Những cuộc đời tăm tối trong lăng mộ đá giữa Hà thành

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 29/07/2015 06:33:00 +07:00

Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.

(VTC News) - Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.


Kỳ 3 (kỳ cuối): Những cuộc đời tăm tối trong lăng mộ

Theo anh H., người bán hàng nước trước lăng mộ đá ông Hoàng Trọng Phu, ở ngõ 252, phố Tây Sơn (Hà Nội), trong lăng mộ của ông Hoàng Trọng Phu có 4 gia đình với 12 nhân khẩu sinh sống. Hai gia đình chiếm hai gian đặt phần mộ của ông Phu và vợ ông, còn hai gia đình chiếm gian thờ ở trung tâm, nơi đặt bài vị thờ cúng ông.

Vòng ra phía ngoài ngõ, mở cửa vào gian chính, tôi gặp ông Nguyễn M. Trong gian chính này vốn có 2 gia đình sinh sống suốt mấy chục năm nay, nhưng một gia đình đã chuyển đi từ tháng trước, còn gia đình ông M. cũng đang dọn đồ để chuyển khỏi lăng mộ.

Ông M. cởi trần, ngồi hút thuốc lào, uống nước chè trên chiếc giường ọp ẹp. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì ngoài cái tivi 14 in cổ lỗ sĩ, chắc phải có tuổi 20 năm.

Ông M. cho biết: "Trước đây, ai đến đây, vào lăng mộ này là tôi đuổi tất, không tiếp. Tôi đã mua ngôi mộ mội đá của ông quan này từ 100 năm nay rồi (?!). Đừng có ai động vào tôi, chết với tôi ngay. Nhưng giờ tôi đã quyết định bán ngôi mộ này cho mấy người Việt kiều Pháp rồi. Gia đình tôi đang chuẩn bị dọn đồ đi đây".

Lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu 
Lăng mộ ông Hoàng Cao Khải 

Ông M. chỉ nói vậy, rồi mặc kệ khách tham quan, muốn làm gì thì làm. Bà Nguyễn Thị V., bán hàng rau ở ngay trước lăng mộ kể rằng, từ hồi vợ chồng ông M. chuyển vào lăng mộ đá này sinh sống, thì tâm tính ông M. thay đổi hẳn.

Ông M. trở nên khó tính khó nết, hay nói nhảm, thậm chí còn xua đuổi những người vào lăng mộ thắp hương cho người quá cố.

Bà vợ ông M. cũng là người ít nói, không muốn giao du với hàng xóm bao giờ, thậm chí còn chẳng biết những người hàng xóm là ai, dù đã sống ở đây rất lâu rồi.

Vợ chồng ông M. năm nay mới 52 tuổi, và nhảy vào lăng mộ sinh sống khoảng 40 năm trước. Hồi vào lăng mộ sống, ông M. còn nhỏ. Bố mẹ ông M. đều đã qua đời tại lăng mộ này. Ông M. có 3 anh em, đều làm thuê làm mướn kiếm miếng ăn, không mua được nhà riêng, nên chia thành 3 gia đình sống trong lăng mộ này.

Bây giờ, con ông M. cũng đã lấy vợ, lấy chồng, và ông M. đã có cháu nội, ngoại. Như vậy, đã có 3 thế hệ sống trong ngôi mộ này.

Tuy nhiên, theo bà V. không có chuyện gia đình ông M. đã mua lăng mộ này từ 100 năm trước, vì cách đây 100 năm, lăng mộ này còn đang xây dựng. Việc ông M. cứ khẳng định đã mua lăng mộ từ 100 năm trước là lời nói nhảm của người không bình thường.

Các gia đình đang chuyển khỏi lăng mộ sau mấy chục năm sống chung với người chết 

Cũng theo bà V., mới đây, con cháu ông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu, sống ở Pháp, đã về Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ đồng, để các gia đình chuyển khỏi lăng mộ, để họ tu bổ, quản lý, trông nom lăng mộ của cha ông.

Số tiền ấy với những Việt kiều Pháp giàu có thì không đáng gì cả, nhưng với các hộ gia đình ở đây thì quá lớn, nên họ đồng ý chuyển đi một cách vui vẻ.

Theo người dân quanh vùng, thì đại gia đình nhà ông M. thảm hại nhất khi sống trong khu lăng mộ đá này. Không chỉ vợ chồng ông M. mà đám con cháu cũng đều hâm hâm, dở dở. Ngày bé thì đều không sao, nhưng lớn lên một chút thì tâm tính đều trở nên kỳ quặc, không bình thường, mặt mũi lúc nào cũng u ám.

