Nữ tu sĩ ngồi thiền cùng hổ và rắn ở Yên Tử

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 24/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Người thợ săn nhìn xuyên qua cánh cửa khép hờ và giật thót mình khi thấy trong chùa là một nữ tu ngồi thiền bất động cùng con hổ.

 Kỳ 2: Sư cô kỳ lạ

Trong đại ngàn non thiêng Yên Tử còn có một di tích trong hệ thống chùa chiền, am tháp từ thời Phật hoàng bị bỏ quên, đó là chùa Ba Bậc. Chùa Ba Bậc nằm rất sâu trong rừng, giữa bốn bề những núi đá phô bày những hình thể kỳ dị.

Theo các nhà chân tu nhiều năm sống trên Yên Tử thì khu vực chùa Ba Bậc là nơi hội tụ nhiều linh khí, nên sản sinh ra nhiều kỳ hoa dị thảo. Trên đường đi qua, tôi được tận mắt những loài cây cỏ, hoa lá rất kỳ lạ, mà tôi chưa từng biết đến bao giờ.
 

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử

Đây cũng là nơi bắt nguồn con suối Vàng kỳ lạ, nước như màu mật ong. Tại nơi hội tụ linh khí này, mấy năm trước, người đàn ông tên Khiêm cũng lập thảo am, sống hoang biệt với thế giới. Ông Khiêm có quyết tâm rất cao trong suốt mấy năm trời. Nhưng rồi, một ngày, người ta không còn thấy bóng ông đâu nữa. Ông mất tích một cách kỳ lạ.

Trong cuộc leo núi phía sườn Đông, tôi được những người Dao đi hái thuốc trong rừng kể một câu chuyện kỳ lạ, về một nữ nhà sư tu khổ hạnh trong chùa Một Mái. Sở dĩ chùa có tên như vậy, vì nó chỉ có một mái ngói áp vào núi đá.

Trong hành trình lên Yên Tử, du khách sẽ được đi qua ngôi chùa này. Chuyện mà những người Dao hái thuốc kể diễn ra từ 30 năm trước.

 Chùa Một Mái

 

Khi đó, Yên Tử còn hoang vu, rậm rạp, chẳng có bóng người ngoài những vị chân tu kỳ lạ lên núi hoang ở ẩn và những người Dao sống dưới chân núi ngàn năm nay thi thoảng vào rừng hái thuốc.

Người ta kể rằng, trong khi đi hái thuốc, họ thường xuyên nghe thấy tiếng hổ gầm ở chỗ chùa Một Mái, nên chẳng ai dám lên.

Một ngày, vào lúc sáng sớm, một thợ săn liều mạng, vác theo khẩu súng, cùng cung tên tiến về phía ngôi chùa ấy. Mon men lại gần ngôi chùa, lách khẩu súng qua kẽ lá, người thợ săn này nhìn xuyên qua cánh cửa khép hờ và giật thót mình khi thấy một nữ tu chừng 27 tuổi, ngồi thiền bất động. Dưới chân nữ tu là con hổ lớn nằm nghiêng, đầu ngóc lên nhìn ra ngoài cửa. Con hổ ấy phải dài đến 3m, nặng cỡ 300kg. Người thợ săn ấy ngồi theo dõi đến cả tiếng.

 Mộ tháp trong đại ngàn Yên Tử

 

Khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, nữ tu này dừng thiền, bước chân xuống đất xoa đầu con hổ. Con hổ lững thững đi ra hiên chùa, gầm lên một tiếng, rồi nhảy tót vào rừng biến mất tăm mất tích.

Người thợ săn đem câu chuyện về làng kể, nhưng không ai tin. Ông liền đưa vài người nữa lên chùa Một Mái và họ đều được chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ đó. Thế nhưng, một ngày, ngôi chùa Một Mái hoang tàn đổ nát, nữ tu kia đã biến mất, con hổ cũng không thấy về nữa.

Có lẽ là duyên kỳ ngộ, trong quá trình tìm hiểu những câu chuyện quanh con suối Giải Oan dưới chân Yên Tử, nơi 100 cung nữ trẫm mình khi không thuyết phục được vua Trần Nhân Tông quay về lo việc triều chính, tôi đã gặp được nữ tu kỳ lạ đó. Bà chính là sư Yến, hiện trụ trì chùa Giải Oan.

