Chiêm ngưỡng khuôn mặt thú vị của tổ tiên loài người

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 06/03/2013 06:27:00 +07:00

(VTC News) - Dựa trên những mảnh xương thu thập từ khắp nơi trên thế giới, các nhà khoa học đã tái dựng 27 mô hình chân dung của loài người.

(VTC News) - Dựa trên những mảnh xương thu thập từ khắp nơi trên thế giới, các nhà khoa học đã tái dựng 27 mô hình chân dung của loài người.


Trong nỗ lực tái hiện lại khuôn mặt của tổ tiên chúng ta, các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu lịch sử tự nhiên Senckenberg (Frankfurt – Đức) đã sử dụng những phương pháp tinh vi và hiện đại nhất, dựa trên những mảnh xương, răng và hộp sọ được thu thập từ khắp nơi trên thế giới để tái dựng lên 27 mô hình chân dung của loài người từ thuở sơ khai.

Sahelanthropus tchadensis

 
Mô hình đầu tiên đã được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Senckenberg, là hình ảnh tái dựng lại khuôn mặt của một cá thể Sahelanthropus tchadensis hay còn được gọi là “Toumai”, những người vượn cổ sinh sống cách ngày nay khoảng 6,8 triệu năm.

Những mảnh xương hàm và răng của cá thể này đã được tìm thấy cách đây 9 năm trong sa mạc Djurab thuộc lãnh thổ Cộng hòa Chad. Đó chính là những mẫu vật của loài vượn người cổ nhất từng được tìm thấy.

Australopithecus afarensis
 
Mô hình này được tái tạo bằng việc kết hợp đặc điểm của những mảnh xương sọ và xương hàm còn sót lại của 17 bộ hài cốt người tiền sử hóa thạch (9 người lớn, 3 thanh thiếu niên và 5 trẻ em) được phát hiện tại khu vực Afar thuộc Ethiopia vào năm 1975.

Vượn người Australopithecus afarensis được cho là đã sinh sống cách ngày nay khoảng 3,2 triệu năm. Một số hóa thạch khác của loài này cũng đã được tìm thấy tại Ethiopia, trong đó nổi tiếng nhất là hóa thạch “Lucy” gần như hoàn chỉnh được tìm thấy tại Hadar.

Mrs. Ples
 
“Mrs. Ples” (Bà Ples) là biệt danh phổ biến mà các nhà khoa học dùng để gọi một hộp sọ hóa thạch hoàn chỉnh nhất của loài Australopithecus afarensis, được khai quật tại Sterkfontein (Nam Phi) vào năm 1947.

Người ta tin rằng cá thể vượn người giống cái (chưa chắc chắn) này đã sinh sống cách đây 2,5 triệu năm. Những dấu vết trên hộp sọ cho thấy dường như người vượn này đã chết do bị rơi vào một hố sâu và hố này sau đó đã bị lấp đầy bởi trầm tích.

Người vượn Australopithecus afarensis đã từng khiến cho các nhà khoa học bối rối bởi cấu tạo xương hàm và những chiếc răng rất lớn của mình. Tuy nhiên sau này người ta tin rằng những đặc điểm đó là nhằm thích nghi với nguồn thức ăn chủ yếu là các loại hạt và quả cây.

Paranthropus aethiopicus
 
Hộp sọ của một nam giới trưởng thành này được tìm thấy tại khu vực bờ Tây hồ Turkana ở Kenya vào năm 1985. Hình dạng của miệng cho thấy rằng những người vượn này có bộ hàm rất khỏe để có thể nhai nuốt thực vật.

Người vượn này được cho là đã sinh sống cách ngày nay khoảng 2,5 triệu năm, thuộc loài Paranthropus aethiopicus, một loài vượn người còn rất ít được biết đến do không có nhiều hóa thạch được tìm thấy.

Paranthropus boisei
 
“Zinj” là tên được đặt cho một hộp sọ người vượn cổ tìm thấy vào năm 1959 tại khu vực Olduvai Gorge của Tanzania bởi nhà nhân chủng học Mary Keakey. Các nhà khoa học đã xác định rằng đây là một phần của cá thể đực trưởng thành thuộc loài Paranthropus boisei.

Những người vượn Paranthropus boisei được cho là có một bộ não khá nhỏ, thường ăn các loại hạt, cây và rễ cây mà họ đào được bằng que hoặc những khúc xương.

Homo rudolfensis
 
Mô hình này thuộc một loài phụ của loài người hiện đại: Homo rudolfensis. Hình ảnh đã được tái tạo từ đặc điểm của những mảnh xương hóa thạch tìm thấy tại Koobi Fora (Kenya) vào năm 1972.

Các nhà khoa học xác định nó là một cá thể đực trưởng thành, sinh sống cách ngày nay chừng 1,8 triệu năm.

