Người mất mạng, kẻ tự chặt tay, rạch thịt vì… đại xà

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 21/04/2012 10:17:00 +07:00

(VTC News) - Kỳ lấy dao rồi kê ngón tay lên viên gạch, nghiến răng chặt đứt phăng ngón tay, thoát chết. Kỳ thả mẩu ngón tay vào chai rượu làm kỷ niệm.

(VTC News) - Kỳ lấy dao rồi kê ngón tay lên viên gạch, nghiến răng chặt đứt phăng ngón tay, thoát chết. Kỳ thả mẩu ngón tay vào chai rượu làm kỷ niệm, nhắc mình phải luôn cẩn trọng.


Nhiều gia đình ở Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) kiếm bạc tỉ, trở nên giàu có nhờ con rắn hổ chúa thì đã rõ, nhưng cũng không ít chuyện buồn liên quan đến ngôi làng này.

Nghe những người dân Phụng Thượng nói chuyện về nghề nuôi rắn và chứng kiến công việc thường ngày của họ mới thấy đây là một nghề quá nguy hiểm. Người dân nơi đây đang sống chung với tử thần. Chỉ cần một chút sơ ý, con vật mà họ “nâng như nâng trứng” sẽ cướp đi tính mạng của họ bất cứ lúc nào.

Nuôi rắn hổ chúa là bất hợp pháp, nên phải nuôi trộm ở nơi kín đáo. 

Rắn hổ chúa là động vật hoang dã, chưa thích nghi với môi trường nuôi nhân tạo, nên khi mới đem về nó không tự ăn mà phải vạch miệng nó ra để đút. Lúc trái gió trở trời, rắn mệt, không chịu ăn, cũng phải đút cho nó. Đây là công việc nặng nề và nguy hiểm bởi một sơ suất nhỏ là toi mạng ngay. Ranh giới giữa sự sống và cái chết của nghề nuôi hổ chúa mỏng manh như sợi tóc.

Tôi hỏi chị bán hàng nước đầu đường, đã có bao nhiêu người bị rắn cắn chết, chị lắc đầu nguây nguẩy: “Không thể nhớ hết được, phải vài chục mạng người rồi. Ít nhất có khoảng 20 đàn bà góa chồng vì rắn chúa”.

 

Ông Băng thì rầu rầu: “Ngày trước, chưa có thuốc giải độc, mỗi năm lũ rắn cướp đi 3 – 4 sinh mạng. Giờ không chết nhiều như thế, nhưng thi thoảng vẫn có người bỏ mạng vì rắn”.

Ông Băng kể, ông Dương Văn Quý, 50 tuổi, khi đang bắt con rắn chúa lên cân thử thì bị nó đớp vào tay. Mặc dù trong nhà có thuốc uống và thuốc đắp kịp thời rồi đưa ngay về Bệnh viện Bạch Mai, song ông đã chết sau 10 ngày bất tỉnh.

Bà Hoàng Thị Gia, 52 tuổi, ở thôn Đông, cũng mất mạng một cách vô cùng đáng tiếc. Hôm ấy, bà thò tay vào tủ lấy quần áo liền bị một con hổ chúa cắn vào tay. Tưởng chuột bà thò tay vào đuổi và bị cắn tiếp.

 

Độ một giờ sau, khi vết cắn sưng tấy, cũng là lúc anh Dũng, cháu ruột bà phát hiện chuồng nuôi rắn thiếu một con. Mọi việc chữa chạy đã quá muộn, nọc độc của rắn đã chạy khắp cơ thể khiến chân tay bà run rẩy, đờm kéo đặc cổ làm tắc đường thở. Bà tử vong khi mọi người chưa kịp đưa đi viện.

Trước cái chết của bà Gia vài tháng, là cái chết thương tâm của anh Thùy, người thôn Tây. Anh Thùy là ông chủ của một trại nuôi rắn có tiếng trong xã. Anh bị rắn hổ chúa cắn khi cho nó ăn. Anh chết đi, để lại hai đứa con thơ dại.

Chỉ một cú mổ của rắn hổ chúa là mất mạng như chơi. 

Rồi tiếp đó là cái chết của anh Nguyễn Văn Chuyên, người cùng thôn, là cháu rể anh Thùy. Trong lúc mua rắn giống loại hổ chúa về nuôi, anh sơ ý bị một con chỉ bằng nắm liềm căn vào cổ tay. Ngay lúc đó gia đình đã sơ cứu và đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai, nhưng vì loài rắn này có nọc độc quá mạnh nên các bác sĩ đành bó tay. Anh Chuyên tử vong khi mới 22 tuổi, để lại người vợ trẻ và đứa con chưa đầy 1 tuổi.

Đau lòng nhất là chuyện của chị Đặng Thị Ph. Vợ chồng chị khó đẻ, nên lấy nhau mấy năm, chạy chữa khắp nơi mới sinh được một cháu gái.

Chuồng nuôi rắn. 

Đợt đó, trời nóng, sợ rắn chết, nên chồng chị nhốt vào lồng và đưa vào trong nhà hơn chục lồng rắn. Thế nhưng, con rắn chúa nặng 7kg phá lồng chui ra, mổ chết cô con gái của chị.

Những ca tử vong do bị rắn độc cắn liên tiếp xảy ra trong nhiều năm qua dường như chẳng còn lạ gì đối với người dân xã Phụng Thượng – những người chuyên sống bằng nghề nuôi rắn hổ mang chúa.

