Gò đất tự nhiên hay núi xương khổng lồ giữa Hà Nội?

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 14/08/2012 06:00:00 +07:00

Cuộc tranh luận gay gắt trong giới khoa học về đáp án Gò Đống Đa thực chất là gò tự nhiên hay là gò xác giặc Mãn Thanh xâm lược lại một lần nữa được xới lên.

Cuộc tranh luận gay gắt trong giới khoa học xã hội về đáp án Gò Đống Đa thực chất là gò tự nhiên hay là gò xác giặc Mãn Thanh xâm lược lại một lần nữa được xới lên. Cuộc tranh luận ấy chỉ được xới lên khi có một doanh nghiệp hảo tâm sẵn sàng đứng ra đầu tư để trùng tu tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa.

Vấn đề là, phương án trùng tu, tôn tạo lại phụ thuộc vào bài toán khó giải nêu trên. Các nhà sử học, các chuyên gia địa chất đầu ngành đã vào cuộc bằng những khảo cứu và kinh nghiệm nhiều năm của họ. Chúng tôi đã gặp nhiều người, nghe lý giải với nhiều chiều đáp án khác nhau và cũng đã có đáp án riêng của mình.

Từ một dự án văn hóa

Trước hết, phải nói rằng, việc Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đứng ra làm chủ đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa là một việc làm vô cùng cần thiết và rất đáng được biểu dương. Người dân Hà Nội hầu như ai cũng biết rằng, khu vực Gò Đống Đa gồm hai phần, di tích Gò Đống Đa và khu Công viên văn hóa Đống Đa. Di tích Gò Đống Đa có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử.

Quần thể di tích này được xem là biểu tượng tinh thần quật cường của dân tộc. Trở ngược lại dòng sự kiện, Gò Đống Đa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1962, có diện dích hơn 6.000m2. Trên gò từng có đền Trung Liệt, thờ những nhân vật lịch sử có công lớn với đất nước như: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu... nhưng đã bị phá hủy, chỉ còn dấu tích nền móng.

Gò Đống Đa 

Phần diện tích dành làm khu vui chơi sau nhiều năm dãi dầu mưa nắng nay đã trở nên nhếch nhác và bụi bặm. Trên diện tích không nhỏ hướng phố Đặng Tiến Đôngluôn tấp nập, nhộn nhịp mấy quán cà phê. Khách đến những quán này họ dựng xe bừa bãi trong khu vực trồng cây, chắn cả lối đi khiến khách tham quan đến đây phải quay lại hoặc đi vòng ra phía ngoài. Trong công viên vắng vẻ, nhiều ghế đá vỡ, gãy nằm chỏng chơ phủ bụi và rêu mọc xanh rì.

Một số đèn cao áp dù có bóng nhưng… không sáng! Cổng sau của công viên biến thành điểm rửa xe ôtô, xe máy. Ôtô đỗ thành hàng dài, nước rửa xe bắn tung tóe, tràn cả ra đường khiến cho khu vực này luôn luôn lầy lội. Đi sâu vào bên trong, khu nhà bảo tàng trưng bày các hiện vật về Vua Quang Trung đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khu nhà, trên các hiện vật bụi phủ dầy đến hàngcm, nhiều chỗ đã bị mối mọt…

Nhiều lần đến đây, cảm giác chung của tôi là thấy điều gì đó tiêng tiếc trước khung cảnh u ám của một di tích lịch sử mà đằng sau nó là cả một pho lịch sử hào hùng của dân tộc. Chính vì thế, việc có doanh nghiệp đứng ra đầu tư để tôn tạo khu di tích này là một cơ hội để biến đổi bộ mặt cho quận Đống Đa nói riêng và TP Hà Nội nói chung, tạo ra điểm vui chơi giải trí cho người dân trong bối cảnh khu vui chơi ngày càng hiếm.

Để chuẩn bị triển khai dự án, UBND quận Đống Đa đã phối hợp Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học nhằm tìm phương án tu bổ tối ưu. Viện Bảo tồn Di tích và chủ đầu tư dự án đã đưa ra hai phương án tôn tạo.

