Chuyện lạ giữa thủ đô: Tranh cướp đất với… người chết

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 22/09/2015 06:28:00 +07:00

Chuyen la co that o Viet Nam - Người ta san lấp, lấn chiếm, xây nhà đè lên mộ, hoặc tìm cách phá mộ, khiến con cháu không còn biết mộ người thân mình ở đâu.

(VTC News) - Người ta san lấp, lấn chiếm, xây nhà đè lên mộ, hoặc tìm cách phá mộ, khiến con cháu không còn biết mộ người thân mình ở đâu.


Kỳ 2 (kỳ cuối): Tranh cướp chỗ ở với… người chết


Khi thấy tôi loanh quanh ở khu nghĩa địa Ngọc Xuyên (phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội), cụ ông Trần Văn Kh. lững thững tiến lại hỏi chuyện. Biết là nhà báo tìm hiểu về chuyện người sống và người chết, cụ Kh. được dịp tuôn ra mọi bức xúc về chuyện lạ có thật ở Việt Nam.

Theo lời cụ, biết tin có người chụp ảnh ở nghĩa địa, thì một người trong xóm đã báo cho cụ. Người này bảo rằng, thấy có người lạ chụp ảnh ở nghĩa địa, thì những gia đình chiếm đất, dẫm đạp lên mồ mả để sống đã đóng kín cửa, hoặc khóa cửa bỏ đi hết.

Mấy năm nay, gần như ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng, cụ Kh. đều ra nghĩa địa, nhòm xem người ta có đập phá mồ mả nhà cụ không.

Ngôi mộ nằm ngay sát hiên nhà
Ngôi mộ hình tròn nằm ngay sát hiên nhà 

Cụ Kh. khó nhọc trèo qua bức tường thấp, rồi luồn lách qua những nấm mồ dẫn tôi đến một ngôi nhà bỏ hoang, tường rả mốc meo. Cụ chui qua bức tường vỡ, dọn mấy tấm phibroximăng, những mảnh gỗ mục, để lộ ra một nấm mồ khum tròn.

Cụ Kh. là thương binh chống Pháp. Trong trận đánh giáp lá cà ở chùa Non Nước (Ninh Bình), cụ đã trúng một viên đạn vào vai, một mảnh bom cắt phăng cánh tay và ngọn lửa từ bom napan đốt cháy thân thể và cướp luôn đi cái quyền làm cha của cụ.

Cô gái xứ bãi xinh đẹp thương anh bộ đội mà đưa về nuôi dưỡng, rồi tình nguyện lấy làm chồng. Hai người sống hạnh phúc quá nửa thế kỷ, dù chẳng có được đứa con nối dõi tông đường.

Không con cái, nên mọi tình cảm cụ hướng về cội nguồn. Cha mẹ, tổ tiên của cụ đều được táng ở nghĩa địa Ngọc Xuyên và cụ cũng mong, khi chết đi, người thân sẽ đốt xác, đưa cụ về nằm cạnh tổ tiên. Thế nhưng, những phút cuối đời thì cụ lại không thể thanh thản được, vì người ta đã xây nhà trùm lên cả tổ, cả tông nhà cụ.

Theo cụ Kh., một ngày tết cách đây 7 năm, cụ ra nghĩa địa thắp hương, thì tá hỏa khi thấy một dãy nhà cấp 4 mọc giữa nghĩa trang. Cụ tìm mãi mà không thấy mộ tổ nhà mình đâu. Cụ lục lại trí nhớ và xác định chắc chắn ngôi mộ đã nằm gọn trong một gian nhà của dãy nhà cấp 4.

Mộ nằm trên hiên. Chỉ còn chỗ cắm nhang làm dấu.
Mộ nằm trên hiên. Chỉ còn chỗ cắm nhang làm dấu. 

Mặc dù đã già yếu, cụ vẫn ráng sức bình sinh vác búa đập vỡ bức tường. Cũng may mà ngôi mộ nhà cụ vẫn còn nằm trong ngôi nhà đó. Từ bấy đến nay, ngày nào cụ cũng ra ngó mộ một lần để xem có ai động chạm đến mộ tổ nhà cụ không.

Cụ Kh. cho biết: "Mục đích của họ là chiếm đất của người chết. Tấc đất tấc vàng, nên họ không từ một thủ đoạn nào. Khi hoàn thiện ngôi nhà, cửa kín then cài, họ sẽ tìm mọi cách để đào mộ, đem hài cốt chuyển đi nơi khác.

Nhà nào nhụt chí, thì sẽ chấp nhận chuyển đi, còn nhà nào cứng rắn, họ sẽ cứ để mồ mả với văn bia trong nhà. Tất nhiên, lúc đó, họ coi nhà đó là của họ, đất đai là của họ, nên họ sẽ dần có quyền quyết định.

Tôi chẳng sống được mấy nữa, nên cuộc chiến giữ mồ mả cho tổ tiên chắc phải thua họ. Tôi đã không tiếc xương máu để hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, nhưng thật đau lòng khi tôi lại không bảo vệ được mồ mả của cha mẹ, tổ tông mình”.

