Anh hùng Phạm Tuân và giây phút hạ 'pháo đài bay' B52

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 05/12/2012 06:37:00 +07:00

(VTC News) – B-52 giống máy bay dân dụng nhưng nó lại thực sự là một “pháo đài bay" bất khả xâm phạm.

(VTC News) – B-52 giống máy bay dân dụng nhưng nó lại thực sự là một “pháo đài bay" bất khả xâm phạm.

Tôi cứ nhớ mãi cái hồi còn bé xíu, mới vào lớp 1, ngồi trên xe công nông đầu dọc bố tôi lái, chạy tưng tưng trên con đê ven sông Trà Lý thuộc huyện Thái Thụy (Thái Bình), bỗng có tiếng loa truyền thanh phát tiếng máy bay rít, tiếng loa gọi người dân xuống hầm, rồi sau đó là tiếng trả lời phỏng vấn của anh hùng Phạm Tuân.

Còn bé quá, nên tôi không biết ông Phạm Tuân là ông nào. Lớn lên chút mới biết ông là người vĩ đại của đất nước, từng lái máy bay bắn hạ B-52 trên bầu trời miền Bắc, rồi sang tận nước Nga xa xôi bay trên tàu vũ trụ.

Bố tôi nói với giọng tự hào: “Ông Phạm Tuân ở bên kia con sông Trà Lý con ạ. Cùng dòng giống cụ Phạm Tu nhà mình”. Trong trái tim bất kỳ đứa trẻ nào ở nước Việt, anh hùng Phạm Tuân cũng là một dấu ấn mạnh mẽ. Gặp được ông là ước vọng của nhiều người.

Anh hùng Phạm Tuân 
Nhấc điện thoại gọi người hùng, mà tôi thực sự đắn đo. “Đúng 2 giờ chiều nay cháu đến nhà chú nhé. Cháu cứ vào ngõ 111 phố Cù Chính Lan, hỏi nhà chú nhé”. Ông chỉ nói vậy, rồi cúp máy. Giọng một vị trung tướng quân đội, người 3 lần được phong anh hùng ngắn gọn, chính xác, nhưng ấm áp.


Tôi đến đúng giờ. Ngôi nhà khang trang gần cuối con ngõ rộng mở cổng toang hoang. Nhìn cánh cổng có lẽ cũng hình dung ra tấm lòng rộng mở của vị tướng. Thấy khách, ông từ trong phòng đi ra. Trà hoa nhài đã pha sẵn, mùi hương ngào ngạt lan tỏa.

Ông bắt tay nhà báo thân tình như con cháu. Ông bảo: “Tuổi trẻ mà tôn trọng giờ giấc thế là tốt đấy. Thế này nhé. Có hàng ngàn nhà báo, hàng ngàn bài báo viết về chú rồi. Nhưng chú thực sự chưa hài lòng. Kể cả một số cuốn sách viết về chú, chú cũng vẫn chưa thấy thấm. Viết về phi công khó lắm cháu ạ. Nhà văn nhà báo có ngồi trên máy bay chiến đấu, lượn chín tầng mây đâu mà biết tả nó thế nào. Sau này chú sẽ tự viết về chú”.

Người anh hùng đây ư? Con người cả thế giới ngưỡng mộ đây ư? Ông thật giản dị, dễ gần, dễ mến. Ông không hỏi nhà báo tên gì, không đòi xem thẻ. Ông xồng xộc lôi tuột tôi lên tầng 4. Vừa trèo cầu thang hùng hục, ông vừa bảo: “Cháu phải xem cái này cháu mới hiểu được con người thật của chú”.

Tôi rảo bước theo người hùng. Vừa trèo cầu thang vừa đoán mò. Chắc là có một căn phòng bí mật, với một số loại tài liệu, vũ khí bí mật, hoặc thứ gì đó liên quan đến vũ trụ, hàng không.

Nhưng không phải. Tôi lạc vào một thế giới cổ tích, một “khu rừng” lan. Giăng mắc khắp ban công tầng 4 là các giò lan, chậu lan, đủ các loài, với cả trăm loại. Dường như loài hoa kiêu kỳ này tụ về từ khắp đất nước trên ban công nhà vị tướng.

Anh hùng Phạm Tuân trên tàu vũ trụ 
Ai cũng nghĩ rằng, một phi công vĩ đại, một nhà du hành vũ trụ, thì mang đầu óc khô khan, của các con số, kinh độ, vĩ độ, của sự chính xác tuyệt đối. Nhưng con người ấy thật lãng mạn. Người anh hùng bảo: “Ngày chú ngó vườn lan vài lần. Đi đâu xa vài hôm là nhớ vườn lan. Rồi còn bọn chim nữa. Không nghe thấy chúng nó hót thì cứ thấy thiêu thiếu một điều gì đó”.

“Sắp đến ngày kỷ niệm Điện Biên Phủ trên không nhỉ? Chắc nhà báo lại hỏi chuyện chú diệt B-52 chứ gì? Có gì đâu mà nói. Mất có mấy giây là hạ nó, thì kể cũng chỉ mấy giây là hết chuyện” – anh hùng Phạm Tuân dường như hiểu được suy nghĩ của tất cả những người tiếp xúc với ông, đặc biệt là các nhà báo khi gặp ông.

Rồi ông lại tiếp tục: “Hỏi chú về chuyện đó thì chú nói, chứ hỏi chuyện hiện tại là chú không nói đâu nhé. Về hưu rồi, không có thông tin gì, thì sao dám nói, sao góp ý được. Mối quan tâm bây giờ của chú là cái vợt bóng bàn, cái vợt tenis, rồi mấy chiếc cần câu. Chú đi câu cả ngày cả đêm không chán”.