Phương án thứ nhất, phục dựng đền Trung Liệt, mở rộng và cải tạo lối vào di tích hiện nay, dựng lại cổng vào, tôn tạo sân phía trước gò thành sân lễ hội. Khu vực công viên sẽ giữ nguyên tượng đài nhưng quy hoạch lại cây xanh, cảnh quan cho phù hợp với tính chất khu di tích. Phương án thứ hai, đối với khu vực gò, sẽ xây một lầu bát giác để gợi nhớ dấu tích đền Trung Liệt.

Con đường đi dạo vòng quanh chân Gò Đống Đa đã xuống cấp 

Khu vực công viên sẽ tu bổ lại tượng Vua Quang Trung (hiện bằng chất liệu bê-tông) bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, di chuyển các phù điêu cho phù hợp với quy hoạch mới, tôn tạo lại cổng phía đường Tây Sơn thành cổng chính. Một phương án khác cũng được đề ra tương tự với phương án nêu trên, nhưng điểm khác biệt là di chuyển Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ đến vị trí phù hợp hơn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nội dung trong dự án đưa ra mà thôi. Nó đã dựa trên những đánh giá về tầm mức lịch sử mà các nhà khoa học đưa ra suốt một thời gian qua. Khi chiếu rọi sự thật lịch sử bằng những luận chứng và chứng cứ khoa học khác thì có người lại cho rằng, nếu dự án đi theo hướng này, sẽ là một sai lầm lịch sử. Vậy, sự thật ấy nằm ở đâu và những luồng ý kiến tranh cãi là như thế nào?!

Gò Đống Đa là nấm mồ khổng lồ?

Không phỏng đoán mơ hồ, không nghe ngóng tin đồn, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm linh, TS Vũ Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường đã khẳng định điều này qua những chứng cứ vật lý rất dị biệt của ông. TS Bằng không phải là nhà sử học, ông cũng không mấy quan tâm đến cuộc tranh cãi này.

Ông khẳng định điều đó vì Gò Đống Đa liên quan đến hài cốt và chiếc máy đo “tia đất” do ông chế tạo ra là để tìm hài cốt. Cũng phải nói thêm rằng, với lý thuyết vật lý và chiếc máy đo tia đất của mình, TS Bằng đã làm cho nhiều người kinh ngạc bởi khả năng phát hiện ra hài cốt rất chính xác chỉ bằng cách đo địa từ trên mặt đất.

TS Bằng cho biết: “Gò Đống Đa là một núi xương. Và không chỉ riêng Gò Đống Đa, cả thủ đô Hà Nội cũng chính là một nghĩa địa cổ khổng lồ. Tôi từng khảo sát về địa điểm này rất nhiều lần”.

Tiểu thương mở cả quán ăn trong khuôn viên Gò Đống Đa 

Trong buổi thực nghiệm đo đạc tại Gò Đống Đa gần đây nhất, số liệu cụ thể thu được như sau: Về xạ khí (sau khi đo bằng máy đo phóng xạ IF – 99A của Nhật): nằm ở mức cho phép 17/9 MSv/giờ (Micro Sievert); Về mức từ trường (đo bằng máy đo địa từ BPT-2000 của Đức): trong gò mức từ cao hơn, đạt mức 31.215nT so với phía bên ngoài gò chỉ có mức 27.150nT; Về tia đất (sau khi đo bằng máy địa bức xạ BXT09 do TS Vũ Văn Bằng sáng chế và đã được cấp bằng công nhận) đã phát hiện ra một dòng sông cổ ở phía dưới gò.

Theo TS Bằng, dòng sông cổ này có chiều rộng khoảng 28m, nằm ở độ sâu khoảng 20m so với mặt đất. Hướng chảy của dòng sông theo hướng từ tây sang đông (từ phía sau chảy ra phía trước gò) và đi qua trung tâm Gò Đống Đa, hơi lệch một chút sang phía nam.

Theo đó, toàn bộ Gò Đống Đa nằm trên một đống xương khổng lồ với mật độ dày đặc và tràn ra 2 phía đông và tây (là hướng chảy của dòng sông cổ). Khoảng cách hài cốt tràn ra so với Gò ở phía tây kéo dài tới 30m, rộng khoảng 13m (sát với khu vực tượng đài Vua Quang Trung). Trong khi đó, tại phía đông khoảng cách hài cốt tràn ra so với gò khoảng 35m, rộng khoảng 20m (sát với mặt đường Tây Sơn).

