Chuyện người 9 lần bị trúng mìn ở Hà Giang

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 21/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Chồng chị và cũng là lao động chính trong nhà, anh Hoàng Văn Tiểng đã mất năm 2004, sau 9 lần dính mìn chiến tranh sót lại.

Trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, Vị Xuyên (Hà Giang) là điểm nóng khốc liệt nhất. Vùng đất giáp biên này bị bom đạn cày xới tơi bời, hàng ngàn héc-ta đất canh tác dọc vùng biên bị bỏ hoang.

Những hậu quả mà cuộc chiến để lại vẫn không thể xóa nhòa. Nỗi đau từ những vết thương vẫn đang từng ngày, từng giờ hành hạ không chỉ những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu mà còn cả những dân thường vô tội. Thế hệ con, cháu mà họ sinh ra cũng đang phải tiếp tục đối diện những đau khổ, bệnh tật, thậm chí mất mạng vì mìn.

Dù đã được vài người kể sơ qua về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, song khi đến nhà chị Hoàng Thị Xuân (SN 1976) ỏ xã Thanh Thủy, tôi vẫn không khỏi chạnh lòng trước hình ảnh ngôi nhà đơn sơ, xập xệ, không có đồ đạc gì đáng giá.

chiến tranh biên giới 1979

Chị Xuân và di ảnh anh Tiểng

 

Chồng chị và cũng là lao động chính trong nhà, anh Hoàng Văn Tiểng (SN 1975) đã mất sau 9 lần dính mìn chiến tranh để lại.

Chị lục tìm di ảnh của anh Tiểng, rồi khóc nấc: “Chúng tôi là dân lành mà, có tội tình gì đâu, chiến tranh đã qua rồi, sao còn cướp đi người chồng của tôi, người cha của các con tôi…”.

Năm 1992, vợ chồng khi cưới nhau, cũng là lúc chiến tranh kết thúc. Anh chị quyết định trở về quê hương sinh sống. Anh Tiểng lên rừng chặt cây về dựng nhà thì vướng phải quả mìn sót lại. Mìn nổ, anh ngất xỉu tại chỗ, cái chân trái không biết bay đi đâu mất.

Một năm sau, khi đã dùng nạng đi được, anh Tiểng không muốn trở thành người vô dụng, tiếp tục cặm cụi làm cái nhà đang dựng dở. Lần đó, anh lại cuốc phải mìn. Quả mìn phát nổ, đất đá bắn tung tóe, anh bị mù một mắt bên phải.

chiến tranh biên giới 1979

Ngôi nhà của vợ chồng anh Tiểng

 

Năm 1996, anh khai hoang vỡ ruộng thì tiếp tục dính mìn. Anh Tiểng ngất xỉu, bị mảnh vỡ đâm lòi ruột, nằm viện mất cả tháng trời.

Lần thứ 4 bị dình mìn, anh mất hẳn cánh tay bên phải.

Những năm sau đó, quyết tâm tàn nhưng không phế, anh vẫn cố tìm mọi cách để có thể lao động, kiếm ra tiền, nhưng tai họa liên tiếp giáng xuống cơ thể anh. Cho đến năm 2004, khi bị trúng tới quả mìn thứ 9, cơ thể anh chỉ còn lại một nhúm thịt.

Anh Páo Văn Tài (SN 1973, ở xã Thanh Thủy), là anh em họ hàng xa của anh Tiểng, cũng là một trong những nhân chứng của vụ nổ mìn cho biết, lúc anh nghe tin, lê cái chân giả ra tới hiện trường, thì anh nhìn thấy một nhúm thịt bầy nhầy trên ruộng, không phân biệt đâu là đầu, là chân tay còn sót lại nữa. Cạnh đó là vợ con Tiểng đang khóc lóc thảm thiết.

chiến tranh biên giới 1979

Anh Páo Văn Tài và chân phải bị mìn cắt cụt

 

Bản thân anh Tài cũng bị mất một chân vì vướng mìn chiến tranh để lại. Ký ức hãi hùng ấy xảy ra vào tháng 9/2000. Lần đó, anh lên rừng hái quả sấu. Dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng anh vẫn liều mạng kiếm ăn.

Anh trèo lên cây lấy quả nhưng vì trời mưa trơn trượt, anh tuột tay rơi trúng quả mìn chôn dưới đất. Mìn phát nổ, cơ thể anh bị hất văng lên trên cành cây, không còn biết gì nữa. Khi những người đi rừng tìm thấy anh, thì cơ thể đã lạnh toát, không còn cảm giác gì.

Phải một tuần sau anh Tài mới tỉnh lại. Anh Tài bị cưa chân, không thể lên rừng hái quả, làm nương rẫy được nữa. Trầy trật mãi, anh mới lắp được chân giả và vay mượn mua chiếc xe máy cũ hành nghề xe ôm.

Ông Nguyễn Văn Dựng, Phó Chủ tịch xã Thanh Thủy - một trong những người trực tiếp cầm súng chiến đấu vào những năm tháng đó cho biết, ở xã còn rất nhiều nạn nhân của chiến tranh trong thời bình.

Thảm cảnh nhất là ở 2 thôn giáp biên giới, cho đến giờ, họ vẫn phải từng ngày, từng giờ vượt qua những nỗi đau, vẫn phải sống với những phần thân thể khuyết do mìn. Có người lên rừng hái quả, có người đi chăn trâu, thả dê, có người như thể bị tai họa từ trên trời rơi xuống. Nhiều người chết, nhiều người bại liệt, nhiều người cụt chân, cụt tay, mù mắt...

Thời gian có thể làm những vết thương lành theo năm tháng, nhưng những hậu quả, vết tích mà chiến tranh để lại thì vẫn còn hằn sâu mãi trong tâm trí người dân vùng biên viễn này.

Hòa bình phải đổi bằng máu và bên cạnh niềm tự hào dân tộc, sự kiêu hãnh về những trang sử hào hùng là nỗi đau của chiến tranh vẫn từng ngày từng giờ giày vò những thân phận ở biên giới.

Bình luận
vtcnews.vn