Tiến sĩ khảo cổ giải mã "cây hóa đá triệu USD"

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 19/11/2012 08:23:00 +07:00

(VTC News) – Để hiểu rõ bản chất của cây hóa đá mà một người đòi tới 3 triệu USD ở Thanh Hóa, TS. khảo cổ Vũ Thế Long đã lý giải cặn kẽ.

(VTC News) – Để hiểu rõ bản chất của cây hóa đá mà một người đòi tới 3 triệu USD ở Thanh Hóa, TS. khảo cổ Vũ Thế Long đã lý giải cặn kẽ.

Trên 40 năm làm nghề nghiên cứu các hóa thạch và các di tích Sinh - Khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử môi trường và con người, tôi thường xuyên nhận được tin tức của bà con khắp nơi gửi tới hỏi về những chuyện lạ họ nghe được, tìm được.

Khi thì có tin phát hiện răng “khủng long”, “voi ma mút” và cả những con cua hóa thạch, cây hóa thạch… Đa phần những thứ họ gửi tới chỉ là xương trâu, xương bò hoặc cái răng voi, vài cái lá in trong đá… Nhưng cũng có trường hợp nhờ chỉ dẫn của bà con mà phát hiện được những di vật vô cùng quý, có giá trị khoa học lớn như phát hiện ra bộ xương gần như còn nguyên vẹn của hai mẹ con con đười ươi cổ dưới đáy hang sâu ở Lương Sơn, Hòa Bình hơn chục năm trước.

TS. Vũ Thế Long và hộp sọ đười ươi ở Hòa Bình 
Thành thực mà nói, có rất nhiều phát hiện về khảo cổ học, công đầu phải thuộc về phát hiện của nhân dân. Các cán bộ khoa học có trình độ nhờ dân mà đã khám phá ra rất nhiều bí ẩn.

Gần đây, cũng lại tin từ nhân dân về “cây hóa thạch” và được một số báo vội vã đưa lên. Rồi liên tiếp có những đồn thổi li kì gây chú ý tới nhiều độc giả tò mò.

Lắm kẻ hí hửng bỏ tiền của chui vào hang sâu nguy hiểm đập nhũ bừa bãi cốt tìm ra được các cây hóa thạch cả triệu USD, làm tan hoang bao thắng cảnh, di tích quý giá vì cái mối lợi hão huyền chẳng đâu vào đâu.

Toàn chuyện đồn thổi và tung tin tai hại. Chẳng ai chứng minh cái cây hóa thạch triệu đô ấy nó ở đâu mà ra? Vì sao mà nó cổ đến thế, giá trị đến thế?

Vừa qua, tôi dược đọc trên VTC News bài phóng sự điều tra rất thú vị của nhà báo Lê Quân “ Hành trình giải mã cây hóa đá triệu USD xôn xao dư luận”. Nhà báo đã cất công tìm ra nguồn gốc của cái “báu vật hóa đá triệu đô” ấy.

Phóng sự điều tra công phu ấy đã góp phần giải đáp cái bí ẩn của “cây triệu đô” và cho bạn đọc thấy rõ phần nào thực chất của câu chuyện này. Nhà báo còn khám phá ra nguồn nước suối thần kì, đó là “con suối hóa đá mọi vật”. Nhân đây, theo đề nghị của ban biên tập, tôi xin góp phần giải thích cho cặn kẽ hơn về trường hợp cây hóa thạch triệu đô này.

Hóa thạch là gì?

Có thể nói một cách đơn giản, hóa thạch là những di tích sinh vật do điều kiện tự nhiên nào đó được bảo tồn lâu dài trong một môi trường địa chất thuận lợi. Các khoáng chất trong đất đá xâm nhập vào cơ thể sinh vật ấy và khiến chúng giữ lại được hình dạng vật thể lâu bền trong đất đá. Người ta gọi nó là hóa thạch (hay hóa đá).

Tuy nhiên cũng có một dạng hóa thạch khác không phải là trong đất đá mà là di tích nằm trong nhựa cây rồi lâu ngày chôn vùi trong môi trường đặc biệt nó cũng được gọi là hóa thạch (trường hợp xác con ong hay côn trùng nằm trong hổ phách).
 
"Cây hóa thạch triệu USD" và vị chủ nhân hét giá 3 triệu USD 
Cây cối được phủ đá lâu ngày vẫn giữ được hình dáng của nó cũng có thể được coi là hóa thạch. Tuy nhiên có những thứ lá cây hóa đá có tuổi hàng triệu năm, nhưng cũng có những cây chỉ dăm năm thôi cũng đã bị biến thành đá, loại này trong nghiên cứu, ít người gọi là hóa thạch thực thụ.