Ngoài ra còn có một vị trí tập trung nhiều hài cốt nằm ở phía bắc - tây bắc của gò với bề rộng khoảng 10m và kéo dài vào khu dân cư. Vị trí này được xác định là một ngòi lạch cổ nối liền với dòng sông đã nói trên. Theo TS Vũ Văn Bằng, số lượng hài cốt nằm ở dưới gò rất nhiều, tập trung thành từng đống và xếp chồng lên nhau, rất khó đếm. Tổng hợp tất cả các chỉ số sau khi đã khảo sát nói trên cho thấy, đây là khu vực có độ bức xạ và từ trường rất mạnh, vượt xa nhiều so với mức bình thường. Cũng có thể gọi là “đất dữ”, nếu dùng để xây nhà ở thì không phù hợp.

Khẳng định này của TS Bằng dường như ứng với những ghi nhận của một số người dân. Bà Phạm Thị Méo (72 tuổi, trú tại phường Quang Trung, Đống Đa), bán nước tại cổng Di tích Gò Đống Đa cho biết: “Theo các cụ nhiều đời trong làng kể lại thì đây là một trong những nơi chiến trường ác liệt trong trận Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Sau chiến thắng, xác giặc được đắp chôn thành các gò đống. Gò Đống Đa chỉ là một trong số đó”.

Việc một số khu vực xung quanh Gò Đống Đa khi đào lên phát hiện có rất nhiều hài cốt thì bà Méo khẳng định hoàn toàn có thật và bà từng chứng kiến. “Cách đây khoảng hơn chục năm, khu vực phía gần cổng Trường đại học Công đoàn có đội thợ thi công lắp ống nước. Khi đào sâu xuống dưới đất khoảng hơn 2m thì thấy rất nhiều hài cốt ở đấy. Một số hài cốt được bỏ vào tiểu sành, còn lại phần lớn đều nằm la liệt, chồng chất lên nhau theo kiểu chết và vùi chôn tập thể.

Người ta phải dùng xẻng để xúc và bỏ vào các túi nilon lớn rồi chuyển đi, phải 2-3 ngày sau mới dọn dẹp hết số xương ấy để thi công tiếp. Chính tôi là người đã mua vàng hương đem đến để cho đội thợ làm lễ cúng trước khi chuyển xương đi nên tôi biết rất rõ việc này”.

Và nếu khẳng định như TS Bằng thì Gò Đống Đa là nhân tạo. Ngoài ra, việc dựng tượng đài hoặc xây Đền thờ Quang Trung trên đỉnh gò, TS Vũ Văn Bằng khuyến cáo không nên. Ông giải thích: “Nếu xây miếu thờ hay Tượng đài Vua Quang Trung trên gò đồng nghĩa với việc mỗi khi lễ hội hay du khách đến thăm viếng đều phải tiến hành ở trên gò. Nơi đây có độ xạ khí và từ trường rất mạnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người”.

Thông tin ít ỏi

Song song với khẳng định của TS Bằng, để tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi tìm đến hỏi chuyện các cụ bô lão ở làng Thịnh Liệt, Đồng Quang xưa (nay là vùng Thái Hà, Hoàng Cầu, Thái Thịnh, Chùa Bộc...). Những thông tin đưa ra cũng chỉ là thông tin theo kiểu truyền miệng do người đời trước kể lại. Chính vì thế thông tin về Gò Đống Đa là rất ít.

Theo các cụ cao niên ở làng Thịnh Liệt thì nơi tọa ngự của Gò Đống Đa ngày nay xưa kia thuộc đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Đây cũng là một trong các chiến trường trong trận Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Sau chiến thắng như vũ bão, quân Tây Sơn giải phóng kinh thành Thăng Long, khu vực Đống Đa xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi. Vua Quang Trung cho thu nhặt lại, xếp thành 12 gò, sau gọi là “Kình nghê quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển).

