Nghị lực thần kỳ của chàng trai một chân

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 19/10/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Người ta cụt một tay hoặc cụt một chân đã coi là phế nhân, nhưng Vệ chỉ còn một chân mà vẫn trở thành ông chủ, đại gia của huyện nghèo cát trắng.

(VTC News) - Vụ quả bom tiện đứt hai cánh tay và một chân trái tưởng như đã chấm hết cuộc đời của Nguyễn Đức Vệ. Bản thân Vệ cũng chán nản tính nhảy lầu tự tử, nhưng rồi cuộc đời còn nhiều món nợ phải trả nên cố sống. Người ta cụt một tay hoặc cụt một chân đã coi là phế nhân rồi, nhưng Nguyễn Đức Vệ chỉ còn một chân mà vẫn trở thành ông chủ, đại gia của huyện nghèo cát trắng.

Kỳ 1: Quả bom oan nghiệt

Mảnh đất Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) kể từ ngày khai phá, đã 40 năm nay, vẫn chìm trong đói nghèo. Cha mẹ Nguyễn Đức Vệ là người xã Quảng Long về đây xây dựng kinh tế, rồi sinh ra Vệ năm 1972. Vệ lớn lên trong cảnh bần hàn. Bữa cơm trộn cám no bụng cũng khó lắm. Tuổi thơ của Vệ là những ngày lang thang vào rừng, tận phía bên kia đèo Ngang của đất Kỳ Anh, Hà Tĩnh để đào củ mài ăn cho đỡ đói.

Ngày Vệ ra đời cũng là ngày cha Vệ, ông Nguyễn Đức Gia bị trúng bom khi làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa trên chuyến tàu từ Hồng Kỳ (Trung Quốc) về Hòn La. Quả bom đã cướp mất đôi mắt. Người mẹ bệnh tật triền miên. Nhà nghèo, Vệ chẳng được đi học đến nơi đến chốn.

Cha con anh Nguyễn Đức Vệ. 

Năm 1992, Vệ lấy vợ làng cạnh. Túp lều hạnh phúc dựng lên giữa đụn cát trắng mênh mang. Vợ chồng lăn lưng móc cát dặm khoai, dặm sắn, nhưng khoai sắn cứ èo uột. Có khi nẩy rễ, mọc mầm rồi, gặp trận gió lớn, cát bay mù mịt lấp kín cả. Cải tạo cát không được, Vệ vào rừng kiếm củi, hái lá thuốc Nam, đào củ thuốc Bắc đem bán.

Đầu năm 1993, sinh con, ngó vào bồ thóc, thấy trống trơn, Vệ liều theo đám thanh niên trong làng vào “vùng đất chết”, nơi mà xưa kia Mỹ - Ngụy cài bom mìn rất nhiều để đào tìm phế liệu. Khi ấy, riêng ở xã Quảng Đông đã có 10 người tử nạn vì nghề đào phế liệu bom mìn. Có 3 người bạn cùng lứa với Vệ trong làng tan xác vì bom mìn, mấy đứa thoát chết nhưng què cụt nằm một chỗ chẳng làm ăn được gì.

Buổi sáng đầu tháng 2-1993, dưới chân đèo Ngang, Vệ bổ cuốc trúng quả bom bi. Một tiếng nổ rung chuyển đồi núi. Đám bạn chạy lại thì chỉ thấy cẳng tay, cẳng chân nát vụn nằm lay lắt. Vạch bụi rậm phủ đầy đất cát thấy một đống bầy nhầy, nhằng nhịt, te tua những sợi cơ. Máu chảy đầm đìa. Bộ quần áo tả tơi. Trên khuôn mặt cháy xém, hai môi vẫn mấp máy, tim vẫn đập phập phồng nơi lồng ngực.

Đám bạn khiêng Vệ về quẳng trước nhà ông Gia mù. Làng xóm nhìn thấy cái thây người mà hoảng hồn. Ai cũng chắc Vệ không thể sống được nên cứ để anh nằm trước hiên rồi bàn chuyện mai táng.

Chờ từ sáng đến chiều mà trái tim trong thây người nát bươm ấy vẫn kiên trì đập. Cả nhà xúm vào khiêng Vệ xuống bệnh viện thị trấn Ba Đồn. Bác sĩ nhìn Vệ ái ngại bảo: “Không cứu được đâu, để cậu ấy ra đi cho thanh thản”.

Nhưng lạ thay, chờ đến 9 giờ tối mà hai cánh mũi rách te tua của Vệ vẫn phập phồng thở. Bệnh viện Ba Đồn cho xe chở xuống bệnh viện Việt Nam – Cu Ba dưới Đồng Hới. Ở đây có bác sĩ giỏi, lại sẵn máu truyền nên Vệ nhanh chóng được phẫu thuật. Vậy là Vệ sống được.

Nguyễn Đức Vệ và gara sửa xe do anh làm ông chủ. 

Sau mấy tháng nằm bất tỉnh trong bệnh viện, khi mở mắt nhìn, Vệ thấy mình chỉ còn mỗi cái chân teo tóp. Cuộc đời như thế là hết còn gì. Vệ nói: "Ở bệnh viện lúc nớ tui cứ nghĩ phận mình, rồi khóc ngày... mười lăm dạo, tưởng hết nước mắt luôn".

Khi ngồi dậy được, Vệ nằng nặc đòi bệnh viện cho tập xe lăn. Dùng cùi tay đẩy xe ra hành lang tầng 3 bệnh viện, Vệ tì cùi tay vào lan can, vươn chân bò qua. Khi Vệ chuẩn bị lao xuống thì một bác sĩ chạy đến kéo lại.

