Đòn tra tấn của tên cai ngục tàn ác nhất lịch sử VN

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 29/05/2010 06:00:00 +07:00

“Sân khấu” tra tấn bất nhân kiểu nhổ răng, lấy mắt cá chân, tẩm đốt dương vật tù nhân, luộc người trong chảo nước sôi... đã được vén lên.

Có một sự thật, từ khi nhà ngục Phú Quốc hết sứ mệnh địa ngục trần gian của nó (năm 1973), “bức màn đen tối” che phủ các “sân khấu” tra tấn bất nhân kiểu nhổ răng, lấy mắt cá chân, tẩm đốt dương vật tù nhân, luộc người trong chảo nước sôi... đã được vén lên.

Cai ngục Bảy Nhu cùng người thân. 

Gậy biệt li, vồ sầu đời đã theo lời kể của hàng nghìn, hàng vạn người tù sống sót tỏa đi khắp mọi miền. Viên cai ngục Bảy Nhu cũng trở nên khét tiếng qua nhiều tài liệu bảo tàng, nhiều cuốn sách, bài báo đương thời và sau này. Tuy nhiên, vì thời gian xa xôi dần, vì một bên là “địa ngục” của “quỷ sống” ẩn dật với một bên là tráng chí của những người Cộng sản quật cường đã về lại quê hương, cho nên, các câu chuyện về mấy chục ngón đòn tra tấn đã đi vào “văn sách” của trại tù binh kia vẫn bảng lảng đó đây, cứ như là huyền thoại.

Đó là lí do để người viết bài này quyết tâm tìm Bảy Nhu, gặp, trò chuyện với các nạn nhân của các trò “ăn thịt người” mà Nhu cùng các “thuộc hạ” của ông ta đã tiến hành. Tiếp theo, với sự trung thực trong từng chi tiết nhỏ nhất, người viết xin được “phục dựng” lại một phiên tra tấn tàn bạo nhất mà lịch sử loài người đã từng có được...

Có khi, hứng lên là quân cảnh “nã” vài quả cối, khênh 80 xác tù nhân đi

Ông Vũ Minh Tằng kể: Tháng 9 năm 1967, sau khi bị bắt ở hang đá Chẹt ngoài Quảng Ngãi, tôi bị địch “di lí” ra Nhà tù Phú Quốc, bị tra tấn dã man. Bấy giờ tôi 27 tuổi, đã có vợ và 2 con ở quê nhà Nam Định. Sau khi đưa khoảng gần 100 đồng đội vượt ngục thành công, đã bị lộ do địch “cài” người giả làm tù nhân vận động “chiêu hồi”, thế là tôi bị Nhu và đồng bọn nhốt vào chuồng cọp.

Tại đây, tôi đã chứng kiến nhiều người chết bởi tay Nhu lắm. Ngày nhiều thì khoảng 80 người tù bị giết chết, ngày ít nhất cũng 20 “mạng”. Tôi miêu tả để nhà báo hình dung: tường chuồng cọp rộng 24m2, trần chỉ cao có 1,8m - thế mà nó lèn vào đó 300 người, tù nhân phải nằm ngồi, đè lên nhau như trong một cái bu gà đầy ự. Bờ tường sắt dày tới 20cm. Nó có một cái lỗ thông hơi, ở đó chỉ đút lọt được một cái cổ tay người, chứ không vừa được cái nắm đấm. Thế là, chúng tôi cứ thay nhau đến gần lỗ thông hơi đó để hít được hơi sương biển bên ngoài, với hi vọng là mình sẽ còn sống được. Bên trong ngột ngạt lắm. Người sống và người chết ở lẫn lộn, đôi khi không tài nào phân biệt được, vì rất nhiều người thoi thóp. Cứ thấy người chết đến đâu, nó lại lèn thêm một đợt nữa vào cho đầy “chuồng” (đủ lưu lượng 300 người!).

Làm lễ truy điệu cho chiến sĩ đã hi sinh ở nhà tù Phú Quốc. 

Đợt mà tôi sống sót ra khỏi chuồng cọp, cả chuồng chỉ còn sống có 18 anh em thôi. Trong khi, lúc nào ở đó cũng chặt cứng lưu lượng là 300 người trong diện tích 24m2! Ví dụ, hôm nay chết 70 người, tối đến nó đếm xác, khênh đi, lại lèn thêm 70 người khác vào thay thế. Trong 24m2 đó, có đủ người Việt, Lào, Campuchia...

