Chuyện tình kỳ lạ của 'nàng cóc' và gã gàn dở nhất huyện Gia Lâm

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 13/10/2015 10:58:00 +07:00

Người dân xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội đến nay vẫn nhắc về một chuyện tình kỳ lạ như trong cổ tích của cô gái tật nguyền mang biệt danh “Hoa cóc”.

Người dân xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội đến nay vẫn nhắc về một chuyện tình đẹp như trong cổ tích của cô gái tật nguyền mang biệt danh “Hoa cóc”.


Vợ chồng chị Hoa vừa kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Ngày lấy chị, ai cũng bảo anh là gàn dở, ngu ngốc, đầu óc có vấn đề; một người con nhà gia giáo, ăn học đàng hoàng, vóc dáng như một diễn viễn điện ảnh mà lại lấy một người khuyết tật.

Vậy nhưng, vượt qua không ít đoạn trường gian nan ấy, hai con người với tình yêu mãnh liệt đã đến được bến bờ hạnh phúc...

Tim đập loạn vì cô gái bại liệt

Năm nào cũng vậy, vào ngày hội Gióng, du khách thập phương khắp nơi tìm về trẩy hội. Trong dòng người tấp nập ngược xuôi ấy, tất cả mọi ánh mắt đều nhìn về phía chàng trai đẹp như tài tử đẩy chiếc xe lăn với nụ cười hạnh phúc bên cô gái tật nguyền. Nói đến xã Phù Đổng người ta nhắc đến Đền thờ Thánh Gióng và gia đình anh chị Nguyễn Văn Ban, Lâm Thị Hoa, ở xóm Đông Phú. Ở đấy, có một câu chuyện tình kỳ lạ.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Ban nằm bên bờ nam sông Đuống thơ mộng, hiền hòa. Vợ chồng anh chị vừa kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Ngày anh lấy chị, ai cũng bảo anh là gã gàn dở, ngu ngốc, đầu óc có vấn đề, bởi một người sinh ra trong nhà gia giáo, vóc dáng như một diễn viễn điện ảnh vậy mà lại lấy một người khuyết tật.

Anh Ban cười tươi nhớ lại: “Tôi tí nữa mất cô ấy trong đời vì những điều đó đấy”.

Ngày hạnh phúc của chị Hoa, anh Ban
Ngày hạnh phúc của chị Hoa, anh Ban  

Anh thấy biết ơn người vợ hiền thảo hơn 10 năm đầu ấp má kề, chính chị đã thay đổi con người anh. Anh chia sẻ: “Nói thì có thể mọi người không tin nhưng tôi đeo đuổi cô ấy từ năm lớp 4, cái tuổi mà chẳng định nghĩa được chữ yêu là gì”.

Từ một người chơi bời lêu lổng, học hành lười biếng, chị Hoa đã khiến anh nghĩ lại. Nghị lực và sự lạc quan của một người đầy bất hạnh đã làm thổn thức trái tim anh Ban.

Nghe nói Ban và Hoa cùng xóm, chỗ ở của họ cách nhau có mấy nóc nhà, nhưng chẳng bao giờ biết mặt cho đến ngày đi học. Lúc sinh ra Hoa cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, đến 8 tháng tuổi thì một cơn bạo bệnh đã khiến chị bị liệt nửa người. Những đứa trẻ cùng tuổi với Hoa đi lớp lá, lớp mầm còn chị thì gắn với xe lăn quanh quẩn bốn góc nhà.

Khi bạn bè học chữ A, chữ B thì Hoa tập những bước đi đầu tiên trên đôi chân teo tóp yếu ớt. Rồi chị cũng chuệnh choạng bước thấp bước cao, cái biệt danh “Hoa cóc” cũng có từ đấy. Rồi Hoa cũng được bố mẹ xin cho đi học, cho biết con chữ như chúng bạn.

Trường làng gần nhưng với Hoa sao mà xa thế, để đến được điểm học không ít lần máu đã tứa ra từ đôi chân teo tóp, từ những giọt mồ hôi khiến áo ướt đẫm.

Trái ngược với Hoa, gia đình Ban có điều kiện, lại là “độc đinh” nên anh rất được bố mẹ cưng chiều. Hơn Hoa mấy tuổi nhưng vì lười biếng mà Ban rớt xuống học cùng Hoa năm lớp 4. “Hoa thì tưởng đẹp ai lại “Hoa cóc” bao giờ, ngày đi học cùng đường làng thấy cô ấy nhọc nhằn những bước đi mình cũng hay hùa theo chúng bạn trêu đùa. Khi bị “đúp” xuống học cùng cô ấy, mình bị chỉ định ngồi cùng “Hoa cóc” để cô ấy kèm, lúc đó mới biết Hoa học giỏi nhất lớp”, anh Ban nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên được ngồi với vợ.

Một năm ngồi cùng “Hoa cóc”, anh Ban đã phục sát đất tài năng của cô gái tật nguyền. Cũng từ đấy anh không gọi cô là “Hoa cóc” nữa và chính nghị lực vượt lên chính mình của Hoa đã cảm hóa cái tính ngang bướng, cứng đầu, vô phép của Ban.

Được Hoa chỉ dẫn tận tình, Ban từ lực học yếu kém, sau một năm anh vươn lên tốp đầu của lớp. Những ngày mưa hay khi gió đông về, người làng Đông Phú lại thấy đôi bạn cõng nhau đi học.

Một lần đang trên vai Ban, Hoa thì thầm: “Nếu không có Ban ai sẽ cõng Hoa nhỉ?”. Trong gió thơm hương lúa mới, Ban nói rất nhẹ: “Ban sẽ cõng Hoa”.

Bỏ đại học để giúp người yêu học nghề

Hết năm lớp 4, Hoa lại bị ốm thập tử nhất sinh, muốn di chuyển đi đâu chị đều phải nhờ đến chiếc xe lăn. Gia đình Hoa rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Tất cả những điều đó không cho phép chị nuôi ước mơ đại học. Ban buồn, trống vắng, lững thững đến trường một mình.

Khóe mắt rưng rưng, anh Ban kể: “Thấy cô ấy nằm liệt, mặt tái nhợt không đến trường, mình thương lắm. Muốn ốm thay cho cô ấy mà không được. Hoa khuyên mình đi học thật giỏi rồi về dạy cô ấy, bù lại những ngày cô ấy dạy mình”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, loáng một cái cả hai đều đã ở cái tuổi cập kê. Trong lòng Ban và Hoa thì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Cả hai đều biết trái tim mình dành cho ai và thuộc về ai. Được sự động viên khích lệ tinh thần rất lớn từ Hoa và ý chí vươn lên của Ban, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh thi đỗ vào Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân với số điểm tuyệt đối.

Chị Hoa học được nghề thợ may là nhờ công đưa đón hơn một năm trời của chồng
Chị Hoa học được nghề thợ may là nhờ công đưa đón hơn một năm trời của chồng 

Hạnh phúc, thành công mà hôm nay Ban có được là nhờ sự đồng hành của Hoa trên mỗi bước đường đời. Thấy mình đã đủ chín chắn, anh muốn chia sẻ niềm hạnh với người con gái đã thắp sáng ước mơ cho anh.

Một buồi chiều trên bãi cỏ ven sông, Ban lấy hết dũng cảm, nói với Hoa những điều mà bao năm giữ trong lòng. Trái tim anh thổn thức từng nhịp đập đợi câu trả lời của người mà anh yêu. Cô chỉ cúi gằm mặt một lúc rồi ngước lên nhìn về phía mặt trời đang lặn với hàng nước mắt lăn dài. Hoa nói: “Hoa chỉ coi Ban là bạn”.

"Từng lời của cô ấy làm trái tim mình tan nát” - anh Ban nhớ lại lần tỏ tình đầu tiên thất bại. Ngày Ban và Hoa chơi với nhau, gia đình anh không có ý kiến, nhưng khi Ban trưởng thành, biết anh yêu Hoa và xác định cưới cô làm vợ thì bố mẹ kịch liệt phản đối.

Nhấp ngụm nước chè, Ban tâm sự: “Nhà có mỗi mình là con trai, bố mẹ làm vậy cũng vì muốn tốt cho mình thôi. Bố mẹ sợ lấy Hoa sẽ ảnh hưởng tới tương lai sự nghiệp của mình, nhưng mọi người không biết Hoa quan trọng với mình như thế nào. Mình được như vậy công đầu đều thuộc về cô ấy mà”.

Có thời điểm, anh Ban phải đứng giữa ngã ba, một bên là tình mẫu tử cùng tương lai tươi sáng và bên còn lại là người con gái mà anh yêu thương.

Hoa biết chuyện, chị đẩy chiếc xe lăn khó nhọc đến gặp và khuyên anh hãy nghe lời bố mẹ đừng vì một người như chị mà đánh mất tiền đồ phía trước. “Nghe những lời khuyên nghẹn nước mắt của cô ấy mình mới hiểu cô ấy yêu mình nhiều như thế nào”, anh xúc động nhớ lại những ngày tháng khó khăn.

Sau lần gặp gỡ đó, Ban đã có được sự lựa chọn của riêng mình. Ban không theo con đường học vấn công danh, mà học nghề sửa chữa điện dân dụng. Anh lý giải: “Đi học đại học mình cũng phải mất 4 đến 5 năm. Nhưng đi học nghề, mình vừa học vừa làm nên có thể giúp đỡ cô ấy”.

Anh khẳng định lập trường tư tưởng rõ ràng với bố mẹ, mặt khác tạo niềm tin nơi Hoa bằng những hành động thực tế để Hoa mở lòng. Anh tâm sự: “Từ khi yêu nhau cô ấy luôn tự ti về bản thân, không muốn là gánh nặng cho người khác. Sáng nào mình cũng qua đưa cô ấy đến trung tâm dạy nghề. Một năm sau khi học được nghề thợ may cô ấy mới gật đầu đồng ý lời cầu hôn của mình. Bố mẹ mình cũng thay đổi suy nghĩ và thương yêu cô ấy”.

Từng bị cả làng coi là "gã gàn dở", không biết suy nghĩ nhưng sau những gì minh chứng cho tình yêu, ngày cưới Ban và Hoa, cả làng Đông Phú đều chung vui trong dòng nước mắt.

Sau mười năm, hạnh phúc của vợ chồng Hoa đã nhân lên khi 2 người con lần lượt ra đời. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong gia đình nhỏ của vợ chồng chị Hoa luôn đầy ắp tiếng cười.

Không thể nói hết những gì chồng đã hi sinh vì mình, Hoa tâm sự: “Chính trái tim nhân hậu của anh đã cảm hóa khiến tôi không còn mặc cảm, tự ti sống đúng với con người của mình. Đôi chân tôi yếu không đi được, ngày vu quy anh đã bế tôi đi trên con đường quanh làng. Sau mười năm sống với nhau, giờ tôi đã đi được những bước ngắn, nếu không có anh có lẽ tôi sẽ không thể từ bỏ được chiếc xe lăn”.


Nguồn: Văn Tâm (Pháp luật VN)
Bình luận
vtcnews.vn