Trong số mấy người con, thì có anh H. là bình thường nhất, được coi là khôn lanh nhất nhà. Anh này được học cao nhất, tới lớp 12. Thế nhưng, đột nhiên một ngày, anh này tự dưng ngớ ngẩn, cứ ngồi nói lảm nhảm một mình.

Phần mộ ông Hoàng Cao Khải 

Nghe đồn, có thời gian, anh này rủ bạn bè đến dùng xà beng bật nắp phần mộ đá trong nhà mình, với mục đích tìm kiếm của cải, nhưng không thấy quan tài đâu cả. Dưới nền phần mộ là một lớp đá rất cứng và dày, búa bổ vào chẳng ăn thua gì, nên lại đậy nắp lại, không phá nữa.

Có người đồn rằng, đây chỉ phần phần mộ giả, lại có người khẳng định xác của vợ chồng ông Hoàng Trọng Phu được chôn sâu dưới lòng lăng mộ, dưới lớp đá cứng, không thể đào tới được.

Anh H., người bán nước ở ngay trước lăng mộ bảo: "Bất kỳ ai động đến ngôi mộ này cũng đều gặp họa, chứ đừng nói đến chuyện đào bới, hay xâm phạm vào chỗ ở của người chết.

Ông Hoàng Cao Khải, ông Hoàng Trọng Phu đều là quan lớn, và đất này là của ông ấy, hai ông ấy khác gì vị thần ở đất này, nên đâu có thể tự tiện mà xâm phạm vào được. Ngay như tôi đây, chỉ mới đào một cái lỗ nhỏ để cắm cái ô cho khỏi nắng, mà còn sống dở chết dở". Anh H. vừa nói, vừa chỉ cái ô cắm ngay trước cửa lăng mộ, chỗ anh đặt cái bàn bán trà.

Anh H., người gặp nhiều vận rủi khi bán hàng ở chân lăng mộ 

Theo anh H. ngay phía dưới chỗ anh ngồi, vốn có 2 con rồng đá, ngự ở hai bên bậc thềm dẫn vào lăng mộ. Tuy nhiên, quá trình dân cư sinh sống, xây nhà dựng cửa, rồi làm đường, làm ngõ tôn cao, nên hai con rồng đá đã chìm xuống lòng đất.

Hồi năm ngoái, anh H. đã khoan lỗ ngay trên đầu con rồng đá. Ngay buổi chiều, đi về nhà, bỗng dưng anh không biết gì nữa. Lúc tỉnh lại, anh thấy nhà cửa tan hoang, vợ con khóc lóc ghê lắm.

Lúc đó, anh mới biết, vừa về đến nhà, thì bị "ông Hoàng Trọng Phu" nhập vào, tố cáo anh H. xâm phạm nơi yên nghỉ của ông, nên ông đập phá hết đồ đạc, tivi tủ lạnh vỡ nát, thậm chí anh cứ vơ lấy dây điện mà nhai rau ráu. Sau khi "vong" thoát, anh H. mệt lử, sợ hãi và như thể biến thành người khác.

Sau lần ấy, có hôm, đang ngồi bán nước, buổi trưa, ngủ gà ngủ gật, tự dựng nhìn thấy rất nhiều người vái sống mình.

Mặc dù thấy mọi người vái, nghe tiếng mọi người gọi "ông Hoàng Trọng Phu", nhưng anh không sao cử động được cơ thể để nói với mọi người. Cảm giác của anh lúc đó như thể có một vong xâm chiếm cơ thể anh. Lúc tỉnh lại, mọi người mới kể rằng anh bị vong nhập và nói cả tiếng Pháp (?!).

 Hoàng Cao Khải quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ông đỗ cử nhân năm 1868, được bổ nhiệm làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì ông hợp tác với Pháp để đàn áp nhân dân. Năm 1904, khi tỉnh Cầu Đơ đổi tên là Hà Đông, ông làm tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sư Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà đông đến năm 1937.

Ông về hưu tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây. Mộ của Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu đều đặt ở ấp Thái Hà.

Vì theo Pháp, nên di tích của hai ông không được người dân tôn trọng, ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế. Khu ấp có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng năm 1893, nằm ở phía Tây gò Đống Đa.

Nhiều công trình tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...


Đường Phong
Bình luận
vtcnews.vn