Đau lòng khu mộ hoang tàn của các nghĩa sĩ bị chặt đầu thảm khốc

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 17/07/2014 05:44:00 +07:00

(VTC News) – Thật buồn lòng khi nấm mồ tập thể chôn 9 nghĩa sĩ bị chặt đầu bị bỏ quên ở khu vườn hoang ngập nước.

(VTC News) – Thật buồn lòng khi nấm mồ tập thể chôn 9 nghĩa sĩ bị chặt đầu bị bỏ quên ở khu vườn hoang ngập nước.


Kỳ 3 (kỳ cuối): Đau lòng mộ phần của các nghĩa sĩ

Ngày đó, thực dân Pháp tiến hành chặt đầu 16 chí sĩ yêu nước (có tài liệu nói là 13) ở nhiều nơi khác nhau, sau sự kiện Hà thành đầu độc. Có tới 9 người bị chặt đầu ở khu Bãi Bàng.


Địa danh Bãi Bàng giờ chỉ còn trong sách vở thời Pháp thuộc, nhắc lại cũng không ai biết nữa. Chỉ những người theo sát sự kiện này mới biết khu vực đó chính là chợ Bưởi bây giờ, tức chỗ giao giữa phố Lạc Long Quân và Hoàng Hoa Thám.

Theo chân anh Phạm Văn Túy, người đồng hương của cụ đồ Đàm, chị Đỗ Thanh Hằng, chắt cụ Đồ Đàm, cùng các cán bộ của Trung tâm truyền thông tâm linh và Câu lạc bộ Thiền Việt, chúng tôi tìm đến khu vực chợ Bưởi.

Mạng lưới từ thiện Việt Nam, Trung tâm truyền thông tâm linh, Câu lạc bộ Thiền Việt thắp hương tưởng niệm các nghĩa sĩ vụ Hà thành đầu độc 

Khu vực Bãi Bàng hoang vắng trong những bức ảnh xưa giờ nhà cửa san sát, sầm uất. Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, ngóc ngách, dẫn mãi mới đến được nhà thầy giáo Thành.

Anh Túy phải hẹn trước với ông Thành, mới đến viếng được mộ các chí sĩ yêu nước. Điều này thật là kỳ cục.

Có lời ra tiếng vào của người dân xung quanh rằng, không phải ai cũng có thể vào viếng mộ được, bởi những nấm mồ của những con người đặc biệt, đổ máu vì đất nước ấy, giờ nằm trong đất của ông Thành, nên ông Thành thích cho ai vào thì mới vào được. Ông bận đi đâu, khóa cổng, thì chẳng ai dám trèo tường vào nhà ông. Nghĩ mà tủi.

Chúng tôi đi xuyên qua cổng, qua sân nhà ông Thành, với nhiều ánh mắt khó chịu. Cũng phải thông cảm với họ, bởi họ toàn phải đón những người dưng, chẳng được lợi lộc gì.

Anh Túy thắp hương trên mộ phần các nghĩa sĩ 

Từ sân nhà, đi qua một dãy nhà trọ sinh viên, thì đến một khu vườn trũng ngập nước. Thầy giáo Thành đang cuốc đất lấp những vũng nước.

Ông Thành tiếp đón với vẻ không thoải mái lắm. Ông bảo: “Mấy hôm trước nước ngập đến đầu gối, cỏ ngập đến ngang hông, các anh chị có đến nhà tôi cũng không vào viếng mộ các cụ được đâu. Tôi vừa phải chở đất vào san, cắt cỏ, với lại nước ngấm đi rồi, nên cũng đỡ”.

Vạch những cành cam, ổi, đến cuối vườn, chỗ giáp tường nhà bên cạnh, thì có một cây hương, một tấm bia đá ốp sát vào tường nhà. Tấm bia đá ghi: “Nơi yên nghỉ của 9 nghĩa sĩ yêu nước vụ Hà thành đầu độc thực dân Pháp ngày 27//6/1908”.

Nơi tưởng niệm các nghĩa sĩ chỉ như thế này 

Anh Túy thắp nhang trên cây hương, rồi dẫn tôi đến góc vườn, cành lá cỏ rác phủ kín và bảo rằng, hài cốt 9 chí sĩ yêu nước nằm dưới đó. Khu đất bằng phẳng, chẳng nhận ra đâu là mồ mả nữa. Mọi người cứ áng chừng chỗ đó, bởi nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bẩy chỉ như vậy.

Thầy giáo Thành năm nay mới ngoài 50 tuổi, nhưng thông tin về những phần mộ này ông nắm rất rõ, bởi đời ông, đời cha thường xuyên kể lại. Đến đời ông Thành, được cha ông giao cho việc trông nom, săn sóc, hương khói cho các nghĩa sĩ, mặc dù chẳng ai trả công cho ông làm điều đó.

Ông Thành kể: “Từ nhỏ, cha ông đã dặn tôi rằng, cứ đến ngày 27/6, nhớ thắp nhang cho những nấm mộ hoang này. Sau này lớn lên, tôi mới biết đây là mộ những anh hùng bị giặc Pháp xử chém”.

Chị Hằng (phải), chắt cụ đồ Đàm thắp hương trên phần mộ cụ 

Tuy nhiên, theo ông Thành, trong mộ chỉ có phần thân, chứ không có đầu. Các cụ kể rằng, sau khi chém 9 nghĩa sĩ, chúng đem đầu đi bêu ở các khu chợ, ngã tư, đầu làng, những nơi đông người để răn đe dân chúng. Phần xác thì chúng đẩy xuống hố chôn tập thể ngay cạnh pháp trường rồi lấp đất lại.

