Thiếu phụ 50 năm khổ nhục với hình dạng giống tượng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 26/01/2012 03:12:00 +07:00

Mang thân hình dị dạng giống pho tượng thần gác cổng ở chùa làng, nên từ lúc sinh ra chị Nguyễn Thị Dính đã bị xa lánh, miệt thị.


Chỉ vì mang thân hình dị dạng giống pho tượng thần gác cổng ở chùa làng, lại thêm những tay, ngón chân dính vào nhau nên từ lúc sinh ra chị Nguyễn Thị Dính đã bị xa lánh, miệt thị. Đau lòng hơn chị còn bị người đời xem là "quái thai"...

Sống khổ hơn chết

Chỉ vì mang thân hình dị dạng giống pho tượng thần gác cổng ở chùa làng, lại thêm những tay, ngón chân dính vào nhau nên từ lúc sinh ra chị Nguyễn Thị Dính (50 tuổi, ngụ xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội ) đã bị xa lánh, miệt thị.

Người phụ nữ bất hạnh này “nổi tiếng” trong xã đến mức chỉ cần tạt vào một quán nước ven đường hỏi thông tin về “người đàn bà mang hình hài pho tượng”, khách đã được bà chủ quán hướng dẫn vanh vách: “Cái Dính giống pho tượng đấy à? Khó tìm lắm. Nó cứ vất va vất vưởng quanh năm suốt tháng. Không hiểu nó giờ là người hay hóa thành ma?”.

Ảnh minh họa. 

Bà cụ còn cởi mở “huy động” bà con lối xóm cùng khách lên đường đi tìm. Sau gần một tiếng đồng hồ lăn lộn tìm kiếm khắp các nghĩa trang, khu chợ đến mọi góc ngách trên địa bàn xã, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được người đàn bà bị người đời ruồng bỏ, xem là “quái thai”, thậm chí có lần còn bị chính mẹ đẻ của mình tính đến chuyện “vứt bỏ”.

Ngồi thu mình trên chiếc sạp hàng bỏ không ở một góc chợ Xà Cầu, người thiếu phụ bất hạnh say sưa trong giấc ngủ ngồi, phát ra những hơi thở như tiếng hú, vang cả một góc chợ. Đúng như lời người dân kể, những ngón tay và ngón chân người phụ nữ này dính vào nhau như một cái màng chân vịt, khuôn mặt bóng bẩy trông y hệt pho tượng. Cái tên Dính của chị cũng từ đặc điểm này mà người nhà gọi mãi rồi thành quen.


Cụ Lê Thị Hợi (83 tuổi, người từng đỡ đẻ cho mẹ người phụ nữ tật nguyền này) bộc bạch: “Không hiểu lý do gì mà lúc sinh ra, toàn thân con bé lại đỏ bầm như một cục máu đông, da dẻ nhờn nhợt, chân tay dính vào nhau mà cái mặt lại nhăn nheo như ông cụ già, trông thật đáng sợ”.

Cũng theo lời cụ Lợi, khi sinh ra thấy con mình không bình thường, người mẹ của chị Dính đã sợ hãi ngất xỉu. Đến lúc tỉnh dậy, phần sợ gây hoang mang trong gia đình, người đời dèm pha; phần lo lớn lên con sẽ khổ, thậm chí rồi sẽ chết non nên bà đã tính đến chuyện vứt bỏ đứa con tội nghiệp của mình nhưng “bỏ thì thương, vương thì tội” nên bà cứ bỏ mặc đứa con tật nguyền.

Năm tháng cứ thế trôi qua, chị Dính cũng dần lớn lên trong vô thức của một cô gái “gàn dở”. Nghiệt ngã của cuộc đời cô cứ dần lớn lên, bởi khi mới 5 tuổi cô đã phải mồ côi cha, đến năm vừa tròn 17 tuổi chị lại mất mẹ. Sống với cậu em trai được vài tháng, chị phát bệnh rồi bỏ đi sống dặt dẹo ở các nghĩa trang, góc đường rồi lấp ló ở các khu chợ suốt hơn 30 năm qua.

Lời đồn vô lương tâm

Đem câu chuyện về người phụ nữ “mang thân hình pho tượng” thắc mắc với các cụ cao niên sinh sống trong làng, người ta mới thấu hiểu hơn những nỗi khổ của người phụ nữ này. Xóm làng đã không cảm thông, lại còn gán ghép cho gia đình chị những câu chuyện mang đầy màu sắc mê tín dị đoan.