12 gò xưa nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng và ở trong khu vực có tên là “xứ Đống Đa”. Vì trên các gò có nhiều cây đa mọc lên um tùm nên dân gian quen gọi tên là Gò Đống Đa. Điều này còn được ghi lại khá rõ trong bài thơ “Loa Sơn điếu cổ” (Viếng núi Ốc) của thi sĩ đương thời Ngô Ngọc Du:

“Thành Nam thập nhị kình nghê quán
Chiếu điện anh hùng đại võ công”

(Mười hai gò xác phía nam thành - Ngời sáng chiến công bậc anh hùng)

Đến năm 1851, do mở đường, mở chợ, quá trình đào xẻ thấy có nhiều hài cốt giặc, người dân đã thu nhặt chôn vào một hố to, sau đó đắp cao lên thành gò cạnh núi Ốc (Loa Sơn). Dần dần, ngôi gò mới này được đắp rộng và cao thêm, dính liền vào núi Ốc và cũng được gọi là Gò Đống Đa. Sau khi chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi tất cả 12 chiếc gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Do đó, Gò Đống Đa hiện nay thực chất là chiếc gò thứ 13 còn sót lại.

Trong nhiều bài viết, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã từng cho rằng, dưới thời Vua Minh Mạng, ông Đặng Văn Hòa - Tổng đốc Hà Nội xưa, khi mở mang vùng Nam Đồng, Thịnh Quang đã đào được rất nhiều hài cốt. Ông cho quân lính khiêng những hài cốt đào được đắp lên một gò cũ đã tàn. “Nguyên sơ ở vùng đó có 12 gò và gò còn lại là gò thứ 13. Đó là gò duy nhất may mắn giữ được cho đến ngày nay.

Ông Hòa từng cho xây dựng một ngôi chùa bên phía đông của gò, gọi là chùa Đồng Quang. Sở dĩ có tên là Đồng Quang vì xây trên địa phận đất chung của hai làng Nam Đồng - Thịnh Quang. Cạnh ngôi chùa này trước kia còn có một nghĩa địa chung, trong nghĩa địa có một bàn thờ gọi là “nghĩa chủng” - nơi thờ cúng các cô hồn vất vưởng, không nơi bám víu.

Hằng năm, đến ngày 5 tháng Giêng, người dân hai làng Nam Đồng, Thịnh Quang vẫn thường tổ chức giỗ trận - tức giỗ những người bị tử trận. Có ý kiến cho rằng, người tử trận ở đây là quân Thanh, người làm giỗ cho họ là những người đã làm nên chiến thắng Kỷ Dậu, điều đó thể hiện tấm lòng khoan dung, độ lượng của một dân tộc vốn ưa chuộng hòa bình.

Khu Tượng đài Quang Trung và Công viên văn hóa Đống Đa đã được xây dựng tại khu đất bên cạnh gò lịch sử này chính vào dịp kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Đống Đa. Quần thể này trông ra phố mang tên Đặng Tiến Đông, người được cho là chỉ huy trận đánh đồn Khương Thượng và đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Có thể nói rằng, TS Vũ Văn Bằng hay những nhân chứng sống còn lại ở một chừng mực nào đó đều có tính thuyết phục riêng. Nó dựa trên những khảo cứu khoa học và những chắp nối logic rất đáng để lắng nghe. Nó liên quan trực tiếp đến tinh thần bản dự án mà nhà đầu tư, các cơ quan chuyên môn, quận Đống Đa và TP Hà Nội đang ngày đêm trăn trở để tìm ra phương án khả thi nhất. Tuy nhiên, vẫn còn đó những ý kiến hoàn toàn ngược lại những ý kiến nêu trên và cũng rất xác đáng, thuyết phục mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở bài sau.

