Trước thời điểm đó, ông Hải đã có 10 năm nghiên cứu về “sự thần kỳ của Hàn Quốc”, do đó, ông không bỏ lỡ buổi hội thảo đặc biệt này.

Ông Hải bên sản phẩm gốm sang trọng. 

Trong buổi hội thảo đó, các lãnh đạo tập đoàn Hàn Quốc đã trả lời hàng trăm câu hỏi của các giám đốc, các chuyên gia kinh tế. Họ đã bày cho đất nước ta các bí quyết để phát triển tăng tốc, rằng xây dựng đường sá thế này, nhà máy thế kia, cảng biển thế nọ… tóm lại là phải hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, giáo dục

Đến cuối buổi hội thảo ngày thứ 2, ông Hải đã đứng lên hỏi: “Tôi đã có 10 năm nghiên cứu về Hàn Quốc và tôi thấy rằng các ông đi từ không đến có, đó là một sự phát triển thần kỳ. Nguồn vốn FDI và ODA cũng như các nguồn vốn đầu tư gián tiếp, viện trợ kinh tế nước ngoài là không đáng kể. Vốn vay ít ỏi của nước ngoài chủ yếu nhằm mục đích kỹ thuật hơn là mục đích nguồn lực. Có thể nói rằng, các ông chủ yếu dựa vào nội lực để phát triển, trong khi đó, thời kỳ đầu canh tân, các ông còn nghèo nàn, lạc hậu hơn Việt Nam. Chúng tôi thừa biết phải hiện đại hóa thế này, thế kia, nhưng tôi xin hỏi một câu là các ông lấy từ nguồn nội lực nào để có một số vốn khổng lồ dành cho đầu tư phát triển, làm GDP tăng nhanh nhất thế giới suốt ¼ thế kỷ qua? Tóm lại, bí quyết tạo vốn từ nội lực của các ông là gì? Trong khi tất cả các bài học hiện đại hóa mà các ông truyền đạt cho chúng tôi đều cần rất nhiều vốn mà đất nước chúng tôi hiện nay lại quá thiếu vốn?”.

Sản phẩm sứ dùng để trang trí nhà cửa cũng có thể vẽ bằng vàng. 

Sau khi nhận được câu hỏi của ông Hải, họ đã hội ý vài phút bằng tiếng Hàn (trong khi cả cuộc hội thảo họ toàn dùng tiếng Anh), rồi ông Phó Chủ tịch tập đoàn Hyundai phát biểu: “Đây là câu hỏi hay nhất và quan trọng nhất của cuộc hội thảo. Song rất tiếc vì chưa chuẩn bị nên chúng tôi chưa thể trả lời tại đây được. Xin địa chỉ liên hệ của Ngài và sẽ trả lời sau”.

Ông Hải đã đưa địa chỉ cho họ, song ông tin rằng, sẽ không bao giờ ông nhận được câu trả lời, bởi đó là bí quyết của họ. Và sự thật, đến nay, 22 năm trôi qua, câu trả lời đó ông vẫn chưa nhận được.

Câu hỏi “Bí ẩn Hàn Quốc” ông Hải đã đi tìm trước buổi hội thảo đó 10 năm và phải sau đó hơn 10 năm nữa, vào năm 2002, lúc đang ngồi trong trại giam vì vi phạm luật đất đai, ông Hải mới trả lời được. Người Hàn Quốc đã biết “vốn hóa quỹ đất”, biến nguồn đất ít hỏi thành vốn và lấy nguốn vốn khổng lồ đó để làm “máu” cho con tàu kinh tế chạy không ngừng nghỉ, biến một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một cường quốc chỉ trong vòng 30 năm.

Hơn 20 năm nghiên cứu, ông Hải đã trả lời được câu hỏi vì sao Hàn Quốc phát triển thần kỳ. Theo ông Hải, Hàn Quốc là mô hình tuyệt vời để chúng ta học tập.  

Qua nghiên cứu của ông Hải, người Nhật và người Hàn Quốc đã biết vốn hóa quỹ đất của mình, để rồi họ có sự phát triển thần kỳ. Kinh tế càng phát triển mạnh, thì giá trị quỹ đất của họ càng tăng. Thời kỳ đỉnh cao, giá trị quỹ đất của Nhật Bản lên tới 38.000 tỷ USD, gấp 38 lần Việt Nam hiện nay.

