"Vua" Ama Kông và tháng ngày kinh hãi vì vợ trẻ hành hạ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 06/10/2012 09:56:00 +07:00

Người vợ thứ tư của ông ham chơi, nhậu nhẹt say xỉn về thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với ông vua không ngai. Vua voi lừng lẫy một thời bầm dập vì người vợ trẻ.

Huyền thoại Ama Kông là một biểu tượng sức mạnh của người đàn ông Tây Nguyên hùng vĩ. "Vua Voi" đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn khoẻ. Ông có tới 4 người vợ, kết hôn với người vợ thứ tư ở tuổi 80. Người vợ tư khi ấy mới 25 tuổi, đẹp như bông hoa pơ - lang, choáng ngợp trước sự dũng mãnh, tráng kiện của "Vua Voi" mà đồng ý lấy "cụ" làm chồng...

Lấy vợ ở tuổi 80


Khi chúng tôi đến ngôi nhà gỗ 120 tuổi, nay đã là Nhà văn hoá điểm du lịch của Buôn Đôn thì "Vua Voi" đang ngủ, tiếng ông ngáy vang rền. Chúng tôi phải mua rất nhiều thuốc và sau một hồi thuyết phục, cô chắt xinh xắn gọi "Vua Voi" bằng cụ mới gọi con gái "Vua" lên để chúng tôi thuyết phục.

Tuy nhiên, mãi sau, con gái ông mới thổ lộ: Lì xì chút tiền cho ông già rồi mới vào gọi. Dù đã hơn trăm tuổi nhưng "Vua Voi" vẫn khá vững chãi và dư âm những phong trần vẫn là một nét rất riêng biệt.

Nổi tiếng trong các cuộc săn voi và thuần hoá voi rừng mà lần lượt bốn người con gái đẹp nhất buôn của các thời đã làm vợ Ama Kông. Theo phong tục truyền thống của người Mnông- Lào, chỉ khi vợ chết thì người đàn ông mới được lấy vợ khác. Còn không, muốn lấy vợ thì người đàn ông phải bỏ lại tất cả tài sản để vợ nuôi các con. Điều đó đồng nghĩa với ông đã phải hơn một lần ra đi tay trắng và cùng vợ mới làm lại từ đầu.

Vì tình yêu với cô gái đẹp, Ama Kông đã chấp nhận những quy định hà khắc để đi theo tiếng gọi của trái tim. Người vợ thứ tư của Ama Kông là một câu chuyện tình dữ dội mà buồn.

Bốn người vợ của Ama Kông đều là những người đẹp của buôn làng. Sự hào hoa của Ama Kông khởi nguồn từ tiếng tăm về sức khoẻ, sự dũng mãnh quật ngã voi rừng. Chẳng thế mà, ông đã rước cả hai chị em H'Nu và H'Hốt, con của vị tù trưởng giàu có, tài giỏi về làm vợ.

Ama Kông 

Vợ đầu của ông là H'Nu đẹp có tiếng khắp các buôn làng Tây Nguyên. Ngày xưa, Ama Kông có tên tục là Y Prung Êban. Được H'Nu lựa chọn, người quản tượng đã thành con rể của tù trưởng. Sau khi sinh được con trai đầu lòng đặt tên con là Kông. Theo phong tục của đồng bào Tây Nguyên, cha mẹ thường lấy tên đứa con đầu lòng thay tên mình nên Prung Êban giờ là Ama Kông (nghĩa là cha thằng Kông).

H'Nu chẳng may qua đời khi sinh đứa con thứ hai. Theo tục lệ nối dây, cô em gái H'Hốt (kém Ama Kông 15 tuổi) phải thay chị chăm sóc anh rể và các cháu. H'Hốt đã sinh cho Ama Kông 11 người con.

Vợ đẹp, con đầy đàn, những tưởng Ama Kông chỉ nghĩ đến săn voi đưa tiền về nuôi vợ con. Nhưng chính sự dũng mãnh của ông đã làm mê đắm bao bông hoa đẹp của núi rừng. Ông được người đẹp yêu, ngưỡng mộ tài năng nên vẫn "qua lại" với nhiều sơn nữ.

Khi H'Hốt đang chuẩn bị sinh cho Ama Kông đứa con thứ 11 thì Ama Kông lại dẫn một người đàn bà tên là H'Biai cùng 1 bé gái 6 tuổi về nhà xin H'Hốt cho ông được cưới làm vợ lẽ. H'Hốt phẫn uất đòi ăn lá ngón tự tử.

Sự việc phải nhờ đến già làng phân giải. Ama Kông "thoát án" phạt nặng nhờ uy "dũng sĩ săn voi đệ nhất" của mình. Sau đó, Ama Kông ra đi với hai bàn tay trắng sang ở hẳn với H'Biai và họ có với nhau thêm 2 đứa con gái nữa.

Khi Ama Kông toàn tâm lo cho gia đình thì H'Biai lại nghiện rượu. Ông khuyên can vợ nhiều không được, bực quá bỏ đi săn voi triền miên. H'Biai càng chán khi chồng không về, bà vùi đời cùng những ché rượu, rồi vài năm sau chết vì bị trúng gió trong một cơn say bí tỉ.

