Kỳ bí chuyện cặp rắn chúa khủng xuất hiện ở Gia Lâm

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 16/12/2013 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Người dân làng gốm Kim Lan không ai dám động vào cặp rắn chúa ở bụi duối, trên nền ngôi chùa cổ.

(VTC News) - Người dân làng gốm Kim Lan không ai dám động vào cặp rắn chúa ở bụi duối, trên nền ngôi chùa cổ.


Kỳ 1: Chuyện của người giáp mặt cặp “rắn thần”

Mấy năm nay, người dân xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), đều biết đến sự tồn tại của cặp rắn chúa ở bụi duối trên nền ngôi chùa cũ. Tuy nhiên, người dân nơi đây đồn rằng, cặp rắn ấy rất linh thiêng, là thần thánh hóa thành, nên không ai dám bắt. Thực hư câu chuyện này thế nào?

Xã Kim Lan vốn là một ngôi làng cổ, có nghề làm gốm truyền thống lâu đời. Xã Kim Lan ngăn cách với làng gốm Bát Tràng bởi con sông Bắc Hưng Hải. Xã Kim Lan là một bãi bồi sông Hồng rộng mênh mông, ngút tầm mắt.

Hỏi chuyện cặp “rắn thần”, một bà vãi quét chùa Kim Lan tròn mắt kinh hãi. Tưởng tôi là thợ rắn, hoặc buôn rắn, nên bà cứ hết sức khuyên giải, rằng đừng làm gì mạo phạm đến “thần rắn”.

rắn thần
Đường ra nghĩa địa Kim Lan 

Bà kể vô số ví dụ về những người từng trêu chọc “rắn thần” mà mất mạng, chứ đừng nói đến chuyện bắt rắn về… làm thịt. Sau khi “dọa nạt” phóng viên, bà chỉ đường tắt ra phà Khuyến Lương.

Đi mãi con đường chạy dọc mép sông Hồng, xuyên qua cánh đồng, cắt ngang đường ra phà, thì đến nghĩa địa mới của xã Kim Lan, nơi cặp “rắn thần” ngự.

Nghĩa địa xã Kim Lan u tịch, cỏ mọc rậm rạp, chẳng thấy bóng người. Nghĩa địa này là nơi an nghỉ của nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masannari, người có đóng góp lớn với nghề gốm ở Kim Lan. Ông qua đời giữa năm nay vì tai nạn giao thông.

Sườn đông nghĩa địa có một bụi cây cổ thụ xanh thẫm, rậm rạp, trồi lên giữa cánh đồng bãi bồi mênh mông bát ngát. Loay hoay mãi, tôi mới tìm thấy một con đường nhỏ, xuyên qua ruộng cam.

Loanh quanh trong ruộng một hồi, thì thấy một túp lều nhỏ, thấp lè tè, chỉ cao hơn ngọn cây cam một chút. Thấy khách lạ, lão nông Nguyễn Văn Tuấn tỏ ra ngạc nhiên.

rắn thần
Hai cây duối cạnh nền ngôi chùa cổ là nơi cặp rắn chúa bí ẩn sinh sống 

Anh Tuấn quê ở Văn Giang (Hưng Yên), cách Gia Lâm không xa. Văn Giang có nghề trồng cam, quất lâu đời. Thấy bãi đất sông Hồng thuộc xã Kim Lan để hoang, nên anh đấu thầu, thuê lại để làm vườn. Để tiện trông nom, chăm sóc vườn cam, anh dựng túp lều nhỏ xíu, rộng chừng 4 mét vuông, ăn ngủ tại lều.

Căn lều nằm ngay cạnh nghĩa địa của xã Kim Lan, cách lùm duối cổ thụ không xa lắm. Nhìn cảnh nghĩa địa tu tịch, đồng rộng mênh mông, chỉ có mỗi túp lều nhỏ của anh Tuấn, tôi chợt lạnh người. Phải dũng cảm, mạnh vía lắm mới dám ở một mình suốt đêm trong căn lều nhỏ này.

Hỏi chuyện “rắn thần”, lão nông Nguyễn Văn Tuấn tỏ ra hồ hởi. Theo anh Tuấn, chuyện về cặp “rắn thần” ở nghĩa địa xã Kim Lan thì nhân dân cả xã này biết, bởi cặp rắn sống ở đây đã chục năm nay.