Lần thứ hai, một người vào thăm bệnh nhân cứu sống. Rồi lần thứ ba, ông Gia vào giường quờ quạng không thấy Vệ đâu, ông chạy ra hiên vồ được con trai khi anh ta đang cố lao ra khỏi xe lăn.

Bực mình, ông Gia bắt xe về nhà ôm thằng cháu ngoại mới 11 tháng tuổi xuống bệnh viện quẳng vào lòng Vệ: “Mi bị rứa mà vẫn sống được mới tài, chớ muốn chết thì dễ quá đi. Mi còn con trai đó, đã hết cả mô mà chết. Mi chết đi rồi, tao đã già lại đui, ai nuôi nó?”.

Ôm con trong lòng mà nước mắt chảy ròng. Vệ không còn ý định chết nữa. Cậu con trai kháu khỉnh là hy vọng và cũng là trách nhiệm nặng nề mà anh phải gánh vác, phải đối mặt.

Chỉ còn một chân, song anh Vệ làm được mọi việc. 

Vệ ra viện sau 9 tháng nằm điều trị. Niềm vui đã trở lại trong căn lều rách nát tênh hênh giữa những đụn cát trắng bên bãi biển khi Vệ thấy rằng mình còn có cả một gia đình. Nhưng niềm vui ấy không được bao lâu thì nỗi đau mất vợ lại ập đến. Người vợ từng chịu đựng cảnh sống bần hàn đã là quá sức rồi, nay lại phải đèo bòng ông chồng tàn phế, cả ngày chỉ biết bò ra, lết vào, đứa con nhỏ và những khoản nợ rất lớn sau gần năm trời Vệ nằm viện thì không chịu nổi nữa. Chị dắt chiếc xe đạp cà tàng và bê 6 thúng lúa mọt đặt giữa nhà dứt khoát: “Anh chọn chiếc xe đạp hay 6 thúng thóc?”. Xe đạp Vệ không đi được nên có cũng vô dụng, còn thóc không có thì bố con chết đói nên Vệ chọn thóc.

Cô vợ quày quả dắt xe đi bán lấy tiền bỏ xứ vào Nam. Hai cái cùi tay vẫn còn rớm máu của Vệ ôm lấy đứa con khóc ngặt vì đói sữa mẹ. Trong căn nhà tranh rách rưới lộng gió có bàn tay người đàn bà còn khó khăn, thiếu đói, nay chỉ có một gã tàn tật và một đứa nhỏ không biết sống ra sao. Vệ khóc, con khóc. Từng đợt sóng biển vỗ bờ cát ào ào.   

Vệ dùng đôi tay sắt khéo léo kẹp ấm trà rót nước mời tôi: “Sau ni tui thấy mình đã phải chịu nỗi đau thân xác và nỗi đau đời như rứa là tận cùng rồi, nên dù có nỗi đau chi nữa tui cũng chịu được. Tui phải nghĩ cách để bố con tồn tại được trên đời. Cha tui ngày mô cũng động viên bằng câu ca “Còn da thì lông mọc, còn mầm thì nảy cây”. Tui thấy mình còn một chân, còn đôi mắt và cái đầu thì lo chi mà không sống được”.

Từ hôm ấy, người ta thấy ngoài bãi biển, dưới ánh trăng, cái bóng hình người liêu xiêu chỉ có một chân và một chiếc gậy. Đêm nào Vệ cũng tập đi đến tứa máu ở cùi tay, đến khi những chiếc thuyền câu mực đêm ngoài biển đã vào bờ Vệ mới về ngủ.

Nghị lực thần kỳ đã biến anh thành ông chủ. 

Một ngày, ông Gia mang cho con trai đôi nạng gỗ. Vệ kiếm hai miếng nhôm, uốn thành ống đút cùi tay vào. Ống nhôm được uốn cong lại rồi cưa rãnh tạo gờ để tì cố định vào nạng gỗ mà hất đi. Vệ dùng răng và chân phải buộc chặt chiếc dao vào ống tay rồi lần vào rừng chặt củi. Cả ngày vật lộn đến tóe máu cũng có được một bó củi nho nhỏ đeo trên vai, bán được 2-3 ngàn đồng, đủ tiền mua gạo cho hai bố con ăn.

Vệ buộc cán cuốc vào cùi tay xới đất trồng rau. Thả đàn gà, đàn vịt ngoài bãi biển cho nó tự kiếm ăn, tự lớn. Làng xóm đi biển, người cho mớ cá, mớ tôm nên bố con Vệ cũng sống lay lắt qua ngày.

Vệ nghĩ, nếu cứ quần quật làm lụng thì tồn tại được cũng là vất vả lắm, còn món nợ mấy chục triệu vay làng xóm những ngày nằm viện không biết đến khi nào mới trả được. Nghĩ vậy, Vệ quyết… đi buôn.

Vệ lục cục đôi nạng gỗ đến gõ cửa từng nhà hỏi vay vốn làm ăn, nhưng ai cũng ái ngại không dám cho Vệ vay. Người khỏe mạnh ở cái vùng đất chỉ có đá sỏi và cát trắng này còn sống lay lắt nói chi đến Vệ.

Vệ thuê xe ôm đến ngân hàng, nhưng nhìn hai cánh tay bằng nhôm và một cái chân cụt đến đùi, các cán bộ ngân hàng cũng lắc đầu. Không còn cách nào khác, Vệ rao bán mảnh đất và túp lều đang ở với giá một triệu đồng. Một lão thuyền chài từ biển lên trả 500 ngàn đồng. Nghĩ cảnh ông lão cũng khó khăn chẳng kém mình nên Vệ bán luôn.

Còn tiếp…

Dương Thụy Bình

Bình luận
vtcnews.vn