Những bí mật phá án của một đơn vị công an giấu mình

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 19/08/2012 10:11:00 +07:00

Chỉ có một viên đạn duy nhất bắn vào nạn nhân gây ra 5 vết thương là 5 lỗ thủng trên cơ thể, nhưng nạn nhân chết không phải do phát súng!

Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, Báo điện tử VTC News gửi tới độc giả bài viết về công việc phá án thầm lặng của những chiến sĩ công an phòng Khoa học kỹ thuật hình sự (PC 21), Công an TP. Hồ Chí Minh.

Với lực lượng công an, kỹ thuật hình sự vô cùng quan trọng trong hành trình làm sáng tỏ các vụ án bí ẩn. Thế nhưng, ít ai biết đến công việc thầm lặng của họ. Họ làm việc âm thầm và giấu mình sau những chuyên án thành công rực rỡ.


Bài 1: Bí ẩn viên đạn làm thủng 5 lỗ trên cơ thể

Dãy nhà cũ kỹ, xập xệ, nép mình dưới những tán cây bàng sum suê, trong một con ngõ nhỏ Quận 1, vắng bóng người qua lại là “khu vực nghiêm cấm người lạ” ra vào. Đó là nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ Phòng PC21, Công an TP. Hồ Chí Minh.

Công việc của họ là gì, dường như không mấy ai biết rõ ràng. Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, trong các vụ trọng án, các vụ chết người, trộm cắp, tai nạn... họ luôn có mặt sớm nhất và thầm lặng đi đến cùng vụ án.

Phải mất rất nhiều công sức, mất nhiều thời gian tôi mới gặp được họ, được trò chuyện với họ, bởi họ quá bận rộn. Hơn nữa, những bí mật phá án không phải lúc nào cũng có thể đưa lên mặt báo.

Để hiểu được công việc của các cán bộ chiến sĩ công an của Phòng PC21, ta phải hiểu được chức năng của phòng này.

Điều tra án ở "Phố Tây" Phạm Ngũ Lão, TP. HCM. 

Công việc bí ẩn

Phòng PC 21, gồm 2 đội chính là Khám nghiệm hiện trường và Giám định. Đội Khám nghiệm hiện trường có nhiệm vụ điều tra hiện trường các vụ án, các kiểu chết như chết chưa rõ nguyên nhân, chết do án mạng, hiện trường vụ trộm, cướp, các loại tai nạn...

Đội Giám định gồm tổ Giám định pháp y, Giám định truyền thống, Giám định hóa hình sự và Xét nghiệm vi thể.

Giám định pháp y có nhiệm vụ mổ xẻ tử thi, phán đoán và nhận định nguyên nhân gây chết người, cách thức giết người... Giám định hóa hình sự, gồm giám định ma túy, chất độc, thuốc nổ, lông tóc, nước tiểu, máu, và các vấn đề đến kỹ thuật có liên quan đến vụ án...

Công việc âm thầm của các cán bộ khoa học hình sự Công an TP. HCM. 

Giám định truyền thống gồm giám định vân tay, chữ ký, con dấu, tài liệu, tiền giả, âm thanh...

Tổ Xét nghiệm vi thể nghiên cứu, xét nghiệm tế bào, các loại vật phẩm có dấu vết liên quan đến vụ án. Mỗi tổ làm một loại công việc, song đều phối hợp chung để làm sáng tỏ các uẩn khuất, phanh phui sự thật vụ án.

Công việc, chức năng của họ thì là vậy, nhưng đi vào từng vụ án, từng vụ việc cụ thể lại nảy sinh vô vàn phức tạp, gian khó. Trong mỗi vụ án, người chiến sĩ của Phòng PC21 phải căng sức làm việc, thể hiện tài điều tra, suy luận, phán đoán để giúp trinh sát của các phòng khác truy bắt tội phạm, điều tra ra sự thật của vụ án.

Vết thương kỳ lạ

Nửa đêm một ngày hè cách đây chục năm, người dân Quận 9 kinh hoàng chứng kiến một vụ án giết người cướp xe bằng súng. Cách thức cướp của hung thủ vô cùng tàn bạo: bắn trước, cướp sau.

Nhìn bằng mắt thường các cán bộ PC21, CA TP. HCM nhận định, nạn nhân bị chết bởi hung thủ bắn như vãi đạn lên người, do trên thân thể nạn nhân có tới 5 lỗ thủng toang hoác.

Tiếp xúc chủ yếu với các mẫu vật. 

Tuy nhiên, những người ở gần khu vực đó lại khẳng định chỉ nghe thấy một tiếng nổ duy nhất. Vậy nạn nhân bị chết do một phát đạn hay bị bắn như vãi đạn? Câu trả lời này không có gì khó đối với bác sĩ pháp y khi tiến hành mổ xẻ thi thể nạn nhân.

