TS. Vũ Thế Khanh trao đổi lại về "chiếc bàn tự quay"

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 17/09/2012 08:36:00 +07:00

(VTC News) - Thật là thú vị khi thấy khá nhiều người quan tâm đến chuyên đề về “chiếc mâm quay”. Tôi xin góp mấy lời nhằm giải tỏa phần nào bức xúc.

(VTC News) - Thật là thú vị khi thấy khá nhiều người quan tâm đến chuyên đề về “chiếc mâm quay” (tôi xin gọi là chiếc mâm quay, thay vì bàn quay, bàn xoay).


Tuy nhiên, tôi xin góp mấy lời nhằm giải tỏa phần nào sự bức xúc của một số bạn đọc để tránh những ý kiến tham luận lan man.

Nhà báo trao đổi với tôi và sử dụng tư liệu trong bài tham luận của tôi về chiếc mâm quay, được trình bày trong Hội nghị cơ học toàn quốc. Nội dung bài báo là chính xác, nhưng viết báo khác với nghiên cứu khoa học, nên không giải thích nhiều về những thuật ngữ thuộc phạm trù về cơ học. Trong hội nghị này, tôi trình bày, giải thích đầy đủ và không có ý kiến phản biện trái chiều về học thuật, vì đây là hội nghị chuyên ngành dành cho những chuyên gia có chuyên môn rất gần gũi với cơ học.

Khi đăng báo, người đọc lại thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trình độ học vấn cũng rất khác nhau, do vậy sự am hiểu về cơ học cũng không đồng đều, dẫn đến sự lĩnh hội về bản chất của hiện tượng cũng rất khác nhau. Điều này được thể hiện qua sự phong phú và đa dạng của các ý kiến phản hồi.

TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA 

Bởi vậy, cũng cần phải giải thích thêm một số khái niệm cơ bản mang tính phổ thông để cho đa số bạn đọc (ở mọi lĩnh vực khác nhau) cũng có thể tiếp cận được nội dung bài viết. Kính mong các chuyên gia chuyên ngành trong lĩnh vực cơ học cảm thông và không cảm thấy phiền lòng khi phải đọc những nội dung giải thích mang tính “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Để mua vui và giải trí cho quần chúng, các nhà ảo thuật phải sáng tạo ra những tiết mục kỳ lạ, tưởng chừng như “vô lý, phản khoa học” thì mới kích hoạt được sự tò mò của dân chúng (ví dụ như nhà ảo thuật Davit Coperfield có thể “làm mất tượng thần tự do, hoặc đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành, hoặc có thể làm biến mất cả đoàn tàu”, hoặc có những nhà ảo thuật lại biểu diễn những tiết mục rùng rợn và cực kỳ “phi lý” như dùng cưa để cắt đôi người rồi lại lắp vào…”.

Khi làm ảo thuật, các ảo thuật gia đã hoàn toàn biết rõ bản chất của sự việc, họ chỉ cốt làm sao “đánh lừa khán giả” bằng cách dùng các thủ pháp che đi hoặc “làm mờ” đi một phần không gian để người xem không thể nhìn thấy được các xảo thuật trong khi họ biểu diễn

Còn về Hiện tượng “chiếc mâm quay”, tuy không phải là ảo thuật, nhưng cũng chỉ là “trò chơi dân gian” để gây sự tò mò cho “những người thích điều lạ” đến đó mà thôi. Trò chơi này thực hiện thủ thuật “mình vừa đá bóng vừa thổi còi”. Điều đó sẽ tạo tâm lý “vô tư, thoải mái” cho người chơi, tự an ủi rằng: “chẳng ai lừa dối ta cả”. Không ai ngờ rằng thực chất của trò chơi này là “người chơi tự đánh lừa chính mình”.

Nói rằng “chiếc mâm tự quay mặc dù không ai xoay nó” thì mới gây được sự tò mò. Nhưng nếu nói rằng “chiếc mâm sẽ quay nếu như có người đặt tay vào mâm” thì sự hấp dẫn và tò mò sẽ bớt đi rất nhiều!!!.

Ảnh Khắc Lịch 

Mấu chốt để gây ra huyễn hoặc cho chính mình là: “Tôi chỉ đặt tay vào mâm và đọc câu thần chú cho mâm quay, chứ tôi có đẩy mâm đâu!”. Nhưng ai là trọng tài, ai là người ngoài cuộc để chứng minh rằng “tay ta tuy đặt lên mâm nhưng không hề đẩy mâm”? Rất tiếc rằng người trọng tài ấy lại là… chính ta! Vì ta là trọng tài nên ta vẫn thường nghĩ rằng ta hoàn toàn vô tư.