Người vượn Homo rudolfensis đã biết sử dụng những công cụ bằng đá. Họ ăn cả thịt và thực vật, với những đặc điểm như là trán phẳng hơn, khuôn mặt rộng hơn với những chiếc răng to khỏe…

Chủng loài này cũng được xác nhận là có hộp sọ lớn hơn so với những chủng người vượn khác cùng thời.

Homo ergaster
 
Khuôn mặt này là của “Turkana Boy” (Cậu bé Turkana), một trong những bộ xương người vượn hóa thạch được bảo quản gần như hoàn hảo, từng được đánh giá là một trong những khám phá ngoạn mục nhất của ngành cổ nhân loại học trên thế giới.

Từ những đặc điểm giải phẫu học, các nhà khoa học đã xác định “Turkana Boy” là một cá thể giống đực thuộc loài Homo ergaster và đang ở trong độ tuổi khoảng 13 cho đến 15 năm tuổi.

Theo các nhà khoa học, cậu bé này đã chết tại một khu vực đồng bằng ven sông và sau đó thi thể đã được bao phủ bởi những lớp trầm tích phù sa.

Homo heidelbergensis
 
Đây là hình ảnh khuôn mặt của một cá thể đực trưởng thành thuộc loài Homo heidelbergensi, được phát hiện tại khu vực Sima de los Huesos (Tây Ban Nha) vào năm 1993.

Từ những đặc điểm giải phẫu của hộp sọ và xương sọ, các nhà khoa học nhận định rằng người đàn ông này đã chết do một vết thương lớn bị nhiễm trùng trên phần mặt, làm biến dạng cả khuôn mặt (hình ảnh tái tạo đã không tái hiện lại vết thương).

Người Homo heidelbergensi được cho là tổ tiên trực tiếp của người Neanderthal sau này. “Miquelon” (tên mà người ta đặt cho cá thể được tái hiện) sinh sống cách ngày nay khoảng 500 cho đến 350 ngàn năm trước. Những hóa thạch họ hàng khác của nó cũng đã được tìm thấy tại một số nơi khác thuộc Ý, Pháp và Hy Lạp.

Homo neanderthalensis
 
Hình ảnh “Ông già vùng La Chapelle” được tái tạo từ hộp sọ và xương hàm của một cá thể giống đực thuộc loài Homo neanderthalensis được tìm thấy tại vùng La Chapelle-aux-Saint nước Pháp vào năm 1908.

Người đàn ông này được xác định là đã sinh sống cách ngày nay khoảng 56 ngàn năm trước. Tuổi của ông cũng đã tương đối cao, vào khoảng 40 cho đến 50 tuổi và người ta cho rằng ông sinh sống nhờ sự chăm sóc của những người khác trong thị tộc.

Người này đã từng mắc một số căn bệnh như là bệnh viêm khớp. Ông cũng có nhiều đốt xương bị tổn thương…

Các nhà khoa học ban đầu đã không chú ý đến độ tuổi và những đặc điểm do tuổi tác gây ra trên bộ xương hóa thạch. Chính điều này đã khiến họ đưa ra những nhận định không chính xác như là giả thuyết rằng những người Neanderthal thường gập người khi họ đi…

Homo floresiensis
 
Chân dung này là của một người phụ nữ Homo floresiensis, một giống người “Hobbit” (người lùn trong truyền thuyết phương Tây) được phát hiện lần đầu tiên tại khu vực Liang Bua, Flores của Indonesia vào năm 2003. Người phụ nữ này chỉ cao khoảng 1 mét và sinh sống cách ngày này khoảng 18 ngàn năm trước.

Việc phát hiện ra hóa thạch của người Homo floresiensis đã đặt ra nghi ngờ rằng liệu Loài người hiện đại (Homo sapiens) có phải là giống người duy nhất tồn tại trong suốt 30 ngàn năm qua?

Hiện các nhà khoa học vẫn đang tranh luận xem liệu Homo floresiensis là một loài riêng hay đơn thuần chỉ là một nhóm của Loài người hiện đại với những đột biến về hình thái.

Homo sapiens
 
Những bộ xương hóa thạch có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều. Hình ảnh này được tái dựng lại từ hộp sọ và những mảnh vỡ xương hàm dưới được tìm thấy trong một hang động của Israel vào năm 1969.

Các nhà khoa học xác định đây là hóa thạch của một người phụ nữ Homo sapiens trẻ tuổi sinh sống cách ngày nay khoảng 100 đến 90 ngàn năm.

Đặc điểm giải phẫu của bộ xương cho biết người phụ nữ này vào khoảng 20 tuổi. Hộp sọ bị vỡ của cô được tìm thấy cùng với dấu vết hài cốt của 20 người khác được chôm cùng nhau trong một ngôi mộ nông.

Thái Hồ
Bình luận
vtcnews.vn