Bà cụ Nguyễn Thị L (84 tuổi, một cao niên ở xã Quảng Phú Cầu) cho rằng người phụ nữ này khốn khổ như vậy là do... “quả báo”. Bà lão thì thào: “Ngày trước mẹ nó bán nước ở cổng chùa làng, ngày ngày vuốt ve chân tay, và mặt pho tượng trước cổng chùa nên đã mang thai. Khu vực này lại là nơi rất linh thiêng, thời gian mẹ nó mang bầu khớp với khoảng thời gian tự ý dựng túp lều nhỏ bán nước chè tại đây. Có lẽ sống ở gần chùa nên “âm khí” quá lớn đã khiến thai nhi biến dạng hình thể”.

Câu chuyện của bà cụ 80 tuổi bán trầu cau ở chợ Xà Cầu cũng hoang đường không kém khi lấy quan niệm mê tín để áp đặt cho cuộc đời của một gia đình. Bà lão chao chát mở đầu câu chuyện: “Nhà chùa ngày xưa khi chưa bị phá thì thiêng lắm, ai bảo dính vào nhà chùa làm gì?”. Để minh chứng lời mình nói, bà cụ dẫn ra những ví dụ: “Cách đây hơn 20 năm, có một người đàn ông vào ăn trộm của nhà chùa một con chó về làm thịt, đến lúc đốt rơm thui không hiểu sao anh ta lại… tự thiêu cháy mình, khi chết cũng nhe răng y như con chó.

Rồi có trường hợp, một hộ dân lấn chiếm đất đình chùa sau đó người nhà cứ chết dần, chết mòn, đến lúc biết chuyện phải mang lễ đến tạ, trả lại đất mới hết nạn… Trường hợp của cô Dính, nguyên do cũng có thể là do bố mẹ cô đã tự ý dựng túp lều tranh trên đất chùa để bán nước nên đã làm phật ý “bề trên”?”. Kể thì rõ chi tiết như vậy, nhưng khi hỏi “Bà có thể nói rõ đó là trường hợp nào?” thì bà lão mê tín này lảng đi: “Lâu quá rồi, nay không nhớ nữa”.

Những lời đồn ác ý này và cả những lời đồn rùng rợn khác như “hồn tượng nhập vào thai nhi”… không chỉ khiến người làng vô tình quên đi lòng nhân ái của mình, mà còn khoét sâu vào nỗi đau của người thân nạn nhân. Cô em dâu của chị Dính rầu rĩ chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao cuộc đời lại bất công với chị như thế. Không có tiền đưa chị đi khám nên không biết chị bị dị tật như thế là vì lý do gì, trong khi bố mẹ và chồng tôi đều là những người rất khỏe mạnh và không bệnh tật. Từ lúc mẹ mất, chị ấy ở với gia đình tôi được một vài tháng rồi lại bỏ đi dặt dẹo ở khắp các nghĩa trang, thi thoảng mới chuyển về ở khu chợ gần nhà.

Hiện gia đình đang rất hoang mang trước những lời đồn thổi vô căn cứ của người làng”. Không có mong mỏi gì hơn, những người em nghèo khổ của chị giờ chỉ có ước muốn lớn nhất là chính quyền quan tâm để người chị đáng thương của mình sẽ sớm được vào ở trung tâm người khuyết tật. “Nếu được như thế thì chị ấy đỡ khổ sở khi tránh sự dị nghị của người làng; lại được quản lý, có môi trường sống hòa đồng với những người đồng cảnh ngộ, gia đình cũng bớt đi đau xót khi thấy chị mình như thế mà “lực bất tòng tâm””, em trai người bệnh trải lòng.

Lủi thủi một mình giữa những nghĩa địa, xó chợ; không khi nào cất lên một tiếng nhưng người phụ nữ tật nguyền này có lẽ vẫn có cảm xúc. Cái lạnh màu đông không làm chị ấy run rẩy, nhưng sự xa lánh của người làng thì làm chị tủi thân. Trước đám đông vây quanh chỉ trỏ miệt thị, chúng tôi thấy mắt chị đỏ hoe rồi long lanh những ngấn nước. Chị đã khổ như vậy rồi, sao người làng còn nỡ đồn thổi những điều kỳ quái để giẫm đạp lên nỗi đau của người phụ nữ có cuộc đời đã bệnh tật còn chất chồng bất hạnh?

Hùng Võ - Hùng Mạnh/PLVN

Bình luận
vtcnews.vn