Đống Đa là gò thiên tạo

Quan điểm cho rằng, Gò Đống Đa là một núi hài cốt khổng lồ vốn đã là suy nghĩ mặc định của người dân Hà Nội và người dân cả nước trong nhiều năm qua. Việc đặt tượng Vua Quang Trung, xây dựng đền thờ, công viên văn hóa và mở hội hằng năm tại đây cũng do quan điểm cho rằng, đây chính là địa điểm diễn ra trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa, một trận quyết chiến bất hủ quyết định cho chiến dịch đánh đuổi quân Mãn Thanh, giành lại chủ quyền cương thổ. Thế nhưng theo nhiều học giả, những quan điểm này hoàn toàn sai lầm và việc tu bổ, tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa nếu theo những chi tiết lịch sử này sẽ đi lệch chuẩn.

Lịch sử là tiếng nói của quá khứ, là tiếng vọng thiên thu của hồn dân tộc, soi rọi đến ngàn đời sau cho con cháu noi theo. Sự thật chỉ có một và đương nhiên, sự thật trong lịch sử cũng chỉ có một mà thôi. Vấn đề là, thời gian nghiệt ngã bào mòn chứng tích, mưa nắng rồi binh đao làm mất dấu quá khứ. Việc tìm lại sự thật lịch sử, đưa mọi thứ về đúng chỗ của nó cũng là việc biết ơn với thế hệ cha ông. Việc tìm ra sự thật trước những luồng thông tin trái chiều về Gò Đống Đa cũng là việc như vậy.

Tượng Vua Quang Trung ở Gò Đống Đa được coi là bức tượng đẹp nhất của vị vua này 

Để rõ ràng hơn nữa mọi chuyện, chúng tôi đã tìm gặp Giáo sư sử học Lê Văn Lan, ông khẳng định ngay: “Chẳng có gì phức tạp hết, sự thật đã sáng tỏ như ban ngày rồi. Gò Đống Đa là gò thiên tạo, nhưng cũng có hài cốt dưới đó”. Vậy, sự thể ấy là như thế nào?

Theo GS Lê Văn Lan, hiện có nhiều người hiểu cụm từ “Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789” chỉ cả trận đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi là không đúng. Đây chỉ là một trận đánh mang tính chất quyết định cho toàn bộ thắng lợi do nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ tổ chức. Gọi đúng tên chiến dịch này thì phải gọi là: “Chiến dịch giải phóng Thăng Long mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789”.

Ngày nay, nhiều người vẫn tin rằng, Gò Đống Đa chính là địa điểm diễn ra trận Ngọc Hồi - Đống Đa ác liệt nhất. Nhưng sự thực thì không phải như vậy. Xin được lược lại một vài chi tiết chính trong chiến dịch thần tốc mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Đêm 30 tết năm 1789, quân Tây Sơn do Quang Trung chỉ huy vượt sông đánh đồn Gián Khẩu của quân cần vương nhà Lê. Quân Lê tan vỡ. Ngày 3 tháng giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi cách Thăng Long khoảng 10 dặm. Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát thần tốc của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng.

Nhưng khi tiến quân tới Ngọc Hồi, Quang Trung không đánh ngay. Quân Thanh bị động cũng không dám giao tranh trước nhưng cũng không biết bị tấn công khi nào. Cả ngày mùng 4, Quang Trung chỉ cho quân khoa trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân Thanh. Khi Quang Trung diễu võ ngoài đồn Ngọc Hồi, Đô đốc Long đang trên đường bắc tiến hướng đến Sơn Tây - nơi có đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh - thì bất thần rẽ sang làng Nhân Mục nay thuộc xã Nhân Chính và Khương Đình, rồi nửa đêm bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống.

Các thớt voi của Tây Sơn đều có đại bác trên lưng nã vào đồn. Quân Thanh bị đánh bất ngờ trong đêm tối, chết rất nhiều, tan vỡ bỏ chạy. Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4, đô đốc Long tiến vào bắn phá đồn Nam Đồng ở phía tây thành Thăng Long.

Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo việc đồn Khương Thượng thất thủ thì Đô đốc Long đã diệt xong đồn Nam Đồng và tiến vào đánh bản doanh của Nghị ở Thăng Long.

Sáng mồng 5 tết, khi Đô đốc Long tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi. Mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi lui lại, giẫm lên nhau, lùi về đồn. Quân Thanh không dám ra nữa, cố thủ trong đồn bắn ra.

Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc bện rơm ướt tiến lên hãm đồn. Hỏa lực quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.

