Chuyện chưa kể về con tê giác cuối cùng của Việt Nam

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 09/06/2013 04:15:00 +07:00

Già Điểu K'Giang năm nay 74 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in hình ảnh con tê giác cuối cùng tại Việt Nam.

Già Điểu K'Giang năm nay 74 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in hình ảnh con tê giác cuối cùng tại Việt Nam. Ngày con tê giác còn sống, K'Giang lặng lẽ bảo vệ nó bằng cả tình yêu thương của mình.


Tê giác như người bạn tâm tình

Già Điểu K'Giang (ngụ tại thôn Phước Sơn, xã Phước Cát II, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) đến phía Bắc của vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi giáp ranh giữa ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.

Trong cộng đồng người S'Tiêng ở xã Phước Cát II, chỉ duy nhất già Điểu K'Giang là người đầu tiên nhìn thấy tê giác.

Ông là người bị tê giác rượt đuổi, cũng là người hiểu tê giác nhất. Già K'Giang biết rõ từng cánh rừng con tê giác ở, đường nào nó hay lên xuống, vũng sình lầy nào nó hay uống nước, đầm mình...

Nhớ về con vật quý hiếm đã tuyệt chủng ở Việt Nam, già Điểu K'Giang nói: "Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tê giác vào 1985. Lúc đó, tôi thấy có một cặp, chúng thường dẫn nhau về khu vực Bàu Chim, Bàu Đằng Giang uống nước rồi đầm mình đến chiều tối mới dẫn nhau vào rừng kiếm ăn.

Tê giác ở Việt Nam gần giống với tê giác hai sừng ở châu Phi 
Ba năm sau, cặp tê giác đó đã đẻ được một con. Gia đình tê giác vẫn trung thành với khu vực Bàu Chim, vẫn đầm mình, uống nước vào buổi sáng, chiều tối lại tìm đường trở vào rừng kiếm ăn".

Khi đó, căn chòi nhỏ của K'Giang chỉ cách Bàu Chim khoảng 500m. Buổi sáng vừa bước chân ra khỏi rẫy, già K'Giang nghe tiếng lá cây rừng va rào rào vào nhau, tức là cả nhà tê giác xuống uống nước.

Để nhìn con tê giác được gần hơn, già K'Giang đã một mình đi theo sau tê giác vào tận rừng sâu. Song, loài tê giác đi rất nhanh, đi tới đâu là quật ngã cành cây tới đó. K'Giang cũng là một tay đi rừng cừ lắm nhưng vẫn không theo kịp nó.

Già K'Giang bảo: "Cái thói quen đi theo tê giác đã làm cho tôi yêu nó mất rồi. Đến nỗi từng cánh rừng, thung lũng, các đầm lầy ở bìa rừng Cát Tiên, nơi con tê giác đi lại, tôi đều nhớ như in.

Cũng vì tôi siêng đi theo nó nên lâu dần hai cánh mũi "đánh hơi" được mùi của con tê giác. Không ít lần, tôi đang ở trong rừng nghe tiếng rào rào phải tìm cây to để trèo lên nấp.

Nhiều lần, tê giác ngửi thấy mùi người, mũi nó cứ khịt khịt tìm kiếm lọ mọ quanh gốc cây. Khi nó ngoái cổ nhìn lên ngọn cây thấy tôi, nó chỉ nhìn rồi bỏ đi".

Theo già K'Giang, loài tê giác là động vật to lớn, khỏe mạnh, hiền lành. Bản năng của tê giác là ngày nằm nghỉ, tối đi ăn. Những bước đi của nó chắc nịch, mạnh mẽ. Tê giác là loài sống có hậu, nó không làm hại đối phương và các loài vật xung quanh. Điều đó ông nhận thấy khi đứng sau bụi cây quan sát nó uống nước ở Bàu Chim, nó thường nhường nhịn đối với tất cả loài chim, và các loài động vật nhà.

Đến năm 1998, con tê giác đầu tiên ở vườn Quốc gia Cát Tiên bị con người sát hại ở gần khu vực thuộc tỉnh Bình Phước. Già K'Giang chỉ nghe những người đi rừng về nói lại chứ không được tận mắt nhìn thấy.

Cùng thời điểm đó, già K'Giang cùng với ông Nguyễn Văn Sỉu, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Phước Sơn trước đây (đóng tại địa bàn thôn Phước Sơn) vào rừng tiến hành khảo sát, phát hiện, chỉ còn lại hai loại dấu chân. Đúng như dự đoán, vài tháng sau chỉ còn lại một con đực và một con cái xuống Bàu Chim và Bàu Đằng Giang uống nước, đầm mình.

Đến năm 2003, già K'Giang lại nhận được thêm một tin đau lòng nữa, con đực bị sát hại ở khu vực xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Từ ngày tê giác bị con người săn lùng, nó sống trong lo lắng phập phồng. Vì vậy, nó canh thời điểm thật vắng người mới dám xuống bìa rừng uống nước.

