Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 13/07/2012 04:45:00 +07:00

(VTC News) - Mặt trống đồng chính là bộ sử hạnh phúc loài người. Đó có lẽ cũng là khát vọng mà người Việt hướng đến.

(VTC News) - Mới đây, bên ấm trà đậm hương Việt, các nhà nghiên cứu cổ sử Việt Nam, trầm ngâm kể về một người, mà họ tôn vinh là triết gia bị quên lãng của nước Việt. Người ấy dành cả cuộc đời nghiên cứu cổ sử Việt, viết tới 46 đầu sách, chỉ để khẳng định rằng, nền minh triết Việt đã có từ mấy ngàn năm trước, trước cả người Trung Hoa. Chuyện này thật lạ!

Người Việt là một phần của cái nôi nhân loại

Người ấy là giáo sư Lương Kim Định, người trọn đời chỉ làm một việc, ấy là giải mã những thông điệp của người xưa, để tuyên bố với thế giới rằng, người Việt không phải là một dân tộc nhỏ bé, nước Việt cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Cố GS. Lương Kim Định. 

Cố GS. Lương Kim Định sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Từng giảng dạy ở Việt Nam. Sau này, ông du học sáng Pháp, rồi Mỹ. Mấy chục năm sống ở nước ngoài, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu cổ sử Việt. Ông đã chứng minh cho thế giới này hiểu rằng, nền triết lý Việt đã có từ rất lâu đời, thậm chí có trước cả Trung Hoa.

Bằng những nghiên cứu của mình, ông khẳng định tổ tiên người Việt chính là người Viêm Việt. Dân tộc này vốn ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Dương Tử và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thần, lấy nhu thuận là cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp.

 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng từng chứng minh Kinh Dịch là của người Việt qua bãi đá cổ Sapa. 

Sau này, bộ tộc du mục, ấy là người Hoa, đã tràn từ phương Bắc xuống. Họ mang tinh thần võ biền, đàn áp, đẩy người Viêm Việt xuống phía Nam. Người Viêm Việt di tản đến khắp vùng Đông Nam Á rồi phân hóa thành nhiều chủng tộc khác nhau.

Luận thuyết này được ông đưa ra từ rất lâu rồi, nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa. 45 năm sau khi ra đời luận thuyết của ông, khi khoa học hiện đại phát triển, ngành khảo cổ nghiên cứu qua nhiễm sắc thể (ADN), đã chứng minh rằng, dân cư Đông Nam Á xuất phát từ một chúng tộc khác người Trung Nguyên.

 

Theo bản đồ di dân qua nhiễm sắc thể, được các nhà khoa học thế giới công nhận, thì con người hiện đại Homo Sapien, đã xuất phá từ châu Phi đi khắp thế giới. Một nhánh người đi qua Tây Tạng, một nhánh qua Bắc Mông Cổ, gặp nhau ở châu thổ Hoàng Hà, lập ra nền văn minh Trung Nguyên, khởi thủy nền văn hóa Trung Hoa bây giờ.

Một nhánh di chuyển theo ngả Ấn Độ, dừng lại ở châu thổ sông Hồng, và lập ra nền văn hóa Hòa Bình (20.000 – 5.000 năm TCN). Từ đây, họ di cư lên phương Bắc, đến tận sông Dương Tử, ra tận biển, định cư ở các đảo Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai.

Lương Kim Định nhìn thấy Việt triết sống động trong đời sống hàng ngày của dân tộc. Nó là những nếp sống, những tư tưởng nằm trong tiềm thức được thấm nhuần qua tiếng nói, ca dao, lời ru, phong tục. Việt triết được thể hiện và phát huy qua những bước chân âm thầm của các bà mẹ Việt, những người bố Việt trên những nẻo đường mòn của dân tộc trong bao thế hệ.

Trống đồng là báu vật của người Việt. 

Theo nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, từ những phát hiện này, cùng hàng ngàn chứng cứ mà ông nêu trong các cuốn sách của mình, ông khẳng định rằng, người Việt đã xây dựng một nền văn hóa nông nghiệp Việt nhân bản và minh triết, mà ông gọi là Việt Nho.

Người Hoa đã học rồi thể chế thành kinh điển, đồng thời cũng làm sa đọa Việt Nho theo tư tưởng của văn minh du mục Mông Cổ.

Từ chứng lý rất mong manh, GS Lương Kim Định cho rằng, chính người Việt là chủ nhân của kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc... Không những thế, tiếng Trung Hoa và cả chữ vuông Hán ngữ cũng là của người Việt!

Đề xuất của GS. Lương Kim Định quả đã gây chấn động, như sấm giữa trời quang khiến những đầu óc yếu đuối hoảng hốt và chống trả ông quyết liệt.

Triết Việt trên trống đồng

GS. Lương Kim Định gần như cả cuộc đời nghiên cứu chiếc trống đồng của người Việt. Tinh hoa văn hóa của người Việt đều dồn tụ vào những hình ảnh trên mặt trống. Ông nhìn thấy cả lịch sử Việt, văn hóa Việt, triết lý Việt trên chiếc trống đó.

Theo GS. Định, những hình người có cánh trên mặt trống đồng đại diện cho Mẹ Tiên, còn hình ảnh vòng ngoài vận hành ở tang trống chính là Rồng Cha. Mẹ Tiên và Rồng cha hợp nhau biểu thị đất trời hòa hợp, là thứ minh triết uyên bác xa xưa.

 
Mặt trống đồng biểu trưng của nguyên lý thống nhất từ vũ trụ. 

