Chàng trai từ bỏ hôn ước để lấy "bà lão"

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 12/12/2011 08:11:00 +07:00

Ngày giao áo quần cho khách cũng đến, anh Phương đến sớm và nói với chị Mai rằng: "Chị có làm vợ tui không, nếu đồng ý thì mình làm đám cưới".

"Hôm đó, ổng vào đặt may đồ cưới cho mình, không hiểu sao ông cứ nằng nặc đòi tôi phải trực tiếp đo và may cho ổng...". Rồi ngày giao áo quần cho khách cũng đến, anh Phương đến sớm và nói với chị Mai rằng: "Chị có làm vợ tui không, nếu đồng ý thì mình làm đám cưới".

Khi mới 12 tuổi, cô bé Mai bỗng nhiên có nhiều biểu hiện bệnh tật lạ như nổi nhiều mề đay, mặt sưng vù và toàn thân liên tục ngứa ngáy. Mặc dù sau đó gia đình đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, hễ có người mách cho địa chỉ chữa trị nào hay là gia đình cất công tìm tới, nhưng tất cả đều vô vọng. Cuộc sống tủi nhục của cô bé cũng bắt đầu từ đây. 

Chị Mai và cô con gái.

Nỗi đau của cô gái mang hình hài già nua

Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, 27 tuổi, trú tại số nhà 21, đường Trần Quang Khải, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ khi mang trên mình căn bệnh toàn thân ngứa ngáy, da nổi từng mẩn đỏ, mặt thì sưng húp lên, cô bé Mai phải chịu biết bao là dị nghị của mọi người.

Đám bạn cùng trang lứa cứ xem Mai như một "con quái vật", chúng bảo là "bị SIDA" (AIDS-PV) nên không dám chơi cùng, cũng chẳng dám đến gần. Trong khi đó, người lớn độc mồm độc miệng thì thậm thụt nói với nhau rằng cô bé đã bị... ma nhập. Câu chuyện cứ được bàn ra tán vào và khuyên cha mẹ Mai đủ điều để "trừ" con ma đang hành hạ. Điều này khiến cô bé càng ngày càng cô độc, bị xem như người thừa trong xã hội.

"Đến lớp tôi được xếp ngồi một mình ở bàn cuối vì không có ai chịu ngồi cùng bàn. Nhiều lúc muốn hỏi bài nhưng không có ai đồng ý giúp đỡ vì cứ thấy tôi đến là mọi người lại bỏ chạy", Mai xót xa nhớ lại.

Ngồi cùng nhau trong căn nhà nhỏ của phố cổ Hội An, người mẹ đã ngoài năm mươi mà trẻ hơn rất nhiều so với cô con gái chưa đến tuổi ba mươi của mình. Nếu một ai đó không biết chuyện đi ngang qua, thế nào cũng ngỡ Mai là người mẹ già.

Bà Nguyễn Thị Mứt (52 tuổi) mẹ của chị Mai nhớ lại, con bà xuất hiện những nếp nhăn từ rất sớm và biểu hiện rõ trên khuôn mặt, sau đó đến vùng da cổ, tay và chân.

Bà Mứt kể: "Ban đầu, Mai có các biểu hiện ngứa, nổi mề đay, sưng vù mặt, người sút cân. Sau đó nghe nhiều người mách bảo, tôi mua rất nhiều thang thuốc Nam và thuốc Bắc để sắc cho con uống. Thấy da trở lại như người bình thường tui cứ nghĩ là hết bệnh. Nào ngờ sau này tình trạng bệnh càng thêm nặng.

Vợ chồng và đứa con trai chị Mai (hàng trước) cùng cha mẹ (hàng sau) trước ngôi nhà của mình.

Mai suy nhược cơ thể, ăn uống và ngủ rất kém. Trước đó nó hoạt bát, nhanh nhẹn, hay cười với gia đình, hàng xóm bao nhiêu thì giờ đây, khi căn bệnh diễn biến ngày càng trầm trọng, con tôi nó suy sụp, tủi thân, ngại tiếp xúc với mọi người bấy nhiêu.

Vợ chồng tôi có 3 đứa con, hai gái, một trai nhưng chỉ có Mai là mắc căn bệnh lạ lùng. Hai đứa kia cơ thể bình thường, không có biểu hiện bệnh tật gì hết", bà mẹ buồn bã kể.

Cuối cùng chị cũng may mắn được một cơ sở may mặc trên đường Nguyễn Trường Tộ nhận vào làm. Dù mức lương không cao nhưng đó là tất cả những gì chị có thể bù đắp cho gia đình sau những năm tháng vì chị mà khánh kiệt. Nhưng chừng đó vẫn chưa hết nỗi tủi thân của chị.

Vì khi còn làm ở cơ sở may được đóng bảo hiểm y tế, lúc đó chị Mai chưa biến dạng già nua, sau này tự nhiên già hẳn nên mỗi khi đến bệnh viện khám bệnh, bộ phận thanh toán bảo hiểm y tế bảo Mai mượn thẻ bảo hiểm y tế của người khác và đòi hỏi nhiều giấy tờ, khiến Mai phải chạy vạy xin xác nhận nhiều nơi mới được chấp nhận.

Hơn 2 năm nay, Mai không còn làm ở cơ sở may nữa nên không có thẻ bảo hiểm y tế và cũng không dám đến bệnh viện một lần nào nữa. Những tưởng cuộc đời của chị sẽ là những chuỗi ngày dài như thế. Nhưng rồi lời cầu nguyện kỳ diệu đã đến với chị, để chị có đuợc một gia đình, có một người chồng hết lòng thương yêu vợ và có hai đứa con kháu khỉnh.

Lời cầu hôn nhiệm màu của người đàn ông can đảm

Một ngày cuối tháng 7/2006, có người đàn ông vào tiệm chị đặt may một bộ quần áo để làm đám cưới. Người đàn ông đó chính là anh Trần Thanh Phương (SN 1976, ngụ phường Cẩm Thô, TP.Hội An), chồng chị Mai bây giờ. Hoàn cảnh của anh Phương cũng vô cùng éo le.

Anh Phương cũng sinh ra trong một gia đình khó khăn, bản thân anh từng có tiền sử bị bệnh tâm thần. Sau một trận ốm năm 1988, anh Phương tỉnh dậy với một con người ngây dại, mặc dù trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh.

Chị Mai được các bác sỹ bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) thăm khám

Cũng chính vì căn bệnh quái ác này đã khiến anh phải bỏ học giữa chừng. Rồi sau gia đình sắm cho anh một chiếc xe máy để anh làm nghề chạy xe ôm quanh quẩn trong thành phố để mưu sinh.

Một tháng trước khi cưới vợ, anh Phương tìm đến tiệm may chị Mai làm thuê để đặt quần áo. Và rồi như duyên cớ tiền định, anh Phương bỏ vợ sắp cưới để xe duyên với một "bà lão Mai".

Suốt cuộc nói chuyện về căn bệnh của mình, chị Mai luôn giàn giụa nước mắt. Nhưng khi kể về chuyện hôn nhân, đặc biệt là lời cầu hôn của chồng, trên khuôn mặt nhăn nheo rớm lệ của chị lại ánh lên sự rạng ngời, hạnh phúc đến khó tả.

Chị Mai cười tươi kể: "Hôm đó, tui đang may cái quần thì ổng vào đặt may đồ cưới cho mình. Không hiểu sao ông cứ nằng nặc đòi tôi phải trực tiếp đo và may cho ổng. Cứ nghĩ là chiều khách nên tôi được chủ quán yêu cầu may cho ổng, ai ngờ từ hôm sau ổng cứ đến miết để xem tôi may đồ".

Rồi ngày giao áo quần cho khách cũng đến, anh Phương đến sớm và nói với chị Mai rằng: "Chị có làm vợ tui không, nếu đồng ý thì mình làm đám cưới". Lúc ấy, biết bao cảm xúc mừng vui và âu lo đan xen lẫn lộn ập đến trong suy nghĩ của người phụ nữ tội nghiệp. Rồi một đám cưới đơn giản của hai gia đình nghèo được tổ chức nhanh gọn ngay sau đó, không ồn ào, rộn rã, nhưng chứa chan tình cảm...

Cứ thế, 5 năm sau đám cưới, cuộc sống của cặp vợ chồng này không có nhiều thay đổi. Vẫn những đứa cơm đạm bạc, bữa đói bữa no, chị Mai vẫn phải đối mặt với căn bệnh quái ác với một thể trạng ốm yếu. Tuy nhiên, điều khiến chị thấy an ủi nhất là chồng chị vẫn luôn ủng hộ hết mình cho việc chữa bệnh.

"Khi tui lên cơn ngứa ngáy không chịu được, ảnh liền nghỉ việc và loay hoay ở nhà cả ngày để chăm. Có khi trong nhà chỉ còn mấy đồng tiền ăn phải chi tiêu tiết kiệm nhưng ảnh mua cho tui đủ thứ để tẩm bổ. Nhiều lúc thấy ảnh nhịn để nhường đồ ăn cho tui mà tui rớt nước mắt", chị Mai thổ lộ.

Niềm hạnh phúc khôn tả của cặp vợ chồng là khi hai đứa con lần lượt ra đời và hoàn toàn khỏe mạnh. Năm 2007, con gái đầu lòng là Trần Thị Ngọc Anh ra đời, hai năm sau Trần Thanh Rô cũng cất tiếng khóc chào đời trước sự vui mừng khôn xiết của người nhà.

"Cháu muốn sau này mình làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Mẹ suốt ngày bị ngứa tội lắm", không biết người lớn có dạy không nhưng khi Ngọc Anh hồn nhiên kể chuyện thì nhiều người đã không khỏi xúc động. Nhìn anh chăm sóc cho người vợ của mình với những cử chỉ đầy yêu thương.

Chúng tôi hỏi: "Sao anh lại cưới chị Mai làm vợ" anh trả lời không chút ngại ngùng: "Tui không biết, thấy thương thì cưới thôi". Mặc dù không trở lại một người bình thường như trước nhưng anh Phương vẫn đủ tỉnh táo để ý thức và hành động với những câu chuyện, sự việc đơn giản. Bây giờ, anh chính là điểm tựa vững chắc cho chị Mai vượt qua mọi khó khăn, đối mặt với bệnh tật.

Ngay sau khi báo chí đăng tải về trường hợp của chị Mai, Bệnh viện Hoàn Mỹ  (Đà Nẵng) đã phối hợp hội chẩn liên viện với Bệnh viện T.ư Huế,  ĐH Y Huế nhằm "bắt bệnh".

T.S-B.S Ngô Hồng Phong, trưởng khoa khám Da liễu - Thẩm mỹ, thuộc BV Đa khoa Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cho biết: "Việc lấy lại nhan sắc, tuổi thanh xuân cho chị Mai là rất khó. Bởi các tế bào đã bị lão hóa. T

rong y học có hiện tượng gốc tự do khi lạm dụng thuốc, nhiễm độc thì có thể nó làm biến đổi các tế bào non trở thành tế bào già. Vấn đề cơ bản bây giờ là chữa cho chị ấy không còn ngứa, khỏi bệnh mề đay mãn tính nhưng việc trả lại nhan sắc là không làm được".

Mấy ngày vừa qua, chị được gia đình đưa ra Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng để lấy thuốc nhưng trên đường về thì bị ho liên tục. Sau đó chị còn bị nôn ói ra máu và người rất mệt nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hội An cấp cứu.

Những ngày qua thời tiết thay đổi cộng với sức đề kháng của chị Mai kém nên chị mới lâm bệnh nặng. Ngồi chăm vợ, giọng anh Phương vừa phấn khởi vừa ngây ngô đến chạnh lòng: "Nhờ các anh chữa bệnh cho vợ tui với, nhà tui chẳng có tiền", nghe thật xót xa.

Bùi Hữu Cường/ ĐS&PL


Bình luận
vtcnews.vn