Ngoài Điểu K'Giang, không có ai có thể chứng kiến sâu sát mọi hoạt động của nó ở vườn Quốc gia Cát Tiên. Vì vậy, bất cứ cơ quan ban ngành hay các đoàn bảo vệ động vật quý hiếm đến vườn Quốc gia Cát Tiên để khảo sát, chụp ảnh đều đến tìm gặp Điểu K'Giang để hỏi về loài tê giác.

Đến năm 2008, trước sự dã man của con người, con tê giác cuối cùng ở vườn Quốc gia Cát Tiên cũng ra đi đánh dấu thời điểm tê giác chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam.

Hình ảnh tê giác chỉ còn trong trí nhớ

Đã 5 năm trôi qua, trong tâm trí của già Điểu K'Giang vẫn còn in đậm hình ảnh con tê giác cuối cùng. Cái ngày nó chưa bị sát hại, K'Giang vẫn thấy nó hay lui tới khu vực cách căn chòi nhỏ của ông chỉ vài trăm mét để uống nước, đầm mình.

K'Giang thầm lặng đứng từ xa quan sát nó, không cho ai biết (kể cả người thân trong gia đình) đường đi lại, chỗ ăn, chỗ ngủ của nó. Hơn thế nữa ông bảo vệ nó bằng một tình bạn tâm giao.

Đến khi vườn Quốc gia Cát Tiên, cán bộ của các trạm kiểm lâm và các nhà khoa học ở viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật Quốc gia... yêu cầu ông giúp đỡ tìm hiểu về loài vật quý hiếm này, già K'Giang mới chịu bật mí về tê giác.

Già Điểu K'Giang trầm ngâm kể về ngày ra đi của con tê giác cuối cùng: Con tê giác không chết ở nơi K'Giang ở mà nó lại chết ở khu vực rừng thuộc xã Gia Viễn và Tiên Hoàng (thuộc huyện Cát Tiên).
Già Điểu K'Giang 

Đó là vào năm 2008, khi đó ông đang ở chòi, thì thằng cháu Điểu K'Lích chạy vào kêu ầm ĩ: "Nó chết rồi, con tê giác nó đã chết rồi!". Sau đó, ông đi cùng cán bộ lên rừng lấy xương của nó về chôn. Còn nghe cán bộ bảo trong xương của nó còn có cả viên đạn nữa.

Từ lâu, cộng đồng S'Tiêng ở thôn Phước Sơn luôn xem con tê giác ở vườn Quốc gia Cát Tiên là của riêng mình Điểu K'Giang nên tê giác gặp chuyện, ông là người được biết đầu tiên.

Kể từ ngày nhận được tin con tê giác cuối cùng bị sát hại, già Điểu K'Giang sống lặng lẽ, ít nói hẳn. Nếu ai hỏi về loài tê giác ông chỉ lắc đầu ngán ngẩm mà than: "Giá như con người ai cũng biết yêu thương loài vật thì tốt biết mấy".

Nhớ lại khoảng thời gian buồn đã qua, già Già K'Giang kể: "Một ngày một đêm tôi không ăn gì cả, tôi đi qua đi lại trong căn chòi rồi chạy ra Bàu Chim sang Bàu Đằng Giang như người mất hồn. Tôi cảm thấy chán mọi vật ở xung quanh mình. Tôi bỏ rẫy về nhà nằm. Nhưng mỗi khi nằm xuống lại thấy hình ảnh con tê giác xuống bìa rừng uống nước...".

Không còn bóng dáng của loài tê giác ở vườn Quốc gia Cát Tiên, K'Giang cũng ít nói hơn. Mỗi khi có dịp đi rừng, chỗ nào có đường đi ông lại ngoái đầu nhìn với hi vọng mong manh sẽ có dấu vết của một con tê giác nào đó tái sinh...

Hàng ngày bên căn chòi nhỏ dưới bìa rừng, nếu không nhổ cỏ lúa, thái chuối cho mấy con heo rừng, con gà... già K'Giang lại lang thang vào rừng, ra Bàu Chim, Bàu Đằng Giang... tìm bóng hình tê giác như thể loài tê giác bắt ông không được quên nó.

Già Điểu K'Giang tâm sự: "Sau khi phát hiện vườn Quốc gia Cát Tiên còn tê giác, các chuyên gia sinh thái và kiểm lâm vườn Quốc gia Cát Tiên khăn gói vào rừng theo đuôi tê giác trong nhiều ngày với hi vọng "chộp" được ảnh của nó. Nhưng kế hoạch phải dừng lại vì không thể ngồi rừng canh từng giây chờ nó đi qua.

Cứ tưởng mọi chuyện như thế đã xong xuôi, nào ngờ các chuyên gia đã nảy sáng kiến chuyển giao kỹ thuật chụp ảnh cho người hiểu con tê giác nhất. Vậy là già Điểu K'Giang được giao nhiệm vụ treo camera tự động lên cây để theo dõi về loài tê giác.

Nhiều lần, ông đang đặt máy trên cây gần luồng đi của con tê giác. Nó đi ngang qua thấy ánh sáng chớp nháy liên tục, nó dùng miệng đớp lấy cái máy rồi quăng xuống đất. Vậy là lần sau nó không đi qua đường cũ nữa mà chuyển sang hướng khác".


Theo Quyên Triệu(ĐS&PL)

Bình luận
vtcnews.vn