Phi tần của vua Lê và câu chuyện 'Đại lão mộc tinh'

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 20/04/2013 04:59:00 +07:00

Qua một đêm, cũng đúng chỗ này xuất hiện một cây lạ. Từ rễ, lá đến thân đều toả mùi hương ngan ngát.

Vốn là người tài sắc bà đã trở thành cánh tay phải cho nhà vua mỗi lần Ngài nhiếp chính hay tiếp sứ giả của các nước láng giềng mỗi khi giao bang.


Những kế sách, cương nhu của nàng đã nhiều lần khiến các quan triều Lê hết lòng nể phục.

Huyền thoại về nàng Nhị cung phi tần

Hỏi một số người cao tuổi trong làng Dương Phạm (Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định) được biết: "Miếu thờ này là thờ bà Ngô Nữ Thị Hoằng. Bà sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại làng Dương Phạm, nổi tiếng hát hay, mặt hoa da phấn và đối đáp rất giỏi.

Một buổi trưa hè năm 1468, bà cùng với mấy người trong xóm đi cắt cỏ ngoài ven sông. Sau khi đã cắt đầy gánh cỏ, cả nhóm rủ nhau xuống sông tắm. Đúng lúc này có đoàn thuyền của vua Lê Thánh Tông vi hành qua.

Thấy thế, mấy người cùng tắm đã bỏ đi chỉ còn mình bà ở lại. Thấy lạ, nhà vua sai quân lính đến dò hỏi người con gái đang tắm dưới sông là ai?

Không một chút ngại ngần, bà đã đối đáp nhà vua một cách thông minh. Không chỉ có thế, sự duyên dáng của người con gái thôn quê đã làm vua Lê cảm phục.

Và ngay trong chuyến đi này, nhà vua đã đón nàng về dinh, phong làm Nhị cung phi tần. Năm ấy nàng mới tròn 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái".

Vốn là người tài sắc bà đã trở thành cánh tay phải cho nhà vua mỗi lần Ngài nhiếp chính hay tiếp sứ giả của các nước láng giềng mỗi khi giao bang.

Những kế sách, cương nhu của nàng đã nhiều lần khiến các quan triều Lê hết lòng nể phục. Chính vì lẽ đó, bà càng được nhà vua yêu chiều.

Thế nhưng, đúng những lúc này thì nàng lâm trọng bệnh. Rất nhiều lương y danh tiếng được nhà vua triệu tới cũng đành bó tay. Năm 1471, bà đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của quần thần, dân chúng.

Trước khi lâm chung, bà muốn được an táng tại quê nhà nên Vua tôi nhà Lê đã chiểu theo nguyện vọng của bà.

Ngày 10/6 (âm lịch) năm 1471, chín chiếc thuyền cát ngũ sắc, trống rong cờ rủ đưa thi hài của bà từ kinh thành về quê an táng. Vừa đưa thi thể của bà về đến quê nhà, chưa kịp xây mộ thì một cơn mưa rất to kéo đến.

cây dã hương
Cây dã hương hơn 500 tuổi. Ảnh Nguyễn Bắc. 
Chỉ qua một đêm, nơi quàn thi hài của bà đã đùn lên một đống mối rất to. Biết là có điềm nên dân làng ngay lập tức xây mộ của bà tại nơi đất đó. Điều bất ngờ hơn, qua một đêm, cũng đúng chỗ này xuất hiện một cây lạ. Từ rễ, lá đến thân đều toả mùi hương ngan ngát.

Đã qua 542 năm, trải qua khá nhiều sự đổi thay nhưng trên chính điện vẫn còn bức đại tự được sơn son thiếp vàng "Đức Hoàng Cô" được cho là bút tích của Vua Lê Thánh Tông tặng người phi tần tài hoa nhưng yểu mệnh này.

Ngoài ra bên ngoài còn đôi câu đối để chỉ sự thuỷ chung son sắt của Đức Hoàng Cô "Một tấm lòng băng sáng cùng nhật nguyệt. Nghìn năm trinh tiết đẹp với non sông".

Thầy giáo làng hết mình vì "cụ cây"

Từng là một thầy giáo, đã bao năm ông Nguyễn Văn Kiên chăm lo cho sự nghiệp trồng người, đến nay ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" ông lại mang trọng trách chăm lo cho Đại lão mộc tinh.

Vuốt mái tóc hoa râm, ông Kiên nhớ lại: "Ngay từ hồi tóc còn để chỏm, chúng tôi đã đánh khăng, chơi đáo dưới gốc cây xoan dã này rồi".

Trong một lần đọc một bài báo nói về cây dã hương ở Bắc Giang, từ những tình tiết như lá, hoa của cây gỗ đó, ông Kiên đã đem ra so sánh với cây xoan dã gần nhà mình.

Thật bất ngờ, sự so sánh đã cho kết quả: Cả hoa, lá và gỗ đều giống hệt nhau. Chưa tin vào đó, ngày 28/4/2007, ông Kiên đã lặn lội lên tận Bắc Giang, mang trực tiếp những mẫu vật đó lên gặp anh Nguyễn Văn Đề, người trực tiếp trông coi cho Dã Đại Vương cùng một số cán bộ của tỉnh Bắc Giang để đối chiếu thêm một lần nữa.

"Qua nghiên cứu cho thấy hai cây này rất giống nhau. "Lúc đó tôi mới tin thật sự là làng chúng tôi đang có một cây Dã hương quý hiếm" - ông Kiên vui vẻ cho biết.

Có được kết quả này, ông Kiên đã quên hẳn mệt mỏi, lập tức trở về quê trình báo lên chính quyền xã, hội sinh vật cảnh Nam Định về cây dã hương ở đền Hoàng Cô.

Ngay sau đó, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc có chức năng nghiên cứu. Kết quả đã khẳng định, cây xoan dã ở đền Hoàng Cô là cây dã hương, một loài cây thuộc họ long não đã được ghi trong sách đỏ thế giới.

Sau lần đó, ông Kiên đã có tờ trình lên các nhà khoa học, cũng như các sở ban ngành của địa phương nhằm có phương án bảo tồn cây cổ thụ quý hiếm này. Ông bảo "dù có vất vả một chút nhưng thấy tự hào về làng quê mình thế là vui rồi".

Nhìn từ xa, cây dã hương bao trùm cả một vùng rộng lớn, ôm choàng lấy ngôi đền Hoàng Cô. Gốc cây có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua. Trên thân cây có nhiều cây xanh sống cộng sinh.

Theo ông Kiên thì cây xanh đã có hơn 200 tuổi. Do cây xanh phát triển quá nhanh và rậm rạp nên năm 2009, người dân đã chặt gần một tấn củi tươi để cho cây phát triển.

Ông Kiên còn kiêm luôn cả người hướng dẫn viên cho các nhà khoa học, hoặc các đoàn khách về chiêm ngưỡng cụ cây.

Bằng giọng nói chắc khoẻ, am hiểu cụ cây như chính con người mình, ông Kiên đã có công lớn trong việc chăm sóc và giới thiệu về cây dã hương cho khách tham quan.

Bảo tồn “báu vật” của làng

Đối với người dân ở làng Dương Phạm thì cây dã hương như một vị thần đã dang rộng vòng tay che chở cho dân làng trước nhiều sóng gió bể dâu. Bên cạnh đó, nó cũng như một tượng đài, một biểu tượng chiến thắng cho lòng quật khởi đứng dậy chống lại quân thù.

Ông Vũ Sinh Hùng năm nay 84 tuổi từng là du kích rồi sau làm đại đội phó đại đội dân quân xã Nhân Hoà (nay là xã Yên Nhân) bồi hồi nhớ lại: "Ngay từ khi còn bé, tôi đã thấy cây dã hương lớn lắm rồi, tán lá phủ mát một góc làng. Nghe những người già nói lại thì cây đã có từ vài trăm năm".

Rồi ông kể: "Tôi tham gia du kích từ đầu năm 1949. Ngày đó giặc Pháp bắn phá liên miên, chúng thường xuyên tràn xuống làng bắt lính, bắt phu.

Tháng 8/1949, nhận được tin báo thực dân Pháp đang dồn quân xuống làng để bắt bớ nên cấp trên ra lệnh cho tôi bằng mọi cách phải báo cáo một cách nhanh nhất về tình hình của địch.

Nhận lệnh, tôi cùng một số đồng chí trong đội du kích đã leo lên cây dã hương lợi dụng độ cao để quan sát".

Trận đó, do biết được hướng di chuyển của chúng nên đội du kích của thôn Dương Phạm đã đẩy lùi được quân địch, bắt sống một tên, thu giữ 10 băng đạn trung liên.

Không chỉ có vậy, cây dã hương còn là lá chắn thép cho nhân dân làng Dương Phạm trong cả hai cuộc chống Pháp và Mỹ. Nơi đây từng là sở chỉ huy, là chỗ luyện tập của những chàng trai cô gái tham gia đội dân quân xã Yên Nhân.

Đặc biệt trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược, trận địa Dương Phạm được bố trí các trận địa pháo, tên lửa nhằm đánh đuổi giặc Mỹ đồng thời vừa chiến đấu, vừa sản xuất...

Ngoài ra, cây dã hương còn là một loại thuốc có khả năng chữa rất nhiều bệnh. "Lúc nào bị cảm hay sổ mũi nhức đầu thì chỉ cần một ít lá đem đun lên rồi xông sẽ thấy hiệu quả ngay lập tức...", một người dân trong thôn cho biết.


Theo Nguyễn Bắc(Người đưa tin)

Bình luận
vtcnews.vn