Những trường hợp may mắn thoát chết song để lại di chứng như bị tháo khớp ngón tay, khuỷu tay, khớp chân… thì nhà nào cũng có.

Ông Thao ở thôn Nam, một chủ hộ nuôi rắn có thâm niên trong nghề, cũng dăm ba lần bị rắn cắn. Những vết cắn khiến thối thịt nên phải khoét bỏ, rồi khâu, đắp, vá để lại những vết sẹo sần sùi, gớm ghiếc trên tay.

Rắn đang lột xác thường rất hung dữ. 

Anh Kỳ, con trai ông cũng vài lần bị rắn cắn, trên bắp tay còn để lại chi chít sẹo dài do dùng dao khứa nhằm thoát máu độc. Có lần, cho rắn ăn, bị một con hổ mang chúa cắn vào đầu ngón tay, Kỳ lấy dao rồi kê ngón tay lên viên gạch, nghiến răng chặt đứt phăng ngón tay, thoát chết. Kỳ thả mẩu ngón tay vào chai rượu giữ làm kỷ niệm, nhắc mình phải luôn cẩn trọng.

Chuyện người bị rắn cắn vào ngón tay, lập tức dùng dao chặt đứt ngón tay có rất nhiều ở Phụng Thượng. Một số người ngâm ngón tay vào rượu làm kỷ niệm, một số thì đem chôn.

Nhưng rùng rợn và dũng cảm nhất phải kể đến vụ anh Trần Văn Minh tự xẻ thịt (theo đúng nghĩa đen) của mình vì bị rắn cắn.

 

Cách đây khoảng 10 năm, khi đang chọn rắn giống, anh bị một con đớp vào bắp tay. Biết rằng nọc độc đã ngấm vào cơ thể, anh liền gọi mọi người giúp sức. Không ai dám cầm dao rọc thịt anh, anh đã tự rọc.

Anh cầm dao sắc cứa dọc bắp tay, phanh thịt ra, để máu lẫn nọc độc chảy ra xối xả. Mọi người cấp tập đưa anh đi bệnh viện và sẵn sàng hiến máu cho anh.

Vụ đó, anh Minh nằm Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai 3 tháng, tiêu tốn 50 triệu đồng.

Ngoài nỗi lo giữ mạng sống, thì người Phụng Thượng còn canh cánh nỗi lo lớn hơn, đó là áp lực từ các cơ quan bảo vệ loài bò sát quý hiếm này. Nhiều gia đình mất trắng do bị kiểm lâm thu giữ khi họ vận chuyển rắn đi tiêu thụ. Mặc dù người dân Phụng Thượng nuôi rắn sờ sờ ra đấy, mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn, nhưng mọi việc đều làm theo kiểu lén lút. Vụ nào vận chuyển trót lọt thì thu hồi được vốn, có lãi, còn bị bắt thì coi như sạt nghiệp, thậm chí còn vướng vào vòng lao lý.

 

Được biết, diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ có 10 thước/người và mỗi ngày một thu hẹp. Với từng đó ruộng, không thể canh tác kiểu gì để đủ ăn, chứ đừng nói đến chuyện làm giàu. Vậy nên, dù việc nuôi rắn chúa, buôn bán loài rắn này là phạm pháp, song họ buộc phải làm.

Tôi gặp gỡ một lãnh đạo xã, hỏi chuyện nuôi rắn chúa, ông lắc đầu không muốn tiếp. Ông bộc bạch rằng, nhà báo gặp ông là đẩy ông vào thế bí. Bởi vì, nếu nói trong xã không có ai nuôi rắn thì là nói dối, còn nói có, thì cả làng, cả xã sẽ chửi ông vì tội không biết bảo vệ dân.

Ông kể rằng, đã từng có chuyện kiểm lâm về làng kiểm tra, bị cả làng kéo ra quây lại, đuổi đi. Họ sẵn sàng chống trả quyết liệt để bảo vệ con rắn, miếng cơm manh áo của họ. Họ đã đem mạng sống ra đánh cược với loài rắn cực độc, thì không có lý do gì để họ không liều mạng bảo vệ nó.

Mới đây, Công an quận Đống Đa, Hà Nội bắt khẩn cấp Trần Thanh Tịnh (42 tuổi, ở Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) về hành vi vận chuyển 5 con rắn hổ mang chúa, nặng tổng cộng 26kg.

Anh Tịnh đã mua số rắn này tại những gia đình quen biết ở làng mình, bán lại cho chị Hà, người Thanh Hóa. Anh Tịnh chở số rắn bằng xe máy, đến Đê La Thành (Đống Đa) giao hàng thì bị bắt quả tang.

Năm 2009, Công an TP Hà Nội bắt giữ hai đối tượng vận chuyển hai con rắn chúa trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Một con nặng 10,2kg, một con nặng 7kg.

Hai đối tượng gồm Hoàng Thị Chuyên (SN 1974, trú tại thôn Tây, cụm 3, Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) và Hoàng Xuân Đính (SN 1963, trú tại cụm 10, Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội). Hai người đã vận chuyển rắn từ cụm 3, Phụng Thượng để giao cho một người phụ nữ ở đường Huỳnh Thúc Kháng. Khi chưa kịp giao hàng thì đã bị bắt.


An Thái Duy
Bình luận
vtcnews.vn