Giải mã sự thật về Chúa Chổm - người nợ nần nhiều nhất lịch sử Việt Nam

Khám pháThứ Hai, 09/05/2016 06:50:00 +07:00

Nhưng Chúa Chổm là ai và gánh nợ hàng trăm năm còn lưu danh hậu thế của ông là gì, vẫn còn nhiều tranh luận chưa đến hồi kết.

(VTC News) - Người Việt quen miệng với câu ví von: “Nợ như Chúa Chổm”. Nhưng Chúa Chổm là ai và gánh nợ hàng trăm năm còn lưu danh hậu thế của ông là gì, vẫn còn nhiều tranh luận chưa đến hồi kết.

Kỳ 1: Chúa Chổm là Vua Lê?


Hương Bố Vệ xưa thuộc tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn, nay là phường Đông Vệ nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 2km về phía nam. Nơi đây hiện còn Đền thờ các vua Lê, được vua Gia Long triều Nguyễn sai quan Trấn thủ Thanh Hóa cùng 100 người dân Bố Vệ xây dựng lại vào năm 1804.

Trong đền có bài vị của tất cả các vị vua và hoàng hậu nhà Hậu Lê được con cháu rước từ Thái miếu nhà Lê ở Thăng Long về thờ phụng, khi nhà Lê đã mất. Các vua triều Nguyễn rất quan tâm, nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngôi đền này; đến nay vẫn còn hương khói.


Sở dĩ Thái miếu nhà Lê được dời về đây vì Bố Vệ là nơi chôn rau cắt rốn của vua Lê Anh Tông, húy là Lê Duy Bang, vị vua thứ ba nhưng có vị trí rất quan trọng trong thời đại Lê trung hưng kéo dài nhất lịch sử các vương triều Việt Nam. Đồng thời, Bố Vệ còn có điện Chiêu Hoa, nơi thờ phụng Thái hậu Nguyễn Thị Anh là con dâu vua Lê Thái Tổ, người từng 10 năm buông rèm coi chính sự giúp con là vua Lê Nhân Tông lúc ấu thơ.

Theo chính sử, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nhiều trung thần của vua Lê không phục, lấy Thanh Hóa làm căn cứ để khởi sự, mưu việc phò Lê diệt Mạc, giành lại vương triều. An Thành hầu Nguyễn Kim tìm được vua Lê Duy Ninh trong dân gian, bèn tôn lập làm vua Lê Trang Tông, truyền được hai đời thì không có người nối dõi. Con rể của Nguyễn Kim là Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm sai người dò tìm, thấy ở Bố Vệ có dòng dõi của Lam Quốc công Lê Trừ, người anh thứ hai của vua Lê Lợi, bèn cùng các đại thần tôn lập người cháu 6 đời của ông là Lê Duy Bang lên làm vua.

Ông Hà Nam Ninh bên những cuốn sách Thái cổ viết về Mường Khoòng và Chúa Chổm
Ông Hà Nam Ninh bên những cuốn sách Thái cổ viết về Mường Khoòng và Chúa Chổm 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và nhân dân Thanh Hóa thừa nhận vua Lê Anh Tông chính là Chúa Chổm. Ông Nguyễn Văn Kinh (81 tuổi), người được sinh ra và lớn lên ở đất Bố Vệ, cho biết: “Tôi luôn để ý sưu tầm những câu chuyện dân gian xung quanh Chúa Chổm từ các cụ cao niên ở làng Bố Vệ, ghi chép lại cẩn thận và in thành sách. Dòng họ Lê Duy đến Bố Vệ khoảng ba đời thì cụ Lê Duy Khoáng sinh ra Chúa Chổm.

Sớm mồ côi cha, nhà nghèo nên Chúa Chổm thường phải mò cua bắt ốc, cày thuê cuốc mướn giúp mẹ nuôi em. Chúa Chổm có biệt tài câu cá, hễ vác câu đi là có nhiều cá lớn đem về, nên nhà không chỉ đủ ăn mà còn thừa để đem ra chợ Cầu bán. Nơi Chúa Chổm thường ngồi câu cá là vụng nước trên sông Vệ chảy qua làng, sau này gọi là Bến Quan. Tại đây, có một tảng đá to đẹp, tương truyền Chúa Chổm hay ngồi câu ở đó, nên gọi là hòn đá Chúa Chổm. Gần đây, sông Vệ đổi dòng nên hòn đá Chúa Chổm đã tụt xuống lòng sông chìm trong nước”.


Ông Nguyễn Văn Kinh đang kể những câu chuyện về Chúa Chổm ở đất Bố Vệ
Ông Kinh đang kể những câu chuyện về Chúa Chổm ở đất Bố Vệ 

Những người tin vua Lê Anh Tông là Chúa Chổm đều cho rằng, món nợ của Chúa Chổm là nợ tiền rượu, tao nhã hơn rất nhiều so với thói ăn uống hoang tàn mà ông vẫn chịu mang tiếng. Giai thoại ở Bố Vệ kể, sinh thời Lê Duy Bang là một chàng trai hào sảng, phóng khoáng, thích uống rượu, sành rượu và uống rượu rất khỏe. Chuyện Lê Duy Bang là người uống rượu khỏe, ca dao có câu “Chúa Chổm uống rượu tì tì”, dường như không biết say.


Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ khi kể chuyện về thầy giáo Nguyễn Văn Nghi dạy Lê Duy Bang học đạo làm vua cũng xác nhận như vậy. Biết Lê Duy Bang ham rượu, thầy giáo cấm người hầu đem rượu cho vua, chỉ khi nào vua thuộc một trang sách thì được uống một vò rượu. Ban đầu vua không chịu, sau vì thèm rượu quá mà phải theo. Từ một người rất lười học, nhà vua bỗng trở nên chăm chú chuyên cần, ngày đầu đã thuộc hai trang. Rồi rượu “khuyến học” đem dâng nhiều dần, đến mức thầy giáo phải sai lính tráng pha thêm nước vào rượu để nhà vua giữ gìn long thể.

Lúc còn hàn vi ở Bố Vệ, Duy Bang mê mẩn loại rượu làng Quảng của bà con trong vùng thường gánh đến bán ở chợ Cầu. Chợ Cầu là nơi bà con thường tụ tập mua bán rất nhiều đặc sản thơm ngon, đặc biệt là mấy dãy hàng rượu trên chiếc cầu gỗ có mái che bắc qua sông Vệ.

Đền thờ các vua nhà Lê, có thờ bài vị của nhà vua mang biệt danh “Chúa Chổm”.
Đền thờ các vua nhà Lê, có thờ bài vị của nhà vua mang biệt danh “Chúa Chổm”. 

Ông đi khắp chợ, gặp hàng rượu nào cũng nếm, luôn miệng tấm tắc khen ngon. Hàng nào làm ông phật ý, thì cả ngày ế ẩm. Những hàng rượu mà ông khen thường được người ta đổ xô đến mua và nhanh chóng hết veo. Các chủ hàng thích lắm, thường mời mọc ông đến thử rượu, biếu tặng rượu, mong nhờ vía tốt của ông để mở hàng, đem lại may mắn cho buổi chợ. Thích uống rượu, lại chẳng dư dả gì, nên ông thường phải mua chịu rượu. Số nợ ngày một nhiều, nhưng bà con không ai lấy đó mà phiền lòng cả. Nợ mãi cũng ngại, gặp chủ nợ nào Lê Duy Bang cũng cười đùa mà rằng: “Bao giờ tớ làm vua, có nhiều tiền, sẽ đem trả”.


Đến năm 1556, lúc 24 tuổi, Lê Duy Bang lên làm vua thật (vua Lê Anh Tông, 1556 – 1573). Nhà vua bày tiệc lớn suốt nhiều ngày, có mời tất cả những người làng xã cùng đến Bố Vệ chung vui. Ông Nguyễn Văn Kinh cho biết: “Biết tin Thái sư Trịnh Kiểm đón Lê Duy Bang về làm vua, mọi người ai cũng vui vẻ đến chúc mừng hồng phúc của nước nhà, của vương triều Hậu Lê và của riêng Chúa Chổm.

Do lượng người quá đông, làng không đủ chỗ, người ta bèn vạt tạm những thửa ruộng của làng vừa rỡ mạ xong làm nơi dựng rạp bày cỗ. Hai cánh đồng lớn đó hiện nay vẫn còn mang tên là Đồng Cỗ trong và Đồng Cỗ ngoài, ghi dấu nơi Chúa Chổm trả ơn dân làng đã cưu mang gia đình mình thuở hàn vi. Từ đó mà thành giai thoại”.


Họa sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo cho biết thêm: “Việc tìm thấy hậu nhân dòng tộc nhà Lê, tôn lập Lê Duy Bang lên làm vua, tạo nền móng cho vương triều Lê Trung hưng, công lao của Trịnh Kiểm là rất to lớn. Thân thế của Lê Duy Bang rất rõ ràng, có gia phả ghi chép đầy đủ nên càng được Trịnh Kiểm quảng bá rộng rãi để uy tín nhà vua thêm cao. Thực chất sau này Lê Duy Bang làm vua rất tốt, được sử sách ca ngợi. Còn những dị bản khiến hình ảnh của ông méo mó, xấu xí đi, có lẽ là thêm thắt của người sau này với dụng ý khác, chưa chắc đã là sự thật”.

Chuyện chúng ta vẫn được nghe rằng khi biết Chúa Chổm đã là vua, các chủ nợ đến đòi ráo riết. Vua nợ quá nhiều, không nhớ nổi, bèn sai quăng tiền vào đám chủ nợ, ai nhặt được bao nhiêu thì nhặt. Dân đến cổng thành đòi nợ quá nhiều, nên triều đình phải cấm tụ tập tại khu vực Cửa Nam (Hà Nội) hiện nay, tạo nên nguồn gốc của ngõ Cấm Chỉ.

Sự thật thì Lê Duy Bang sinh ra ở Thanh Hóa và lên ngôi ở hành dinh Yên Trường - Vạn Lại (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa), cả đời ở khu vực Thanh Nghệ, còn kinh thành Đông Đô (Hà Nội) vẫn thuộc đất nhà Mạc.

Sau 23 năm trung hưng, triều đình nhà Lê đã vững mạnh, ông là một quân vương uy nghi ngồi trên kiệu lớn có cả ngàn người xung quanh tiền hô hậu ủng, không dễ gì dân thường có thể tiếp cận ở ngự dinh. Cũng như cách người ta thêu dệt chuyện Chúa Chổm ăn nhậu bê tha, quịt nợ ở khắp các cửa ô thành Đông Đô, rồi được Nguyễn Kim tìm thấy đưa về Thanh Hóa làm vua, chưa có cơ sở chính đáng để tin cậy…

Còn tiếp...

Lê Quân
Bình luận
vtcnews.vn