Vì sao hàng vạn người vay vốn ở đền Bà Chúa Kho?

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 26/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Cứ vào dịp đầu năm, cả chục vạn người hành hương về ngôi đền này, với một mục đích kỳ lạ: Vay tiền Bà Chúa Kho để lấy vốn làm ăn.


Kỳ 4: Sự thật linh thiêng ở đền Bà Chúa Kho
Có thể nói, hiếm có ngôi đền nhỏ nào thu hút giới kinh doanh, buôn bán nhiều như ngôi đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Cứ vào dịp đầu năm, cả chục vạn người hành hương về ngôi đền này, với một mục đích kỳ lạ: Vay tiền Bà Chúa Kho để lấy vốn làm ăn.
Chuyện lạ ở chỗ, thay vì đến ngân hàng vay vốn, người ta lại đến… đền. Vì sao con buôn, thương nhân cả nước kéo đến ngôi đền này? Phải chăng, nhiều người ăn nên làm ra khi đến vay vốn của bà Chúa Kho?
Ngôi đền bí ẩn
Cả tháng giêng, dòng người đổ về đền Bà Chúa Kho nườm nượp. Đứng trên cao nhìn xuống, dòng người như đàn kiến kiên nhẫn nhích từng bước để được vào lễ trong đền.
Từ quốc lộ 1A, hàng trăm người dân bản địa chèo kéo, mồi chài du khách sắp lễ, dâng hương và đặc biệt là… cúng thuê. Ở ngôi làng Cổ Mễ (xã Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh), có một nghề đặc biệt, mà cả trăm người hành nghề, ấy là cúng thuê.

đền bà chúa kho

Chen chúc cầu cúng, vay mượn ở đền Bà Chúa Kho


Không phải ai cũng biết cúng khấn, để Bà Chúa Kho rủ lòng thương cho vay ít vốn, nên hầu như đều phải thuê người cúng. Thợ cúng chủ yếu là phụ nữ, họ làm việc hết sức chuyên nghiệp.
Khổ sở chen qua dòng người nhồi như nêm ở bậc tam cấp dẫn vào đền, tôi tìm vào Ban quản lý di tích. Ông Nguyễn Văn Tần, 73 tuổi, cán bộ của Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho tiếp đón nhiệt tình.
Ông Tần là người gốc nhiều đời ở Cổ Mễ, nên chuyện quanh ngôi đền này ông nắm rất rõ.
Theo ông Tần, thực tế, làng ông tên là Cô Mễ, sau này đọc chệch đi thành Cổ Mễ. Cô là rau, mễ là gạo, nên cái tên làng đã thể hiện chuyện lương thực.
Ngôi đền nằm trên một quả núi, gọi là núi Kho. Cái tên núi Kho có từ xa xưa, liên quan đến kho lương thực trong truyền thuyết.

đền bà chúa kho

 Cúng thuê ở đền Bà Chúa Kho


Đền Bà Chúa Kho có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó, ở làng Cổ Mễ là nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu).
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ kháng chiến.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người rất đẹp. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.
Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077).
Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

đền bà chúa kho

Tượng Bà Chúa Kho


Theo lời kể của các cụ, từ thời Pháp, thương nhân người Hà Nội, Hải Phòng đã tìm về quả núi Kho để khấn, lễ ở ngôi đền này. Khi đó, ngôi đền nhỏ, và người đến lễ cũng không đông. Tuy nhiên, dân trong vùng thì đều biết đến ngôi đền này và đều kể chuyện về nó với những tình tiết liêu trai.
Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng tại quả núi Kho nhà máy giấy Đông Dương. Đây là nhà máy rất lớn, bao trùm gần như toàn bộ quả núi.
Ông chủ Bê-tô người Pháp sai người phá ngôi đền để xây dựng nhà máy, tuy nhiên, người dân Cổ Mễ đã quyết liệt phản đối.
Mặc dù người Pháp xây tường bao rất cao, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng các cụ già vẫn tìm cách trèo vào, quyết lấy thân mình bảo vệ ngôi đền cổ này.
Một lần, khi Bê-tô quyết tâm phá đền, thì bà vợ tự dưng lăn ra đau bụng quằn quại. Bác sĩ giỏi được triệu đến, hết uống thuốc lại tiêm, nhưng những cơn đau quằn quại không hề dứt.
Trong hoàn cảnh đó, một công nhân người làng Cổ Mễ đã đề nghị làm mâm lễ cúng trong đền. Không biết làm cách nào khác, ông chủ Bê-tô đồng ý.
Mấy người dân Cổ Mễ đã sắp lễ, cúng khấn trong ngôi đền nhỏ. Lễ cúng vừa dứt, thì vợ ông chủ Bê-tô hết đau bụng. Kinh ngạc trước sự linh thiêng của ngôi đền, ông chủ Bê-tô không phá đền nữa, mà cho làm một con đường bê tông nhỏ từ cổng nhà máy dẫn lên đền và để người dân tự do ra vào cúng bái.
Khi đó, ngôi đền rất nhỏ, nhưng vẫn có đủ 3 cung. Ngôi đền nằm dưới bóng 2 cây đa lớn mọc hai bên chái đền.

