Lâm tặc băm nát rừng gỗ trắc ở Kon Tum

Pháp luậtChủ Nhật, 05/12/2010 06:06:00 +07:00

(VTC News) - Rừng đặc dụng Đak Uy (xã Đak Ma, Đak Hà, Kon Tum) rộng 659 ha, trong đó 30% cây rừng là gỗ trắc (Gỗ nhóm 1- loại quý hiếm)đang bị lâm tặc tấn công.

(VTC News) - Rừng đặc dụng Đak Uy (xã Đak Ma, Đak Hà, Kon Tum) rộng 659 ha, trong đó 30% cây rừng là gỗ trắc (Gỗ nhóm 1- thuộc loại quý hiếm) đang bị lâm tặc tấn công.

Rừng đặc dụng Đak Uy nằm sát QL 14 đoạn chạy qua xã Đak Ma, bao quanh rừng là các khu dân cư đông đúc. Với địa hình thuận lợi như thế, là nơi lý tưởng cho lâm tặc hoành hành thời gian qua.

Đến liên hệ làm việc tại Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đak Uy, chúng tôi phải chờ đợi hơn 3 tiếng đồng hồ vì Trưởng Ban quản lý rừng đang đi mai phục lâm tặc. Tại BQL, một đối tượng cưa trộm gỗ trắc vừa mới bị bắt đang được hai nhân viên trực canh giữ. Đó là một người dân tại địa phương, anh ta bị bắt khi đang vận chuyển một khúc gỗ trắc ra khỏi rừng.

.

Bãi gỗ trắc do lâm tặc cưa trộm tại Ban quản lý rừng đặc dụng Đak Uy. (Ảnh: Y.V)  


 Anh Nông Thanh Bảo- nhân viên kiểm lâm phân trần: “Đường dân sinh nằm xuyên trong rừng đặc dụng nên rất khó kiểm soát người ra vào rừng. Rừng rộng, nhân viên thưa, chúng tôi không thể cùng một lúc kiểm soát hết toàn bộ diện tích".


Theo chân một kiểm lâm viên, chúng tôi vào rừng theo con đường từ cổng khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Đak Uy. Đường được rải nhựa, đi lại dễ dàng. Địa hình bằng phẳng, nguồn động thực vật phong phú nên trước đây tỉnh Kon Tum đã cho một doanh nghiệp đầu tư để mở khu du lịch sinh thái tại đây nhưng dự án này chưa kịp đi vào hoạt động đã bị dừng vĩnh viễn vì một số lý do.
 

Gỗ trắc bị đốn hạ nham nhở trong rừng (Ảnh: Y.V) 

Tuy nhiên rừng không bị đóng cửa mà vẫn mở cho khách tham quan nên rất khó kiểm soát việc ra vào của người dân. Theo các nhân viên bảo vệ rừng thì đây cũng chính là một trong những lý do lớn khiến công tác bảo vệ gặp khó khăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết lâm tặc là người dân của một số địa phương lân cận. Do làm nương rẫy không đủ sống, giá trị gỗ trắc lại cao nên họ sẵn sàng vào rừng làm lâm tặc. Anh kiểm lâm viên đi cùng cho biết: Lâm tặc ở đây rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt. Thậm chí, họ còn tìm cách để trả thù.

Từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ lâm tặc tấn công nhân viên bảo vệ rừng. Lợi dụng trời tối, địa bàn rộng chúng tụ tập thành nhóm khoảng 15 – 20 tên, dùng đá, gậy gộc, mã tấu tấn công vào các trạm kiểm soát rừng để cướp gỗ, đe dọa nhân viên bảo vệ.


Một cây trắc hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ sát gốc (Ảnh: Y.V) 

 

Ông Nguyễn Văn Định- Phó Ban quản lý rừng đặc dụng Đak Uy cho biết: “Từ đầu năm đến nay Ban quản lý đã bắt được 74 vụ, khối lượng gỗ thu được trên 30m3, chủ yếu là gỗ trắc. Diện tích rừng gần 700 ha nhưng chỉ có khoảng 20 con người, rừng lại nằm gần khu dân cư nên việc phát hiện lâm tặc, truy bắt gặp rất nhiều khó khăn". 


Cũng theo ông Định, việc bắt giữ và răn đe đối tượng cũng còn nhiều bất cập. Để khởi tố hành vi phá rừng thì khối lượng gỗ thu được phải từ 5m3 trở lên nên đa số các đối tượng bị bắt chỉ bị xử lý hành chính. Giá trị gỗ trắc trên thị trường rất cao, một lần chúng buôn bán trót lọt có thể thu được cả trăm triệu đồng nhưng nếu bị bắt thì bị xử phạt cũng chẳng là bao nên chúng chấp nhận liều mạng.

Nhiều gốc cây trắc chỉ còn trơ gốc thế này (Ảnh: Y.V) 


Ông Nguyễn Thành Trung– Phó chủ tịch UBND huyện Đak Hà cho biết: Các ban ngành chức năng của huyện cũng đã  bàn nhiều biện pháp để bảo vệ rừng nhưng vẫn chưa có biện pháp nào khả thi. Các giải pháp nào là trồng tre rào quanh, trồng bồ kết để bao quanh nhưng vẫn không ổn. Huyện cũng có dự định xây tường rào nhưng vì diện tích rộng quá nên không có kinh phí.


Yến Viễn


Bình luận
vtcnews.vn