Thực hư về pho tượng "mọc tóc" ở chùa Quán Sứ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 10/02/2012 05:00:00 +07:00

Những lời truyền miệng về pho tượng bỗng dưng mọc tóc khiến không ít phật tử các nơi đua nhau kéo về ngôi chùa cổ Quán Sứ (Hà Nội) để chiêm bái…

Thời gian gần đây, những lời truyền miệng về pho tượng bỗng dưng mọc tóc khiến không ít phật tử các nơi đua nhau kéo về ngôi chùa cổ Quán Sứ (Hà Nội) để chiêm bái…
 

Chùa Quán Sứ - Hà Nội.

 
Bức tượng duy nhất có… tóc!
 
Những lời truyền tai nhau trong dư luận về pho tượng một nhà sư trông hệt như người còn sống ở chùa Quán Sứ gần đây bỗng mọc tóc dường như khiến bầu không khí ở ngôi chùa cổ càng nhuốm màu huyền bí.

Nhiều người dân Hà Nội nghe tin đã kéo đến túm tụm xung quanh pho tượng thành tâm khấn vái. Không ít phật tử ở các tỉnh lân cận cũng vượt gần trăm cây số để tới chiêm bái pho tượng thiêng. Pho tượng được dư luận đồn thổi là bỗng dưng mọc tóc được đặt trang trọng trong gian nhà thờ Tổ của ngôi chùa.

Vị trí "đắc địa" ngay phía sau gian chính thờ Tam Bảo, với lối lên là những bậc đá thiết kế theo họa tiết cổ xưa bên cạnh những lùm cây um tùm dường như càng khiến nhiều phật tử thêm niềm tin về sự "hiện thân" của Đức Phật từ bi.
 
Pho tượng được đồn thổi là mọc tóc khá đặc biệt so với những pho tượng khác của chùa Quán Sứ nói riêng và những pho tượng  ở các ngôi chùa khác trên miền Bắc. Ấy là pho tượng đặc tả một vị sư mặc áo cà -sa màu vàng, ngồi xếp bằng, hai tay đặt thiền định phía trước.

Cả pho tượng chỉ cao chừng 50cm, đặt trong chiếc tủ kính nhỏ, thờ ngay chính điện trong gian nhà thờ Tổ. Pho tượng sống động đến nỗi người ta có cảm giác như đó là một con người bằng xương bằng thịt đang ngồi thiền.

Nhìn từng đường nét trên khuôn mặt như đôi lông mày, nét mũi, miệng , nếp nhăn hai bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp nhăn trên cổ... đều trông như của người sống. Từng vết chấm đồi mồi trên da hay những đường gân trên bàn tay cũng hiển hiện rõ mồn một. Đặc biệt trên đầu pho tượng Phật, quả nhiên là có tóc. Đó là lớp tóc bạc ngắn, mọc lấm tấm trên đầu pho tượng. Đây có lẽ là bức tượng duy nhất ở miền Bắc có tóc.
 
Pho tượng rất có hồn, như người bằng xương bằng thịt.   
Ảnh: Lã Xưa

Gốc tích pho tượng

Xung quanh pho tượng mọc tóc, nhiều lời đồn còn cho rằng đó là tượng của một vị sư người Pháp tu hành đắc đạo mà hóa Phật ?!

Không ít phật tử tin theo những lời đồn này bởi pho tượng có dáng vẻ của người châu Âu. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Quán Sứ) cho hay: Pho tượng được đồn thổi bỗng dưng mọc tóc, thực chất là tượng của vị sư cụ Thích Bình Lương. Đó cũng chính là vị sư có công cưu mang Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người còn hoạt động cách mạng ở Thái Lan.

Ấy là vào tháng 7/1928, khi Bác Hồ từ Đức sang Thái Lan thì Pháp đã phối hợp với cảnh sát Thái Lan lúc ấy truy bắt Bác. Giữa lúc hiểm nguy ấy, Bác Hồ đã lánh nạn vào một ngôi chùa Việt trên đất Thái vào tháng 7/1929. Trong cuốn hồi ký của bà Đặng Quỳnh Anh (Việt kiều Thái Lan) đã viết rằng, lúc đó Bác đi bộ từ U Đon vượt chặng đường 70km đến huyện Sa Vàng (tỉnh Sa Côn) mất 1 ngày.

Sau đó, Bác từ Sa Côn lên Bangkok (cách đó hơn 600km) và vào chùa Từ Tế (tên Thái Lan là Vắt Lô Ca Nu Kho) ở xã Chặc Ca Văn, huyện Xẳm Phăn Tha Vông - Bangkok. Để tránh sự theo dõi và truy lùng gắt gao của cảnh sát Thái Lan và mật thám Pháp, Bác Hồ phải cạo đầu, mặc áo cà sa giả làm sư và ẩn dật trong chùa.