Nhưng người dân chỉ đồn thổi này nọ, và cũng ít người biết tường tận về chúng. Người nắm rõ nhất về cặn rắn này chính là anh Tuấn, bởi anh đã sống cạnh chúng, gặp gỡ chúng nhiều năm nay rồi. Anh cũng là người chứng kiến tường tận chuyện hai thợ rắn bắt một con rắn, sau đó một người chết thảm.

Không vào chuyện ngay, anh Tuấn thổi lửa, bắc ấm nước nóng, pha trà, rít mấy điếu thuốc lào long sòng sọc, rồi như hồi tưởng lại những ký ức vừa mới xảy ra liên quan đến cặp rắn thần.

rắn thần
Gốc duối, nơi anh Tuấn gặp cặp rắn chúa 

Cách đây gần 10 năm, vào năm 2004, khu vực cánh đồng bãi bồi Kim Lan cỏ mọc um tùm, ruộng vườn bỏ hoang, anh Tuấn đấu thầu 50 năm với xã.

Lúc đọc biên bản cam kết, anh đã biết rõ mảnh đất mình đấu thầu nằm trọn trong nền móng của một ngôi chùa cổ, tên là chùa Tân. Ngôi chùa này bị phá hủy từ thời Pháp. Anh cũng không rõ do tiêu thổ kháng chiến, hay giặc Pháp đốt chùa.

Bản cam kết ghi rằng, khi nào nhân dân trong xã dựng lại chùa, thì anh Tuấn phải trả lại đất chùa vô điều kiện.

Lúc cải tạo đất, làm vườn, anh Tuấn phát hiện ra nền móng chùa. Tuy nhiên, anh chỉ sử dụng phần khuôn viên chùa, rộng chừng một mẫu, còn khu trung tâm nền móng anh không động đến. Những gia đình đấu thầu đất cũng không dám động đến khu vực trung tâm chùa.

Chỗ đó, có mấy cây duối rất lớn, tốt xanh um, tuổi đời cả trăm năm. Chẳng biết ngôi chùa có linh thiêng không, nhưng nhìn bụi duối um tùm, cũng thấy hãi.

rắn thần
Cặp rắn chúa thường quấn thân ở gốc duối này 

Anh Tuấn nhớ lại: “Hôm đó, buổi chiều tà, tôi cuốc đất, vun luống, còn bà vợ thì dẫy cỏ. Đang hì hụi cuốc đất thì thấy vợ la toáng lên, chạy như ma đuổi.

Tôi chửi tướng lên rằng tự dưng lên cơn động kinh hay sao mà la toáng lên thế. Bà vợ chạy đến bên tôi thở hổn hển một lúc, rồi mới chỉ tay về bụi duối nói rằng có con rắn to lắm, trông phát khiếp.

Chuyện giữa cánh đồng hoang, toàn cỏ dại, ụ đất thế này có rắn cũng là bình thường, chả có gì lạ lùng, nên tôi vác cuốc mò lại xem thế nào, nếu là rắn thật thì tóm về ngâm rượu.

Bà vợ cứ líu ríu theo sau, không dám đi lên trước. Khi còn cách gốc duối độ 5m, nhìn vào gốc cây, thấy con rắn đen mốc quấn quanh thân cây. Giời ạ! Cả đời tôi nhìn thấy rắn trăm lần, nhưng chưa từng thấy con rắn nào to như thế. Thân nó to đúng bằng bắp chân tôi, quấn một vòng quanh gốc duối.

Nhìn con rắn, tôi dựng cả tóc gáy, bủn rủn tay chân, không bước nổi nữa. Nói nhà báo không tin, chứ lúc đó như thể vía của tôi bay đâu mất. Ma quỷ tôi chẳng sợ, dựng lều cạnh nghĩa địa giữa đồng hoang ở, thì sợ gì con rắn, ấy thế mà nó làm tôi mất vía.

Khi bình tĩnh lại, thì tôi nghe tiếng sột soạt. Ôi trời, một con rắn nữa, to đúng bằng con đang quấn ở gốc cây, hình thù y hệt, đang bò về phía con kia. Nó cũng quấn vào gốc cây một vòng cùng với bạn nó.

Thề có trời đất, không hoa mắt tí nào, tôi nhìn rõ cái mào cụt trên đầu con rắn, như mào con gà sít (mào ngắn và bám sát đầu gà). Hai con rắn có lẽ biết sự có mặt của tôi, nhưng nó không sợ. Sau khi hồn vía trở lại, tôi chuồn luôn, không dám xem con rắn nữa”.

Còn tiếp…


Phong Đặng

Bình luận
vtcnews.vn