Gặp khắc tinh của độc xà giữa đại ngàn Tây Bắc

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 03/03/2013 01:22:00 +07:00

Nhờ cái nghề đã chọn mà lão hiểu từng tập tính, hành động… của các loài độc xà.

Nếu như mới gặp lần đầu, tôi dám chắc sẽ chẳng ai nhận ra Lò Tính Sử là một cao thủ săn rắn ở cuối trời Tây Bắc.


Nhờ cái nghề đã chọn mà lão hiểu từng tập tính, hành động… của các loài độc xà.

Thế nhưng, không vì thế mà lão có thể tránh được “tai nạn” trong những lần đối mặt với chúng. Hơn nữa cũng vì lối sống biệt lập của mình mà những người dân ở xã Tia Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã gọi lão với cái tên Dị “rắn”.

Giáp mặt "cao thủ"

Những màn sương giăng trắng trời trên con đường chúng tôi tìm đến nhà lão Lò Tính Sử, đứng dưới chân núi nhìn lên chỉ thấy một màu mờ ảo.

Tuy nhiên, vì chặng đường xa, nhiều đồi dốc nên chẳng mấy chốc những người trong đoàn đã phải cởi dần những chiếc áo dày cộp mà trước đó đã cẩn trọng mặc vào để tránh cái lạnh tê dại nơi núi rừng khắc nghiệt.

Người thanh niên bản địa dẫn đường cho chúng tôi biết phải đi bộ hàng chục km đường rừng mới vào được “địa phận” của lão Sử. Mấy năm nay, lão đã lên núi ở hẳn.

Chàng trai này còn dặn dò thêm, khi gặp lão Sử, nếu lão có ý tốt mời rượu thì không nên uống nhiều. Bởi các loại rắn lão ngâm rượu toàn loại mang nọc cực độc, nếu uống không quen rất dễ dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma”. Có khi nằm hằng tháng trời vẫn không ngồi dậy được.

Nhớ lại những lần đối mặt với xà tinh 
Sau gần 10 tiếng đồng hồ gian khổ, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt ở túp lều tranh của người đàn ông được mệnh danh là khắc tinh của rắn.

Có lẽ do thời gian đã muộn hoặc thời tiết hôm nay khắc nghiệt mà “phu rắn” không đi săn. Lão ngồi trước nhà, đang lúi húi nhặt nhạnh những loại rau rừng dại chuẩn bị cho bữa cơm tối.

"Cao thủ" săn rắn cũng chết vì thiếu hiểu biết

Nhắc đến nghề chữa nọc độc rắn, lão buồn bã kể: “Tôi không nhớ đã từng chữa độc rắn cho bao nhiêu người, nhưng lại không quên được những lần tận mắt chứng kiến cái chết oan uổng của những người thợ săn rắn độc.

Họ không có kinh nghiệm, khi bị rắn độc cắn, vì sợ hãi nên cứ chạy thục mạng tìm người cứu. Cũng có nhiều cao thủ săn rắn thiếu hiểu biết, khi bị rắn cắn lại vội vàng cắt bỏ phần thịt bị trúng độc, vì thế mà bị nhiễm trùng, tính mạng cũng không giữ được”.
Túp lều của lão khá tuềnh toàng, ngoài chiếc giường làm bằng những loại cây rừng, chăn, màn cũ kỹ, vài ba cái chén, bát sứt mẻ nằm chỏng chơ thì chẳng còn vật gì đáng giá. Vật phòng thân duy nhất, cũng là thứ làm bạn với lão hàng chục năm qua chính là con dao “quắm” lưỡi còn sáng loáng.


Lão Lò Tính Sử là người dân tộc Thái nhưng từ nhỏ đã theo gia đình lên vùng đất này. Dù sống cô độc một mình giữa núi rừng với hàng trăm lời đồn đại về lời nguyền của rừng thẳm nhưng lão vẫn không tỏ gì sợ hãi. Nhắc đến cái duyên với nghề săn rắn, lão Sử cho rằng, người đời gọi lão là “phu rắn” có lẽ là hơi quá.

Bởi lão không phải săn rắn để làm nghề mưu sinh mà muốn sống cùng để tìm hiểu về nọc độc của chúng rồi tìm cách chế thuốc chữa bệnh. Từ trước đến nay, lão luôn lùng tìm những con rắn lớn đã thành tinh. Loại rắn này rất nguy hiểm, chúng không chỉ có nọc cực độc mà còn chủ động vào làng để tấn công con người và súc vật.

Đã có nhiều người trong bản bị loài rắn thành tinh làm hại, thậm chí còn bị chúng “cướp” nhà làm nơi trú ẩn trong mùa sinh sản. Nhiều gia đình vì sợ hãi mà bỏ cả bản đi nơi khác sống.