Tôi không thể nào quên được, vào tháng 12/1971, hôm đó cũng tối trời như thế này, khoảng vào giờ tôi nói chuyện với anh đây (21 giờ), Nhu và đám quân cảnh điệu tôi ra khỏi chuồng cọp. Nó dùng chày đập dần dần, từng nhát một, đập vỡ đầu gối tôi, đóng đinh vào hai chân tôi, từng chiếc đinh một. Tôi thấy đầu gối mình lạo xạo, vỡ vụn, rồi tôi không biết gì nữa. Nó lại đổ nước vào mặt cho tôi tỉnh. Tôi thầm lạy bố mẹ, thầm vĩnh biệt vợ và các con, rồi tính đường để chết. Nhưng nó không muốn tôi chết ngay. Nó muốn tôi phải vào chuồng cọp, biệt giam, rồi tra tấn thật nhiều ngày cho đến chết. Nó không bắn cho tôi chết luôn đâu! Nó muốn mình phải chết một cách từ từ, vừa chết vừa nhớ lại về quê hương, đất nước, bố mẹ, vợ con, chết âm chết ỉ, chết đi sống lại cơ.

Có ngày ở chuồng cọp đó chết tới 70 - 80 “khênh” (“thuật ngữ” ông Tằng và đồng đội dùng để chỉ những người chết bị khênh đi) đấy. Nó cho từng xác người vào quan tài rồi chậm rãi mang từng cỗ quan tài đi... ném xuống biển. Nó bắt tôi nhìn các cảnh kinh hoàng đó. Nó để cho tôi co tay sờ vào đầu gối mình lạo xạo, chi chít những cái đinh sắt dài mười phân (centimet). Sau gần 40 năm, đầu gối của tôi bây giờ vẫn chắp vá từng mảnh lục cục, lạo xạo, sờ vào đó có cảm giác rõ ràng, các chốt đinh nó vẫn sâu hoắm còn đây, nhìn rõ lắm.

Sau màn đập mắt cá chân, đóng đinh vào cơ thể, là đến “đặc sản” riêng của Nhu: Đục răng. Vẫn một cái tuýp nước bằng sắt, nó ghè vào miệng tôi, ghè đến lúc tôi ngất, nó cho đổ nước bắt tôi uống, uống đến trướng bụng tôi lên. Tôi ngất 9 lần sau mỗi cú ghè và tôi lần lượt nuốt 9 cái răng của tôi vào bụng, cùng với rất nhiều máu. Nhu không được “vinh dự” ngồi chờ nhìn tôi nhằn 9 cái răng của tôi ra, đặt lên bàn “cống” cho nó, chắc nó hậm hực lắm. Tôi luôn tin là tôi sẽ chết vì tay Nhu, tôi phải chết cho đáng mặt nam nhi thời đất nước còn lầm than! Tôi là Phó Bí thư chi bộ ở trại tù, tôi vận động anh em học tập chính trị, chống bọn “chiêu hồi”, vượt ngục bất cứ khi nào có thể. Biết thế, nên Nhu và đồng bọn càng tổ chức nhiều trò tàn độc hơn để đầy đọa tôi và cũng là hăm dọa tinh thần mọi người.

Đến mức như thế này thì anh bảo là… có rách giời rơi xuống không. Có lúc thằng quân cảnh gác ở chòi gác, đang yên đang lành, Nhu hứng chí ra lệnh đáp (bắn) một quả cối 82 xuống khu tù nhân, vài ba chục “khênh” (người chết), có những lần 80 khênh. Chúng nó tuyên bố, kể cả chết hết đám đó (tù binh) nó chỉ mất năm cắc, là 5 xu thôi (trong khi lương của Nhu là hơn 10 cây vàng/tháng). Rằng, nó lập một cái văn bản, nói rằng giới cầm quyền giam giữ tù binh nhìn thấy tù nhân nổi loạn, nên buộc lòng phải thi hành nhiệm vụ, phải nã vài quả cối 82 vào để trấn an tình hình. Thế là, xác người lại chôn lấp ngoài bìa đồi, hoặc ném thẳng xuống biển, sẽ không ai biết đấy là đâu.

Tôi ra khỏi nhà tù, mất 66% sức khỏe. Cảm ơn anh cho tôi xem lại những bức ảnh ông Nhu ở tuổi 83 bây giờ, tôi không thể ngờ ông ta còn sống, không thể ngờ Nhà nước ta lại nhân đạo tha thứ cho hắn. Nếu gặp, tôi sẽ nói: “Mày tra tấn tao dã man quá, có vẻ như mày không phải là một con người nữa, Nhu ạ”. Tôi sẽ không đuổi đánh ông ta như cụ Út Minh mà nhà báo kể, là bởi vì, việc ông ta tiếp tục sống, là một việc cũng rất hay cho lịch sử. Là một lời tố cáo đanh thép nhất, là nhân chứng sống của địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc năm xưa. Mặt khác, nhìn vào sự độc địa của Nhu và đám quân cảnh, người ta còn thấy sự quật cường, sự can trường của những người tù chính trị ở Phú Quốc bấy giờ.

