Lạ lùng những “dị nhân một ngón” tài hoa ở Hà Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 17/05/2012 08:27:00 +07:00

(VTC News) - Ông Tiến cho biết, đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu đến và đi nhưng không ai xác định được dòng họ nhà ông bị bệnh gì.

(VTC News) - Ở thôn Hoàng Lý (Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam), có hai gia đình tật nguyền, chân tay một ngón từ đời này sang đời khác, khiến không ai không khỏi xót xa chạnh lòng.

Nằm sâu trong ngõ nhỏ, là căn nhà cấp bốn lợp ngói đã cũ kĩ, tường xuất hiện vết nứt. Ông Nguyễn Hữu Tiến đang loay hoay cắt tỉa cây cảnh, nở nụ cười mời chúng tôi vào nhà trò chuyện.

Dòng họ thiếu ngón

Thấy tôi ngạc nhiên với đôi tay một ngón mà cắt tỉa thoăn thoắt, ông Tiến chia sẻ: “Do mỗi bàn tay chỉ có một ngón nên việc cầm kéo phải dùng cả hai bàn tay. Lúc đầu rất khó khăn nhưng làm nhiều thành quen. Bây giờ thì tôi làm thành thạo như người bình thường rồi”.

Ông Tiến cắt cây rất thuần thục. 

Ông Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1939 trong một gia đình có 6 người con. Ông là con thứ ba. Em trai ông là Nguyễn Văn Tuấn, chung cảnh ngộ “tứ chi thiếu ngón”. Cả làng, cả xã không ai bị căn bệnh lạ như hai anh em ông.

Những tưởng đó chỉ là dị tật bẩm sinh, nhưng sau khi lấy vợ và sinh con, ông Tiến đã bàng hoàng khi biết căn bệnh của mình là di truyền.

Ông có 7 người con thì hai người bị bệnh như ông. Ông Tuấn, em trai của ông cũng lâm vào cảnh tương tự khi con cái đều một ngón như bố.

Gia đình nhỏ của ông Tiến. 

Vợ ông Tiến qua đời vì bạo bệnh. Hơn chục năm sau ông đi bước nữa. Người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Thỉnh. Bà Thỉnh sinh được một người con nhưng cũng bị căn bệnh thiếu chi như bố.

Ông Tiến cho biết, đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu đến và đi nhưng không ai xác định được dòng họ nhà ông bị bệnh gì.

Tài hoa một ngón

Ông Tiến thích nhất câu văn: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh bước qua ranh giới ấy” (Truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải). Ông Tiến không hề mặc cảm với số phận, mà luôn phấn đấu vươn lên.

Ông Tiến kể, ngày bé, thấy đám bạn đi xe đạp, ông thèm lắm, nên quyết chí tập đi. Với bàn tay, bàn chân thiếu ngón như thế, việc cầm lái và giữ thăng bằng rất khó khăn. Nhưng sau hơn một năm nỗ lực tập đi, ông đã thành công. Thời chiến tranh, bom đạn, ông nhiều lần đạp xe từ Hà Nam vào Thanh Hóa.

 
Ông Tiến viết chữ rất đẹp. 

Sau này, có xe máy, ông cũng tập đi. Không ít lần ngã trầy xước, nhưng ông không bỏ cuộc. Thời gian công tác, ông toàn đi xe máy từ Hà Nam lên Hà Nội.

Dù tật nguyền như vậy, nhưng 1963 ông vẫn đi thi và học ở Trường Trung cấp Ngoại ngữ (Hà Nội). Ra trường, ông tham gia dạy học. Gõ đầu trẻ được nửa năm thì chuyển sang làm việc tại Ngân hàng tỉnh Hà Nam.

Dù bàn tay chỉ có một ngón nhưng ông viết chữ rất đẹp. Chữ ông đẹp đến nỗi người dân trong vùng đều nhờ viết giấy khen, giấy báo hiếu hỉ. Nhưng niềm đam mê lớn nhất của ông là dịch chữ Hán cho các đình chùa, miếu mạo.

 

Ước nguyện tuổi xế chiều

Nhìn đứa con đang ngồi chơi ngoài sân ông Tiến ngậm ngùi ứa nước mắt. Cậu con muộn với người vợ hai, em Nguyễn Duy Đạt (12 tuổi), đang là học sinh cấp hai, cũng mang di chứng như cha. Ông luôn dạy con phải cố gắng học giỏi, không được bi quan với số phận.

Em Đạt cũng như bố, dù tay chỉ có một ngón nhưng viết chữ rất đẹp và học rất giỏi. Em làm được mọi việc trong nhà để phụ giúp bố mẹ.

Đôi bàn chân của em Đạt. 

Ông Tiến tâm sự: “Nó thông minh và hiếu học lắm, nhưng tôi đã ở tuổi xế chiều rồi, lỡ có chuyện gì không biết nó bấu víu vào đâu nữa”.

Hằng ngày, ông Tiến vẫn miệt mài viết và dịch chữ Hán để kiếm tiền, phụ thêm với khoản lương ít ỏi nuôi con.

Hàng ngày, ông dành nhiều thời gian dạy con chữ Hán, đan lát, cắt, vẽ… để sau này, khi ông qua đời, Đạt có nghề kiếm sống.


Hoàng Anh

Bình luận
vtcnews.vn