đền bà chúa kho

 Đền Bà Chúa Kho vắng tanh ngày cuối năm


Vào năm 1967, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt. TP. Bắc Ninh cũng là một trong những trọng điểm bắn phá, dội bom của địch. Bộ đội ta đã đặt pháo 57 ly trên núi Kho, ngay sau đền để bảo vệ cầu Đáp Cầu. Hai cây đa được hạ để mở rộng tầm nhìn.
Điều kỳ lạ nhất với người Cổ Mễ, là mặc dù máy bay địch dội bom san phẳng cả làng Cổ Mễ, san bằng nhiều điểm ở TP. Bắc Ninh, cày xới tan nát núi Kho, nhưng lạ thay, không có quả bom nào rơi vào ngôi đền. Cầu Đáp Cầu và cầu phao chỉ cách ngôi đền 400 mét, ngày đêm bị dội bom, nhưng tuyệt nhiên không có quả bom nào lạc vào ngôi đền này.
Cầu gì được nấy?
Những ngày đầu năm, thật khó khăn để chen được vào đến cổng đền Bà Chúa Kho, chứ đừng nói đến chuyện kiếm được chỗ để dâng lễ, cúng bái. Người ta phải đội mâm lễ lên đầu, rồi bái vọng từ xa. Có trường hợp còn trèo lên đầu nhau để chen vào cúng bái. Hàng ngàn lời khấn cùng vang lên một lúc, hầu hết với nội dung vay vốn làm ăn, không hiểu Bà Chúa Kho có bao nhiêu tai mắt để nghe hết được lời cầu khấn.
Tuy nhiên, một sự thực sáng tỏ, khi những ngày cuối năm 2013, chúng tôi đã nhiều lần đến đền Bà Chúa Kho và thấy một cảnh tượng khá lạ, ấy là ngôi đền vắng tanh vắng ngắt. Hàng quán vẫn la liệt từ đầu Quốc lộ 1 vào đến chân đền, nhưng du khách thì lác đác, người lễ tạ cũng rất ít. Những cửa hàng sắp lễ gà, xôi, giò chả, cau trầu ế chơ ế chỏng.

đền bà chúa kho

Ông Nguyễn Văn Dự cho rằng chuyện vay mượn ở đền Bà Chúa Kho là mê muội


Ông Nguyễn Văn Dự, Ban quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho kéo tôi ra sân đền bảo: “Anh nhìn xem, năm nào cũng thế, đầu năm người dân nườm nượp về cầu lộc, vay vốn làm ăn, chen lấn, dẫm đạp lên nhau, khiến chúng tôi rất vất vả, thế nhưng, cuối năm thì vắng hoe vắng hoét thế này đây. Cứ nhìn vào cảnh tượng này thì anh cũng biết được rằng việc sắm mâm cao cỗ đầy, rồi thuê mướn thầy cúng, nhằm hối lộ Bà Chúa Kho để vay tiền bà liệu có kết quả gì không?”.
Theo lời ông Nguyễn Văn Tần, nghi thức vay vốn Bà Chúa Kho rất rõ ràng. Thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay 5 năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ. Thậm chí còn phải hứa là vay một trả 3, thậm chí vay một trả 10. Đã vay thì phải trả, kể cả chuyện vay thật hay vay niềm tin, do đó, dù có làm ăn được hay không, thì đã hứa với Bà Chúa Kho, thì phải giữ đúng lời hứa.

đền bà chúa kho

 Khu vực công đức vắng vẻ ngày cuối năm


Việc vay lễ diễn ra vào đầu năm và lễ tạ diễn ra vào cuối năm. Thế nhưng, theo lời ông Nguyễn Văn Dự, thì thời điểm cuối năm, tức thời điểm làm lễ tạ, lượng khách về đền không bằng 1/10 thời điểm đầu năm. Chỉ cần nhìn điều đó, cũng có thể nhận thấy rằng, không có nhiều người vay vốn của Bà Chúa Kho mà thành công trong việc kinh doanh.
Những người cuối năm về lễ tạ một là giữ lời hứa, hai là họ thành công trong làm ăn một cách may mắn và hoàn toàn là do năng lực của họ.
Ông Dự bảo rằng: “Con người có tướng, có số, vũ trụ quay vòng, cây cỏ mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, thu và đông kết trái. Con người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền này rồi”.
Theo ông Dự, người đã có nhiều năm gắn bó với đền Bà Chúa Kho, thì ngôi đền này rất linh thiêng trong tâm thức người dân, nên người dân đến đền cũng phải với tinh thần xả tâm. Việc cúng bái để vay vốn chỉ là nghi thức tâm linh, chứ không thể là việc có thật.

Còn tiếp...

Bình luận
vtcnews.vn