Con cháu phải dùng con lợn đất để đánh dấu vị trí mộ tổ tiên
Con cháu phải dùng con lợn đất để đánh dấu vị trí mộ tổ tiên 

Cùng chung nhiệm vụ trông nom mộ tổ tiên hàng ngày với cụ Kh., là cụ bà Nguyễn Thị T. Ngày nào cụ T. cũng lọ mọ ra nghĩa trang Ngọc Xuyên để khói hương cho ngôi mộ cha mẹ, tổ tiên mình. Cụ bảo, việc thường xuyên ra mộ thắp hương chỉ là cái cớ, mục đích chính là cụ đi… trông mộ. Cụ sợ người ta bới tung hoặc san lấp mồ mả tổ tiên cụ để chiếm đất xây nhà nên bao năm nay cụ ăn ngủ không yên.

Tuy đã già yếu, tai nghễnh ngãng, song trí óc cụ lại rất minh mẫn. Cụ kể rành rẽ về cái nghĩa trang của làng. Theo cụ, nghĩa địa hình thành từ nửa cuối thế kỷ 19. Hồi bé T. mới 5 tuổi, gia đình đã xây mộ tổ, xương cốt của ông bà T. cũng được chuyển từ bãi sông về đây. Rồi năm T. 15 tuổi, mẹ đẻ của T. cũng đã yên nghỉ tại nghĩa địa này.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, nghĩa trang Ngọc Xuyên hết đất, mồ mả sin sít thì người ta lập nghĩa địa mới ở phía bờ sông. Từ bấy đến nay, hàng ngàn ngôi mộ trong nghĩa trang Ngọc Xuyên đã cổ kính rêu phong.

Nhà cửa đã lấn chiếm gần hết nghĩa địa Ngọc Xuyên
Nhà cửa đã lấn chiếm gần hết nghĩa địa Ngọc Xuyên 

Những nấm mồ được xây nhỏ, gọn, chứ không phô trương hoành tráng như bây giờ, bởi hồi đó người dân đất bãi Tứ Liên còn nghèo lắm. Các ngôi mộ chỉ được hương khói khi Tết đến, thậm chí, một số ngôi mộ đã nhiều năm không có một nén hương vì con cái, dòng tộc đã chuyển đi làm ăn ở nơi khác, tận trong Nam, hoặc nước ngoài. Tuy nhiên, những tấm bia chữ Hán vẫn nguyên vẹn rêu phong với tên tuổi, dòng họ.

Theo cụ T., gia đình cụ cũng như hàng trăm gia đình ở đây đã không dưới một lần phải xây lại mộ, bởi vì các phần mộ bị gia đình ông Nguyễn K. và một số hộ có đất ở gần đó liên tục san lấp, lấn chiếm, xây nhà đè lên mộ, hoặc tìm cách phá mộ, khiến người nhà không còn biết mộ nhà mình ở đâu.

Nhiều gia đình đào bới sâu xuống đất cả mét mới nhìn thấy mặt bia. Mỗi lần người ta lấp đất lên, các gia đình lại xây mộ cao hơn, hành trình như thế diễn ra trong nhiều năm. Đến khi ông K. thuê quản trang và cửu vạn đập mộ, đào mả rồi bí mật đem đi nơi khác thì người dân Tứ Liên không chịu nổi nữa liền viết đơn tố cáo.

Theo người dân ở phường Tứ Liên, thì có đến 90% diện tích đất nghĩa trang biến mất trước sự xâm lấn của đại gia đình ông K. suốt mấy chục năm qua.

Theo lời cụ T., vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chính quyền xã Tứ Liên, huyện Từ Liêm, giao cho cụ Nguyễn H. khoảng một sào đất gần nghĩa trang để ở và trông coi nghĩa trang. Khi cụ H. mất thì để lại cho người con cả là ông Nguyễn T.

Ông K. (là em trai ông T.) đã mua một mảnh đất tiếp giáp nghĩa trang Ngọc Xuyên nhưng thuộc xã Quảng An làm nơi ở. Vì ở gần nghĩa trang Ngọc Xuyên nên gia đình ông K. và ông T. cứ dần dần san lấp và biến cái nghĩa trang rộng mênh mông này thành đất của mình. Cứ chiếm được lô đất nào ông lại chia cho con cháu.  

Ông K. đã xây hàng chục căn phòng vừa bán, vừa cho thuê trên mảnh đất xưa kia là nghĩa trang mà ông chiếm được. Hiện tại, nghĩa trang đã co lại bé tẹo, song ông K. lại ra tay chiếm nốt. Thế là, mồ mà cứ thể lần lượt "chui" vào phòng khách, phòng ngủ, và thậm chí, có thể có cả những ngôi mộ thất lạc, đã bị chìm xuống nhà vệ sinh, nhà bếp.

Rời nghĩa địa Ngọc Xuyên, nghĩa địa kỳ lạ đã chìm trong khu dân cư đông đúc, cụ H. dùng tay khoanh lên không trung để mô tả một vùng rộng lớn, rồi bảo: "Cả cái xóm này nằm trên một nghĩa địa khổng lồ. Suốt 100 năm, có hàng ngàn người đã được chôn cất ở đây, nên có đến hàng ngàn ngôi mộ. Giờ anh nhìn xem, còn được mấy ngôi trồi lên khỏi mặt đất đâu? Mồ mả, tiểu sành, xương cốt nằm hết dưới nhà dân rồi. Tôi thì không duy tâm, nhưng quả thực, con người ở cái khu dân cư sống trên đầu người chết này cứ u uẩn thế nào ấy".


Phong Bình
Bình luận
vtcnews.vn