Kho rượu sâm khổng lồ và những củ sâm tuyệt mỹ

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 28/05/2015 06:15:00 +07:00

(VTC News) - Có củ hình rồng, củ hình phượng, có củ hình con mãng xà cuộn thân, ngóc cái đầu có mào lên cao như thể đang rình mồi…

(VTC News) - Có củ hình rồng, củ hình phượng, có củ hình con mãng xà cuộn thân, ngóc cái đầu có mào lên cao như thể đang rình mồi…


Kỳ 2: Những củ sâm tuyệt đẹp

Căn nhà xây dựng khang trang nhưng nép mình ở một góc của khu nhà vườn thuộc quận Hải Châu (Đà Nẵng) chính là nơi trưng bày những bình sâm quý của người đàn ông mê sâm Nguyễn Thanh Tuyền.

Phòng khách căn nhà, ngoài tường cao chắc chắn thì hệ thống camera được bố trí khắp nơi, ghi hình ngày đêm để chống trộm. Trong nhà lúc nào cũng có vài người trông nom, tiếp khách tham quan kho sâm quý.

Bước vào căn phòng đầy ánh sáng, tường rả chủ yếu bằng kính cường lực, tôi thực sự choáng ngợp với cơ man nào là bình rượu sâm.

 
Anh Tuyền bên những bình rượu sâm tuyệt đẹp 

Có đến cả chục kiểu dáng bình rượu, bình tròn, bình vuông, bình cao, bình thấp. Dường như, mỗi bình rượu đều được thửa riêng, để phù hợp, vừa vặn với những cây sâm.

Hàng trăm củ sâm, với những hình dáng khác nhau nằm im lìm trong bình rượu, trong làn nước xanh nhạt hoặc cánh dán. Có củ hình rồng, củ hình phượng, có củ hình con mãng xà cuộn thân, ngóc cái đầu có mào lên cao như thể đang rình mồi…

Có củ sâm tròn ùng ục cuộn lại thành một bó, có củ nhỏ bằng ngón tay cái nhưng thẳng đuồn đuột dài đến nửa mét, khiến chủ nhân phải thửa chiếc bình nhỏ, nhưng cao nghều để thả củ sâm vào cho vừa vặn. Có bình cao đến cả mét vì củ sâm to, thân lá tốt, có bình chỉ nhỏ bằng vốc tay vì ngâm củ sâm nhỏ vừa mới nảy mầm.

 
 
Cây sâm còn nguyên chùm quả được cho vào bình rượu để bảo quản 

Tóm lại, trong căn phòng này, có đủ cả sâm to, sâm nhỏ, sâm gầy, sâm béo, sâm củ, sâm gồm cả lá, thân, rễ, hoa, quả… cực kỳ đa dạng, phong phú.

Hầu hết những củ sâm đều còn nguyên thân, lá. Những chiếc lá sâm vốn màu xanh thẫm, nhưng nằm trong rượu thì chuyển thành màu bạc, vì diệp lục và saponin cùng các hoạt chất trong lá nhanh chóng bị rượu chiết ra. Chỉ những củ sâm là còn giữ được màu nguyên vẹn.

Mỗi bình rượu sâm, là cả một câu chuyện vừa thực, vừa hư, vừa như truyền kỳ, mà theo anh Tuyền, phải có cơ duyên nhiều lắm anh mới sở hữu được.

 

Chỉ vào bình rượu chứa củ sâm mà theo anh Tuyền, đã gần 100 tuổi, anh bảo rằng, phải tu 10 kiếp, anh mới có duyên được sở hữu củ sâm quý hiếm như thế.

Theo lời anh, cách đây gần chục năm, anh mua củ sâm đó chỉ với giá 50 triệu đồng, nhưng bây giờ, có tiền tỷ cũng không mua nổi, bởi những củ sâm nhiều tuổi như thế có lẽ đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Tôi hỏi: "Làm thế nào để anh biết củ sâm ấy đã 100 tuổi?". Anh Tuyền lý giải: "Việc xác định tuổi sâm rất dễ dàng, chỉ cần bằng mắt thường.

Vào tháng 1 âm lịch hàng năm, sau kỳ ngủ đông, trên thân củ sâm sẽ xuất hiện một chồi non mới. Thân chồi nhanh chóng sinh trưởng và ra một tán hoa. Từ tháng 4 đến tháng 6 hoa sẽ nở và kết quả. Từ tháng 7 đến tháng 9 quả sẽ chín và rụng. Cuối tháng 10, thân cây sẽ tàn lụi và để lại một vết sẹo trên củ, đồng thời sẽ bắt đầu một chu kỳ mới.