Sự thật về cây hóa thạch triệu năm tuổi, triệu đô ở Thanh Hóa


“Cây hóa thạch triệu năm tuổi” có tên Triệu Đô này được tìm thấy Thôn Làng Tráng (Lâm Xa, Bá Thước, Thanh Hóa). Có nhà nghiên cứu cổ thực vật học đã đến tận nơi quan sát và phán rằng: “Cái “cây” này là một tác phẩm của tự nhiên (không phải do con người làm ra), nó có thể có niên đại đến hàng triệu năm, ông đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều, cũng chưa bao giờ gặp một cái cây hoá đá tương tự””. “ “Cây này là loài dâu thuộc họ đa”...

Khi đến tìm hiểu, phóng viên Lê Quân, tuy không phải là nhà nghiên cứu cổ thực vật học nhưng đã khám phá ra những chi tiết rất thú vị: “Tại sao trên mảnh vỡ của một chiếc lá to và dày như nửa bàn tay, lại còn bóc được cả mủn của chiếc lá thực từ “ngàn vạn năm trước”? và “tôi không thể tin rằng, sau một vài triệu năm gì đó, một phần chiếc lá hóa thạch vẫn là xenlulô, thật thà đến độ có thể châm lửa lên đốt cháy được”.

Những nhận xét trên đã cho thấy cái di vật này không thể cổ đến hàng vạn, hàng triệu năm như thiên hạ vẫn đoán già đoán non và thi nhau đồn thổi.

Tôi chưa được trực tiếp đến tận nơi mà ông Hoàng Văn Ngọc đã tìm thấy di vật này nên chưa thể giải thích một cách thật cặn kẽ về trường hợp cụ thể đã hình thành ra cái “cây hóa thạch” này. Nhưng theo những thông tin được biết và thực tế đi điều tra hang động mà tôi đã gặp nhiều trường hợp tương tự, có thể tin rằng cây này lấy được trong một hang đá vôi, và ta có thể hình dung quá trình “hóa đá” hay “nhũ hóa” của cây này như sau:

Cây thuộc họ đa này là một thứ cây rất dễ mọc, nó có thể sống bám trên vách đá và hạt của chúng được gió hoặc chim phát tán vào trong hang (qua phân chim như trường hợp của nhiều cây si, cây đa, cây đề mà ta vẫn thường gặp trên vách đá, mái nhà…).

Do tình cờ, cây mọc trong hang (có nhiều hang có khoảng trống lộ thiên trên trần hang và cây vẫn mọc được trong hang), sau đó, trong quá trình thành tạo nhũ đá ở trong hang, các giọt nước mưa chảy qua đá vôi ngấm từ trần hang có chứa cacbonat can-xi và cacbonic canxi tạo thành dung dịch CaHCO3 hòa tan nhỏ xuống rơi vào cây, dần dần đọng lại trên thân và lá cây này những lớp nhũ vôi mỏng khiến cho cây nom tưởng như đã hóa đá.

Về tuổi thực của “cây hóa đá” này thì cần đánh giá chính xác qua lớp thạch nhũ bám bên ngoài nhưng chắc chắn rằng nó chẳng cổ tới hàng nghìn, hàng vạn năm, thậm chí cả triệu năm như người ta đã đồn thổi (bởi tốc độ ngưng đọng của lớp nhũ này trung bình là 0,13mm mỗi năm. Tốc độ tối đa có thể tới 3mm mỗi năm).

Để hiểu cơ chế nào khiến cho các lớp nhũ đá được hình thành trong hang động và đồng thời cũng chính là những vật vật liệu đã phủ lên “cây hóa thạch” này ra sao, xin hãy tham khảo những giải thích khoa học dưới đây:

Nhũ đá được tạo thành từ CaCO3 và các khoáng chất khác kết tụ từ dung dịch nước khoáng. Đá vôi là đá chứa cacbonat canxi bị hòa tan trong nước có chứa khí cacbonic tạo thành dung dịch CaHCO3. Phương trình phản ứng như sau:

CaCO3(r) + H2O(l) + CO2(kh) → Ca(HCO3)2(dd)

Dung dịch này chảy qua kẽ đá cho đến khi gặp vách đá hay trần đá và nhỏ giọt xuống. Khi dung dịch tiếp xúc với không khí, phản ứng hóa học tạo thành nhũ đá như sau:

Ca(HCO3)2(dd) → CaCO3(r) + H2O(l) + CO2(dd)

Nhũ đá "lớn" lên với tốc độ 0,13mm một năm. Các nhũ đá "lớn" nhanh nhất là những nơi có dòng nước dồi dào cacbonat canxi và CO2, tốc độ lớn có thể đạt 3 mm mỗi năm.

TS. Vũ Thế Long
Bình luận
vtcnews.vn