Những chuyện ly kỳ trên dãy Yên Tử

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 23/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Ngài nằm nghiêng, tựa dáng sư tử nằm, rồi hóa giữa đại ngàn hoang vu đến nỗi cây trúc mọc xuyên qua người ngài.

 

Kỳ 1: Những nhà tu hành kỳ lạ trên dãy Yên Tử

Cứ dịp đầu xuân, người Việt lại nô nức thăm viếng đền, chùa. Có những công trình tâm linh thu hút hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, chủ yếu để cầu tài, cầu lộc.

Những linh địa này có gì đặc biệt mà hàng triệu người chen chúc tìm đến?

Nhắc đến địa danh Yên Tử, ai cũng biết đó là vùng đất nổi tiếng linh thiêng, được coi là linh địa của vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc hai huyện Đông Triều và Uông Bí (Quảng Ninh). Dãy Yên Tử không cao lắm, chỉ độ 1.000 mét so với mặt nước biển, tuy nhiên, đỉnh núi này quanh năm chìm trong mây mù.

Dãy Yên Tử

 

Cả dãy núi rộng hàng chục cây số vuông này, từng tấc đất đều có di vật, đều thấm đẫm những câu chuyện tâm linh. Đồn rằng, vì đây là dải đất thiêng của Phật pháp, nên chỉ những người có căn cơ với mới sống được.

Người có căn cơ đầu tiên và kỳ lạ nhất chính là đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông. Người đã rũ bụi trần, bỏ long bào cùng với ngai vàng lấp lánh, kiệu hoa bóng lọng, người đẹp sớm chiều để khoác áo cà sa lên núi tu hành. Không phải ngẫu nhiên mà đấng quân vương tài năng của lịch sử nhất định chọn mảnh đất này.

Chỉ riêng việc ông rũ bỏ ngai vàng về đây tu ẩn, đã đủ để chứng tỏ dãy núi này thiêng liêng, cuốn hút ngài như thế nào. Ẩn tu ở non thiêng Yên Tử, ngài ngộ ra rằng, mọi danh vọng trên đời chỉ là phù hoa. Ngài coi cái chết như sự trở về, như một điều giản dị đến khó tưởng tượng.

 Chen chúc thắp hương ở chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử

 

Ngài không cần kèn trống, không mong tiếng khóc thương, với lễ quốc tang long trọng. Một vị vua từng khiến quân Nguyên khiếp đảm chọn cái chết thanh thản một mình.

Lịch sử chép rằng: Ngài nằm nghiêng thanh thản trong rừng, tựa dáng sư tử nằm, ngóng về xa xăm, rồi hóa giữa đại ngàn hoang vu đến nỗi, khi cây trúc mọc xuyên qua người ngài, đệ tử mới phát hiện ra, để rồi dựng lại hình ảnh ấy bằng bức tượng đá gây cảm động cho muôn đời sau.

Phật hoàng Trần Nhân Tông từng có 19 năm tu rất khắc nghiệt. Di tích chùa Cầm là để tưởng nhớ tới việc ngài chỉ uống nước cầm hơi, không ăn uống gì.

 Tháp mộ trên Tây Yên Tử

 

Trong chuyến xuyên rừng thăm thẳm trọn một vòng quanh dãy non thiêng, tôi cũng được nghe kể và được tận mắt rất nhiều những con người của thế giới Phật cứ như trong chuyện cổ tích. Họ đang thầm lặng tiếp bước con đường của vị Phật tổ của mình.

Những sư Thích Minh Tiến, Đạt Ma Trí Thông, Thích Thanh Quý… đang từng ngày, từng giờ ăn quả vả, chuối rừng, uống nước cầm hơi, tu luyện trong mái đá giữa rừng già để mong được tìm thấy chính mình trong vòng luân hồi bể khổ. Tuy nhiên, tôi cũng được nghe những câu chuyện về những con người biến mất một cách kỳ lạ khi đang trên đoạn đường hành xác.

Đường lên am Ngọa Vân

 

Chuyện rằng, từ những năm 80, trên sườn Đông Yên Tử, có một nữ tu vô cùng khổ hạnh. Khi đó, Yên Tử còn hoang vu, rậm rạp. Cỏ mọc bịt bùng bít hết lối đi. Vị nữ tu này ngày ngày đào măng và cũng chỉ ăn một bữa, rồi ngồi trong am tu thiền.

