Những bí ẩn về “ông rồng” tự cắn xé thân mình

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 24/01/2012 07:09:00 +07:00

(VTC News) - Đây là công trình điêu khắc đầy quằn quại, một sự đau đớn không biết chia sẻ với ai, chỉ có thể tự cào xé thân mình.

(VTC News) - Có thể nói, đây là công trình điêu khắc đầy quằn quại, một sự đau đớn không biết chia sẻ với ai, chỉ có thể tự cào xé thân mình.

Tôi đã nghe láng máng câu chuyện về một bức tượng rồng đá kỳ lạ, tự nhe nanh nhọn hoắt cắn ngập thân mình, cong vuốt sắc nhọn xé từng đoạn thân, qua lời kể từ mấy năm trước của anh bạn là nhà phong thủy kỳ tài. Nhưng tượng rồng hay tượng rùa, thì cũng chỉ là tượng, là do con người tạo tác nên tôi không để ý lắm.

Rồi năm Nhâm Thìn đến, câu chuyện về bức tượng rồng kỳ lạ ấy lại hiện lên trong ký ức tôi. Thế là, tôi và anh bạn ấy lên đường, tìm về cái thôn có tên khá lạ Bảo Tháp, thuộc xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh.

Đền thờ Lê Văn Thịnh ở làng Bảo Tháp. 

Đền thờ vị Thái sư nổi tiếng trong lịch sử nước nhà Lê Văn Thịnh nằm trên một quả đồi thấp. Đền thờ mới được xây dựng lại theo nền móng cũ, khá nhỏ, nhưng cũng khang trang, sạch sẽ và ấm cúng.

Những ngày giáp Tết, mọi người bận rộn sắm Tết, nên chẳng thấy ai viếng đền. Sân đền lá rụng, cỏ cây hiu hắt trong gió lạnh.

Tôi tìm sang ngôi chùa Bảo Tháp ở ngay cạnh đền, tiếng chó sủa inh tai, bà cụ trông đền lọ mọ nhỏm dậy chui ra khỏi chăn ấm. Bà chỉ nhà để tôi tìm ông Nguyễn Đức Đam, người trông nom, hương khói ngôi đền.

Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong hậu cung. 

Khách gọi, ông Đam lật đật mang theo chùm chìa khóa. Biết tôi là nhà báo, ông vui lắm. Ông bảo, Thái sư Lê Văn Thịnh là người làng ông, là “trạng nguyên” đầu tiên của nước Việt, vinh dự lắm chứ, nhưng ông lại mang cái án oan tày trời, ngàn năm chưa ngoai đau đớn.

Dân làng ông cũng đau xót lắm. Thờ phượng ngài đã ngót ngàn năm nay, mà cứ phải dấm dấm dúi dúi. Có pho tượng chuyển tải khát vọng hàm oan của ngài, mà cũng phải đào sâu chôn chặt. Nhà báo thời nay thêm chút câu chữ nói lên nỗi oan khiên của ngài cũng là điều dân làng mong mỏi lắm.

Miếu Xà Thần, nơi thờ "ông rồng". 

Ông Đam mở cửa đền, thắp hương khấn vái, rồi vào hậu cung, nơi đặt tượng thái sư, xin ngài cho phép phóng viên được chiêm ngưỡng tượng “ông rồng”. Tôi nhìn ngang ngó dọc mãi trong ngôi đền nhỏ nhắn, vốn là ngôi nhà sinh ra Thái sư Lê Văn Thịnh, song tuyệt nhiên không thấy tượng rồng đá kỳ bí đâu cả.

Hương khói xong, ông Đam dắt tôi ra chái đền. Tại đây, có một ngôi nhà gỗ, nhỏ xinh, cửa khóa im ỉm gọi là miếu Xà Thần. Ông Đam mở cửa, thắp hương, khấn vái xin “ông rồng” cho phép mở áo. Xong xuôi, ông kéo tấm vải đỏ như máu. Một bức tượng hiện ra trước mắt.

Ông rồng được phủ một tấm áo đỏ. 

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, song tôi vẫn không khỏi sững sờ, sửng sốt trước hình ảnh vô cùng kỳ lạ của tượng rồng đá. Bức tượng có chiều cao ngót 1m, ngang chừng hơn 1m, nặng hàng tấn.

Có thể nói, đây là công trình điêu khắc đầy quằn quại, một sự đau đớn không biết chia sẻ với ai, chỉ có thể tự cào xé thân mình. Người dân trong vùng miêu tả nội dung bức tượng bằng một câu ngắn gọn: “Miệng cắn thân, chân xé mình”.

Về mặt hình tượng nghệ thuật, một số nhà nghiên cứu đã nhận xét, đây là bức tượng có một không hai, không chỉ chuẩn mực về nghệ thuật điêu khắc mà còn chuyển tải một thông điệp sâu sắc.

Ông Nguyễn Đức Đam chỉ nơi đào được "ông rồng". 

Theo lời kể của ông thủ từ Nguyễn Đức Đam, pho tượng kỳ lạ này được phát hiện vào năm 1991.

Ngày đó, các nhà khoa học bắt đầu nhìn nhận lại công trạng của Thái sư Lê Văn Thịnh, người mà hàng ngàn năm phải đeo án oan kẻ “hóa hổ giết vua”.

Cùng với việc xét lại lịch sử, các nhà khoa học tiến hành khai quật khu di tích, nơi từng là nhà ở, từng có ngôi đền mà nhân dân lập nên để thờ cúng “chui” vị “trạng nguyên khai khoa” của làng mình thời phong kiến.

Năm đó, thủ từ trông ngôi đền đổ nát này là cụ Phan Đình Phô. Các lãnh đạo cấp tỉnh, các nhà khoa học về họp dân bàn bạc việc khai quật khu di tích theo đúng thủ tục.

 
Hình ảnh cắn xé thân mình của "ông rồng".

Sau khi hương khói, cụ Phô được phân công là người cầm cuốc bổ nhát đầu tiên, mở đầu cho cuộc khai quật.

Nghĩ đến cái “tổ mối” đầy bí ẩn mà dân làng kính sợ, nằm ngay lối đi lên đền, cụ Phô liền vác cuốc tiến đến. Không rõ từ hàng trăm hay hàng ngàn năm, cứ đời nọ nối tiếp đời kia, người dân làng Bảo Tháp đều chăm lo, sợ hãi cái nấm đất ấy.

Các cụ già bảo rằng, nấm đất ấy là long mạch của làng, nên người dân phải chung tay bảo vệ. Nếu để mưa gió mài mòn, hoặc con người đào bới, nấm đất hao hụt, thì ắt sẽ có chuyện người chết, trâu bò điên, đói kém, mất mùa... Và những lời nguyền chết chóc đó đã xảy ra thật, nên không bao giờ người dân trong làng dám để nấm đất bị mài mòn.

 

Giờ đây, đã lễ lạt, hương khói, cả quả đồi sẽ bị đào tung, nấm đất bí ẩn này cũng sẽ bị múc đi, nên cụ thủ từ Phan Đình Phô không còn ngại ngần nữa. Bí ẩn ấy đi theo cụ đã ngót thế kỷ, nên đó là lúc cụ cần khám phá.

Cụ Phô không dám giương cuốc thật cao, bổ thật lực, mà cụ gẩy nhẹ lưỡi cuốc kéo từng chút đất một. Chỉ vét hết lớp đất màu, “long mạch” đã lộ ra rõ mồn một là một pho tượng rồng đá.

Câu chuyện phá long mạch và phát hiện tượng rồng đã khiến dư luận ầm ĩ. Nhà ông Đam ở ngay dưới chân ngôi đền, cách nấm đất kỳ bí có 30m, nên ông chứng kiến từ đầu đến đuôi. Mỗi ngày, có hàng ngàn người hiếu kỳ, mê tín kéo đến ngó nghiêng, vái lạy pho tượng. Người ta ném tiền như mưa rơi, phủ kín cả “ông rồng”. Lực lượng công an, dân quân được phân công túc trực ngày đêm canh giữ pho tượng quý.

"Ông rồng" được thờ phượng trang nghiêm trong miếu Xà Thần. 

Các nhà khoa học, chính quyền và nhân dân thảo luận xong, thì quyết định nhấc “ông rồng” lên khỏi lòng đất. Lạ thay, mấy chục thanh niên trai tráng ghé vai, cùng với đòn bẩy, xà beng, mà pho tượng rồng không hề nhúc nhích.

Thấy sự lạ, cụ Phô vào đền nhang khói, kính xin Thái sư Lê Văn Thịnh linh thiêng cho phép người dân được rước “ông rồng” lên thờ phượng. Không ngờ, xin phép xong, các trai tráng ghé vai nâng pho tượng thấy nhẹ bẫng.

Chẳng biết thật giả ra sao, nhưng những câu chuyện hư hư thực thực này đã khiến pho tượng ông rồng “miệng cắn thân, chân xé mình” thêm phần huyền bí.
 Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh: Rất có thể, với án oan “hóa hổ giết vua”, việc nhân dân lập đền thờ Lê Văn Thịnh vào thời Lý chỉ là thờ vọng một cách “bí mật”. Sang thời Trần, hầu như tất cả các danh nhân thời Lý đều ít có cơ hội được lập đền thờ. Trong lịch sử, Thái sư Lê Văn Thịnh được “gián tiếp” ghi nhận công trạng vào thời Hậu Lê, vì vậy nhận định ngôi đền thờ lớn nhất ở địa điểm này xuất hiện vào thời Hậu Lê là hợp lý.

Còn tiếp…

Trần Bình Thủy


Bình luận
vtcnews.vn