Người anh hùng từng bay vào vũ trụ, bắn hạ pháo đài bay, vẫn chân chất, giản đơn, bình dị như những con người đến từ quê lúa. Ông bảo: “Người ta cứ nghĩ máy bay B52 nó là thứ gì đó ghê gớm lắm, là thứ bất khả xâm phạm. Thực ra không phải vậy. B52 giống máy bay dân dụng hơn là máy bay chiến đấu. Mà sự thực nó là máy bay dân dụng chở vũ khí…”.

Lời nói của người anh hùng khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng có nghe ông lý giải thì mới hiểu quả đúng là như vậy.

Rồi người anh hùng lại đúc kết thêm điều nữa khiến tôi ngã ngửa: “Cháu có tin không? Người Việt mình lái máy bay chiến đấu Mig 21 không kém người Nga, sử dụng tên lửa Sam 2 cũng chẳng kém người Nga. Đừng nghĩ người Việt là nông dân mắt toét bắn hạ pháo đài bay”.

Tôi đang không hiểu gì, thì ông giải thích: “Người Nga sản xuất ra thứ đó, những thứ vũ khí hiện đại nhất thế giới, nhưng người Việt Nam mới là người sử dụng. Người Nga chưa hề sử dụng trong thực tế chiến đấu”. Hóa ra là vậy!

Không để tôi hỏi thêm được câu nào, anh hùng Phạm Tuân bảo: “Như chú đã nói với cháu, chú bắn B-52 chỉ mất ít giây, nhưng thực ra, để hạ được nó, là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm, thực tế chiến đấu ngay tại chiến trường. Những kinh nghiệm đó ngay cả phi công Mỹ chưa chắc có được. Nó giống như đại chiến Xích Bích ấy. Chuẩn bị thì lâu, thì khó, chứ vào trận thì chớp mắt”.

Anh hùng Phạm Tuân bảo rằng, khi đó, trong suy nghĩ của người Mỹ, máy bay B-52 cõng bom đi thả như kiểu rong chơi. Nó ung dung chở bom vào rải, rồi ung dung đi ra, mà không sợ bất kỳ thứ vũ khí gì, bởi trên chiến trường không có đối thủ.

Mặc dù, tất cả các loại máy bay của địch đều đã bị không quân ta bắn hạ, nhưng B-52 vẫn là thách thức lớn. Loại máy bay này ném bom qua màn hình ra-đa, hệ thống chống nhiễu tích cực, nhiễu cản ra-đa trên không và trên mặt đất, bay vào ban đêm, lại có một dàn F4 yểm trợ… Nó giống máy bay dân dụng nhưng nó lại thực sự là một “pháo đài bay bất khả xâm phạm”.

Nhưng người Mỹ không biết rằng người Việt đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Bác Hồ đã nhận định rằng, trước sau người Mỹ cũng dùng B52 rải thảm miền Bắc. Do đó, lực lượng không quân của ta đã nghiên cứu rất kỹ về nó.

Phi công Phạm Tuân khi đó cùng đồng đội bí mật về Quảng Bình, Quảng Trị, trèo lên các đỉnh núi để quan sát, ghi chép, tìm hiểu quy luật hoạt động, quy luật bay của B-52.

Ông cùng đồng đội luyện tập cất cánh Mig 21 trong điều kiện ban đêm, đường băng ngắn, đánh bằng mắt thường, rồi bay trong vệt khói máy bay vận tải. Anh hùng Phạm Tuân được thực hành trong điều kiện an toàn rất thấp. Nhưng ông cùng đồng đội đã làm được những điều tưởng như không thể.

Tập luyện thuần thục rồi, các phi công của ta đã xuất kích truy đuổi B-52 trên bầu trời khu 4 và Bắc Trường Sơn.

Đêm 18-12-1972, có tới 50 lượt B-52 từ nhiều hướng đánh vào Hà Nội. Tất cả các sân bay, trạm ra-đa đều bị chúng đánh phá. Các phi công của ta vẫn xuất kích trong hoàn cảnh sân bay lởm chởm để truy tìm B-52.

Tìm được chúng qua mắt thường từ đèn dạ hàng. Nhưng khi bật ra-đa thì lộ mục tiêu. Phi công điều khiển B-52 tắt đèn và F-4 truy kích. Tất cả phi công của ta đều phải tìm cách thoát thân nếu không muốn tan xác.

Trời đêm, đường băng hỏng, không có đèn chiếu sáng, máy bay hết dầu, phi công của ta phải nhảy dù, hoặc cố gắng hạ cánh. Một số máy bay chiến đấu bị hỏng khi đáp sân bay lao vào hố bom. Chiếc Mig 21 của anh hùng Phạm Tuân cũng lộn nhào trong một lần hạ cánh xuống đường băng trúng hố bom.

Nhiều ngày trôi qua, “pháo đài bay” B-52 vẫn như cái gai trước mắt. Chúng tha hồ làm mưa làm gió trên bầu trời Hà Nội.

Anh hùng Phạm Tuân cùng đồng đội khi đó đều xác định sẵn sàng hy sinh. Nếu tên lửa không diệt được “pháo đài bay”, thì sẽ biến chiếc Mig 21 của mình thành quả tên lửa.

Và đúng như lời thề, phi công Vũ Xuân Thiều sau khi bắn tên lửa, đã lái máy bay lao thẳng vào B-52.

Còn tiếp…

Dương Quân

Bình luận
vtcnews.vn