 Sư Yến - trụ trì chùa Giải Oan

 

Suối Giải Oan

Trong câu chuyện về cuộc đời bí ẩn của bà, bà kể rằng, hơn 30 năm trước, bà rời bỏ ngôi chùa ở Hải Phòng, tìm vào dãy Yên Tử để tu tập. Một mình bà đã sống nhiều năm ở chùa Một Mái.

Hàng ngày, bà chỉ hái quả sung, quả vả để ăn và tu thiền khắc khổ. Một ngày, đang tụng kinh trong chùa, thì ông hổ khổng lồ xuất hiện. Nghĩ rằng, thân nữ nhi, dù có chống chọi cũng vô ích, nên bà khoanh chân ngồi thiền, chấp nhận mất mạng. Không ngờ, khi bà ngồi thiền, con hổ đã bước vào chùa, rồi nằm xuống chân bà.

Từ đó, mỗi khi bà ngồi thiền, con hổ lại tìm đến. Không chỉ hổ, mà rất nhiều rắn độc cũng tìm đến ngôi chùa này và sống chung với nữ tu tên Yến.

Dấu tích đổ nát ở Tây Yên Tử

 

Theo lời sư thầy Yến, sau mấy năm tu hành khổ hạnh ở chùa Một Mái, thấy đã đủ duyên, bà liền xuống núi. Khi xuống đến suối Giải Oan, quay lưng nhìn lại đỉnh Yên Tử lần cuối, bà sững người khi thấy con Rồng khổng lồ thoát xác từ dãy Yên Tử bay lên không trung.

Giờ nhìn lại, bà thấy dãy Yên Tử mang dáng con rồng, mà đỉnh Yên Tử chính là đầu rồng. Nghĩ rằng, đã được bề trên cho thấy hình ảnh linh thiêng tối cao, nên bà quyết định ở lại. Từ bấy, sư Yến trụ trì, quản lý ngôi chùa Giải Oan.

Những câu chuyện linh thiêng huyền bí trên Yên Tử kể cả ngày không hết. Chính ông Lê Quang (Phó Giám đốc BQL di tích danh thắng Yên Tử) đã từng được chứng kiến cảnh tượng một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, coi thường sự tôn nghiêm của di tích liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa.

 Tấm bia cổ ở Yên Tử bị bọn trộm đập phá được gắn lại

 

Họ cứ cố lên mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám người này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.

Ông Trần Trương, nguyên Trưởng BQL Di tích – Danh thắng Yên Tử cũng kể rằng, tại vườn tháp Huệ Quang có một chuyện rất lạ mà ông được chứng kiến. Sau khi đám công nhân làm xong nhà khách Yên Tử, thì rủ nhau lên lễ chùa Đồng. Khi đi qua vườn mộ tháp Huệ Quang, thấy một hòn đá nằm trên ngọn một tháp cổ, liền thách đố nhau ném trúng hòn đá đó.

Một cậu vung tay ném trúng khiến hòn đá rơi xuống đất. Lên đến chùa Đồng, đám công nhân này mới phát hiện thiếu một người, nhưng không ai lo lắng vì đều là người địa phương, không sợ lạc đường.

Sau mấy tiếng đồng hồ xuống núi, quay trở về khu tháp Huệ Quang, đám công nhân sửng sốt khi phát hiện ra cậu thanh niên ném đá lúc nãy đang ngồi xếp bằng tròn bên lăng mộ tháp, mặt áp vào tường, hai tay đặt lên đùi, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, lắc vai mãi không tỉnh, cứ ngồi bất động như khúc gỗ.

Đám công nhân sợ quá, liền báo Ban quản lý, rồi Ban quản lý di tích lên chùa Hoa Yên mời thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối. Một lát sau, cậu công nhân nghịch dại kia mới tỉnh, khóc nức nở, rồi xuống núi. Sau này, tôi gặp sư Diệu Nhàn, sư bảo, những chuyện kiểu như vậy diễn ra thường xuyên ở Yên Tử.

Còn tiếp…

Bình luận
vtcnews.vn