Trong hồ sơ của Tòa công sứ Hà Đông mà anh Phạm Văn Túy lấy được từ Trung tâm lưu trữ quốc gia, có chép đầy đủ tên những người bị án tử hình. Tuy nhiên, chỉ có vài nhân vật chủ chốt là chép rõ xử chém ở đâu, ngày nào. Những người khác cũng không rõ quê quán, tuổi tác.

Lật lại lịch sử, cả của Pháp lẫn Việt Nam, thì cũng chỉ biết rõ cụ đồ Đàm và đầu bếp Hai Hiên chém ở Bãi Bàng, 7 người còn lại không biết là ai. Chính vì thế, ở bia đá nơi khu mộ góc vườn này, chỉ ghi tên cụ Đồ Đàm và Hai Hiên.

Thầy giáo Thành, chủ khu vườn có mộ các nghĩa sĩ 

Theo lời các cụ, sau này, người Pháp xây dựng ở Bãi Bàng một xưởng dệt nhuộm lớn, nên chuyển di cốt ra xa hơn. Khu đất hoang ấy lại trở thành trang trại của một quan Pháp. Vị quan Pháp này bốc cốt chôn ra rìa khu trang trại nhà mình.

Thời điểm đó, giặc Pháp vẫn truy lùng ráo riết những người tẩu thoát, truy sát cả người thân, nên chẳng ai dám đến thắp nhang ở khu mộ này. Con cháu họ cũng không còn biết đến phần mộ của cha ông nữa. Người già trong vùng biết chuyện về các chí sĩ yêu nước thi thoảng thắp nhang để phần mộ đỡ cô quạnh.

Hơn 100 năm qua, chẳng mấy ai nhớ đến nấm mộ chôn 9 nghĩa sĩ nữa. Nhà cửa mọc lên, những nấm mồ này lọt vào vườn nhà ông cố, ông nội của thầy giáo Thành và giờ khu vườn thuộc sở hữu của ông.

Nấm mồ tập thể chôn 9 nghĩa sĩ được cho là ở góc vườn này 

Dù con cháu của các nghĩa sĩ, dù cán bộ chính quyền không biết, không đến hương nhang, thì đến ngày 27/6, rồi ngày lễ, tết, ông Thành vẫn hương khói đầy đủ cho các cụ.

Cách nay chừng 20 năm, một ông già tên Khải, tìm đến khu mộ này khóc lóc với ông Thành, nhận mộ cụ Hai Hiên là người thân. Theo ông Khải, ông Hai Hiên là anh ruột của ông nội ông.

Ngày đó, ông Khải giàu có nổi tiếng ở Đoan Hùng. Tuy nhiên, đêm đêm ông cứ mơ thấy một người cụt đầu về gặp ông. Hỏi lại các cụ, ông Khải mới biết, anh trai của ông nội ông là đầu bếp Hai Hiên, bị chặt đầu trong vụ Hà thành đầu độc.

Ám ảnh với giấc mơ, ông Khải tìm hiểu sử liệu, rồi đến khu vực Bãi Bàng xưa. Tìm được phần mộ cụ Hai Hiên, ông Khải mới an lòng, ngon giấc, thôi ám ảnh.

Sơ đồ khu vườn có mộ các nghĩa sĩ do anh Túy vẽ 

Sau này, chị Đỗ Thanh Hằng, chắt thầy đồ Đàm cũng đi tìm mộ và cũng tìm thấy khu vườn nhà ông Thành. Gia đình cụ Hai Hiên và đồ Đàm chưa biết đâu là cốt người nhà mình trong 9 bộ cốt của hố chôn tập thể này, nên chưa dám đào bới. Hai gia đình xin với ông Thành cho xây cây hương trong vườn để tiện bề hương khói.

Dù đã có tấm bia đá gắn trên tường và cây hương nơi mảnh vườn ngập nước kia, nhưng ngẫm lại, thấy thật tủi thân cho những nghĩa sĩ. Họ đã làm một việc kinh thiên động địa, mang khát vọng giải phóng dân tộc, họ là những anh hùng vì nghĩa vong thân, nhưng sự tưởng nhớ với họ thật bạc bẽo.

Anh Phạm Văn Túy, dù không phải là người thân của các nghĩa sĩ, nhưng cũng rưng rưng: “Bản thân tôi cũng có thể huy động được tiền bạc xây khu mộ, rồi khu tưởng niệm xứng tầm cho các cụ. Nhưng các vị anh hùng nằm ở đất nhà người ta, nên chẳng làm gì được. Đặt được viên gạch ở đây cũng đâu có dễ dàng.

Các vị anh hùng vì nước vong thân đều rất xứng đáng có một khu tưởng niệm, để người thân, nhân dân cả nước đến hương khói, tưởng nhớ. Thậm chí, các vị cũng xứng đáng để được mang tên những con phố ở Hà Nội, nhưng đến nay mới chỉ có phố Đội Nhân. Họ đang chìm trong quên lãng bởi sự vô tâm của thế hệ sau”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong một lần nói về vụ Hà thành đầu độc: ‘Hậu thế thời nay phải làm đài bia lưu danh nghĩa cử, hành động yêu nước của những anh hùng này. Họ đã chống giặc mà hi sinh. Họ hoàn toàn xứng đáng được vinh danh liệt sĩ để hòa cùng hồn thiêng sông núi!”.


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn