“Vương quốc hoa ăn thịt người” ở Yên Bái

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 02/11/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Nhìn khắp Bản Mù chỉ thấy bạt ngàn màu tím và trắng đẹp đến nao lòng của “loài hoa ăn thịt người”.

(VTC News) - Nhìn khắp Bản Mù chỉ thấy bạt ngàn màu tím và trắng đẹp đến nao lòng của “loài hoa ăn thịt người”.

Trong vùng “tam giác vàng” ở Việt Nam, xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) được biết đến là nơi trồng thuốc phiện nhiều nhất vùng Tây Bắc. Nơi đây, từng có thời kỳ đồng bào trồng thuốc phiện trên nương, trong vườn như người miền xuôi trồng rau.

Tím trời anh túc

6 năm trước, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngăn của một đồng chí công an huyện Trạm Tấu rằng đường đất nguy hiểm, rằng tính mạng không bảo đảm, tôi cứ nhằm con đường nhỏ xíu, dốc ngược vào xã Bản Mù mà đi.

Nương thuốc phiện ở Bản Mù từng nhiều hơn nương ngô, nương lúa. 

Theo đồng chí công an, những đối tượng trồng, buôn bán thuốc phiện có thể sẽ “xử lý” những người lạ mặt vào vùng đất này.

Trung tâm xã Bản Mù nằm ở bản Mù Thấp, cách thị trấn Trạm Tấu 24km. Ngày đó, chỉ có cách đi bộ hoặc bám đuôi ngựa mà đi, bởi chưa có đường đi xe máy, lại quá dốc và nhỏ.

Bản Mù nằm trên đầu nguồn dòng suối Thia, một số bản nằm ở độ cao gần 2.000m. Vùng đất này lúc nào cũng chìm nghỉm trong mây mù, nên có tên như vậy.

Tuy nhiên, từ trung tâm xã Bản Mù, để đến được bản xa nhất như Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Tàng Ghênh, nằm trong vùng giáp ranh với Phù Yên và Bắc Yên của Sơn La thì phải mất một ngày đi bộ liên tục.

Xưa kia, trẻ em lên 10 ở Bản Mù đã biết hút thuốc phiện. 

Chỉ có những người Mông, như loài dê núi mới có đủ sức khỏe đi vào khu vực đó. Chính bởi sự heo hút mà từ nhiều năm nay, nơi đây trở thành “vương quốc” của loài cây thuốc phiện.

Trên nền đất đá vôi, lớp mùn dày, quanh năm chìm trong mây mù sương núi, lạnh giá, nên không loài cây gì lớn nhanh, cho năng suất cao như cây thuốc phiện.

Mùa đông, sương muối lạnh tê tái, tuyết phủ trắng trời, nước đóng băng thành cục lẫn trong đất, đến cỏ cũng phải khô héo, vàng úa, nhưng kỳ lạ thay, chỉ cần rắc hạt xuống đất, anh túc nảy mầm và lớn như thổi.

"Hoa ăn thịt người" từng mọc bát ngát ở Bản Mù. 

Ngày đó, tôi đã đi dọc con suối Hát Lừu bắt nguồn từ ngọn núi “máy bay rơi” có tên U Bò ở khu vực giáp ranh 3 huyện Phù Yên, Bắc Yên và Trạm Tấu, đi qua các bản làng Mông trước con mắt soi mói của những kẻ trồng, chế biến thuốc phiện.

Tôi đã nhận ra rằng, nơi đây, cây anh túc được trồng bạt ngàn trên nương, trong vườn, sau nhà. Anh túc mọc lan cả ra ven suối, ngay bên đường đi. Nhìn khắp Bản Mù chỉ thấy bạt ngàn màu tím và màu trắng của hoa anh túc, loài hoa “ăn thịt người” rất đẹp.

Phó Chủ tịch xã Sùng A Tính bảo rằng, trồng thuốc phiện không tốn nhiều công chăm sóc lại cho thu nhập rất cao, nên người Mông ở Bản Mù trồng thuốc phiện rất nhiều.  

Nương thuốc phiện bạt ngàn ở "tam giác vàng" Phù Bắc Yên. 

Đồng bào bản Mù không những trồng thuốc phiện để đáp ứng cho hàng trăm con nghiện trong xã mà còn đem bán như một thứ hàng hóa để kiếm tiền. Tiền kiếm được từ việc trồng thuốc phiện nhiều hay ít không ai rõ, chỉ biết rằng, đến nay Bản Mù vẫn có tới 70% số hộ đói.

Tôi vào một căn nhà lợp gỗ pơ-mu thấp lè tè nằm ở ngay đầu bản Giàng La Pán. Chủ nhà là Sùng A Chư, 50 tuổi, đang nằm còng queo dưới đất, quấn chiếc chăn nát bươm. Mấy chiếc bàn đèn nằm ở góc nhà.

Tôi lay mãi ông Chư mới thò đầu ra khỏi chăn bảo: “Thuốc nó vật ta quá nên ta không dậy được. Ta nằm ngủ chờ con trai mang thuốc phiện về cho ta hút ta mới có sức ngồi dậy”.

50 tuổi, nhưng ông Chư đã có thâm niên nghiện 40 năm. Vợ và 5 người con cả trai lẫn gái của ông đều nghiện tất.

Tôi hỏi: “Cả nhà cùng nghiện thế thì lấy đâu ra thuốc mà hút?”. Sùng A Chư chả ngại, nói luôn: “Nhà ta phải trồng thuốc phiện mới có thuốc hút chứ”. “Cả bản Giàng La Pán đều nghiện à?”. Lão Chư bảo: “Tổ tiên bản ta đều biết hút thuốc phiện, nên từ già đến trẻ bản ta cũng đều hút thôi”.

Hoa thuốc phiện. 

Càn quét anh túc

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cho đến hết năm 2005, cây anh túc đã được xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam. Thế nhưng, thực tế, trong thời gian đó, xã Bản Mù vẫn là một “vương quốc” bạt ngàn hoa anh túc.

Trước tình trạng thuốc phiện mọc tím trời ở Bản Mù, đầu năm 2007, Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo và phối hợp với Công an huyện Trạm Tấu, cùng các lực lượng liên ngành “đột nhập” vào xã Bản Mù để tiêu diệt loài hoa giết người này.

Vườn thuốc phiện mới gieo trồng. 

Sau nhiều ngày ăn rừng ngủ thác với nhiều đợt càn quét, con số diện tích triệt phá cây thuốc phiện được công bố khiến nhiều người giật mình.

Đoàn công tác đã triệt phá được tổng cộng 130ha cây thuốc phiện ở vùng “tam giác vàng” phía Trạm Tấu. Trong số đó, 95ha thuộc xã Bản Mù.

Số diện tích còn lại nằm ở khu vực giáp ranh của ba huyện, sâu trong rừng già, nhiều nhất là khu vực “máy bay rơi”. Tuy nhiên, phần lớn diện tích nằm ngoài xã đó cũng là do đồng bào Bản Mù gieo trồng.

Trong khi đó, cả xã Bản Mù chỉ có 88ha lúa, ít hơn diện tích trồng thuốc phiện. Những cán bộ tham gia triệt phá cây thuốc phiện nói vui: “Có lẽ người Bản Mù hút thuốc phiện để sống chứ không phải ăn cơm!”.

Trong đợt triệt phá cây thuốc phiện năm 2007, lực lượng liên ngành đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của những kẻ trồng loài “hoa ăn thịt người” này.

Không có thuốc hút, con nghiện vùng cao nằm vật vạ. 

Chúng đã đặt bẫy súng kíp ở khắp nơi để giết cán bộ. Thậm chí, 4 tên gồm Tráng A Hanh, Tráng A Su, Tráng A Sử và Tráng A Tràng đã đốt rừng từ nhiều hướng để “nướng” đoàn cán bộ.

Hành động của chúng đã khiến hàng trăm ha rừng nguyên sinh bị thiêu trụi. Tỉnh Yên Bái đã phải huy động một lực lượng lớn mới dập tắt được đám cháy.

Cũng may, sau hai ngày chiến đấu với ngọn lửa, có sự hỗ trợ của những cơn mưa rào lớn, đám cháy mới được dập tắt.

Trong quá trình vào rừng chữa cháy, đoàn cán bộ lại phát hiện thêm hàng chục ha thuốc phiện nữa.

Những chiếc bàn đèn như thế này còn rất nhiều ở Bản Mù. 

Giờ trở lại Bản Mù, đã có đường ôtô mới toanh vào tận trung tâm xã. Tôi phóng xe máy chừng một tiếng đồng hồ đã lên đến nơi.

Chính quyền tỉnh làm con đường này với quyết tâm đưa ánh sáng văn minh đến với Bản Mù và để việc triệt phá thuốc phiện dễ dàng hơn.

Bí thư xã Sùng A Phang bảo rằng, sau đợt triệt phá thuốc phiện rất “hoành tráng”, chúng tôi đã tổ chức đi cai tập trung cho 40 người. Nhiều người trong số đó đã đoạn tuyệt được với nàng tiên nâu.

Từ năm 2008 đến nay, cứ đến đầu tháng 11 cho đến tháng 2 năm sau, lực lượng liên ngành đều vào Bản Mù triệt phá cây thuốc phiện, song “thành tích” triệt phá mỗi năm chỉ là trên dưới 2ha.

Tôi hỏi Sùng A Phang rằng: “Với lượng triệt phá ít như vậy liệu có phải cây thuốc phiện được trồng ở Bản Mù ít hơn so với ngày trước?”. Sùng A Phang bảo, đồng bào Bản Mù đã ít trồng thuốc phiện để buôn bán, nhưng có thể vẫn lén lút trồng để hút.

Bản Mù vẫn còn nhiều người nghiện lắm! Tôi hỏi mấy ông già nằm còng queo ôm bàn đèn, những người Mông vốn chân chất cứ nói thật: “Không trồng lấy gì mà hút!”.

Để lực lượng liên ngành không phát hiện được, họ đem hạt anh túc vào tận vùng “tam giác vàng” để gieo. Loài cây “ăn thịt người” vẫn còn ẩn hiện nở hoa trên những vách núi, khe suối trong đại ngàn Tà Xùa Phù Bắc Yên.

Còn tiếp…

Quân Lê
 

Bình luận
vtcnews.vn