Đó là tâm lý chung của con người, cũng như khi viết chính tả hoặc đi thi thì phải nhờ người khác chấm mới chuẩn xác được, nếu ta chấm bài cho mình thì bài ta làm luôn là đúng rồi. Đó là sự bí mật về bản chất của “trò chơi dân gian chiếc mâm quay”.

Điều này cũng giống hệt như cách điều trị bệnh bằng liệu pháp “tự kỷ ám thị” của các bác sỹ ngành y.

Tôi đã khảo sát nhiều chiếc mâm có niên đại hàng chục, hàng trăm năm ở nhiều địa phương. Nhưng về nhà tôi cũng đã từng làm rất nhiều thí nghiệm với nhiều loại mâm khác nhau do tôi tự tạo. Không chỉ mâm bằng gỗ, mà còn thực nghiệm với mâm bằng đồng, nhôm, sắt tây, inox, nhựa… thậm chí mâm bằng thủy tinh (làm thí nghiệm ngay trên chiếc bàn ăn xoay tròn của Trung Quốc có ổ bi) thì thấy hiệu ứng cũng như nhau, nghĩa là ta cứ đặt tay trực tiếp vào mâm và đọc “thần chú” thì mâm đều quay được.

Bất cứ loại vật liệu nào làm mâm cũng hiệu nghiệm, miễn là khi ta làm thì cố gắng khử ma sát tại vùng tiếp xúc giữa đáy mâm với hệ thống đỡ nó. Ta có thể đặt mâm trực tiếp lên sàn nhà cũng được (mà chẳng cần ổ trục như “mâm gỗ truyền thống”), chỉ cần lưu ý là dùng nước hoặc dầu mỡ để giảm ma sát giữa đáy mâm và nền nhà. Riêng mâm thủy tinh trên bàn ăn, cố gẵng chọn hệ thống ổ bi càng trơn càng tốt.

Khi đặt tay lên bàn, tập trung tư tưởng, đọc khẩu lệnh, thì chiếc bàn quay. Ảnh Vũ Thế Khanh  

Khi ta làm thí nghiệm với các loại mâm bằng các loại vật liệu khác nhau mà thấy hiệu ứng của nó vẫn như nhau, chứng tỏ: “nguyên nhân gây hiện tượng mâm quay không hề phụ thuộc vào loại vật liệu nào”.

Sau khi ta làm thí nghiệm đặt tay trực tiếp lên mâm và đọc “thần chú” thấy hiệu nghiệm rồi thì ta lại phải tiếp tục tiến hành thí nghiệm thứ 2 là không đặt tay trực tiếp vào mâm mà phải đặt quả cầu lên mâm rồi đặt tay lên trên quả cầu. Đặt quả cầu to hoặc bé cỡ nào cũng được, bằng loại vật liệu gì cũng được, miễn là nhẵn để giảm ma sát. Nếu cẩn thận hơn, ta làm quả cầu cùng loại vật liệu với mâm (để tránh việc nghĩ rằng quả cầu đã làm gián đoạn hoặc “đứt mạch năng lượng sinh học” giữa tay người chơi và mâm như một số người đã phản biện).

Các bạn hãy làm thí nghiệm loại 2 này và cũng lại đọc “thần chú” hệt như lần đặt tay trực tiếp lên mâm như thí nghiệm loại 1 xem sao?. Nếu mâm vẫn quay được thì hãy báo cho chúng tôi để ta thảo luận tiếp, còn nếu mâm không quay được thì các bạn hãy tự giải thích theo sự am hiểu về khoa học của chính mình. Ai chưa từng làm thí nghiệm loại 2 này thì đừng cố vội say sưa tranh luận, bởi vì “mọi lý luận đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Có một số bạn thắc mắc rằng: “làm gì có lực cơ học.! Lấy đâu ra lực cơ học tác dụng vào mâm”?

Vậy ta hãy lấy ví dụ về bóng đá cho dễ hiểu. Khi ta có ý nghĩ “đá quả bóng đi” thì hệ thần kinh trung ương truyền lệnh này từ não đến các bộ phận chức năng giúp cho cơ bắp của ta co và duỗi để thực hiện động tác “đá bóng”. Quá trình sinh hóa xảy ra trong cơ thể ta sẽ phát sinh “lực sinh học”. Nhưng khi chân ta đã chạm vào bóng thì phát sinh ra lực khiến quả bóng bay đi - đó là lực cơ học.