Người ta kể, dáng bà thanh mảnh, mặc áo nâu sồng, đôi mắt sáng, hiền từ như một vị Bồ Tát. Rồi người đi rừng phát hiện ra bà. Những câu chuyện đồn thổi về bà cứ ngày một lớn. Phật tử khắp nơi đổ về tôn bà như vị Thánh, theo hầu nhang khói.

Rồi một ngày, bà đột nhiên mất tích, chẳng ai còn thấy bóng dáng bà trong cánh rừng hoang rậm. Người dân quanh vùng thì tin bà là đức Bồ Tát hiển linh.

 Chùa Ngọa Vân trên sườn Tây Yên Tử

 

Trong hành trình từ Trại Lốc lên am Ngọa Vân ở sườn Tây Yên Tử, thuộc địa phận Bắc Giang, tôi đã gặp những khu mộ tháp hoang phế, dưới bóng những cây thông khổng lồ.

Chuyện kể rằng, giữa cảnh rừng rú, không có đường đi, các nhà sư chỉ còn biết lấy những cây thông làm “la bàn” mà đi. Điều đặc biệt là cứ chỗ nào có thông khổng lồ, y rằng có vườn mộ tháp.

Lâm tặc xả gỗ ầm ầm giữa rừng, nhưng lạ ở chỗ, chúng vẫn tha cho những cây thông mà gốc nó to đến mức 2-3 người ôm mới xuể ấy.

Gặp đám lâm tặc vác gỗ ở rừng ra, tôi hỏi rằng, sao chặt phá khắp nơi, mà lại tha cho những cây thông khổng lồ?  Một lâm tặc kể: “Thú thật với các anh. Ngày trước, chúng tôi cũng hạ một cây thông lớn, xẻ thành từng khúc, cho trâu kéo. Nhưng trâu không sao kéo được những khúc thông ấy đi. Chúng tôi dồn hết sức lực để vần, thì khúc thông lăn đè chết trâu luôn.

 

 

 Những cây thông khổng lồ trên Yên Tử

Chúng tôi chả tin vào chuyện mê tín, nên thay 3 con trâu mộng khác để kéo gỗ, nhưng kinh hoàng thay, cả 3 con trâu làm nhiệm vụ ấy đều chết. Sau vụ ấy, chúng tôi hoảng, phải làm lễ tạ rồi không dám động vào những cây thông ấy nữa”.

Theo đám lâm tặc, những cây thông khổng lồ ấy thực ra là tùng, cho một thứ gỗ cực kỳ bền, chắc, vân đẹp. Nhưng những câu chuyện tâm linh khiến lâm tặc đều sợ hãi, không dám đốn hạ.

Truyền thuyết kể rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông sai người trồng thông khắp dãy Yên Tử. Loài thông khổng lồ này hấp thụ khí thiêng, nên sau này, các thiền sư đều tìm đến gốc thông ẩn tu, rồi hóa luôn tại đó.

Tin vào điều ấy, một vị sư tên Cường đã một mình tìm đến sườn Tây Yên Tử dựng lều để hành xác dưới gốc thông bên vườn tháp mộ u tịch.

 Nơi sư Cường từng dựng nhà ẩn tu trong rừng, rồi đột ngột biến mất

 

 Quả vả trên dãy Yên Tử là món ăn ưa thích của các nhà tu hành

Sư Cường ngoài 40 tuổi, dáng cao to, tướng mạo hiền lành. Có tài đóng đồ mộc, nên ông đóng cả một căn nhà nhỏ bằng gỗ dưới gốc thông và mấy chiếc ghế tuyệt đẹp. Nền nhà được ghép bởi những thân trúc rất trang nhã.

Ông sống một cuộc đời đạm bạc, ngày ăn một bữa cơm với quả vả, quả chuối rừng, rồi ngồi thiền từ sáng đến tối như các vị chân tu.

Thế nhưng, được vài năm, đột nhiên sư Cường bỏ lại cả căn nhà giữa rừng hoang đi đâu mất, không một lời từ biệt. Đến cả người huynh đệ của sư Cường là thầy Trí Thông cũng không rõ thực hư thế nào.

Mọi người chỉ biết rằng, trước ngày ra đi, sư Cường bỏ rất nhiều công sức khiêng một pho tượng vượt qua nhiều ngọn núi để cúng vào chùa Hồ Thiên.

Còn tiếp…

Bình luận
vtcnews.vn