Nét dọc tang trống là Trời, nét ngang là mặt trống là Đất. Hai thứ ấy làm nên thực thể gọi là nhạc khí vũ trụ.

Vũ trụ thể hiện kích thước bao la của trời với đất. Cuộc hòa âm này chiếu giải lên toàn thân trống, tả lại một xã hội hạnh phúc tưng bừng đang ca múa gồm cả trời (mặt trời), đất (thuyền rồng, các con vật) và cả người.

GS. Lương Kim Định đã giành cả cuốn sách chỉ để mô tả triết lý Việt trên chiếc trống đồng. Đã có vô vàn phát hiện thú vị của ông. Thậm chí, những con số cũng đều theo quy ước bí ẩn của văn hóa cổ.

Mặt trời ở giữa mặt trống thay cho trời làm trung tâm lan tỏa sức sống. Mặt trời tỏa ra 14 tia sáng. Rồi đến các vòng ngoài đều chia ra 2 bên chẵn lẻ.

Bên chẵn thì trên nóc nhà có 2 con chim, 6 người, đàn chim 4 cặp. Bên lẻ thì trên nóc nhà có 1 con chim, đoàn người 7, đàn chim 3 cặp. Vòng ngoài cùng chia làm 4 chỉ 4 chiếc hoa quỳ 9 cánh: 4x9=36, cũng có thể chỉ 4 phương. Nhưng mặt trời ở giữa, còn gợi ra suy nghĩ là bông hoa.

Mặt trống đồng chính là bộ sử hạnh phúc loài người. 

Hoa quỳ lại có 9 cánh. Số 9 là tiên thiên của huyền sử, dân Lạc Việt lấy số 9 làm quan trọng, nhân với 2 thành 18. 18 chim to, 18 chim nhỏ. Số 18 là huyền số như: 18 ngàn năm Bàn Cổ, 18 đời Hùng Vương, 18 thước cao của ngựa Thánh Gióng...

Từ những hình ảnh trên trống đồng, đã hiện ra đời thực. Trên các đình làng Việt Nam thể hiện rõ nhất triết lý đó. Ðình là cái nhà có ba tầng kiểu nhà sàn: Nóc có chim đậu chỉ trời, người ở sàn giữa, bên dưới là đất. Trong đình cũng có 3 tầng như vậy, tức gồm cả tế tự cho trời, hành chính chia ruộng đất, còn người thì vui sống đình đám chơi xuân.

Điều đặc biệt, là cả trên trống đồng và đình làng Việt, đều thể hiện vạn vật giao hòa, trời và người là một, chẳng có gì tục với thiêng mà phải riêng rẽ. Cuộc sống đời thường luôn tưng bừng đình đám, chấp nhận mọi sinh thú ở đời.

Từ hình ảnh trên trống đồng, có thể thấy cuộc sống sinh động của người Việt xưa. Người Việt có hàng trăm điệu hò, điệu múa, nào là múa sinh tiền, múa sắc búa, múa chai, múa trống, múa đèn, múa dậm, múa bông lau...

Rồi các trò đua thuyền, kéo chữ, đánh cờ người, rối nước, rối cạn… Đó là những cuộc vui bất tận tỏa ra khắp cả nước. Chỉ có một thứ văn hóa, ấy là văn hóa toàn dân, không hề có chiến tranh tôn giáo hay ý thức hệ. Hơn 50 sắc dân thiểu số với những tín ngưỡng rất khác nhau, mà vẫn sống bên nhau suốt bao nhiêu ngàn năm hạnh phúc.

Đó chính là nét đặc sắc của nền văn minh Lạc Việt, nền văn minh được khắc họa cụ thể trên mặt trống đồng. Mặt trống đồng chính là bộ sử hạnh phúc loài người. Đó có lẽ cũng là khát vọng mà người Việt hướng đến. Triết lý Việt chính là sự thăng hoa tột cùng của hạnh phúc loài người.
Tưởng niệm 15 năm ngày mất của GS Lương Kim ĐịnhSáng 14/7/2012, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, nhân 15 năm ngày mất của triết gia Kim Định, Trung tâm Minh triết phối hợp với Trung tâm Lý Học Đông Phương lần đầu tiên tổ chức buổi tọa đàm tưởng niệm về ông.

Triết gia Kim Định (tên đầy đủ Lương Kim Định, sinh ngày 15/6/1915, mất ngày 25/3/1997) là một gương mặt văn hóa lớn của đất nước, đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ hơn 40 đầu sách về những lĩnh vực triết học, văn hóa, đặc biệt là cổ sử Việt Nam… Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam và là người đề xướng thuyết Việt triết (Việt Nho) với những trụ cột triết lý: an vi, nhân bản, thái hòa, bình sản. Nhiều học giả trong nước tiếp nhận hướng nghiên cứu và phương pháp luận của ông đã có những công trình học thuật có giá trị. Môn đệ của ông ở nước ngoài trong làng An Việt đang tiếp tục công cuộc nghiên cứu của ông và theo đuổi một lối sống minh triết đáng quý.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của 30 nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, những người yêu sử Việt trong đó đáng chú ý sẽ có các tham luận của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Trần Ngọc Linh, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Các nhà nghiên cứu đánh giá đúng công sức của triết gia Kim Định trong công cuộc truy tìm cổ văn hóa sử và minh triết của Việt tộc. Ông đã có những dự đoán tài tình, ngày càng được khoa học liên ngành khảo cổ, cổ thư, nhân chủng xác minh luận điểm của ông là có cơ sở.


Dương An Phát

Bình luận
vtcnews.vn