Câu nói nổi tiếng của Vua Quang Trung đước khắc trên bia đá ở Gò Đống Đa 

Chiều mồng 5 tết, Quang Trung và đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân. Chiến dịch giải phóng Thăng Long thành công ngoài mong đợi.

Trong chiến dịch này, những trận kịch chiến ở Khương Thượng (hay Đống Đa) và Ngọc Hồi là lớn nhất, ác liệt nhất, mang tính quyết định nhất trong toàn bộ chiến dịch bắc tiến đánh quân Thanh của Quang Trung. Vì vậy, mặc dù chiến dịch phá quân Thanh còn nhiều trận đánh khác nhưng đời sau vẫn thường gọi trận chiến này là trận Ngọc Hồi - Đống Đa.

Thế nhưng, địa điểm diễn ra trận đánh này thực chất là diễn ra ở Loa Sơn, nay là khu vực phía sau của Trường đại học Thủy lợi, cách xa khu vực Gò Đống Đa bây giờ.

Có những nhận định sai lầm

Trở lại với vấn đề coi Gò Đống Đa là nhân tạo hay thiên tạo, TS Nguyễn Hồng Kiên thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Câu chuyện xương chất thành gò chỉ là truyền thuyết, nếu có thì cũng không đáng kể và không thể đắp thành gò được, cần phải hóa giải bằng các chứng cứ khoa học cụ thể.

TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết: “Khi khai quật Di tích đàn tế Xã Tắc ở gần Ô Chợ Dừa, tôi đã trình bày tại nhiều cuộc báo cáo, thậm chí cả ở Văn phòng Chính phủ rằng: Khu vực đàn tế, Gò Đống Đa và cả Gò Đống Thây ở tận dưới phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội)... là các gò cao tự nhiên có tuổi thành tạo địa chất tố cách ngày nay tới… 4.000 năm”.

Theo TS Kiên, các cơ sở để khẳng định điều đó là: Nếu lấy mốc bề mặt di tích thời kỳ nhà Lê (+ 6, 267m) so sánh với địa hình xung quanh có thể thấy rõ địa hình có xu thế thấp dần về phía tây bắc, tây và nam. Các điểm có độ cao lân cận trong khoảng cách 1 đến 1,5km đều thấp hơn, chỉ cao từ 4,5 đến 6,1m.

Theo bản đồ địa hình khu vực Hà Nội năm 1926 của người Pháp (Service Géographique de LIndochine) cho thấy, khu Di tích đàn Xã Tắc nằm trên một dải địa hình cao hơn xung quanh có hướng chủ đạo gần tây bắc - đông nam; Kết hợp đặc điểm trầm tích của tầng đất nâu, nâu gụ nằm sát dưới di tích được xác định tuổi Holoxen muộn có nguồn gốc thành tạo do sông.

Như vậy, có thể xác định đàn tế Xã Tắc được người xưa xây dựng trên một gò tự nhiên mà gò này còn sót lại của bãi bồi cao được thành tạo khoảng 4.000 năm trước đây. Và vì thế, theo TS Nguyễn Hồng Kiên, trường hợp Gò Đống Đa cũng không ngoại lệ.

Chân cột đá còn lại tại nền miếu Trung Liệt xưa trên đỉnh Gò Đống Đa 

GS Lê Văn Lan thì cho rằng, đang có những nhận định rất sai lầm về Gò Đống Đa. Theo lịch sử ghi lại thì Đống Đa khi xưa là tên một “xứ” rộng, bao gồm nhiều gò, đống, đồng bãi, trong đó có khu vực “Chùa Bộc” (Bộc Am) - nơi bộc lộ chồng chất những thây xác chết trận, có Gò Núi Ốc (Loa Sơn) - nơi đóng trại và cũng là nơi treo cổ tự tử của tướng Sầm Nghi Đống (bây giờ ở mé sau Trường đại học Công đoàn) và quả gò bây giờ đang mang tên “Gò Đống Đa”.