Khi vườn Quốc gia Yok Đôn thành lập, lúc này nghề săn bắt voi rừng đã bị cấm. "Vua Voi" Ama Kông cũng đã bước sang tuổi 80. Ông được Giám đốc vườn Quốc gia ký hợp đồng làm một hướng dẫn viên du lịch để kể cho du khách nghe về những câu chuyện hấp dẫn, kỳ thú xung quanh nghề săn bắt voi.

Rồi một lần tình cờ, trong một chuyến đi chơi, ông gặp H'Khăm, 25 tuổi. Ông già đã yêu mê mệt cô gái trẻ, mặc dù biết cô đã có một đứa con gái với một gã Sở Khanh. Ông bỏ công việc hướng dẫn viên để đi chơi với tình nhân. Rồi đám cưới của ông già 80 với cô gái 25 tuổi cũng diễn ra rình rang, trở thành sự kỳ thú nhất với người Buôn Đôn từ trước đến nay.

Tiếng thở dài của "Vua Voi"

Nghề săn bắt voi ở Buôn Đôn chẳng biết đã có từ bao giờ, khi những nhóm người Lào di cư sang bám vào ven dòng Sêrêpôk và chọn nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng làm kế sinh nhai. Thời huy hoàng nơi đây có hàng trăm thớt voi, nhiều khi tổ chức vài ba đội săn, những nhà giàu có hàng chục thớt voi, hàng trăm bộ cồng chiêng...

Trong lịch sử săn bắt và thuần dưỡng voi ở Buôn Đôn có 3 con bạch tượng đã trở thành huyền thoại. Con bạch tượng thứ nhất, người Buôn Đôn thuần dưỡng và tặng vua Xiêm. Con thứ 2, dâng biếu vua Bảo Đại. Con voi trắng thứ 3, thuộc quyền sở hữu Tổng thống Ngô Đình Diệm.

 

Bây giờ người Buôn Đôn không đi săn voi và thuần dưỡng voi, vì voi rừng ở Đắk Lắk, Đắc Nông đang ít dần đi nên voi nhà cũng vậy. Không những thế, từ thời những chú voi bị đưa đi làm du lịch, chỉ thấy người ta nhắc đến chuyện làm thế nào để quy hoạch đường tour cho voi đi được nhanh, được nhiều chuyến và làm bành cho voi chở được nhiều người chứ không thấy ai bàn đến cách để giữ và phát triển đàn voi nhà còn lại.

Vì cuộc sống trước mắt, dân Buôn Đôn rất sợ voi chửa. Voi chửa sẽ phải nghỉ ngơi, sẽ không được chở khách đi du lịch, mỗi ngày thiệt hại mấy trăm ngàn. Theo những người dân Buôn Đôn thì voi chửa 24 tháng và suốt 30 năm qua, trong số 37 con voi cái thì chỉ có 7 con voi đẻ. Và đàn voi huyện Buôn Đôn đã có 14 "cụ" voi già yếu.

Thấy ông vẫn đeo đồng hồ trên tay, chúng tôi hỏi giờ. Ngỡ ông đeo cho vui, nào ngờ ông lắc lên lắc xuống và nói đồng hồ này giờ chạy không chuẩn nữa. Anh bạn đồng nghiệp tháo ngay chiếc đồng hồ đang đeo tặng ông, ông tỏ ra rất vui, đeo vào tay và xem giờ rất chuẩn. Ông làm động tác cùng lời cảm ơn bằng tiếng Lào.

Nhìn những bộ dây thừng, da trâu rừng, da bò tót rừng hàng trăm năm trong ngôi nhà sàn cổ và ông vua lẫy lừng một thời của núi rừng Tây Nguyên dưới những tia nắng hoàng hôn, tôi như thấy một thời vàng son với những thớt voi rùng rùng chuyển động. Nhưng rồi lại chạnh lòng xa xót, đàn voi Buôn Đôn sẽ đi vào đâu?

Rồi nữa, ngay cả Vua Ama Kông cũng bị mang ra làm... du lịch. Dù cho người đàn ông ấy, dường như đã đi qua những hư danh từ lâu lắm rồi, ông chẳng bận tâm tới việc người ta làm du lịch ngôi nhà của ông với mức giá bao nhiêu, thu nhập nghề bốc thuốc ông truyền lại cho con cháu thế nào... Duy chỉ có tiếng thở dài về chuyện đàn voi tựa như tiếng thở dài từ thẳm sâu từ đại ngàn, như khi ta chạm vào một nỗi đau là có thật!

Có một chuyện từ đáy lòng, mà trong phút xúc động, ông mới thổ lộ, rằng người vợ thứ tư của ông thường ham chơi, nhậu nhẹt say xỉn về thượng cẳng chân, hạ cẳng tay (theo đúng chế độ mẫu hệ) với ông vua không ngai. Vua voi lừng lẫy một thời với khả năng săn voi, giờ bầm dập vì người vợ trẻ.

Và một ngày, mặc cho "Vua Voi" ra sức chiều chuộng và nín nhịn, người vợ trẻ đã nhất quyết đòi… ly dị. Xem ra ông vẫn còn chưa hết hãi khi nói về người vợ này.

Nhắc tới voi và những cuộc tình, người đàn ông lừng lẫy một thời vẫn đầy tự hào. Khi anh bạn ghé tai hỏi "chuyện ấy" của ông thế nào, ông cười tít mắt và vỗ vai chàng trai đồm độp…


Nguyệt Hà - ĐS&PL

Bình luận
vtcnews.vn