Khi quả bóng đã bay đi rồi mà ta vẫn cố tình thanh minh rằng “tôi chỉ đọc lệnh là đá bóng thôi chứ tôi có tác dụng lực cơ học vào bóng đâu” thì liệu có khôi hài không?

Còn nếu ta đặt quả bóng trên mặt phẳng nghiêng, quả bóng sẽ chịu một lực kéo xuống vị trí có thế năng thấp hơn. Lực đó chính là trọng lực (đó là lực hấp dẫn bởi sức hút của trái đất).

Nhưng nếu quả bóng bằng sắt, được đặt gần thanh nam châm vĩnh cửu (hoặc nam châm điện) thì quả bóng sẽ lăn theo lực hút của nam châm, lực này gọi là lực điện từ. Đó là sự vận hành của cần cẩu điện từ.

Dùng quả cầu khử lực thì chiếc bàn hết thiêng 

Khi ta đặt tay trực tiếp lên mâm và đọc “thần chú” làm cho mâm quay, thì hệ thần kinh đã truyền lệnh này đến hệ vận động để tay ta “thực thi mệnh lệnh”, tác động vào mâm theo hướng chỉ định. Có điều, “quy trình thực thi mệnh lệnh của tay ta là tự động và rất tinh vi”, sự dịch chuyển tương đối của tay tại điểm tiếp xúc với mặt mâm lại quá nhỏ, khiến ta nhầm tưởng rằng “ta chưa hề tác động lực đẩy cho mâm quay ”.

Khi ta đặt quả cầu lên mặt mâm, thì cho dù tay ta có tác dụng lực đi chăng nữa thì quả cầu cũng không thể truyền lực đẩy ngang này xuống mặt mâm được, do vậy mâm chẳng thể quay. Đây là nguyên lý của cơ học kết cấu: “gối tựa di động chỉ chịu phản lực trực tuyến (vuông góc) chứ không chịu lực xô ngang”.

Liên kết kiểu Quả cầu chính là mô hình đặc trưng của liên kết gối tựa di động. Chính vì vậy, khi nhìn vào các ý kiến phản biện thấy tuy có nhiều trình độ khác nhau nhưng hầu như không rơi vào những sinh viên đã từng học qua môn cơ kỹ thuật, bởi họ quá am hiểu về nguyên lý truyền lực của liên kết kiểu gối tựa di động.

Có người lại lý giải rằng mâm quay được là do tâm linh. Nhưng khi ta không đặt tay trực tiếp vào mâm, mà thông qua quả cầu thì mâm không quay được, vậy chả lẽ bậc tâm linh nào đó lại “ngán” quả cầu mà không dám tác dụng lực “xuyên qua quả cầu” được ư? Hơn nữa, với sự khảo sát thực tế của các nhà ngoại cảm xuất sắc (do 3 cơ quan đang quản lý ) thì đều khảng định: không có lực lượng tâm linh nào tham gia vào việc này, cho nên ta có thể làm thí nghiệm ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi, mọi loại vật liệu đều đạt hiệu ứng như nhau.

Có người cho rằng quả cầu đã làm tăng khoảng cách giữa tay ta với mặt mâm nên “lực sinh học” nào đó bị “đứt mạch” hoặc yếu đi!. Vậy thì hãy làm cho quả cầu nhỏ đi bao nhiêu cũng được để sao cho khoảng cách được gần tùy ý, và làm chất liệu của quả cầu cùng với chất liệu của mặt mâm thì không thể viện lý do bị “ngắt mạch” giữa tay ta và mặt mâm được!

Các thí nghiêm trên đây mới chỉ biểu hiện về mặt định tính, còn muốn lượng hóa (đo) được lực đẩy của tay vào mặt của mâm thì chẳng khó gì trong thời đại khoa học này. Ta có thể gắn hệ thống Tenxơmet tại vị trí tiếp xúc của tay ta với mặt mâm, hệ thống sẽ dễ dàng xác định được lực đẩy này (giống như di tay trên màn hình cảm ứng của máy ipod, tuy dịch chuyển rất nhỏ, mắt thường không hề thấy mà máy vẫn khuyếch đại và đọc ra được).

Nếu bạn dùng máy ipod, có thể gắn máy vào mặt mâm rồi đặt tay lên màn hình cảm ứng để kiểm tra, máy sẽ ghi nhận được xu hướng di chuyển tương đối tại điểm tiếp xúc. Lúc đó máy sẽ là trọng tài, và bạn có thể tự kiểm tra xem mình có “vô tư” hay không.

Khoa học ngày càng phát triển thì mọi điều “huyền bí” của các trò chơi và xảo thuật dân gian cổ xưa dần được khám phá, phanh phui.

Nếu cách đây mấy chục năm, khi ta chứng kiến hiện tượng “ra lệnh bằng lời nói mà máy vẫn hiểu và hiện ra chữ trên màn hình”, hoặc “ra lệnh” cho tivi từ xa thì chắc chắn ta sẽ nghĩ “đó là do tâm linh điều khiển, hoặc do ma quỷ hiện hình”.

Nếu ai có thể dùng nước để tạo ra lửa (mà không cần có bất kỳ máy móc thiết bị gì) thì chắc chắn sẽ nói rằng đó là bậc siêu nhân. Nhưng với những người am hiểu vật lý quang học thì đó chỉ là “chuyện nhỏ”. Chỉ cần lấy nước đá mài thành thấu kính lồi, hoặc lấy nylon trong suốt dán thành thấu kính rồi đổ đầy nước trắng trong suốt vào đó. Khi cho ánh sáng mặt trời xuyên qua khối nước đá hoặc túi nước trong suốt hình thấu kính lồi thì tia nắng mặt trời sẽ hội tụ vào một điểm, đặt tờ giấy hoặc vật dễ cháy vào điểm đó thì lửa sẽ bùng lên ngay.

Thuở còn học phổ thông, tôi rất thích môn Vật lý, lại sẵn cái tính tò mò và “hoài nghi tất cả”, nên đã từng làm cho một “thầy phù thủy” mất thiêng khi thầy “biểu diễn tâm linh”.

Khi chứng kiến việc thầy điều khiển một con ngựa gỗ “linh thiêng” có thể chuyển động theo cây roi của thầy, tôi đã lập kế hoạch “hóa giải sự linh thiêng” này.

Một hôm chờ đến lúc lúc thầy biểu diễn, tôi mới nói rằng: “Hôm nay thầy không thể điều khiển con ngựa gỗ được đâu, chỉ có cháu mới điều khiển được thôi” . Và quả nhiên khi thầy cầm roi điều khiển thì ngựa gỗ không chịu nghe lệnh như mọi lần, mà đến lượt tôi thì ngựa gỗ lại răm rắp tuân theo. Các đệ tử của thầy tròn mắt kinh ngạc, còn thầy thì cay cú lắm.

Nhưng rồi sau đó tôi cũng không dám “cắt đường làm ăn” của thầy, nên đành tuyên bố rất “tâm linh” rằng: “Hôm qua cháu đã xin các vị thần linh cho cháu thử điều khiển ngựa gỗ thay cho thầy, và các vị thần linh đã đồng ý. Bây giờ xin trả lại quyền điều khiển cho thầy”! Tôi trao cây roi đang cầm cho thầy và thế là con ngựa gỗ lại ngoan ngoãn theo lệnh thầy.

Mấu chốt ở chỗ, khi quan sát con ngựa gỗ được trang bị rất cầu kỳ, tinh xảo, mắt ngựa được gắn viên bi thủy tinh, thanh roi của thầy sơn màu đỏ nhưng ruột bằng sắt, nên tôi sinh ra nghi ngờ và phát hiện ra quai hàm ngựa được gắn thanh nam châm rất tinh vi. Tôi liền chế tạo một thanh roi cũng sơn đỏ như của thầy nhưng ruột lại… bằng đồng và đánh tráo vào đó. Đến khi biểu diễn, thầy không kịp xoay sở, cứ thế “vung roi” nên lệnh của thầy “mất thiêng”.

Chuyện về việc phát hiện ra nguyên nhân của hiện tượng mâm quay chắc chắn sẽ làm cho không ít người tiếc nuối vì làm mất đi sự huyền bí và cũng làm mất đi lợi nhuận kinh doanh của một trò chơi dân gian có từ thời xưa. Nhưng với trình độ khoa học hiện nay, ta có thể nghĩ ra nhiều trò chơi mới lạ và hấp dẫn khác, không nhất thiết cứ phải khư khư giữ mãi “cái huyền bí” cổ xưa không còn phù hợp nữa, và càng nên tránh việc “tâm linh hóa” những hiện tượng chẳng hề liên quan đến tâm linh, có như vậy mới góp phần bảo vệ được sự thuần khiết của thế giới Tâm Linh chân chính.


TS-KTS.Vũ Thế Khanh
Bình luận
vtcnews.vn