Săn lùng loài giáp xác cổ đại ở Việt Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 18/06/2013 09:18:00 +07:00

Chúng hầu như không có thay đổi gì về mặt giải phẫu so với tổ tiên từ thời kỳ của... khủng long, hàng chục triệu năm về trước.

Vì miếng cơm manh áo, những thợ lặn ở bãi biển Tân Thành bất chấp tính mạng săn sam. Nhiều người nghĩ khả năng sinh dục của sam rất mạnh...


Tầm nã loài bốn mắt

"Một ngày cào nghêu gãy xương sống giỏi lắm được 40.000 đồng, được đôi sam thì kiếm gấp 3-4 lần. Ngày nào may mắn rinh được 3 cặp thì sống khỏe cả mùa trăng". Dứt lời, Năm Nổi rít một hơi gần 1/3 điếu thuốc "cho ấm người" rồi lại quăng mình xuống biển lạnh cắt.

Ngồi dưỡng sức, Tám Tàng - anh em cột chèo của Năm tán dóc để xua nỗi thất vọng 3 ngày lặn bở mắt vẫn trắng tay: "biển này là xứ của sam. Cái giống mà con đực bé tẻo bám lưng con cái bự gấp 4-5 lần. Có câu "đeo như sam" là vậy!".

 
Cuộc chuyện gián đoạn khi nhóm 3 thợ lặn trồi lên mặt biển Tân Thành (Gò Công, Tiền Giang). Sau hơn 3 giờ lặn dưới biển cách đây hơn 1km, những con sóng đã dạt họ đến đây.

Cả 3 thểu não bước lên bờ, Quân thở dài: "trước đây sam bát ngát, từng cặp bơi lững thững đặc ken. Giờ kiếm bét mắt chẳng có mống nào". Quân vừa dứt lời thì Năm Nổi hân hoan giơ chiến lợi phẩm lên khỏi mặt nước. Đôi sam nặng gần 1,5kg đã kích thích đám thợ lặn. Không nói không rằng họ túa vào đại dương.

“Canh bạc” chông gai

"Một cặp vầy, đem gả nhà hàng cũng được hai trăm ngàn, chia 3, mỗi thằng cũng được gần bảy chục, còn hơn còng cõng cả ngày mò nghêu chỉ được vài ba chục" - Tám nói.

"Nghề này như đánh bạc. Thắng ít thua nhiều. Khi chiến đấu với binh đoàn 52 (lá bài), người ta mất tiền, còn với nghề này, mình dễ đi tong tính mạng" - thợ săn tên Định than.

Không chỉ bị cá đuối quất, bị mảnh chai cắt, bị xương cá đâm, không chỉ phải tắm sương, gội sóng như dân cào nghêu, giới lặn sam còn phải đối mặt với vô số tai ương khác.
 
"Vào mùa sam sinh sản từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, sam cái bò lên bờ đào bới rồi vùi thân dưới cát đẻ trứng (mỗi lần đẻ 3.000-4.000 trứng). Đến đêm, chỉ cần đội đèn đi dọc bờ, thấy đụn cát có ruồi nhặng bu đầy vì dịch sam có mùi tanh thì bới cát tuyển nó vào rọ".

Sống bám theo dòng chảy khi hừng đông và lúc xế chiều nên toàn thân luôn tím tái. "Biển này có loài giác ngư (cá 2 ngạnh) tựa cá ngát (giống cá trê) có nọc rất độc. Bị nó đâm vào thì toàn thân tê cứng, không được cấp cứu kịp thời thì mình ngủ luôn dưới biển sâu".

Vào mùa gió chướng, mối hiểm nguy càng rõ vì khi ngoi lên mặt nước để thở thì phải hít sâu. Gặp khi sức khỏe suy sup dễ bị đột quỵ.

Bổ thì có bổ...

Những đôi sam được cánh thợ lặn "gả" cho các nhà hàng đặc sản tại biển Tân Thành hoặc các mối lái Gò Công. Tại nhà nghỉ, chỉ vào đôi sam đang bơi, bếp trưởng Đỗ Quyên thì thầm: "chủ yếu là các ông ở thành phố gọi sam để tăng lực. Thằng này không bán ký mà bán con”.

Bóc gỡ con sam đực vì "nó nhỏ, chẳng có gì để ăn nên bỏ", vừa trò chuyện, anh bếp thủ vừa chọc mũi dao nhọn vào yếu huyệt của từng con giáp xác cổ ở gần hai hốc mắt. Dòng máu trắng phụt chảy vào chiếc ly thủy tinh.
 
Trong khi thực khách hân hoan nâng ly huyết giáp tửu thì dưới bếp, mùi những con sam cái ngửa mình trên lửa than hồng thơm lựng. Con sam to đùng chỉ được 4 miếng thịt nở xòa như hoa. "Ăn sam chủ yếu là ăn trứng. Nếu không nướng thì nấu súp, cháo, làm gỏi, xào chua ngọt. Nói chung làm được 14 món" - chị Quyên cho biết.

Theo dược sĩ Bùi Kim Tùng, "trứng và thịt sam dễ gây phong ngứa, nổi mề đay, nhất là với những người có cơ địa yếu. Nếu sam sống ở môi trường ô nhiễm hoặc có dịch bệnh thì người dùng máu sam có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, lở loét, xáo trộn thần kinh, tụt huyết áp...

Theo đông y, mai sam gọi là hậu giáp, tính bình, hơi độc, có tác dụng thông nhâm mạch, tư âm bổ thận. Nhưng đông y chỉ sử dụng sam đực chứ không phải là sam cái".
 
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó trưởng Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cảnh báo: "Đã có những ca ngộ độc sam với các triệu chứng nôn ói, đau đầu, đau bụng, tê môi, co giật, huyết áp giảm, liệt hô hấp, giãn đồng tử.... Nguyên nhân do người dân không phân biệt giữa sam và con so. Chất độc trong so là chất tetrodotoxins".

Kỹ sư Đào Việt Hà, trưởng phòng Hóa- sinh - Viện hải dương học Nha Trang sau khi bật mí "độc tố của so giống như độc tố của cá nóc, cá bống vân mây, mực tuộc có khả năng gây tử vong cao ở liều độc thấp" đã chỉ ra vài dấu hiệu nhận biết: "So thường sống riêng rẽ chứ không đeo thành cặp, có kích thước nhỏ hơn sam, hiếm khi so nặng 1kg.

Phân biệt sam - so ở phần đuôi, đuôi sam thường không có gai như đuôi so, phần tiết diện cắt ngang của đuôi sam có hình tam giác thì đuôi so có dạng hình trứng hay hình tròn. Nếu không rành thì không nên ăn sam".


Theo Nguyễn Thành Dũng(Kiến thức)

Bình luận
vtcnews.vn