Nhiều người và tài liệu, sách báo, thường vẫn coi đây là “quả gò thứ 13” thuộc 12 quả gò làm bằng xác quân Thanh chết trận, được Vua Quang Trung cho gom lại, đắp nên. Sở dĩ gọi gò bằng con số 13, là vì từ khoảng dăm chục năm nay có thuyết cho rằng: Vào năm Tự Đức thứ tư (1851), khi quan Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai cho mở đường, mở chợ qua “xứ Đống Đa”, vẫn thấy nhiều xương cốt, nên đã cho thu thập, đắp điếm thêm và thành một quả gò nữa. Chính là quả gò đang mang tên là Đống Đa bây giờ.

Theo GS Lê Văn Lan, điều này hoàn toàn không chính xác.

Trước hết, không có chuyện Vua Quang Trung cho đắp xác giặc Thanh thành “12 quả gò xác”, thậm chí còn là để “biểu dương chiến công của quân ta và cảnh cáo các thế lực ngoại xâm” như nhiều tài liệu gần đây đã viết. Vị chủ soái thiên tài của Chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa chắc chắn là một vị “nhân tướng” (trên thang bậc “xếp hạng” các tướng lĩnh ngày xưa, từ “dũng tướng” lên “trí tướng” rồi mới tới được bậc “nhân tướng”).

Bằng chứng là tấm lòng xót thương những kẻ trận vong, nhân hậu đối với các tù hàng binh, thể hiện rất rõ trong văn bản “chiếu phát phối hàng binh nội địa” do Ngô Thì Nhậm phụng thảo, nhưng Quang Trung đứng tên và cho ban hành, thực hiện ngay sau khi kết thúc chiến dịch.

Bằng chứng mà GS Lê Văn Lan đưa ra để chứng minh Gò Đống Đa là một cao điểm tự nhiên, ít nhất thì cũng đã được nhận diện ở đây từ thế kỷ XVII rồi chính là tấm bia chùa Càn An, phía bắc Gò Đống Đa được xây dựng vào năm 1621 hiện ở phía bắc quả gò và chỉ cách gò khoảng 300m còn đang có câu nói rõ về cao điểm này, là: “Trước mặt (chùa) có ngọn núi đất (thổ sơn) ở về phía nam”.

Ngôi chùa này được xây dựng trước đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) rất xa. Vì thế, chắc chắn rằng, Gò Đống Đa đã có từ trước năm 1789 và nó là gò thiên tạo mà theo các nhà khảo cổ thì đó là chứng tích của những doi đất ven sông Tô Lịch cổ.

Vậy, những hài cốt phát lộ dưới chân Gò Đống Đa thì từ đâu ra. Việc này được GS Lan lý giải rằng, thực ra thì 12 gò hài cốt quân Thanh là do Tổng đốc Đặng Văn Hòa, vào thời Thiệu Trị (1840-1847) sau thời Quang Trung cả nửa thế kỷ đã cho gom đắp nên.

Những “đống xương vô định” này nhỏ thôi, cho nên đã dễ bị đời sau san bằng. Còn quả gò Đống Đa rộng hơn 6.000m2, cao hơn 10m làm sao tạo thành từ đống mồ xác giặc được? Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai, vào năm Tự Đức thứ tư (1851) chỉ cho chôn những chiếc tiểu sành đựng cốt người tìm thêm được - mà ngày nay thỉnh thoảng vẫn phát lộ ra ở một vài nơi quanh chân gò.

Hiện tại, mặt Gò Đống Đa hướng ra phố Tây Sơn chạy qua trước gò, vẫn còn chiếc cổng với ba chữ Hán ở trên vòm cổng: “Trung Liệt Miếu”. Đây chính là chiếc cổng dẫn lên tòa kiến trúc xưa ở trên đỉnh gò, vẫn được quen gọi là “Đền Trung Liệt”, mà nay chỉ còn lại vài hàng gạch nền làm dấu tích. Những người đi trên đường Tây Sơn, qua gò Đống Đa ngày nay, không mấy ai biết ngôi miếu này thờ ai. Có người còn cho đây là nơi thờ Vua Quang Trung, từ năm 1946!

Thực ra, đây là nơi thờ ba vị tướng của triều Nguyễn là Đoàn Thọ, tử trận ở Lạng Sơn, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, đều chết theo trận đánh thành Hà Nội của thực dân Pháp.

Đó là dụng ý của Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải. Dinh thự viên quan lớn của triều đình nhà Nguyễn và thực dân xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX này - còn gọi là “Ấp Thái Hà”, ở sát ngay cạnh Gò Đống Đa. Đứng ra xây dựng đền Trung Liệt trên đỉnh gò, thân ý của Hoàng Cao Khải là muốn biến kiến trúc tín ngưỡng này thành nơi thờ phụng chính ông ta.

Cho nên lúc đầu, nơi đây chỉ thờ có “Tam Trung” họ Đoàn, Nguyễn, Hoàng. Nhưng sau, phát triển theo công thức “Song trung, nhị liệt” (để thành tên gọi “Trung Liệt”), Hoàng Cao Khải đã cho thờ thêm ở đây cả Trương Quốc Dụng, một đồng hương của ông ta, chết trong lần đi trấn dẹp cuộc nổi dậy của “giặc” Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên.

Bị nhân dân và “sĩ phu Bắc Hà” kịch liệt phản đối, ý đồ của Hoàng Cao Khải bất thành. Và ngôi đền Trung Liệt, xây khiên cưỡng trên Gò Đống Đa, sau thời gian “xuống cấp” thì cũng được “hạ giải”. Tuy nhiên, những tình huống, nhận thức, kinh nghiệm... tế nhị, tinh vi, phức tạp - trong sự và thế ứng xử đối với những người đã tử vong trong trận mạc ngày xưa, thì vẫn còn đó.

Vậy, tại sao Gò Đống Đa lại được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Quốc gia vào năm 1963. GS Lê Văn Lan cho biết: Gò Đống Đa được xếp hạng bởi ý nghĩa và giá trị của chính nó là cao điểm duy nhất còn sót lại trên chiến trường “xứ Đống Đa” xưa. Và xếp hạng luôn cả một di tích kiến trúc tín ngưỡng ở trên đỉnh gò nữa.

Chọn phương án nào?

Như vậy, những nghi vấn lịch sử có vẻ như đã được sáng tỏ. Cơ quan quản lý Di tích Gò Đống Đa là UBND quận Đống Đa đang rất tâm huyết và đau đáu trước sự xuống cấp của di tích này. Đương nhiên, trước thực trạng ấy, UBND quận Đống Đa đang rất muốn tu bổ lại di tích này càng sớm càng tốt.

Trong quá trình xây dựng dự án, UBND quận Đống Đa và chủ đầu tư đã thống nhất chọn đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn di tích. Theo GS Lan, đây là đơn vị chỉ mạnh về kỹ thuật bảo tồn nhưng yếu về chuyên môn lịch sử. Vì có những hiểu lầm về địa lý học, sử học, về địa bàn Đống Đa nên họ khá lúng túng trong việc đề xuất phương án tu bổ Di tích Gò Đống Đa, trong đó có những phương án sai lầm.

Hiện tại, phương án tu bổ Công viên văn hóa Gò Đống Đa được đưa ra là: khu vực Tượng đài Vua Quang Trung sẽ được giữ nguyên nhưng phục dựng lại miếu Trung Liệt tại vị trí cũ trên đỉnh Gò Đống Đa; mở rộng và cải tạo lối vào di tích hiện nay, dựng lại cổng vào. Tuy nhiên, việc phục dựng miếu Trung Liệt tại vị trí nền cũ trên đỉnh Gò Đống Đa bên cạnh cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh thì GS Lê Văn Lan cho rằng, miếu Trung Liệt trên gò không liên quan gì tới Vua Quang Trung và Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Phương án thứ hai là, sẽ tu bổ lại Tượng đài Vua Quang Trung bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, di chuyển các phù điêu phía sau tượng đài cho phù hợp với quy hoạch mới, trên đỉnh gò sẽ xây dựng lầu bát giác, đóng vai trò lưu giữ dấu ấn của đền Trung Liệt. Hy vọng rằng phương án này sẽ là phương án phù hợp nhất với những chứng tích lịch sử để lại nơi này.


TheoNăng Lượng Mới

Bình luận
vtcnews.vn