Sự phát hiện của ông Hải về việc huy động nguồn vốn từ nội lực đất đai rất trùng khớp với nhà nghiên cứu Hernando Desoto, người Peru. Năm 2006, TS. Nguyễn Quang A đã dịch cuốn sách “Sự bí ẩn của vốn” của tác giả này ra tiếng Việt.

Qua các tính toán chi tiết của ông Hải, từ đất rừng đến đất biển, từ nông thôn đến đô thị, hiện tại, giá trị quỹ đất của chúng ta, nếu được vốn hóa, sẽ mang lại lượng tiền từ 1.000 đến 1.200 tỷ USD, một con số khổng lồ, đủ để chúng ta có thể hiện đại hóa đất nước và phát triển thần kỳ. Khi kinh tế đất nước phát triển, giá trị đất tiếp tục tăng lên và lượng vốn có được từ đất sẽ lại thêm dồi dào. Theo ông Hải, đến năm 2020, giá trị vốn đất của chúng ta không phải 1.200 tỷ USD nữa, mà sẽ là 3.000 tỷ USD, thậm chí, nếu kinh tế phát triển nhanh hơn những năm qua, giá trị quỹ đất có thể lên đến 10.000 tỷ USD. Với giá trị như vàng ròng của đất, chúng ta hoàn toàn không thiếu vốn cho đầu tư và phát triển.

Thế nhưng, trong khi đất tăng giá trị, đất biến thành vàng, lẽ ra phải mừng và tìm cách sử dụng đống vàng đó, thì chúng ta lại lo lắng và tìm cách kiềm chế nó, gây méo mó thị trường.

Ngoài ra, đất lẽ ra phải là vàng (có thể mua bán sinh lời, cá nhân và doanh nghiệp cầm cố ngân hàng lấy vốn), thì chúng ta lại biến nó thành “đất ruộng, đất ao, đất hoang” (giá trị mua bán thấp, không cầm cố ngân hàng được), để rồi hạ giá nó xuống cả trăm lần, trong khi giá trị sử dụng là như nhau. Hiện luật đất đai của chúng ta không giống bất kỳ đâu trên thế giới.

Với tác phẩm này, ông Hải hy vọng 30 năm sau, Việt Nam sẽ thành cường quốc! 

Với ý tưởng vốn hóa thị trường đất đai, biến đất thành hàng hóa để giải phóng lượng vốn khổng lồ, ông Hải cho rằng đã tìm ra được con đường để biến Việt Nam thành cường quốc từ ngay chính nội lực của mình. Từ đây, hàng loạt đề án đã được ông viết trong thời gian mấy năm nay để trình lãnh đạo cấp cao. Trong đó, đề án biến Việt Nam thành cường quốc là một công trình mà ông vô cùng tâm huyết. Ông viết những dòng xúc động thế này trong bức “Tâm thư” gửi lãnh đạo cấp cao: “48 năm trước, ngày còn là học sinh cấp 1, tôi đã khóc thực sự khi đọc đến đoạn thư Bác Hồ gửi học sinh toàn quốc năm 1945: “Dân tộc ta có được bước lên đài vinh quang hay không? Non sông Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không? Điều đó có được một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu!”. Suốt cả cuộc đời qua, tôi đã học tập như Người dạy. Để giờ đây, trong nhà tù này, vào những phút giây đầu thiêng liêng chuyển giao trời đất của một năm, tôi đã có thể viết được những điều thật tốt đẹp, ý nghĩa. Và thật sung sướng, là cũng đã được viết với những dòng nước mắt chan hòa như 48 năm về trước! Những dòng nước mắt tưởng như đã cạn khô từ rất lâu rồi!”.

Một số dự án tiêu biểu của ông Bùi Xuân Hải:

1. Cơ chế sở hữu hiện trạng đất đai Việt Nam và việc giải phóng tiềm lực khổng lồ của đầu tư phát triển.
2.    Chiến lược Rồng biển Hải Phòng.
3. Dự án về kinh tế Hưng Yên.
4. Chiến lược về đất đai Việt Nam.
5. Chiến lược công nghệ mỹ thuật cao
6. Chiến lực phát triển thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
7. Chiến lược công nghiệp phát triển ô tô Việt Nam
8. Tài chính tiền tệ và vấn đề lạm phát ở Việt Nam
9. 30 năm phát triển thành cường quốc.
10. Về đường sắt cao tốc Việt Nam – sự cần thiết.
11. Dự án tiền khả thi về Cát Bà: Hồng Kông Việt Nam – Dự án thành phố Địa đàng đầu tiên trên thế giới.


 Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn