Chuyện ở nơi tàn sát cò trắng

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 16/05/2012 05:37:00 +07:00

(VTC News) - Đàn cò đã liệng cả xuống bẫy của Toàn “híp”. Hàng chục người chạy ra nhặt cò dính nhựa và lần tìm chúng khắp cánh đồng.

(VTC News) - Đàn cò đã liệng cả xuống bẫy của Toàn “híp”. Hàng chục người chạy ra nhặt cò dính nhựa và lần tìm chúng khắp cánh đồng.

Những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát vùng ven biển Thái Thụy, Thái Bình, từ bao đời nay đã trở thành bến đậu cho từng đàn cò bay về sau mùa di cư tránh rét ở phương Nam.

Thế nhưng, mùa tụ quê cũng là lúc chúng phải đối mặt với “thiên la địa võng” của những thợ săn chuyên nghiệp giăng bẫy khắp nơi.

Mỗi ngày có đến cả ngàn, cả vạn thân cò dính bẫy, bị bày bán đủ cả sống, chín, thui vàng khắp các chợ quê và trở thành món ăn ưa thích của người dân vùng biển này.

Cò đậu ở rặng dừa ven biển Thái Thụy, địa phận xã Thụy Duyên. 

Cao thủ bẫy cò

Ở Thái Thụy, hầu như xã nào cũng có thợ bẫy cò. Nổi danh nhất phải kể đến các “chuyên gia” bẫy cò ở những xã ven biển, giáp khu rừng ngập mặn như Thụy Hà, Thụy Duyên, Thụy Trường…

Với các thợ bẫy cò, công việc của họ không những là miếng cơm manh áo mà còn là một thú vui trong những lúc tháng ba ngày tám.

Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6, lúc lúa đang thì con gái, đàn cò từ phía Nam bay về sau mùa tránh rét, dân bẫy cò lại kéo nhau ra cánh đồng giăng bẫy.

Cò kiếm ăn ở cánh đồng Thái Thụy. 

Lão Minh, là thợ bẫy cò đã có 60 năm kinh nghiệm bảo rằng: “Từ ngày tóc để chỏm đã ôm bó nhựa theo bố, theo ông đi bẫy cò, còn nghề bẫy cò có từ bao giờ thì không thấy ai nói”.

Và với 60 năm trong nghề, dân Thụy Duyên đã quen mồm gọi lão là Minh “cò”. Lúc còn trẻ, khỏe, cứ đến mùa cò về, lão lại vác bẫy đi hết đồng xa, đồng gần, giờ đã ở tuổi 70, không còn đủ sức để dậy sớm, đi xa, thì lão vác bẫy ra cánh đồng làng.

Tuy đã già yếu song mỗi lần cò dính nhựa lão lại như lên đồng, nhanh nhẹn lạ thường. Những chú cò tội nghiệp chấp chới trong bẫy chẳng thể nào thoát khỏi bàn tay gầy guộc của lão.

Hai chú cò mồi có nhiệm vụ gọi bầy cò đang bay trên trời xuống. 

Lớp hậu sinh ở Thụy Duyên phải kể đến Toàn “híp”. Gọi gã là Toàn “híp” vì gã có đôi mắt bé tí như mắt cá trê. Thế nhưng, từ lúc đàn cò còn như những con kiến lẫn vào đám mây ở phía chân trời gã đã có thể phân biệt được là loại cò gì, chim gì và nhìn cái cách cò bay gã biết cò có xuống đồng không.

Toàn “híp” tuy mới 21 tuổi, song cả tuổi thơ của gã lam lũ với ruộng đồng, với những cánh cò, cánh vạc nên sớm lành nghề, đến nỗi những bậc tiền bối cũng phải nể.

Những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở khắp đất Thái Thụy đâu đâu cũng in dấu chân gã, và người ta đã quen với gã qua cái dáng lênh khênh trên chiếc xe Tàu cà tàng, sau lưng đeo bó que nhựa và chở theo một lồng cò mồi trắng như những tia nắng ban mai.

Cò mồi giả. 

Tuyệt vọng thân cò

Bẫy cò của dân chuyên nghiệp ở Thái Thụy thật vô cùng đơn giản, chỉ cần 7-8 con cò ruồi làm cò mồi đã được nuôi từ năm trước.

Nhựa dùng để đặt bẫy là loại nhựa thông cực dính mua ở mạn ngược. Đến mùa săn cò, họ nấu nhựa chảy ra rồi thả những chiếc que tre vót nhẵn như những cái đũa vào nồi cho nhựa quấn vào que.

Thợ bẫy cò và chiến lợi phẩm. 

Dân bẫy cò chọn cánh đồng rộng, bằng phẳng, không có người qua lại rồi kiếm bờ ruộng thấp, rộng để cắm que nhựa thành những cái bẫy. Những con cò mồi được buộc vào những chiếc cọc tre mềm rồi cắm ở dưới ruộng, gần với nơi cắm nhựa.

Mới sáng sớm tinh mơ mà mấy con đường làng ở Thụy Duyên đã tụ tập đông người. Người bẫy cò, người xem và cả dân thu mua cò đã kéo đến.

Những cuộc bẫy cò đã thực sự là thú vui của người dân nơi đây, cái thú vui được nhìn thấy những chú cò rã cánh trong tuyệt vọng. Tất cả người xem lẫn thợ bẫy đều im lặng, ngồi bất động ven đường. Những đôi mắt cú vọ luôn nhìn về phía chân trời để phát hiện những đàn cò đang sải cánh sắp bay qua bầu trời.

Cò đậu ở vùng ven biển Thái Thụy. 

Bất ngờ đồng loạt thợ bẫy cò giật dây khiến những chú cò mồi vẫy cánh trắng xóa trên nền xanh của đồng lúa đang thì con gái. Phải mấy người chỉ tôi mới nhìn thấy những vết đen nhỏ như nét bút chì in trên nền trời nhấp nhô lẫn trong những đám mây.

Đàn cò dần tiến tới, càng gần thấy càng đông, ước chừng có đến cả trăm con đang sải cánh vội vàng, cái vẻ vội vàng của kẻ xa quê lâu ngày sắp được trở về đoàn tụ.

Thế nhưng, đang bay trên trời, thấy đồng loại ở dưới cánh đồng vẫy cánh, đàn cò ưa kết bạn đã không lạnh lùng bay qua mà kéo nhau sà xuống đồng ruộng.

Cò chờ bị làm thịt. 

Lũ cò lia lịa bị dính nhựa, con dính nhiều thì vỗ cánh trong tuyệt vọng, con dính vài que thì cố đập cánh tìm cánh thoát thân. Thế nhưng, càng cử động mạnh thì nhựa dính càng chặt, con nào thoát chết thì nháo nhác bay đi.

Đàn cò đã liệng cả xuống bẫy của Toàn “híp”. Hàng chục người chạy ra nhặt cò dính nhựa và lần tìm chúng khắp cánh đồng.

Từ sáng đến chiều, liên tục những đàn cò bay qua bầu trời tìm về tổ ấm phải trải qua rất nhiều những cái bẫy. Chúng không dính bẫy này thì dính bẫy khác.

Từ sáng đến tối có mấy chục lượt đàn cò bay ngang bầu trời cánh đồng Thụy Duyên và có đến cả chục lượt chúng sà xuống bẫy này, bẫy khác, và như vậy cũng có đến vài trăm cánh cò bị dân bẫy cò Thụy Duyên cho… lên đĩa.

Xưa kia, bẫy cò chỉ bằng nhựa thông, nên nhiều con dính nhựa rồi, nhưng khỏe thì có thể kéo cả que nhựa bay đi, hoặc vài con dính rồi, con khác sợ cũng bay mất, nhưng giờ đây, thợ săn cò nghĩ ra cách dùng bẫy chuột bán nguyệt để bẫy cò.

Hàng trăm bẫy chuột được rải khắp bờ ruộng bên cạnh những que nhựa cắm chi chít. Dùng cách này, khi đàn cò sà xuống, cỡ 20-30 con mất mạng là chuyện thường.

Vậy là, mỗi năm chỉ bẫy cò 3-4 tháng, lão Minh “cò”, Toàn “híp” cùng hàng chục thợ săn cò khác ở Thụy Duyên có thể dễ dàng kiếm được vài chục triệu đồng. Đó là mức thu nhập không dễ gì có được ở vùng quê nghèo này.

Thịt cò – đặc sản của người Thái Thụy

Dọc vùng ven biển Thái Thụy, đến mùa cò về, trên những cánh rừng sú vẹt ngập mặn cò đậu trắng trời. Vài trạm biên phòng ven biển, ngoài nhiệm vụ trông giữ biên giới còn có nhiệm vụ bảo vệ đàn cò.

Thế nhưng, chỉ cấm được người dân vào rừng săn cò chứ không thể cấm được người dân bẫy cò trên cánh đồng làng khi cò về tổ phải bay qua.

 
Cò được bày bán ở chợ Gú (Thái Thụy). 

Trong những ngày tháng 3 đến tháng 6, về các chợ quê ở Thái Thụy như chợ Thượng, chợ Lục, chợ Gạch, chợ Gú… có cả dãy hàng bán cò.

Cò được nhốt đầy lồng như nhốt vịt, nhốt ngan, hoặc đã được vặt lông, moi ruột, thui vàng.

Giá cò chỉ từ 15 đến 20 ngàn đồng một con, rẻ không đâu bằng. Ngày nào, mỗi chợ cũng tiêu thụ hết vài trăm con.

Trong khi, với người dân nơi khác, thịt cò rất tanh, không được ưa thích, thì người dân Thái Thụy lại coi nó là đặc sản.

Người dân vùng ven biển này chế biến cò thành rất nhiều món đặc sản như: cò nướng, cò băm viên, cò áp chảo, cò nấu miến, chả cò, cò xào xả ớt, cò hấp, cò hầm hạt sen…

Ngoài ra, ở thị trấn Diêm Điền và các thị tứ trên khắp huyện còn mọc lên hàng chục quán nhậu đặc sản thịt cò. Tính ra mỗi ngày, trên địa bàn huyện Thái Thụy cũng tiêu thụ hết cả ngàn thân cò tội nghiệp.

Cứ tình trạng tận diệt cò như thế này thì chẳng mấy năm nữa sẽ chẳng còn thấy cánh cò trắng nào dập dìu trên những cánh đồng quê bát ngát xanh nữa.


Phong Diễm


Bình luận
vtcnews.vn