Bí ẩn chưa có lời giải về người cá Fiji

Khám pháThứ Ba, 03/05/2016 06:53:00 +07:00

Người ta còn cho rằng người cá Fiji là sản phẩm của ngư dân Nhật Bản - những người có nghệ thuật truyền thống tạo ra những sinh vật kỳ lạ.

Người ta còn cho rằng người cá Fiji là sản phẩm của ngư dân Nhật Bản - những người có nghệ thuật truyền thống tạo ra những sinh vật kỳ lạ.


Người cá Fiji (cũng được gọi là Feejee) rất nổi tiếng vào thế kỷ XIX. Người cá Fiji nguyên bản được doanh nhân quảng cáo và triển lãm người Mỹ Phineas Taylor (P.T.) Barnum triển lãm năm 1842 tại nhà bảo tàng mang tên ông – Barnums American Museum - tại thành phố New York.

Sinh vật kỳ bí và kinh khiếp này thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan nhà bảo tàng. Về sau, nhiều người cá Fiji khác cũng được triển lãm trên khắp nước Mỹ. Nhưng sinh vật Fiji này có thật sự tồn tại hay không?

Câu chuyện về người cá Fiji ở Mỹ bắt đầu rộ lên cùng với sự xuất hiện của một người Anh tên là J. Griffin ở thành phố New York vào giữa tháng 7-1842. Griffin tuyên bố: Người cá mà ông mang theo bắt được gần quần đảo Fiji ở nam Thái Bình Dương.

Người cá ở Banff, Canada
Người cá ở Banff, Canada 

Thông tin về Griffin và sinh vật kỳ dị nhanh chóng lan đến các tòa báo, giới phóng viên đổ xô đến khách sạn nơi J. Griffin lưu trú để được tận mắt chứng kiến người cá. Khi được Griffin cho xem người cá Fiji, các phóng viên tin ngay đó là sinh vật thật. Không lâu sau đó, P.T. Barnum đến thăm toà soạn các tờ báo lớn ở New York, tiết lộ ông đang cố gắng thuyết phục Griffin đưa người cá Fiji vào triển lãm tại nhà bảo tàng của ông.

Sau đó, các tờ báo cũng quyết định in mộc bản người cá. Barnum thì túi bụi phân phát 10.000 tờ rơi mô tả về người cá ở New York. Chẳng mấy chốc, người cá Fiji của Griffin trở thành đề tài nóng nhất trong thành phố và cuối cùng Griffin đồng ý cho triển lãm người cá tại Concert Hall nằm trên đại lộ Broadway của New York.

P.T. Barnum
P.T. Barnum 

Cuộc triển lãm kéo dài 1 tuần thu hút đông đảo khách tham quan đến mức Griffin quyết định mở một cuộc triển lãm khác với thời gian dài hơn trong thành phố. Địa điểm được chọn lần này là Barnums American Museum và thời gian triển lãm là 1 tháng. Ngoài tổ chức triển lãm, Griffin còn có những buổi diễn thuyết trước những khách tham quan người cá Fiji.

Đối với khách tham quan, sinh vật của Griffin không hề xinh đẹp mà thậm chí trông hết sức gớm ghiếc với nửa thân trên giống khỉ và nửa thân dưới giống cá. Người ta còn cho rằng người cá Fiji là sản phẩm của ngư dân Nhật Bản - những người có nghệ thuật truyền thống tạo ra những sinh vật kỳ lạ.

Thật ra, Griffin tên thật là Levi Lyman, một trong những “thuộc hạ” của Barnum. Câu chuyện là thuyền trưởng người Mỹ Samuel Barrett Eades mua “người cá” (của Barnum) từ các thủy thủ Nhật Bản vào năm 1822 với giá 6.000 USD. Thông qua Eades, sinh vật này được triển lãm ở thủ đô London nước Anh trong cùng năm.

Người cá Fiji của Barnum năm 1842
Người cá Fiji của Barnum năm 1842 

Tờ báo Anh Mirror lần đầu tiên đăng tin về Người cá Fiji. Sau cái chết của thuyền trưởng Eades, con trai ông nắm quyền sở hữu người cá và bán nó lại cho Moses Kimball, quản lý Nhà bảo tàng Boston của Mỹ, vào năm 1842. Sau đó, Kimball mang người cá Fiji về thành phố New York và giới thiệu sinh vật này với P.T. Barnum.

Trước khi triển lãm người cá, Barnum và Kimball mang người cá đến một chuyên gia tự nhiên học để đánh giá. Sau khi xem xét răng và vây sinh vật, nhà tự nhiên học không tin vào sự tồn tại của người cá cũng như không biết chính xác nó được tạo ra như thế nào cho nên không đồng ý xác nhận.

Video xuất hiện người cá bí ẩn ở Ba Lan


Bất chấp sự nghi ngờ của nhà tự nhiên học, Barnum tin sinh vật này sẽ thu hút đông đảo công chúng đến nhà bảo tàng của ông nên thuê lại nó từ Kimball với giá 12,50 USD/tuần. Tiếp theo đó, Barnum gửi thư nặc danh đến các tờ báo lớn ở New York, trong đó bình luận về thời tiết đồng thời bóng gió về một người cá thuộc sở hữu của một người Anh tên là “J. Griffin”.

Để cho kế hoạch trở nên hoàn hảo hơn, Griffin đặt phòng trong một khách sạn ở thành phố Philadelphia. Sau vài ngày lưu trú, Griffin cho chủ khách sạn xem qua người cá Fiji nhằm tỏ lòng cảm ơn sự hiếu khách. Từ đó, tin tức về người cá Fiji bắt đầu lan ra ngoài thu hút sự tò mò của công chúng. Theo kế hoạch, Griffin đến New York để triển lãm người cá tại Concert Hall.

Sau cuộc triển lãm ở Barnums American Museum, người cá Fiji bắt đầu lên đường đến với công chúng ở nhiều thành phố khác trên đất Mỹ. Năm 1859, người cá Fiji lên đường đến London và khi quay về Mỹ, nó được triển lãm tiếp tục trong Nhà bảo tàng Boston của Kimball. Về sau, người ta tin rằng người cá bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn ở nhà bảo tàng Barnum năm 1865.

Cũng có người tin rằng người cá Fiji còn sống sót và được đưa đến Nhà bảo tàng Khảo cổ và Dân tộc học Peabody của Đại học Harvard. Tuy nhiên, không ai biết được sinh vật ở nhà bảo tàng này có đúng thật là Người cá Fiji nguyên bản của Barnum hay không.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể làm sáng tỏ tại nhiều nhà bảo tàng khác trên thế giới cũng triển lãm nhiều mẫu người cá Fiji khác nhau. Vậy những người cá Fiji này từ đâu đến?

Nguồn: An An(Công an nhân dân)
Bình luận
vtcnews.vn