Việc Bác Hồ có mặt tại ngôi chùa cũng được tác giả Trần Dân Tiên viết trong cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (NXB Sự Thật- 1975) là: "...Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động". Sau thời gian trên, Bác Hồ mới rời Thái Lan sang Thượng Hải, rồi sang Hongkong.

Khi Bác Hồ ở trong chùa Từ Tế trên đất nước Thái Lan, nhà sư Bình Lương lúc ấy giữ cương vị trụ trì chùa. Hòa thượng chính là người đã cưu mang Bác trong suốt thời gian ấy. Nhà sư Bình Lương sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tục danh của nhà sư là Phan Ngọc Đạt, ông còn được cộng đồng người Việt ở Thái Lan gọi là cụ sư Ba.
 
Tháng 3/1964, nhà sư Bình Lương bị bệnh nặng và có nguyện vọng được về nước để sống những ngày cuối cùng và gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ nguyện vọng này, Việt Nam đã có sự thoả thuận với Hội đồng thập tự Thái Lan và rồi tổ chức một chuyến bay đặc biệt đưa nhà sư từ Bangkok qua Vientiane về Hà Nội.

Khi ấy, Bác Hồ đã nhiều lần vào thăm hoà thượng Bình Lương trong bệnh viện Việt Xô. Hòa thượng Bình Lương có lần còn viết thư cho Bác. Trong bức thư ấy, hoà thượng đã tường thuật lại câu chuyện Bác vào thăm ông. Lần đó, Bác vào thăm nhà sư nhưng nhà sư đang bệnh nặng nên khi Bác hỏi: Ông còn nhớ tôi không, thì nhà sư lắc đầu. Khi tỉnh dậy, nhà sư được các bác sĩ kể lại, ông liền viết thư cho Bác Hồ.
 
Tượng mà như người thật

Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu cho biết: "Pho tượng của Hòa thượng Thích Bình Lương mới được rước về thờ tại chùa Quán Sứ vài năm nay. Trước đây, khi Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn sống, chúng tôi đã cùng sang Thái Lan, đến ngôi chùa nơi Hòa thượng Bình Lương tu hành khi xưa thì gặp người đệ tử của hòa thượng Bình Lương - nay đã là trụ trì chùa.

Đến năm 2008, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Việt Nam thì vị sư này sau khi dự đại lễ về đã đặt làm một pho tượng Hòa thượng Thích Bình Lương rồi rước về thờ ở chùa Quán Sứ cho đến giờ".

Thập niên 60 của thế kỷ trước, khi được Bác Hồ đưa về quê hương trong những năm cuối đời, đến năm 1966 Hòa thượng Thích Bình Lương yếu và mất ở Hà Nội. Hòa thượng Bình Lương được an táng tại chùa Long Ân (Quảng Bá, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Trong chùa Long Ân hiện vẫn còn bảng ghi công của hoà thượng Thích Bình Lương, trong đó ghi rõ cả quá trình hoà thượng tu tại chùa Từ Tế - ngôi chùa có công che giấu nhiều thế hệ người Việt Nam làm cách mạng.

Xung quanh lời đồn thổi về pho tượng là "hiệu thân" của Đức Phật nên mới có ánh mắt, nét mặt... giống người bằng xương bằng thịt đến vậy, trụ trì chùa Quán Sứ, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng cho rằng, pho tượng có nét chân xác, sống động như người thật.

"Pho tượng hòa thượng Thích Bình Lương hiện đang được thờ ở gian nhà Tổ, chùa Quán Sứ được làm rất chuẩn, rất đẹp. Ở miền Bắc, như tôi biết thì chưa có pho tượng nào thật đến như pho tượng hòa thượng Bình Lương hiện đang được thờ ở chùa Quán Sứ", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
 
Pho tượng "thật" như người sống cùng với những lời đồn thổi pho tượng tự mọc tóc khiến không ít phật tử hiếu kỳ tìm đến tận nơi chiêm bái. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu khẳng định: Đó chỉ là những thông tin thuộc dạng "tam sao thất bản", gây mê tín dị đoan. Không có chuyện pho tượng tự mọc tóc. Bởi ngay từ khi đúc, bằng những chất liệu đặc biệt, những người tạc tượng đã làm như thế! Tuy nhiên, đây là pho tượng "thật nhất" miền Bắc với sự lột tả chân thực đến từng nét mặt, thần thái của người tu hành.
 
Lã Xưa - GĐ&XH


Bình luận
vtcnews.vn