Tôi còn nhớ, khi gần đến ngày buộc phải thả bọn tôi ra theo Hiệp định Paris (năm 1973), Nhu còn “tiếc nuối” bảo tôi là: “Mày có một cỗ ván (quan tài) rồi, nhưng mà mày không được chui vào cỗ ván đó (ý là còn sống sót). Chứ mày chui vào (chết vì tra tấn) thì bọn tao cũng thả mày xuống biển”.

Viên cai ngục Bảy Nhu: “Sau này, tôi thấm thía hai chữ “Đồng bào” của người Việt Nam mình, quý hóa lắm”

“Nhân nào quả nấy, tôi và Nhu cũng đã gần đất xa trời cả rồi, oán thán nhau, cũng chẳng ích gì nữa” - ông Tằng thở dài, ngồi im lặng như một pho tượng trong bảo tàng. Từ nanh vuốt của quỷ ngoài đảo Phú Quốc ra Bắc, ông Tằng được điều về công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, làm đội phó đội an dưỡng hơn một năm trời. Sau đó, ông về quê, sống nốt phần đời với sự tàn phế mất 66% sức khỏe, với nghề làm ruộng.

Một ngôi mộ tập thể được quy tập dựng tượng trưng giữa rừng, sau khi quy tập được hơn 1.300 bộ di cốt tù nhân tại Nhà ngục Phú Quốc.  

Bây giờ, ông Tằng hưởng chế độ của “bệnh binh 2”, mỗi tháng được 1,1 triệu đồng trợ cấp. Trong thời buổi “gạo châu củi quế”, giá cả leo thang chóng mặt, ông Tằng sống khốn khó, vết thương cũ hành hoành, ông đi lại chệnh choạng do đầu gối vỡ dập nhiều mảnh, đầu choáng liên tục vì thiếu máu não. Chưa hết, ông Tằng còn phải nuôi thêm người em trai tàn tật, bị gẫy cột sống từ năm 13 tuổi, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Bà vợ ông Tằng thì cũng đã 72 tuổi, đầu gối lúc nào cũng xưng như cái ấm ủ do bệnh “thấp khớp đớp tim”. “Bà ấy nhà tôi sống bằng thuốc chứ không sống bằng cơm thịt rau cỏ như người thường đâu”. Tuổi già và nỗi tủi phận nào đó dâng lên, làm giọng cụ già hom hem Vũ Minh Tằng nghẹn lại, có gì đó thật chua xót.

Oái oăm và tình cờ thay, khi gặp chúng tôi, Bảy Nhu cũng bị bệnh khớp hành hạ ghê lắm, đi cà nhắc y như… vợ ông Tằng. Nhà khó khăn, đàn con cháu, người tai nạn chết, người sống nghèo ít học khắp nơi. Song, dường như sự thanh bần nào đó, sự chay tịnh niệm Phật vớt vát cuối đời nào đó của Nhu cũng đã là sự ưu ái quá lớn của xã hội ta, của số phận với Bảy Nhu rồi. Trước lúc chia tay, run run nhận món quà của người khách xa, Bảy Nhu hồ hởi khoe: thế là nội ngoại tôi có đủ 6 đứa cháu rồi. Tôi muộn đường con cái, vì lúc ở ngoài đảo, cuộc sống chẳng khác gì các tù nhân, tôi có được gần vợ đâu mà đẻ. Vợ ở tít mãi Sài Gòn.

“Tôi đi cải tạo, nhờ tinh thần cải tạo tốt, tôi được trở về nhà với đàn con của mình sớm hơn so với “bản án” khoảng 2 năm. Thế mà người ta kéo đến, người ta dằn hắt, bảo rằng sao thằng ác ôn nó lại được tha về. Tôi về, mặc áo lành người ta cũng chửi, mặc áo rách người ta cũng chửi. Nhiều người cứ xông lên đòi giết chết tôi. Chính quyền cơ sở đã bảo vệ tôi. Sau này, tôi thấm thía hai chữ “Đồng bào” của người Việt Nam mình, họ tha thứ cho tôi. Nghe nói ở nước ngoài, chữ Đồng bào không dịch được ra tiếng Tây, quý hóa lắm. Tôi tình nguyện làm công tác xã hội để chuộc lỗi lầm là vì thế” - Bảy Nhu tỏ ra xúc động nói...

Theo Phạm Thị Thảo Giang (Tuổi trẻ Thủ đô)

Bình luận
vtcnews.vn