Căn cứ vào vết sẹo sẽ xác định được chính xác tuổi sâm 

Cứ mỗi khúc củ, lại có một vết sẹo và chỉ cần đếm khúc (còn gọi là đốt) hoặc vết sẹo sẽ tính ra được tuổi của củ sâm. Chính vì loài sâm này ra đốt, nên còn có tên khác là tiết trúc nhân sâm, đốt trúc sâm hoặc sâm trúc".

Tuy nhiên, theo anh Tuyền, hiện nay, giới buôn sâm có nhiều thủ thuật biến những củ sâm ít tuổi thành sâm nhiều tuổi. Họ chọn những củ sâm tốt, rồi dùng keo gắn lại với nhau, khiến những người ít có kinh nghiệm không thể phân biệt được.

Bản thân anh Tuyền đã phát hiện hàng chục trường hợp gắn keo để tăng số đốt trên củ sâm nhằm lừa đảo. Anh Tuyền phải cạo nhẹ lớp vỏ, rồi bấm móng tay vào chỗ nghi ngờ, mới tìm ra được vết cắt nhỏ hơn sợi tóc, ngọt như vết dao lam.

Cây sâm mới được cho vào bình rượu, lá vẫn còn màu xanh thẫm 

Trong số những củ sâm trưng bày ở gian ngoài, thì anh Nguyễn Thanh Tuyền nâng niu nhất và cũng kể nhiều chuyện nhất về củ sâm mà anh gọi là "mãng xà".

Củ sâm này tuy chỉ có 40 năm tuổi, nhưng có thế tuyệt đẹp và hàm lượng saponin tổng hợp thì cực khủng, hơn 30%, cao gấp đôi những củ sâm hoang dã khác, thậm chí gấp 3 lần sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.

Theo anh Tuyền, anh mua được củ sâm này là một may mắn hiếm có. Cách nay gần chục năm, một đầu nậu đã gọi anh lên Kon Tum để xem một củ sâm do một người dân tộc đào được. Anh này phát giá 40 triệu đồng cho củ sâm nặng vỏn vẹn 4,5 lạng.

Củ sâm hình mãng xà  lúc chưa cho vào bình rượu

Thời kỳ đó, số tiền 40 triệu là quá lớn. Tính ra, củ sâm đó có giá gần 100 triệu đồng/kg. Các đầu nậu đều đã đến xem và không dám xuống tiền.

Thế nhưng, nhìn củ sâm hoang dã ùng ục như một cuộn thừng, anh Tuyền không thèm mặc cả, xuống tiền luôn để bứng củ sâm về.

Mang củ sâm về nhà, anh không cho vào bình rượu ngay, mà đặt trên chiếc bàn thửa bằng gỗ hóa thạch để ngắm nghía cho thỏa thích.

Củ sâm được anh Tuyền tạo hình 3D để giữ làm kỷ niệm 
Anh Tuyền và củ sâm giả được tạo hình 3D 

Sau khi xoay đông, xoay tây, thì phát hiện ra củ sâm có dáng đặc biệt, như con mãng xà có mào đang dựng thân, ngóc đầu dữ tợn. Tạo hình củ sâm quá đẹp, đầy hồn vía, khiến anh Tuyền mê mẩn, ngắm nghía ngày đêm.

Sợ cho củ sâm vào bình rượu sẽ biến dạng, không giữ được vẻ đẹp như lúc đầu, nên anh đã gửi ra nước ngoài để tạo hình 3D, tốn kém cả chục triệu đồng.

Giờ đây, củ sâm ấy đã an vị trong bình rượu và điều đặc biệt là nó vẫn giữ được tạo hình độc đáo. Còn anh Tuyền, vì quá mê tạo dáng của những củ sâm, mà anh bỏ ra cả trăm triệu đồng, chỉ để tạo hình 3D và đúc ra những củ sâm bằng polime cao phân tử y hệt về kiểu dáng, kích thước, trọng lượng những củ sâm mà anh sở hữu.

Anh Nguyễn Thanh Tuyền hiện là thành viên tích cực của Hội chơi sâm Việt Nam. Trong Hội chơi sâm, có khá nhiều đại gia, sưu tập được những củ sâm quý hiếm, có một không hai, trị giá cả tỷ đồng/củ. Những thành viên của Hội chơi sâm đều là những người mê sâm Ngọc Linh như điếu đổ. Các thành viên trong hội không bao giờ bán những củ sâm quý, nhưng có thể trao đổi với nhau để mang về ngắm. Họ quyết tâm lưu giữ những báu vật này ở trong nước, không để lọt ra nước ngoài, để làm tiêu bản, thể hiện niềm tự hào dân tộc. Anh Tuyền coi những củ sâm đẹp là tài sản quý của quốc gia, nên cố gắng lưu giữ nguyên dạng cho con cháu sau này.

Còn tiếp…


Hoài Nhung
Bình luận
vtcnews.vn