Vì cuộc sống mưu sinh, lão Sử bất chấp nguy hiểm một mình vào rừng sâu chặt củi về bán. Lần đó lão không đụng độ rắn “tinh” nhưng trúng phải nọc độc chết người của một con rắn lục lớn. Là người có kinh nghiệm đi rừng, lão biết nếu sợ hãi bỏ chạy về làng thì nọc độc sẽ chạy thẳng vào tim.

Vì vậy, thay vì đứng dậy chạy, lão nằm bệt xuống đất bò lết từng đoạn để tìm lá cây thuốc. May mắn trong lúc nọc độc phát tác, lão gặp được một “phu rắn” người dân tộc.

Sau khi cứu chữa cho lão, người đàn ông dân tộc đã truyền cho lão Sử một số bài thuốc chữa nọc độc rắn. Cũng từ đó lão bén duyên với nghề bắt rắn độc, chế thuốc nam trị nọc độc của rắn rừng.
Lão Sử đang chỉ cho chúng tôi nơi mà xà tinh từng xuất hiện 

Sinh nghề tử nghiệp

Sau khi bén duyên với “nghề” săn rắn, lão Sử bỏ bản vào rừng sâu dựng lều ở ẩn. Lão bảo: "Vào rừng sâu ở, sống giữa bầy rắn độc, để nó cắn vào da thịt mình thì mới dễ tìm ra thuốc trị nọc độc. Bởi rắn có nhiều loại, mỗi loại có nọc độc khác nhau, nếu không tự mình bị trúng độc thì rất khó để tìm được loại lá thích hợp.

Vì thế mà trên khắp bắp tay, bắp chân của lão có hàng trăm vết răng nanh rắn cắn đã để lại sẹo. Thật khó hình dung được, người đàn ông nhỏ bé đó đã có hàng trăm lần chết hụt, một mình giữa rừng hoang đối diện với tử thần.

Mỗi khi được dân bản báo tin có rắn “tinh” xuất hiện, lão lại lặn lội vượt hàng chục km đường rừng đặt bẫy. Có lần do sơ sẩy, lão bị rắn “tinh” khổng lồ “vật” cho nằm liệt giường hàng tháng trời. Nhưng khi khỏe lại, lão tiếp tục trở lại rừng để sống với bầy rắn độc như một duyên nợ ở đời.

Nói về kỷ niệm làm phu “rắn”, lão kể: Cả cuộc đời, lão nhớ nhất hai lần đi săn rắn “tinh”, loại rắn khổng lồ và có nọc cực độc. Lần đó vì sơ sẩy, hai thanh niên bản đã phải bỏ mạng vì bị rắn cắn, nọc độc ngấm vào máu không kịp chạy chữa.

Rắn “tinh” rất khôn, nó có thể đánh hơi được nguy hiểm, khi phát hiện con mồi, rắn “tinh” không lao vào săn ngay, nó quan sát kỹ sau đó bất thình lình trườn nhanh vào cướp con mồi trước khi những chiếc bẫy sập xuống.

Muốn săn được rắn tinh, cách hiệu quả nhất là bắt một con rắn cái, dẫn dụ nó trườn vào, sau đó đặt bẫy xung quanh chỗ con rắn cái làm tổ. Rắn tinh đánh hơi thấy mùi của đồng loại thì mất cảnh giác, nó không ngần ngại trườn theo con rắn cái vào trong, lúc đó chỉ cần cất “lưới” là bắt được ngay.

Nói thì đơn giản nhưng không phải lần nào thực hiện cũng đều thành công. Có lần tấm lưới quá mỏng, con rắn “tinh” điên cuồng phá rách lưới thoát ra. Sau mỗi lần bắt rắn “tinh” thành công, lão Sử được nhiều tay săn rắn đến xin nhận học nghề nhưng lão không dạy, bởi lão không săn rắn để mưu sinh mà chỉ hành nghề bốc thuốc cứu người.

Kết thúc cuộc trò chuyện, lão Sử lúi húi chui vào gầm giường lôi ra hai bình rượu sành. Khi lão mở nắp ra, chúng tôi thấy vô số những con rắn lạ ngâm trong đó.

Vì đã được người dẫn đường cảnh báo nên khi lão rót hai bát rượu đầy mời, chúng tôi chỉ dám uống lấy lệ. Khi được hỏi tại sao lão không về bản sống cùng gia đình, lão cười: “Gần cả đời người sống ở rừng quen rồi, hơn nữa ở lại đây mới tìm được lá thuốc, về bản nhớ rừng rồi cũng tìm cách trở lại thôi”.

Theo Nông thôn ngày nay
Bình luận
vtcnews.vn