Trực tiếp mổ pháp y vụ này là Thượng tá, bác sĩ Hoàng Xuân Đỉnh, người có kinh nghiệm 30 năm làm nghề "nói chuyện với xác chết". Bác sĩ Đỉnh đưa ra một kết luận: Chỉ có một viên đạn duy nhất bắn vào nạn nhân gây ra 5 vết thương là 5 lỗ thủng trên cơ thể, nhưng nạn nhân chết không phải do phát súng!

Nghe bác sĩ Đỉnh kết luận như vậy, anh em trong phòng cũng bật cười, không tin, còn anh em ở phòng khác nghĩ ông này tiếp xúc với xác chết nhiều quá nên tinh thần rối loạn. Ai cũng tận mắt chứng kiến vụ án, tận mắt soi xét thi thể, và rõ ràng đếm được tới 5 lỗ thể hiện đường đi của đầu đạn trên người nạn nhân.

Khám nghiệm hiện trường vụ án. 

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, anh quyết bảo vệ quan điểm trước lãnh đạo bằng những chứng minh rất khoa học và thuyết phục. Tất cả những thông tin như hướng đạn đi, tốc độ của viên đạn, vết đầu đạn đi vào, thoát ra thể hiện thế nào anh đều lý giải cặn kẽ.

Nạn nhân bị trúng 1 viên đạn mà thủng tới 5 lỗ trên cơ thể quả là một câu chuyện hy hữu. Nhưng xắp xếp, phân tích thông tin một cách lôgic anh lý giải thế này: Nạn nhân bị bắn khi đang cố trèo qua tường để chạy thoát. Khi đó, một chân nạn nhân co lên, một chân lại duỗi thẳng, còn người thì cố đu lên để vượt qua tường. Tên cướp đã đứng phía dưới đất chĩa súng lên trời rồi bóp cò.

Điều hy hữu là viên đạn đã đi xuyên qua phần mềm của chân duỗi, tiếp tục xuyên qua chân co rồi găm thẳng vào nách. Như vậy, hai lỗ vào - ra của viên đạn ở hai đùi đã tạo ta 4 lỗ thủng, cùng với một lỗ găm vào nách nữa là tổng cộng có 5 lỗ thủng chỉ do một đường đạn.

Chuẩn bị bắt phạm,. 

Tuy nhiên, viên đạn chỉ đi vào phần mềm nên không thể gây tử vong cho nạn nhân được, nạn nhân chết là do khi trúng đạn đã ngã đập đầu xuống đất và bị chấn thương sọ não.

Những đường mổ ở đầu nạn nhân phát hiện các vết tụ máu trong não là câu trả lời đầy thuyết phục, đầy khoa học. Chuyện giải thích của Thượng tá, bác sĩ Hoàng Xuân Đỉnh nghe tưởng như đùa, nhưng khi thực nghiệm tại hiện trường thì sự chính xác của kết luận là tuyệt đối.

Đó chỉ là những bước đầu tiên của quá trình phá án, truy bắt tội phạm. Tuy nhiên, đây là bước cực kỳ quan trọng, bởi chỉ cần một chút sơ xuất nhỏ như sợi tóc là vụ án sẽ lệch đi cả dặm hoặc đi vào ngõ cụt.

Tất cả những vụ án giết người bằng súng, việc đầu tiên các anh làm là phải tìm bằng được vỏ đạn, đầu đạn để xác định loại súng hung thủ sử dụng.

Qua phân tích vết thương, hiện trường, các anh sẽ xác định được đạn bắn từ hướng nào, tư thế bắn ra sao, tầm xa bao nhiêu, thậm chí cả giết người do cố tình, do cướp cò, hay bắn nhầm. Qua tất cả những thông tin trên sẽ nắm được những đặc điểm cơ bản của đối tượng giết người, từ đó khoanh vùng đối tượng để truy xét có hiệu quả.

Thượng tá Hoàng Xuân Đỉnh bề ngoài không có vẻ lạnh lùng của người ngày ngày tiếp xúc với những vụ giết người, với những thây người thối rữa, trương phềnh hoặc không còn nguyên vẹn.

Mỗi khi nhắc đến chuyện điều tra án, anh phân tích rành rẽ từng chi tiết một cách rất khoa học cả ngàn vụ án khác nhau mà anh và Phòng PC14 đã xử lý.

Mỗi vụ án là một bài học kinh nghiệm, bởi không vụ án nào không có những chi tiết mới. 30 năm làm công tác pháp y, khám nghiệm hiện trường anh đã có cả kho kinh nghiệm.

Anh khẳng định rằng, mọi dấu vết không thể nào xóa hết được, chỉ có điều người khám nghiệm hiện trường có thể tìm ra được hay không mà thôi.

Còn tiếp…

Phong Nguyệt

Bình luận
vtcnews.vn